Nhân ngày Kỷ niệm chiến Thắng Đống Đa – Cầu phao sông Nhị - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Nhân ngày Kỷ niệm chiến Thắng Đống Đa – Cầu phao sông Nhị


Sông Nhị hay Sông Hồng, Sử xưa gọi là Sông Phú Lương. Cầu phao trên sông Nhị ở đây muốn nhắc đến là cái cầu mà thời Tôn sĩ Nghị đem binh Lưỡng Quảng và Vân Quý tiến vào Đại Việt cuối năm Mậu Thân (1788).

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ

Theo tài liệu nghiên cứu của TS Nguyễn Duy Chính (Đại Học Ivrin – CaLifornia), Tôn Sĩ Nghị (1720 – 1796), viên tướng tư lệnh lực lượng viễn chinh của nhà Thanh là người tỉnh Chiết Giang, đỗ Tiến sĩ năm 1761, từng theo Phó Hằng (cha của Phúc Khang An) đánh Miến Điện năm 1769. Hoạn lộ của Tôn sĩ Nghị thăng tiến rất nhanh. Từ một công việc nhỏ lo soạn thảo tấu chương, thư từ, Tôn Sĩ Nghị được thăng Lang Trung Bộ Hộ, rồi Đốc Học Quý châu (1770 – 1774), Bố Chính Quảng Tây, rồi Tuần Phủ Vân Nam (1775). Chẳng bao lâu sau làm Tuần Phủ Quảng Tây rồi đổi sang Tuần Phủ Quảng Đông (1785). Năm sau nhận nhiệm vụ điều động quân lương, khí giới giúp Phúc Khang An bình định được loạn Thiên Địa Hội Lâm Sảng Văn ở Đài Loan nên được thăng hàm Thái Tử Thái Bảo, được vẽ hình trưng bày trong Tử Quang Các.

Sơ lược một chút tiểu sử của Tôn Sĩ Nghị để thấy Càn Long sủng ái, tin cậy Tôn Sĩ Nghị như thế nào khi giao cho trọng trách cầm đầu lực lượng viễn chinh. Binh tướng, quân lương được Càn Long cho tổ chức như thế nào để Tôn sĩ Nghị thực hiện chuyến nam chinh ?

Mượn tiếng cứu giúp vua tôi Lê Chiêu Thống, Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị được quyền điều động binh mã không những của Quảng Đông, Quảng Tây, mà còn của 2 tỉnh Vân Nam, Quý Châu, quân nghĩa dũng Điền Châu và thủy quân Phúc Kiến. Dưới trướng của Tôn Sĩ Nghị gồm những tướng lĩnh phần nhiều từng xông pha trận mạc, giỏi chiến trận, dày công trạng. Có người từng có hình trưng bày trong Tử Quang Các như Hứa Thế Hanh. Có người từng xuất thân là Võ Tiến sĩ như Ô Đại Kinh, Lý Hóa Long, Hình Đôn Hành …

Ngày 28 tháng mười năm Mậu Thân (25/11/1788), Tôn Sĩ Nghị chia binh làm 3 đạo vượt biên giới Đại Việt. Cánh quân phía đông qua ngõ Nam Quan tiến xuống Kinh Bắc do Đề Đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh chỉ huy, hai Tổng Binh phụ tá là Tổng Binh Quảng Tây Thượng Duy Thăng với Phó Tướng Khánh Thành, Tổng Binh Quảng Đông Trương Triều Long với Phó Tướng Lý Hóa Long. Cánh quân phía Tây qua ngõ Mã Bạch Quan tiến binh theo đường Tuyên Hóa, Tuyên Quang xuống Sơn Tây do Đề Đốc Vân Nam Ô Đại Kinh chỉ huy, hai phụ tá là Tổng Binh Định Trụ và Tổng Binh Tôn Khởi Giao. Cánh quân ở giữa là Đạo quân nghĩa dũng của Thổ Tri châu Điền Châu là Sầm Nghi Đống thống lĩnh, theo đường Long châu sang Cao Bằng tiến xuống Thái Nguyên. Ngoài 3 đạo binh trên, Tôn sĩ Nghị còn có được một lực lượng hổ trợ khác là quân tướng của Lê Chiêu Thống, dù chẳng có bao nhiêu nhưng sẵn sàng bán mạng cho thiên triều.

Chuẩn bị cho cuộc tiến quân của Tôn sĩ Nghị xuống nam, Thanh triều giao cho Tổng Đốc Vân Nam – Quý Châu là Phúc Khang An chuyên trách việc vận trù quân lương. Đường tiến quân từ Vân Nam, Quảng Tây đến thành Thăng Long, Phúc Khang An cho lập tới 70 đồn quân lương to lớn, kiên cố. Chặng tiến quân từ Nam Quan đến Thăng Long là chặng đường bị Nội Hầu Phan Văn Lân ngăn chặn ở Thị Cầu, khi Tôn Sĩ Nghị đang tổ chức hành quân thì Phúc Khang An cũng đã thiết lập được 18 đồn lương. Xem thế mới thấy qua việc tổ chức cuộc chiến nầy, thâm tâm Càn Long đã có mưu lâu dài nắm lấy Đại Việt.

Thâm tâm, mưu đồ nầy còn hiện rõ trong một chỉ dụ cho Tôn Sĩ Nghị, Càn Long vạch ra chiến lược :

“… Cứ từ từ, không gấp vội. Trước hãy truyền hịch để gây thanh thế, sau cho bọn cựu thần nhà Lê về nước tìm tự quân nhà Lê đưa ra đương đầu đối địch với Nguyễn Huệ. Nếu Huệ bỏ chạy thì cho Lê tự quân đuổi theo, đại quân của ta thì đi tiếp sau, như thế, không khó nhọc mà thành công, đó là thượng sách.

Lược đồ quân Tây Sơn (Quy Nhơn) đuổi quân xâm
lược phương Bắc và dẹp nội bộ phương Nam

Nếu như người trong nước, một nửa theo về Huệ mà Huệ không chịu rút quân, thì phải chờ thủy quân Mân Quảng (Phúc Kiến, Quảng Đông) vượt biển, đánh vào Thuận, Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam) trước, sau đó lục quân mới tiến công cả hai mặt, đằng trước, đằng sau, Nguyễn Huệ đều bị đánh, tất phải quy phục. Ta nhân đó giữ cả hai. Từ Thuận, Quảng vào Nam thì cắt chia cho Nguyễn Huệ. Từ Hoan Ái (Nghệ An) trở ra Bắc thì phong cho họ Lê. Mà ta thì đóng đại quân ở nước ấy để kiềm chế. Về sau sẽ có cách xử trí khác” (chép theo Đại Nam Chính Biên).

Với chiến lược nầy, Càn Long nuôi Lê Chiêu Thống để dùng Chiêu Thống gây nên can qua, dùng người Việt đánh người Việt. Ai thắng ai bại, Ai chết ai sống mặc ai, việc đưa đại quân của Thanh triều vào nằm giữa lòng Đại Việt vẫn thực hiện được để tính kế lâu dài về sau. Nhưng khi đưa binh đến được Thăng Long một cách dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị đã tham công, trùng trình làm hỏng cả, đã chôn vùi binh tướng dưới dòng Phú Lương nghẽn cả sông, thây chất thành đống ở Gò Đống Đa.

Nói Tôn Sĩ Nghị đưa binh đến được Thăng Long một cách dễ dàng, nhưng thực sự Tôn Sĩ Nghị đã tốn nhiều thời gian, gian nan hơn dự định, phải tổn thất một viên tướng ở chiến trận Thị Cầu là Vũ Tông Phạm. Nội Hầu Phan Văn Lân và một nghìn tinh binh của Tây Sơn dàn trận bên bờ nam sông Thị Cầu đã làm chậm bước tiến của cánh quân tướng Hứa Thế Hanh, vừa nắm được tình hình cụ thể quân lực, sức chiến đấu của cánh quân nầy, giúp cho Quang Trung Nguyễn Huệ sau nầy tổ chức công thành đồn Ngọc Hồi rạng ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (30/1/1789).

Ngày 20 tháng một (mười một) năm Mậu Thân (7/12/1788), quân Thanh vào được thành Thăng Long đã bỏ ngõ. Thủy lục quân Tây Sơn đã rút về nam lập phòng tuyến ở Biện Sơn – Tam Điệp Ninh Bình. Từ đây quân Tây Sơn có được một tháng trời để chuẩn bị cho cuộc chiến. Trong một tháng trời đó, Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long, tổ chức ngay lễ tấn phong cho Lê Chiêu Thống (ngày 22 tháng một Mậu Thân). Vua tôi Chiêu Thống cúi rạp thần phục, quân nhà Thanh được mặc sức vơ vét, nhũng nhiễu.

Tôn Sĩ Nghị hội binh ở Thăng Long, cho đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh bố trí ở Sơn Tây (phía Tây Thăng Long), đạo quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống đồn binh ở Khương Thượng (Tây Nam Thăng Long), đạo quân Lưỡng Quảng đóng ở hai bờ sông Nhị, cho làm cầu phao bắc qua sông để thuận tiện đi lại. Cái chết người là chính ở cái cầu phao nầy.

Xét theo cách bố trí binh lực của Tôn Sĩ Nghị, cánh quân của Đề Đốc Hứa Thế Hanh là cánh quân chủ lực. Hứa Thế Hanh đóng quân ở Ngọc Hồi (Thanh Trì, phía nam Thăng Long chừng 13 – 14 km), phía tiền tiêu còn có đồn Hà Hồi (Thường Tín, cách Ngọc Hồi chừng 6 – 7 km) án ngữ, xa hơn phía nam còn có đồn Gián Khẩu (trấn Sơn Nam) do binh tướng của Lê Chiêu Thống trấn giữ. Cánh quân chủ lực nầy nằm nhô xuống phía nam Thăng Long, trong khi các cánh quân của Ô Đại Kinh và Sầm Nghi Đống lại ở tư thế phòng ngự, ngơi nghỉ theo chủ trương của Tôn Sĩ Nghị là chờ sau mồng 6 tháng giêng mới cùng tiến quân xuống Tam Điệp. Từ chủ trương nầy, cánh quân của Hứa Thế Hanh dàn quân theo chiều dọc mà sau lưng là cây cầu phao bằng tre gỗ, không đủ sức chịu đựng cho cả cánh quân nếu phải triệt thoái khi bị tấn công không kháng cự nổi.

Bẻ gãy cánh quân của Đề Đốc Hứa Thế Hanh là phá vỡ bố trí binh lực của Tôn Sĩ Nghị. Để phá vỡ đồn Ngọc Hồi của Hứa Thế Hanh, Hoàng Đế Quang Trung phải chờ cho Đô Đốc Long tiêu diệt Khương Thượng của Sầm Nghi Đống xong mới từ thế bao vây chuyển sang tấn công Ngọc Hồi. Cánh quân của Thổ Tri châu Sầm Nghi Đống gồm những thổ binh người thiểu số được chiêu mộ dưới tên gọi là quân nghĩa dũng. Không phải là đội quân chính quy, quân số ít, nên lực lượng nầy phải nhờ sự yểm trợ, Tôn Sĩ Nghị bố trí cho nằm giữa 2 cánh quân Lưỡng Quảng và Vân Quý. Cánh quân Khương Thượng của Sầm Nghi Đống dù sao cũng nằm bên sườn của Ngọc Hồi. Tiêu diệt Khương Thượng là cắt đứt lực lượng tiếp cứu cho Ngọc Hồi. Phá vỡ Ngọc Hồi là phía sau sẽ rùng rùng bỏ chạy. Lúc nầy cây cầu phao trên sông Nhị gánh trên mình sự sai lầm của viên tướng viễn chinh Tôn Sĩ Nghị.

Trong 8 điều quân luật mà Tôn Sĩ Nghị ban bố trước khi xuất quân, có một điều liên quan đến phù kiều (cầu phao), theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí :

Điều thứ 6. Đại binh đi đường, nếu gặp khe suối, dòng sông, chỗ nào nước sâu thì phải lấy tre, gỗ bắc làm cầu phao, để binh mã vượt qua cho tiện, chỗ nào sông hẹp nước nông, thì viên quan coi quân phải dò thử đích xác, rồi cho quân lính nối tiếp nhau như xâu cá mà kéo đi. Lúc xuống nước không được đem bùi nhùi, thuốc súng bạ đâu vứt đấy để bị ẩm ướt.

Hiện nay chưa có một tư liệu nào xác định rõ quy mô cái cầu phao mà Tôn Sĩ Nghị đã cho bắc qua sông Nhị. Nhưng cũng có thể hình dung được cây cầu có thể được tạo tác nên bằng tre nứa, có thể đặt trên những cái thuyền nhỏ nối kết lại với nhau. Dĩ nhiên bằng cấu tạo nào đi nữa, cây cầu cũng không thể nào chịu đựng nổi cả một đoàn quân hỗn độn thưở ấy cùng vượt qua.

Tư liệu, sách sử người nhà Thanh như Thánh Vũ Ký cho rằng chính Tôn Sĩ Nghị khi đã qua được bên kia cầu, đã hạ lệnh cho chặt đứt cầu để tránh quân Tây Sơn truy kích. Cũng giống như vậy, Thanh Sử Cảo còn cho biết thêm Võ Tiến sĩ Lý Hóa Long lọt xuống sông chết đuối khi cầu phao bị đứt. Các Đề Đốc Hứa Thế Hanh, Tổng Binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long … không qua được, giao chiến, tử trận phía nam cầu. Cây cầu phao trên sông Nhị lại mang thêm dấu tích của kẻ qua cầu rút ván.

Vua Quang Trung tiền quân ra Bắc đại phá quân Thanh...

Đại bại dưới tài cầm quân của Hoàng Đế Quang Trung, nhờ tướng Khánh Thành bảo vệ chạy về đến Nam Quan, Tôn sĩ Nghị uất ức vạch vào tấm ván gỗ trước sụt sùi của Lê Chiêu Thống :

- Mối hận nầy không giết được Quang Bình (tên tộc của Quang Trung Hoàng Đế) không thôi (dẫn theo Lê Quý Dật Sử).

Chẳng bao lâu sau Tôn Sĩ Nghị bị triệu về kinh, bị tước cả hồng bảo thạch, song nhãn hoa linh, bị thu hồi cả tước Mưu Dũng Công được ban cho lúc cầm quân nam chinh. Phúc Khang An thay thế làm Tổng Đốc Lưỡng Quảng, Đề Đốc cửu tỉnh binh mã. Nắm trong tay binh mã của chín tỉnh, nhưng Phúc Khang An chủ trương hòa hoãn với Đại Việt. Nhà Thanh bang giao với Hoàng Đế Quang Trung, Lê Chiêu Thống chết trong tủi nhục bên đất Trung Hoa, Tôn Sĩ Nghị không thực hiện được lời thề khắc trên ván.

Tôn Sĩ Nghị thất trận, bị triệu về kinh, tưởng là con đường hoạn lộ không còn hanh thông nữa. Nhưng thật ra về kinh, Tôn Sĩ Nghị được nhận chức Binh Bộ Thượng Thư, sung Quân Cơ Đại Thần. Mùa đông năm đó (1789) triều đình bổ làm Tổng Đốc Tứ Xuyên. Năm 1791 được triệu về kinh làm Lại Bộ Thượng Thư, Hiệp Biện Đại Học Sĩ … sau là Lễ Bộ Thượng Thư, Văn Uyên Các Đại Học Sĩ (1792).

Cầu phao sông Nhị đã vùi chôn tính mạng những chiến tướng dưới trướng của viên tư lệnh vô cảm, qua cầu rút ván. Tưởng là cầu phao sông Nhị vùi chôn luôn sự nghiệp của viên tướng tư lệnh nam chinh. Nhưng Tôn Sĩ Nghị còn có một cây cầu khác để bước qua máu xương của đồng đội. Tôn Sĩ Nghị đã nhờ vào cây cầu thân cận, nhờ vào quyền lực của Hòa Thân (Hòa Khôn) để che lấp những sai trái của mình. Theo đồn đại, Hòa Thân có khuôn mặt hao hao giống một tỳ thiếp của Càn Long, người tỳ thiếp nầy đã qua đời do lỗi của Càn Long. Càn Long ưu ái, nuông chiều Hòa Thân xem như là cách giải tỏa mặc cảm tội lỗi. Nhờ vậy Hòa Thân thao túng, làm loạn chốn quan trường, Càn Long vẫn bỏ qua và luôn nghe lời Hòa Thân. Nhờ mật ngọt của Hòa Thân rót vào tai Càn Long nên hoạn lộ của Tôn Sĩ Nghị vẫn cứ thông đường, sau vẫn cứ có hình vẽ trưng bày trở lại ở Tử Quang Các.

Sau nầy vào năm 1799, vua Gia Khánh nhà Thanh (con vua Càn Long) cho hành quyết sủng thần của cha mình là Hòa Thân với tội danh tham nhũng, lạm dụng chức quyền (Wikipedia). Phe đảng của Hòa Thân, phần Tôn Sĩ Nghị lúc nầy đã mất, nên con của ông bị Gia Khánh phế bỏ tập tước, cho ra khỏi kỳ binh, trở về nguyên tịch. Theo tài liệu của TS Nguyễn Duy Chính, trong lời dụ của Gia Khánh có câu nhận định về Tôn Sĩ Nghị trong cuộc nam chinh : “… có ý tham công, trùng trình cho nên làm hỏng việc, thua trận chạy về. Lời tâu lên phần lớn chỉ là lòe loẹt bề ngoài (sớ tấu đa hữu hư sức) …”

Tôn Sĩ Nghị đã sử dụng cây cầu thân cận để thẳng bước trên đường hoạn lộ, nên Tôn Sĩ Nghị sẵn sàng, không chút chùn chân, dễ dàng bước qua những cây cầu kiểu như Cầu Phao Sông Nhị, dù cho nó làm tổn thất sinh mệnh những người đã chiến đấu bên cạnh mình. Đối với người Việt, Cầu phao sông Nhị cũng đã vùi chôn luôn võ nghiệp, nhân phẩm của Tôn Sĩ Nghị. Vua Càn Long được tiếng là một minh quân, triều Càn Long là một triều đại hưng thịnh của nhà Thanh, nhưng Càn Long không tránh khỏi sai lầm vì yếu lòng, vì những mật ngọt.

Trường Nghị

Xuân Quý Tỵ 2013



THAM KHẢO

• Một Võ Trạng Nguyên Trung Hoa Tử Trận Tại Việt Nam - Bài viết của TS Nguyễn Duy Chính
• Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự Nguyễn Huệ - Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng
• Lê Quý Dật Sử - Bùi Dương Lịch
• Khâm Định Việt Sử - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
• Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Ngô Gia Văn Phái
• Nhà Tây Sơn - Quách Tấn và Quách Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad