Biển Đông : Trung Quốc diễu võ giương oai sau thất bại của ASEAN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Biển Đông : Trung Quốc diễu võ giương oai sau thất bại của ASEAN


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nghiệm Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị ASEAN cấp ngoại trưởng tại Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2016. REUTERS/Jorge Silva

Việc ASEAN không đưa được phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, rất bất lợi cho Trung Quốc, vào tuyên bố chung (ngày 25/07/2016) của hội nghị các ngoại trưởng của khối tại Lào được nhiều nhà phân tích đánh giá như một « thất bại » của khối này. Trong bối cảnh một mặt trận ngoại giao quốc tế nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh thực thi phán quyết của Tòa dường như không thành công, Trung Quốc đã diễu võ giương oai.

Hãng thông tấn AP ghi nhận, sau phán quyết 12/07/2016, Bắc Kinh vừa có những phản ứng hết sức cứng rắn, vừa thực thi một chính sách ngoại giao mua chuộc tinh vi nhằm gia tăng các chia rẽ trong nội bộ ASEAN, nhằm bác bỏ tính chính đáng của phán quyết về Biển Đông.

Theo chuyên gia về Đông Nam Á John Ciorciari, đại học Michigan, Hoa Kỳ, được AP dẫn lời, thì khi không có được tiếng nói chung về vấn đề này, thì « với tư cách là một hiệp hội, ASEAN đã mất đi uy quyền và hiệu quả của tổ chức này trong những vấn đề khu vực quan trọng nhất ». Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á vận hành theo nguyên tắc đồng thuận 100%, chỉ một mình Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc thì mọi nỗ lực của các nước khác đều vô tác dụng.

AP cho biết, các nhà ngoại giao tham dự các hội nghị tại Lào quan sát thấy một hiện tượng đáng chú ý là, ngay cả những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, dường như cũng đã lùi bước. Ví dụ Philippines – bên thắng trong vụ kiện Trung Quốc – cũng tỏ ra không quyết liệt trong việc đòi hỏi đưa những ngôn từ mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung ASEAN.

Manila nhiều lần nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài chỉ là kết cục của vụ Philippines kiện Trung Quốc, vì vậy ASEAN không cần tham gia. Ngoại trưởng Malaysia thậm chí không có mặt trong phiên họp về chủ đề này. Còn Brunei – một nước tranh chấp khác tại Biển Đông – thậm chí còn ca ngợi vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong một cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác châu Á- Thái Bình Dương. Hôm thứ Ba 26/07, một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tuyên bố Hà Nội thiên về đối thoại song phương để giải quyết các tranh chấp, mà đây dường như cũng chính là điều mà Bắc Kinh đòi hỏi.

Một số nhà quan sát ghi nhận, cho dù phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ tiếp tục gây nhức nhối cho Trung Quốc, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy là Bắc Kinh đang từ bỏ tham vọng chủ quyền tại vùng biển này.

Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục nhiều hoạt động để khẳng định quyền kiểm soát, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa.

Vài ngày sau khi Tòa ra phán quyết, tập đoàn viễn thông China Telecommunications Corp – một trong công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này – quyết định triển khai dịch vụ internet 4G tại 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh đang kiểm soát ở Trường Sa. Một tập đoàn viễn thông lớn khác cũng chuẩn bị một kế hoạch tương tự.

Trung Quốc cũng đang cho xây dựng bốn bến cảng tại khu vực này, để chuẩn bị đón đến 2 triệu khách du lịch một năm.

Hôm qua 28/07, bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận với Nga tại Biển Đông trong tháng 9/2016. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước tại khu vực này. Đây là cũng là cuộc tập trận đầu tiên được dự trù sau phán quyết của Tòa án La Haye.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ có những phản ứng táo tợn hơn nhiều sau hội nghị G20 - nhóm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới - tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5/9 tại Hàng Châu (Hangzhou), Trung Quốc.

Theo ông Trần Việt Thái, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong giai đoạn hiện tại, phán quyết của Tòa án cũng không phải là cây gậy thần có thể giải quyết mọi vấn đề, mà nó cần phải được phối hợp với nhiều biện pháp khác.

Nhà nghiên cứu Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện tư vấn Heritage Foundation, Hoa Kỳ, đề xuất biện pháp đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, trong một phân tích được đưa ra một tuần sau khi Tòa án ra phán quyết (Bài “South China Sea After the Tribunal Ruling: Where Do We Go From Here?”, www.heritage.org). Đó là thay vì đặt trọng tâm vào ASEAN, Washington cần hỗ trợ nhóm các nước có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Bắc Kinh, tức Philippines, Việt Nam, Maylaysia và Brunei, « xây dựng một lập trường chung ». Điều này có thể tạo thêm một áp lực « chính trị và ngoại giao » để buộcTrung Quốc phải xét lại quan điểm.

Trọng Thành,
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad