Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nói với VOA rằng diễn tiến “ngoài mong đợi” này “ít nhiều ảnh hưởng tới ý nghĩa của APEC”.
Tờ Sydney Morning Herald của Úc chỉ trích Thủ tướng Canada đã “phá hoại” TPP khi không xuất hiện vào phút chót, khiến các lãnh đạo của 10 nước còn lại rất “sốc”. Truyền thông Canada phản pháo nói rằng cuộc họp bị hoãn không phải do lỗi của Thủ tướng Canada không tới, mà vì nhiều điểm khác biệt khiến không chỉ Canada, mà còn một số thành viên khác “không hài lòng”, cho dù 11 nước đã đạt đồng thuận về “những điểm cốt lõi”.
Vài giờ sau khi cuộc họp TPP-11 ở Đà Nẵng hôm 10/11 bị hoãn, Khánh An có cuộc trò chuyện với TS. Võ Trí Thành để tìm hiểu thêm về diễn tiến bất ngờ khiến cho tương lai của TPP-11, một lần nữa, trở nên bấp bênh.
VOA: Với cương vị Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và kinh nghiệm làm việc về các thỏa thuận thương mại quốc tế, theo Tiến sĩ, tại sao lại có sự bất đồng thấy rõ giữa 11 thành viên của TPP? Ông nhận định gì về sự kiện Thủ tướng Canada bỏ cuộc họp quan trọng về TPP vào phút chót?
TS. Võ Trí Thành: Cho đến thời điểm trước buổi chiều hôm nay, mọi việc đều diễn ra khá tích cực đối với TPP-11. Còn đối với việc có tin là Canada thôi không tham gia và TPP-11 vào thời điểm chót, trong khi trước đó có tin là các bên đã thống nhất được các nguyên tắc khung chung, thì bản thân tôi tất nhiên không muốn điều này diễn ra. Thế nhưng cũng có thể hiểu được, bởi vì các nước đều có cái nhìn về TPP sau khi Mỹ rút ra khác nhau, rồi mối quan hệ với Hoa Kỳ về thương mại, đầu tư. Giữa cái nhìn tổng thể như vậy, mỗi nước có thể xem xét lợi ích của mình và quyền quyết định là của mỗi quốc gia.
VOA: Nói như vậy, một cách gián tiếp có thể thấy nếu Hoa Kỳ không rút khỏi TPP thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn?
TS. Võ Trí Thành: Chắc chắn suôn sẻ hơn. Hoa Kỳ là nước vận động cuộc chơi cho đến khi TPP ký kết, có thể coi là người dẫn dắt hàng đầu. Hoa Kỳ có trọng số rất lớn, quan trọng trong việc đánh giá về tác động của TPP đối với các nước thành viên, khu vực và thế giới. Cho nên việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP rõ ràng là một dấu ấn không mong đợi.
Việc 11 nước thành viên còn lại tuyên bố nỗ lực hiện thực hóa và đánh giá cao vai trò của TPP thì tôi cho đó là một ý kiến tốt. Nhưng thời điểm gần đây nhất cho thấy việc hiện thực hóa TPP-11 vẫn đang gặp rất nhiều trắc trở và thách thức.
VOA: Thế nhưng sau khi Mỹ rút, vai trò của Nhật có vẻ nổi bật lên trong việc vận động các nước thành viên khác để có thể chốt lại hiệp định. Vậy tại sao vẫn có những trục trặc ở phút cuối? Phải chăng có mâu thuẫn giữa Nhật và Canada?
TS. Võ Trí Thành: Những nước sau này thúc đẩy TPP thì dẫn đầu là Nhật Bản, ngoài ra còn có một số nước khác như Australia, Singapore, New Zealand.
Để đi đến thời điểm gần đây nhất là trước thềm tuần lễ cấp cao APEC, cũng đã có những cuộc gặp đạt được ở Nhật Bản và Australia. Điều đó cho thấy quá trình dẫn đến sự đồng thuận theo hướng tích cực là không phải đơn giản, mà khá phức tạp, với những cách nhìn khác nhau đối với TPP ở cấp quốc gia, chứ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió.
Còn có tin về việc Canada rút khỏi TPP-11 thì đó là quyền của mỗi quốc gia nhìn lợi ích của mình trong TPP-11 và trong tương tác với các nước khác trong khu vực và lớn hơn.
VOA: Nếu Canada chính thức tuyên bố rút lui khỏi TPP-11, khả năng chốt lại TPP có còn cao không, hay sẽ mong manh hơn?
TS. Võ Trí Thành: Rõ ràng chuyện Canada xảy ra vào thời điểm mà mọi việc đang chuyển biến theo hướng tích cực là một kết cục mà có lẽ không chỉ tôi, mà nhiều người không mong đợi. Một kết cục khá buồn.
Nhưng cá nhân tôi nhìn vào dài hạn, tôi rất tin vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại đầu tư vì hai lý do đơn giản. Thứ nhất, đó là do dẫn dắt của sức mạnh thị trường. Thứ hai là sự thúc đẩy của công nghệ. Nhưng điều này thì nằm ngoài khả năng chi phối của bất cứ quốc gia nào nếu nhìn dài hạn. Tất nhiên, quá trình này không đơn giản mà đầy khó khăn, phức tạp.
Những khó khăn, phức tạp mà chúng ta đang đối mặt thì một mặt là điều không mong muốn, nhưng mặt khác cũng là điểm tích cực. Tích cực ở chỗ là đằng sau đấy có những vấn đề của mỗi quốc gia, mà qua đó, mình phải suy nghĩ làm sao để quá trình liên kết, hội nhập, tự do thương mại đầu tư được tốt hơn. Tôi hay nói là thông minh hơn, không chỉ vấn đề hiệu quả kinh tế, mà còn có những tác động mang lại lợi ích đồng đều cho các quốc gia và các nhóm khác nhau trong mỗi quốc gia.
VOA: Trước thời điểm chiều nay, Việt Nam đặt nhiều hy vọng TPP sẽ đi đến bước cuối cùng, nhưng với diễn tiến xoay chuyển bất ngờ như vậy, Việt Nam chịu tác động như thế nào?
TS. Võ Trí Thành: Việt Nam là nước chủ nhà APEC. Như chúng ta biết, một trong những mục tiêu cốt lõi của APEC là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thúc đẩy liên kết trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực.
TPP-11, theo một nghĩa nào đó, là một hoạt động không chính thức, bên lề [của APEC], bởi vì APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, còn TPP-11 gồm 11 quốc gia. Tuy nhiên rõ ràng TPP-11 ở vào thời điểm hiện nay đã không được như chúng ta kỳ vọng, mong đợi vào ngày hôm qua. Cho nên nó rõ ràng ít nhều ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư của APEC. Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, một nền kinh tế mở và tích cực trong quá trình thúc đẩy liên kết hội nhập, thì ít nhiều điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả mà chúng ta mong đợi nhiều hơn ở APEC năm nay.
VOA: Cám ơn ông.
Mời xem Video: Cận cảnh Tổng thống Donald Trump và các nguyên thủ đến dự tiệc chào mừng hội nghị cấp cao APEC 2007
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét