Nam Dương Bắn Tàu Trung Cộng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Nam Dương Bắn Tàu Trung Cộng


Nam Dương Bắn Tàu Trung Cộng. Tàu đánh cá nước ngoài bị Indonesia bắn cháy. Ảnh: Reuters.
Lúc này có vẻ Trung Cộng vô cùng bối rối trong việc đối phó vấn đề Biển Đông. Nào Mỹ đã lần đầu tiên đưa dàn hoả tiễn THAAD vô cùng lợi hại qua bố trí ở Nam Hàn, áp hỏa tiễn Mỹ gần Trung Cộng. Mỹ còn điều thêm Hạm Đội 3 để cùng Hạm Đội 7 mở rộng phạm vi hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và luật quốc tế ở Á châu – Thái Bình Dương.

Toà án quốc tế Trọng tài về Luật Biển sắp phán quyết, phần chắc Phi luật tân sẽ thắng trong vụ kiện Trung Cộng đã đưa ra bản đồ hình lưỡi bò xâm phạm chủ quyền biển và vùng bãi cạn Scarborough của Phi Luật tân – sẽ tai hại cho uy tín của Trung Cộng. Trung Cộng dù không chấp nhận thẩm quyền, không tham dự vụ kiện, nhưng Trung Cộng sẽ rút ra khỏi UNCLOS nếu Tòa phán quyết như thế. Mỹ, Nhật, Ấn tổ chức tập trận lớn nhất ngoài biển của Phi luật tân, vùng Biển Tây của Phi, nơi gần Trung Cộng nhất. Còn ở dưới đông nam Thái Bình Dương, súng đã nổ. Nam Dương bắn tàu Trung Cộng xâm phạm vùng biển của Nam Dương. Một dấu chỉ cho thấy Trung Cộng sẽ xung đột với Nam Dương, nước đông dân Hồi Giáo nhất trên thế giới.

Tin RFI, Hải quân Indonesia ngày 17/06/2016 bắn và bắt 1 tàu cá mang cờ Trung Quốc khi chặn 12 tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia hay Nam dương. Hải quân Indonesia bắn nhiều phát súng cảnh cáo, khi các tàu nước ngoài bỏ chạy và ép một tàu cá phải dừng lại. Indonesia rượt theo, bắn, và bắt một tàu treo cờ Trung Quốc «kéo về Ranai» cùng với 7 thuyền viên, theo phía Indonesia, vụ này không gây thương vong.

Trung Cộng phản đối quyết liệt. Bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố, “Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực quá mức trên Biển Đông”. Bà nói, Indonesia bắn tàu cá TQ trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, nơi “tuyên bố chủ quyền của hai quốc gia chồng lấn”. Indonesia đã bắt một tàu cùng thủy thủ đoàn 7 người và làm bị thương một ngư dân trên tàu khác. Indonesia «dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực». Bà cáo buộc Indonesia vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Indonesia “ngăn chặn hành động có thể làm leo thang căng thẳng, gây phức tạp thêm vấn đề và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”.

Sau đó Indonesia thề sẽ tiếp tục bảo vệ “vùng đánh cá truyền thống” của mình. Sẽ tiếp tục dùng biện pháp mạnh để diệt trừ nạn ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải. Phát ngôn viên hải quân Indonesia khẳng định là «cho dù tàu cá treo cờ nước nào, một khi vi phạm luật Indonesia thì hải quân chúng tôi sẽ không ngần ngại ra tay». Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla xác nhận chúng tôi đang thực hiện một thông điệp tới đối tác khác, để giữ sự tôn trọng khu vực cho phù hợp với pháp luật. Đó không phải là xung đột hay mâu thuẫn, mà chỉ là Indonesia bảo vệ khu kinh tế Natuna. Jakarta phản đối Trung Quốc vì đưa vào đường lưỡi bò chín đoạn, trong đó bao gồm các khu vực của quần đảo Natuna do Indonesia quản lý, nhưng Bắc Kinh lại đánh dấu trên bản đồ nước này.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc và Indonesia xung đột về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trong chiến lược Trung Cộng tung “biển tàu” ngư dân như một lực lượng bán quân sự để giành biển chiếm đảo Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng quân sự. Hàng chục tàu cá nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam đã bị chận bắt và thiêu hủy. Đây là lần thứ ba trong năm nay xảy ra «đụng chạm» giữa Indonesia và Trung Quốc.

Các nhà quan sát quốc tế cho biết Trung Quốc đã lạm dụng khái niệm «ngư trường truyền thống», không chỉ ở Biển Đông, vốn đã xa Trung Quốc rồi, mà còn qua tận vùng Á căn đình (Argentina) ở Nam Mỹ nữa!

Tiêu biểu như ngày 19/03/2016 Trung Cộng coi chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của Nam Dương như không có. Trung Cộng cho tàu cá vào khai thác trong vùng biển của Nam Dương. Nam Dương bắt giữ một tàu cá của Trung Cộng vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna của Nam dương. Nam dương kéo tàu cá Trung Quốc vô bờ, thì tàu tuần duyên Trung Quốc lớn hơn, nhiều hơn đã xông vào giải cứu tàu cá vi phạm, buộc Nam Dương phải bỏ tàu cá Trung Quốc lại. Ngay sau đó, Bộ trưởng bộ Thủy Sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, ngày 21/03 tổ chức họp báo quốc tế lên án hành vi thô bạo của Bắc Kinh, thậm chí tuyên bố công khai là Indonesia không loại trừ việc kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về hành vi vi phạm này. Nhưng Trung Cộng coi thường phản đối của Nam Dương, ngang nhiên và tỉnh bơ tuyên bố tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong vùng «đánh cá truyền thống của Trung Quốc» khi bị tàu của Nam Dương đe dọa cho nên tàu tuần dương của Trung Quốc phải đến trợ giúp.

Trung Cộng như người Khổng lồ độc nhãn, chỉ thấy mình, biết mình trên đường bành trướng, xâm lấn biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương, Trung Cộng tỏ ra như dê húc càn, lại đụng hai nước Hồi Giáo Nam Dương (Indonesia) và Mã Lai (Malaysia). Đặc biệt Nam Dương là nước dân theo Hồi Giáo nhiều nhứt, lớn nhứt thế giới. Dân số theo Hồi Giáo hồi năm 2013 đã lên 250 triệu. Thời Chiến Tranh Lạnh Nam Dương từng lật đổ chánh quyền thân Trung Cộng, đánh đuổi toà Đại sứ Trung Cộng chạy trối chết. Và Mã Lai cũng là một nước 61.3% dân số, khoảng 19.5 triệu dân theo Hồi Giáo.

Hai nước Nam Dương và Mã Lai lâu nay ít khi can dự hay phản đối hành động Trung Cộng xâm lấn của các nước như Việt Nam, Phi luật tân. Nhưng Trung Cộng say sưa xâm chiếm biển đảo của các nước ở Biển Đông, khá lâu rồi. Bây giờ Trung Cộng thọc mũi dùi sâu xuống gây hấn Nam Dương và Mã Lai.

Cái gì cũng vậy, tức nước phải vỡ bờ. Nên hồi tháng 03 năm 2016 Nam Dương và Mã Lai công khai phản kích Trung Cộng đã hiếu chiến, gây hấn, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia Hồi Giáo này ở Đông Nam Á. Trung Cộng khơi lại tiền cừu hậu hận của Chiến Tranh Lạnh của Nam Dương. Người Hồi Giáo không thể chịu nổi cảnh Trung Cộng khinh thường mình, Trung Cộng ỷ nước lớn coi Biển Đông như ao nhà của Trung Cộng. Sớm muộn gì Nam dương và Mã Lai cũng sẽ liên minh với Mỹ, Nhựt để chống Trung Cộng bắt đầu xâm lấn biển đảo của hai nước này.

Vi Anh
Việt Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad