Bài báo đã bị gỡ: Ngân hàng Maritime Bank của chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hoạt động thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Bài báo đã bị gỡ: Ngân hàng Maritime Bank của chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hoạt động thế nào?


Bài viết này  của tác giả Nghi Điền, đã được đăng trên trang mạng An ninh Tiền tệ, lúc 08h26′ sáng ngày 29/07/2016, nhưng hiện đã bị gỡ bỏ. Xin được đăng lại tại đây từ bản cache của Google, để hầu quý độc giả.

Cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường, công dân Malta và Việt Nam. Ảnh: internet
Tỉ lệ cho vay/ huy động (LDR) của MSB thấp hơn nhiều so với các NHTM khác, tạo lòng tin cho người gửi tiền, tuy nhiên cũng đặt ra dấu hỏi trong chiến lược kinh doanh của Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn cùng các cộng sự.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank – MSB) vừa gửi BCTC bán niên (chưa kiểm toán) lên Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tính tới 30/6/2016, số dư tiền gửi cuối kỳ đạt trên 74.600 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tín dụng tăng 20% so với đầu năm lên 33.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt 151 tỷ đồng, tăng tới 163% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là thông tin rất khả quan cho những cổ đông của MBS, tuy nhiên con số 151 tỷ đồng lợi nhuận trên còn cách rất xa thời ‘hoàng kim’ của ngân hàng này.

MSB được thành lập từ đầu thập niên 90 (năm 1991) với sự giúp đỡ của Cục Hàng hải Việt Nam, ngoài ra còn phải kể tới Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) hay Cục Hàng không dân dụng…

Sau 15 năm hoạt động, vốn điều lệ của MSB tăng từ vỏn vẹn 40 tỷ đồng thời điểm ban đầu, lên 700 tỷ đồng năm 2006. Đây cũng là khoảng thời gian mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – cùng các công ty liên quan đang là nhóm cổ đông lớn nhất, nắm 23,33% cổ phần MSB) bắt đầu dính vào hàng loạt những vụ bê bối với các cuộc thanh kiểm tra liên tục của Chính phủ, tạo sức ép đổi mới đi kèm đại chúng hóa MSB.

Đầu tư chứng khoán tăng mạnh và vượt xa "Cho vay khách hàng" trong cơ cấu đầu tư của MSB

Nhân tố V.I.D Group

Chiến lược tái cơ cấu của MSB bắt đầu với dấu ấn đậm nét từ ông Trần Anh Tuấn cùng tập đoàn V.I.D Group. Năm 2007, nhóm cổ đông V.I.D Group thâu tóm hơn 6% cổ vốn ngân hàng và ngay lập tức nắm giữ vị trí then chốt.

Ông Trần Anh Tuấn (khi đó là TGĐ V.I.D Group) được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT MSB. Từ tháng 10/2008, ông Tuấn kiêm chức vụ TGĐ MSB và 4 năm sau đó được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2016.

Với sự điều hành của ông Tuấn cũng như sự giúp sức của V.I.D, ngay trong năm 2007, vốn điều lệ của MSB được tăng hơn gấp đôi, từ 700 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của V.I.D Group tại MSB ngày càng lớn khi HĐQT ngân hàng năm 2012 lập nên Hội đồng sáng lập, bao gồm 4 thành viên với Chủ tịch chính là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch V.I.D Group, nguyên Phó Chủ tịch MSB từ năm 2011, đồng thời là vợ ông Tuấn).

Trong giai đoạn đầu được điều hành bởi những đại diện tới từ V.I.D Group, MSB tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ trong 4 năm từ 2007-2010, tổng tài sản tăng 13,6 lần lên 115,3 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 79 tỷ đồng lên 1.157 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 11 lần từ 700 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng.

EPS của MSB giảm tới 35 lần kể từ năm 2009

Đây là những bước đột phá mà hiếm có nhà băng nào cùng thời đạt được. Tuy vậy, năm 2010 cũng chính là thời điểm hệ thống các NHTM ở Việt Nam bắt đầu ‘ngấm đòn’ từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008. MSB cũng không phải ngoại lệ. Lợi nhuận sau thuế giảm nhanh trong giai đoạn sau đó, xuống 797,3 tỷ đồng năm 2011; 329,9 tỷ đồng năm 2013, chạm đáy 115,1 tỷ đồng năm 2014 trước khi nhích nhẹ lên 122,6 tỷ đồng năm 2015, góp phần khiến tỉ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) giảm tới 35 lần, từ mức đỉnh 3.555 đồng năm 2009 xuống 106 đồng năm 2015.

Tuy nhiên, những diễn biến tài chính của MSB phần nào cho thấy ngân hàng này đi xuống không chỉ bởi những khó khăn chung, mà chính ngay chiến lược kinh doanh của MSB đã bộc lộ những điểm yếu.

Không ‘hứng thú’ với tín dụng

Là một NHTM nhưng cách thức kinh doanh của MSB rất khác biệt so với đại đa số các NHTM khác.

Trong khi NHNN liên tục ra các thông tư, nghị định nhằm giới hạn trần tỉ lệ cho vay/ huy động (LDR) nhằm đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, thì ở MSB, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này.

Tỉ lệ LDR của MSB giảm liên tục (Đv: Nghìn tỷ đồng)

Tỉ lệ LDR của MSB giai đoạn 2011-2015 giảm từ 60% xuống 44% sau khi đã đạt tỉ lệ ‘rất đẹp’ 79% năm 2009.

Xét về số tuyệt đối, huy động tiền gửi chỉ nhích nhẹ từ 62,5 nghìn tỷ năm 2011 lên 62,6 nghìn tỷ năm 2015. Trong khi ở chiều ngược lại, tín dụng lại giảm mạnh và liên tục, từ 37,4 nghìn tỷ xuống 27,4 nghìn tỷ (giảm 26,7%).

Chưa kể lượng vốn điều lệ tăng thêm trong giai đoạn trên (6,75 nghìn tỷ đồng), thì con số gần 10 nghìn tỷ đồng tiền cho vay giảm xuống đặt ra dấu hỏi trong chiến lược kinh doanh của MSB, khi mà các ngân hàng từ trước đến nay vẫn giành giật nhau từng hợp đồng tín dụng.

Dòng tiền đi đâu?

Trái ngược với tín dụng, đầu tư vào chứng khoán của MSB tăng mạnh trong 7 năm qua, năm 2015 ở mức 49,7 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2011 (28,5 nghìn tỷ), và gấp gần 5 lần thời điểm năm 2009 (11,1 nghỉn tỷ).

Đặt rất nhiều kỳ vọng vào đầu tư chứng khoán là vậy, tuy nhiên dường như cổ đông MSB sẽ phải giật mình khi chứng kiến tỉ suất lợi nhuận thu được từ lĩnh vực này.

Số liệu cho thấy tỉ suất lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán của MSB thấp hơn nhiều và kém ổn định so với lĩnh vực truyền thống của ngân hàng là hưởng chênh lệch lãi huy động – cho vay.

Tỉ suất lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán thấp xa với với lĩnh vực truyền thống ăn chênh lệch tiền gửi - cho vay. (Đv: Nghìn tỷ đồng)

Trong lĩnh vực huy động – cho vay, tỉ suất lợi nhuận của MSB ổn định từ 4-7% trong 7 năm qua. Ở chiều ngược lại, cứ bỏ ra 100 đồng đầu tư chứng khoán, MSB chỉ thu về dưới 2 đồng lợi nhuận, cá biệt có những năm còn bị lỗ như 2011 hay lãi rất thấp như 2012.

Tính về giá trị tuyệt đối, ví dụ năm 2015, MSB dành ra 27,4 nghìn tỷ đồng cho vay, mang về 1,69 nghìn tỷ đồng lợi nhuận thuần, gấp 3 lần lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán, trong khi đã đổ vào lĩnh vực này tới 49,7 nghìn tỷ đồng.

Dấu hỏi về chất lượng cho vay

Mặc dù cho vay rất ít (so với quy mô tài sản), tuy nhiên chất lượng các khoản tín dụng của MSB cũng là một dấu hỏi không nhỏ. Tỉ lệ nợ xấu giai đoạn 2012-2013 trong khoảng 2,6% – 2,7%, tăng đột biến lên mức 5,2% năm 2014 trước khi giảm xuống 3,4% năm 2015. Mặc dù vậy, đây vẫn là con số rất cao so với mức bình quân khoảng 2,5% toàn thị trường.

Mối lo từ nợ xấu của MSB còn được thể hiện qua khối lượng trái phiếu đặc biệt ngân hàng đang nắm giữ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam – VAMC. Năm 2013, VAMC đã mua 506,2 tỷ đồng nợ xấu của MSB, số dư này tăng mạnh lên 3.952,5 tỷ năm 2014 và 9.983 tỷ năm 2015.

Việc phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu trên góp phần bào mòn mạnh lợi nhuận của MSB. Trong 2 năm 2014, 2015, MSB đã phải trích lập tới 365,7 tỷ đồng dự phòng cho số nợ xấu bán cho VAMC, gấp rưỡi tổng lợi nhuận sau thuế của MSB trong 2 năm qua.

Theo nguồn tin của người viết, nợ xấu của MSB một phần không nhỏ tới từ lĩnh vực bất động sản. Tiêu biểu là trưởng hợp tòa nhà Sky City 88 Láng Hạ, Hà Nội do CT TNHH Hanotex thi công. Bởi không thể thanh toán được khoản nợ với MSB, Hanotex đã phải gán nợ tòa nhà này. Đây cũng chính là Hội sở của MSB hiện nay.

Theo BCTC đã kiểm toán 2015, tỉ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản của MSB tới thời điểm 31/12/2015 ở mức 34,87% trên tổng dư nợ cho vay.

Maritime Bank là ngân hàng do ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Được biết, ông Tuấn là chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hương, người vừa bị Quốc hội miễn tư cách đại biểu do bà Hường có thêm quốc tịch Malta mà không khai báo.

Nghi Điền
ANTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad