Nguyễn Tấn Dũng không còn ‘nắm’ Ban Chống Tham Nhũng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Nguyễn Tấn Dũng không còn ‘nắm’ Ban Chống Tham Nhũng


HÀ NỘI - Quốc Hội CSVN đang họp ở Hà Nội hôm 23 tháng 11 đã bỏ phiếu với đa số đồng ý loại bỏ ‘Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng’ hiện do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu và chuyển ban này sang Bộ Chính Trị, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc Hội CSVN hôm 14 tháng 11. (Hình: VNN)
Báo VietNamNet cho hay, quyết định này ‘với 94.98% số đại biểu tán thành’, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2, 2013. Ðồng thời ‘Quốc Hội’ đã thông qua luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Tuy nhiên, bản tin không cho biết là khi nào ‘Ban Chống Tham Nhũng’ mới này sẽ bắt đầu hoạt động.

Quyết định mới nhất của Quốc Hội CSVN được cho là bước tước bỏ một số quyền lực từ tay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ sau hội nghị trung ương lần thứ 6, mà ông Dũng vốn bị nhiều chỉ trích về các vụ án kinh tế lớn trong các tập đoàn quốc doanh do ông Dũng trực tiếp điều hành.

Thực ra, việc chuyển ‘Ban Chống Tham Nhũng’ từ chính phủ sang đảng từng được quyết định từ kỳ họp trung ương đảng kỳ 5 hồi giữa tháng 5, 2012, nhưng vẫn không có một văn kiện chính thức nên ông Dũng vẫn giữ chức này cho đến nay.

Ông Nguyễn Tấn Dũng khi biểu quyết luật chống tham nhũng là phó thủ tướng. Sáu tháng sau được đôn lên làm thủ tướng. Ngày 27 tháng 6, 2006 được Quốc Hội “nhất trí” cử làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố “Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức”.

Nhưng tham nhũng ngày càng tồi tệ hơn. Ông đã bị đả kích kịch liệt trong cả hai kỳ họp đảng vừa qua về vấn đề tham nhũng.

Khóa họp Quốc Hội cuối năm ngoái, ông lên tiếng nhận lỗi về tai tiếng tham nhũng thất thoát bạc tỉ đô la ở tập đoàn đóng tàu Vinashin. Năm nay lại xảy ra vụ tổng công ty tàu biển Vinalines, một số người bị bắt với nghi vấn lũng đoạn thị trường tài chính.

Khi ra Quốc Hội hôm 22 tháng 10 năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ xin lỗi về những yếu kém của chính phủ chứ không hề nói đến từ chức.

Gần đây nhất, hôm 14 tháng 11, khi bị một đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc đặt câu hỏi đại ý là ông có nên từ chức hay không, ông Nguyễn Tấn Dũng, tỏ ý sẽ không từ chức.

Ðại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc, hỏi ông Dũng rằng, “Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”

Ông Dũng nói, “Gần suốt cả cuộc đời theo đảng, tôi không có chạy, không có xin, không có thoái thác từ chối nhiệm vụ gì mà đảng, nhà nước phân công,” và rằng, “sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện như đã làm như 51 năm qua”.

Tháng 5 năm 2011 ông chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang được báo chí tường thuật kêu trước mặt cử tri ở Sài Gòn: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này.”

Ngay sau cuộc họp trung ương đảng đầu tháng 10 này ông Sang không nói thẳng tên ông thủ tướng mà chỉ đổ lên đầu “đồng chí X” tội làm cho tham nhũng ngày một tràn lan làm cử tri “bức xúc”.

Năm ngoái, khi tiếp xúc với cử tri, ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng kêu “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có...”

Ðề cập đến luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), theo VietNamNet, các quan chức khi kê khai tài sản sẽ ‘không kê khai tài sản của con cái, cha mẹ’.

VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội, nói rằng, “Việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay thì mới bảo đảm tính khả thi.”

Vẫn theo lời ông Hiện, “Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột... của người có nghĩa vụ kê khai, thường vụ Quốc Hội cho rằng, việc mở rộng khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định hiện hành.”

“Bởi trong trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định. Còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật, họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc kê khai hay không.”

Trước đó, trong buổi họp đầu tiên của khóa họp Quốc Hội, hôm 22 tháng 10 năm 2012, ông Huỳnh Phong Tranh thay mặt chính phủ báo cáo khoe phát hiện và truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 “đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Ông khoe rằng trong 5 năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết được 59,496 vụ trên tổng số 70,587 vụ tố cáo tham nhũng, tức chỉ giải quyết được 84.3% vụ. Tuy nhiên, trong số đó lại chỉ chuyển đến cho các cơ quan điều tra có 464 vụ, tức chưa được 1% của tổng số vụ việc.

Ông Tranh kêu rằng các vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra “ít là do thanh tra có khuyết điểm là thanh tra phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, do chất lượng cán bộ thanh tra chưa cao”.

Nhưng ông nhìn nhận “Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội”. Trong cuộc họp này, ông Tranh công nhận “có tiêu cực trong hoạt động thanh tra” đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến ít vụ việc tham nhũng bị truy tố.

Bản chỉ số xếp hạng tham nhũng tại Việt Nam hàng năm của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2011 cho Việt Nam 2.9 điểm. Ba năm liền từ 2008 đến 2010, Việt Nam chỉ được 2.7 điểm trên tổng số 10 điểm (là ít tham nhũng nhất). (K.N.)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad