Quan ngại lệnh mới của Trung Quốc, cần củng cố ASEAN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Quan ngại lệnh mới của Trung Quốc, cần củng cố ASEAN


Quỳnh Chi

Trong khi chính quyền trung ương Bắc Kinh chưa lên tiếng chính thức về lệnh mới của chính quyền tỉnh Hải Nam liên quan việc xét tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thì Hoa Kỳ và nhiều nước trong khu vực Châu Á tỏ ra quan ngại.

Phản ứng trước quy định kiểm tra tàu thuyền của TQ

Nhiều tàu hải giám (haijian) tối tân của TQ được đưa vào
tăng cường kiểm soát Biển Đông trong các tháng gần đây
Từ khi cơ quan lập pháp tỉnh Hải Nam thông qua qui định mới này, chính quyền trung ương chưa chính thức phản hồi hay nêu rõ chi tiết khiến luật mới còn khá mơ hồ đối với nhiều nước. Trao đổi với RFA qua email, ông Beginda Pakpahan, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế của truờng ĐH Indonesia, đồng thời đang làm công tác nghiên cứu tại Viện Công lý Toàn Cầu (Indonesia) đánh giá:



“Tuyên bố này sẽ làm dấy lên quan ngại giữa các nước Đông Nam Á, Đông Á và làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước có tuyên bố chù quyền chồng lấn như Việt Nam, Philippines cùng các nước khác”.

Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò”
mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông
và khu vực bãi cạn Scarborough. Unclos
Hồi cuối tuần qua, Philippines cho biết cũng đã gởi công hàm yêu cầu Bắc Kinh nói rõ về qui định mới của tỉnh Hải Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cũng không quên nhấn mạnh rằng lệnh mới của Trung Quốc là sự đe dọa trực tiếp đến cộng đồng quốc tế, vi phạm UNCLOS 1982 và cản trở tự do hàng hải. Tiếp theo sau lệnh mới của Trung Quốc, Manila bổ nhiệm đại sứ Trung Quốc mới mà theo giới quan sát,

nhân vật ngoại giao này là “kỳ cựu” và “có lập trường cứng rắn”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm giữa tuần cũng nói đã chuyển một kháng nghị thư cho đại diện sứ quán Trung Quốc về một loạt các sự việc xảy ra gần đây, ý muốn nói đến việc Trung Quốc cho in hộ chiếu đường lưỡi bò, sự cố tàu Bình Minh 02 và lệnh mới của tỉnh Hải Nam về việc cho phép cảnh sát biển tỉnh Hải Nam kiểm tra và trục xuất tàu thuyền nước ngoài.

Tuyên bố này sẽ làm dấy lên quan ngại giữa các nước Đông Nam Á, Đông Á và làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn như Việt Nam, Philippines cùng các nước khác

ông Beginda Pakpahan
Giữa lúc này, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc D.K Joshi cũng tuyên bố nếu cần thiết sẽ đưa tàu chiến Ấn Độ đến khu vực. Trong khi đó, trả lời Reuters tại Bắc Kinh hôm 5 tháng 12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh - ông Gary Lock nói rằng Washington đang yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ hơn về phạm vi áp dụng, mục đích cũng như mức ảnh huởng của qui định mới. Trước đó chưa đầy 1 tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - bà Victoria Nuland cũng khẳng định tương tự trước báo giới.

Viết trên Washington Times trong tuần này, đô đốc Hải quân Hoa Kỳ hiện đã về hưu, ông James. A. Lyons bình luận rằng tuyên bố của chính quyền Hải Nam “không thể chấp nhận được” và đáng bị lên án mạnh mẽ.

Không chỉ riêng các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh hay các nước bênh vực cho tự do hàng hải trên biển Đông lên tiếng quan ngại về lệnh mới của Trung Quốc, các nước không nằm trong khu vực tranh chấp như Singapore, Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về động thái mới của chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc.

Tàu Hải giám Trung Quốc tuần tiểu thường xuyên chặn
bắt tàu cá Việt Nam.
Trong khi Bộ Ngoại giao Singapore công khai quan ngại và yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Indonesia bày tỏ sự lo lắng ngay khi lệnh mới được truyền thông Trung Quốc loan tin.

ASEAN cần duy trì đoàn kết trước Trung Quốc

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sĩ Surin Pitsuwan, nói kế hoạch của Trung Quốc là diễn tiến mới “rất nghiêm trọng”, nhấn mạnh rằng động thái này sẽ làm tình huống leo thang.

Indonesia mặc dù không nằm trong danh sách các nước có tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Mọi nỗ lực hàn gắn khối Indonesia cho thấy ASEAN được đánh giá là một trong những phương tiện dàn xếp các bất đồng xảy ra tại khu vực. Cũng trong cuộc trao đổi với RFA qua email, ông Beginda Pakpahan cho rằng nếu muốn tạo ra một môi trường tích cực trên Biển Đông thì các bên liên quan phải thực hiện được hai hành động: thứ nhất là trên Biển Đông và thứ hai là trên bàn ngoại giao. Ông nói:

Các bên có liên quan có thể hợp tác với nhau trên những vùng tranh chấp. Thêm vào đó, khối ASEAN cần củng cố khi nói chuyện với Trung Quốc nhằm đạt được các mục đích đặt ra

ông Beginda Pakpahan
"Tại Biển Đông, tôi cho là các bên liên quan cần làm giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc cần giải thích cho các nước trong khối ASEAN những gì đang xảy ra nhằm tránh làm tình huống căng thẳng leo thang”.

Về phương diện ngoại giao, ông Beginda Pakpahan cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần một cách tiếp cận hữu hiệu hơn:

“Trên bàn ngoại giao, Trung Quốc và ASEAN có thể tiếp tục tìm một sự đồng thuận hữu hiệu hơn trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc và ASEAN đã ký với nhau bản Tuyên bố về Ứng xửa giữa các bên trên Biển Đông. Đây là nền tảng cho COC. Các bên có thể thương thuyết v tất cả các vấn đề và quan ngại liên quan đến Biển Đông. Sau đó, các bên có liên quan có thể hợp tác với nhau trên những vùng tranh chấp. Thêm vào đó, khối ASEAN cần củng cố khi nói chuyện với Trung Quốc nhằm đạt được các mục đích đặt ra”.

Mặc dù người đứng đầu văn phòng ngoại giao tỉnh Hải Nam, ông Ngô Sĩ Tồn hôm thứ Tư cho Reuters biết là lệnh mới này không phải là sáng kiến của Bắc Kinh nhưng cũng nói thêm là chính quyền Hải Nam chắc chắn đã báo cáo lên cấp trên và tham kiến những cơ quan có trách nhiệm.

Lệnh mới cũng được ông Ngô Sĩ Tồn cho biết là áp dụng lên cả khu vực đường lưỡi bò, cho phép cảnh sát Hải Nam kiểm soát tàu nước ngoài tại khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Theo thông tin ban đầu, đầu năm sau, lệnh mới này sẽ được áp dụng.

© Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
---------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad