Góp ý về Hiến pháp biến thành phong trào đòi dân chủ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Góp ý về Hiến pháp biến thành phong trào đòi dân chủ


Thanh Phương

Kể từ khi chính quyền Việt Nam tiến hành lấy ý kiến của người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, không ít người vẫn hoài nghi về thực tâm của giới lãnh đạo, nghĩ rằng rồi cũng chẳng đi đến đâu, giống như đợt góp ý cho Đại hội Đảng vừa qua. Nhưng bên cạnh đó cũng ngày càng có nhiều người tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp dưới hình thức này hay hình thức khác. Phong trào góp ý kiến này đang dần dần biến thành phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi tiên phong là giới trí thức.

Hiến pháp Việt Nam (DR)

Ví dụ vào đầu tháng 2 vừa qua, một nhóm ba người gồm giáo sư tiến sĩ Vật lý Đàm Thanh Sơn, giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập VietnamNet, đã cho ra đời một trang web lấy tên là «Cùng viết Hiến pháp». Trang web này chủ yếu nhằm đăng, hoặc đăng lại những bài phân tích về những nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt nam 1992, nhằm qua đó tạo một « không gian đối thoại dân chủ về việc sửa đổi Hiến pháp », theo như lời giới thiệu của ba trí thức nói trên.

Nhưng nổi bật hơn cả đó là sáng kiến của 72 nhân sĩ trí thức hàng đầu của Việt Nam khởi xướng bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, công bố ngày 19/01. Kiến nghị này đã được sự hưởng ứng rộng rãi của hàng ngàn người đủ mọi thành phần trong và ngoài nước, với số chữ ký nay đã lên tới hơn 4000.

Trong bản kiến nghị này, các nhân sĩ trí thức đã mạnh mẽ yêu cầu bỏ điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi quyền phúc quyết Hiến pháp cho dân. Họ cũng yêu cầu sửa Dự thảo Hiến pháp «theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia».

Phỏng vấn giáo sư Tương Lai, nguyên 
Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam

Bản kiến nghị còn đòi Nhà nước công nhận sở hữu tư nhân về đất đai, đòi tam quyền phân lập thật sự, cũng như không chấp nhận quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh kiến nghị, nhóm 72 nhân sĩ trí thức còn đề nghị một dự thảo Hiến pháp như một tài liệu «để tham khảo và thảo luận».

Ngày 04/02/2013, một phái đoàn gồm 15 nhân sĩ trí thức đại diện cho nhóm 72 người nói trên đã đến Địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương, Hà Nội, để trao bản Kiến nghị cho Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Điều đáng chú ý là một số tờ báo chính thức như Người Lao Động hay Pháp Luật TP HCM cũng đã dám đưa tin về buổi trao kiến nghị, mặc dù với những nội dung như trên, tài liệu này lẽ ra phải bị xếp vào loại «phản động», «chống Nhà nước».

Mặc dù tình trạng sức khỏe không tốt, nhưng giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, cũng đã từ Sài Gòn ra Hà Nội vào đầu tháng 2 để cùng với các nhân sĩ trí thức khác đến trình bản kiến nghị cho Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp. Trả lời phỏng vấn RFI sau khi trở về Sài Gòn, giáo sư Tương Lai trước hết nhận xét về sự tham gia của các thành phần nhân dân vào việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp và đặc biệt nhấn mạnh rằng việc này đã thoát ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền:

« Có lẽ đây là dịp mà người dân tranh thủ nói lên tiếng nói của mình. Ví dụ như đối với người nông dân đang mất đất và nay vẫn đang khiếu kiện, như những người còn đang bám trụ ở vườn hoa Lý Tự Trọng Hà Nội, họ không cần quan tâm đến những vấn đề mang tính pháp lý, cần phải có kiến thức về luật pháp mới hiểu được, mà chỉ bày tỏ khát vọng của họ là vấn đề đất đai.

Nhân dịp này, họ đòi trả lại đất đai và quyền sử dụng đất cho họ. Tức là việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là tùy theo đối tượng. Đối với thanh niên, nhất là giới sinh viên, trong dịp này họ nghĩ nhiều đến vấn đề quyền con người, quyền được tự do phát biểu ý kiến và nguyện vọng.

Nhưng có lẽ tầng lớp góp ý kiến nhiều nhất chính là trí thức. Điều này dễ hiểu vì dầu sao họ là những người am hiểu luật pháp, Hiến pháp, nhất là Hiến pháp dân chủ, Hiến pháp của một Nhà nước pháp quyền đích thực.

Có những vấn đề cấm kỵ như điều 4 (Hiến pháp), thì chính ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cũng đã nói thẳng là không có kiêng kỵ gì cả, cho nên trong dịp này, những ý kiến đóng góp của các trí thức mạnh mẽ hơn. Nhà nước đang kêu gọi như vậy thì không có lý do gì để đàn áp người ta cả và không có lý do gì để quy kết đây là « diễn biến hòa bình », đây là « bị địch lợi dụng », mặc dù nhiều vị giới chức, câu trước tuyên bố là sẽ « tranh thủ ý kiến của dân », nhưng câu sau lại dè chừng là không được « lợi dụng dân chủ » để tung ra những luận điệu « sai trái, đi ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa ».

Tất cả những luận điệu kiểu ấy không còn đủ sức thuyết phục ai nữa và người ta thấy rõ anh không thể « cả vú lấp miệng em » nữa, mà phải để cho người ta nói. Chính trong tinh thần đó, việc đóng góp cho Hiến pháp đã vượt ra khỏi dự định ban đầu.

Trên truyền hình, người ta có phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, đồng thời cũng là thành viên ban soạn thảo Hiến pháp và đại biểu Quốc hội. Ông Thảo nói rằng lúc đầu việc góp ý kiến cho Hiến pháp dự trù chỉ kéo dài hai tháng, sau đó kéo dài thành ba tháng. Nhưng trong ba tháng đó, lại có một tháng Giêng là « tháng ăn chơi », thành ra nghe đâu sau ba tháng thì sẽ tiếp tục góp ý. Tiếp tục như thế nào, cho tới nay chưa có gì rõ ràng, minh bạch. Nhưng rõ ràng là áp lực của công chúng khiến cho vấn đề góp ý kiến về Hiến pháp đã tuột khỏi bàn tay kiểm soát mất rồi. »

Cũng theo giáo sư Tương Lai, đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp và dần dần biến một phong trào đòi dân chủ, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của xã hội dân sự ở Việt Nam:

« Dịp này là dịp mà người ta nói lên những điều mà trước đây cho là cấm kỵ. Ví dụ, kiến nghị của nhóm trí thức, mà hôm vừa rồi, đã được một đoàn đại biểu, do nguyên bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc dẫn đầu, đã đến trụ sở của uỷ ban dự thảo Hiến pháp ở số 37 Hùng Vương, Hà Nội để trao.

Trong kiến nghị đó, có những vấn đề mà trước đây chỉ cần nói đến là đủ để bị quy kết là « phản động », « phản cách mạng », « lợi dụng dân chủ để phá hoại định hướng xã hội chủ nghĩa, làm rối loạn định hướng tư tưởng», v.v.... Bây giờ, đoàn đại biểu mang kiến nghị giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Phan Trung Lý không tiếp, nhưng ông phó của ông Lý là ông Thông đã tiếp họ tại trụ sở và trong buổi tiếp xúc đó, người ta đã nói lên những điều rất rõ ràng, mang tính pháp lý, công khai, minh bạch. Người đại diện ban soạn thảo Hiến pháp thì nói rằng sẽ tiếp nhận kiến nghị này, xem như là ý kiến của dân đóng góp, đúc kết để trình Quốc hội.

Như vậy, dịp đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là lúc mà người dân bày tỏ chính kiến một cách khác. Đã đến lúc mà tiếng nói của xã hội dân sự được phát huy mạnh mẽ. Trước đây, nghe nói đến bốn chữ « xã hội dân sự » thì giống như là điện giật. Tất cả những bài viết nào có bốn chữ « xã hội dân sự » dứt khoát đều bị gạt bỏ. Tôi có một vài bài viết khi có bốn chữ này, thì mấy ông tổng biên tập liền nói: « Thôi thôi, chú ơi (hay anh ơi) rút bỏ ngay!». Lúc bây giờ tôi đã phải thốt lên rằng: «Văn minh là thế giới nào, mà ta chìm đắm dưới thời dã man?» Đây là câu mà các cụ ta nói vào thời Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ 20. Bây giờ đã sang thế kỹ 21 rồi, mà nói đến «xã hội dân sự» thì cứ sợ như điện giật, thì không thể tưởng tượng được cái sự lạc hậu của trình độ tư tưởng, nhất là của những vị cầm cân nẩy mực về tư tưởng!

Tuy thế, nhưng đến thời điểm đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp này, thì trên các tờ báo đã bắt đầu loáng thoáng thấy nói đến vai trò của xã hội dân sự. Thậm chí, một số tờ báo đã đăng công khai minh bạch về việc đoàn đại biểu trí thức đến trình bản kiến nghị cho ban dự thảo Hiến pháp, đồng thời đưa ra hẳn một Hiến pháp có tính chất tham khảo, đối chứng với Hiến pháp chính thống mà Nhà nước này đang soạn thảo.

Điều đó nói lên rằng: không thể cưỡng lại xu thế thời đại. Trí tuệ của nhân dân cần được phát huy để góp phần đưa đất nước đi lên, đi vào quỹ đạo của văn minh thế giới. Trước đây, tiếng nói chính thống chỉ có một người từ trên phát xuống và cứ thế là hàng mấy trăm tờ báo nói như một tờ. Bây giờ khác rồi. Có một tờ báo viết đã đưa tin (không biết tờ này có bị kiểm điểm hay không) và những tờ báo mạng, cũng của báo chí chính thống, cũng có đưa tin hẳn hoi về đoàn đại biểu bao gồm những ai, những ai v.v... Tuy là đưa tin ngắn, nhưng điều đó cũng nói lên rằng không khí đòi hỏi phải có dân chủ, không khí đòi hỏi chống lại bóp nghẹt tư tưởng ngày càng như là một làn sinh khí mới tràn vào đời sống. Mặc dù vẫn còn phải lách khe này, khe kia, nhưng rõ ràng là người ta không còn chặn được nữa rồi. Có lẽ đây là điều tôi đã từng đưa lên mặt báo: "Chuẩn mực chính là sự thay đổi"!

Cho nên, việc phát huy sức mạnh của xã hội dân sự đang là một xu thế được khởi động từ việc góp ký kiến cho bản dự thảo Hiến pháp. Điều có lẽ là điều đã vượt ra ngoài dự kiến ban đầu của những người chủ trương lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. »

Hôm nay, nhóm nhân sĩ trí thức đề xướng bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp cho biết họ vừa nhận được công văn trả lời đề ngày 07/02 của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, do trưởng ban Phan Trung Lý ký. Thế nhưng, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ hôm nay, tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức nói trên, cho biết họ không đồng ý với nội dung công văn trả lời của Uỷ ban. Ông Nguyễn Quang A giải thích:

TS Nguyễn Quang A: Họ trả lời như thế là đúng với nghị quyết của Quốc hội và đúng với Hiến pháp hiện hành, nhưng không đúng với tinh thần của việc làm Hiến pháp. Họ muốn rằng chỉ góp ý trong khuôn khổ mà Quốc hội đã cho ý kiến. Góp như thế thì góp để làm gì? Hoàn toàn vô nghĩa!

RFI: Trong công văn trả lời, họ có cho biết không chấp nhận cho công bố kiến nghị cũng như bản dự thảo Hiến pháp mà các ông đề ra.

TS Nguyễn Quang A: Thực sự trong bản kiến nghị, cũng như trong văn bản mà ông Nguyễn Đình Lộc ký hôm mùng 4/2 khi đến trao kiến nghị cho họ, chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ công bố. Nhưng phát biểu hôm đó, ông Nguyễn Đình Lộc có yêu cầu uỷ ban cho công bố với báo chí chính thống cái tinh thần kiến nghị 7 điểm của chúng tôi. Cho nên, ông Lý đã trả lời lạc đề. Nhưng họ trả lời như thế chỉ là nhằm hạ thấp ý nghĩa của bản kiến nghị và bản dự thảo Hiến pháp của 72 vị nhân sĩ.

Bản dự thảo Hiến pháp và bản kiến nghị đã được công bố trên mạng từ ngày 22/01 rồi, nhưng không có tờ báo chính thống nào dám đưa tin ấy, hoặc tóm tắt nội dung các văn bản đó. Hôm đó, ông Nguyễn Đình Lộc chỉ nói với các báo chính thức về cái tinh thần của kiến nghị 7 điểm của chúng tôi, bởi vì nếu uỷ ban nói như thế thì các báo sẽ đỡ sợ và sẽ mạnh dạn đăng hơn. Nhưng ông Lý đã không trả lời đúng vào điều mà ông Lộc yêu cầu. Tức là ông ấy phản đối cái mà ông ấy nghĩa ra, chứ không phải là cái mà người ta yêu cầu!

RFI: Ông Phan Trung Lý đã cam kết là ý kiến của các ông sẽ được “tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, nhưng ông có tin rằng kiến nghị của các ông sẽ được đáp ứng?

TS Nguyễn Quang A: Chúng tôi yêu cầu là tất cả ý kiến của mọi người, không chỉ của chúng tôi, nên được công bố công khai hết. Chỉ có công bố hết tất cả các ý kiến tán thành, phản đối, thì người dân mới có cơ hội tìm hiểu các loại chính kiến khác nhau, các kiểu tranh luận, lập luận khác nhau. Trong quá trình tranh luận như thế, người dân mới được cung cấp đầy đủ thông tin và từ đó mới có thể có quyết định chính xác về sự lựa chọn của mình. Nếu dân không được thông tin, thì có đưa ra trưng cầu dân ý cũng vô nghĩa.

RFI: Hiện nay kiến nghị của ông đã thu được hơn 4000 chữ ký. Ông có nhận xét như thế nào về sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cho kiến nghị đó?

TS Nguyễn Quang A: Nếu tất cả hơn 4300 người ký đã đọc kiến nghị, lấy trên mạng xuống, giới thiệu cho người khác, in ra, sao ra cho các thành viên trong gia đình, trong cơ quan, vận động người khác cũng tham gia tìm hiểu kiến nghị, cho biết chính kiến, thì con số người ủng hộ có thể lên tới hàng trăm ngàn từ đây đến cuối năm.

Có người cho rằng có ký thì cũng vô bổ thôi, vì người ta cũng không chấp nhận, giống như những lần trước thôi. Nhưng nếu có hàng trăm ngàn người ký, ghi rõ tên tuổi địa chỉ, chứ không phải bằng phiếu kín, thì con số đó có thể có giá trị bằng nhiều triệu phiếu kín. Những người có chức có quyền, nếu tỉnh táo, chắc chắn phải để ý đến tiếng nói đó, chứ không thể bỏ qua được.

RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad