|
Đến nơi có lắm người, lại còn phải nhìn họ hớn hở với những cuộc vui trong tầm mắt mình, tôi lại càng buồn và e sợ nhiều hơn. Tôi không biết làm sao để có thể đánh thức họ dậy, mặc dù họ vẫn đang mở mắt, nói cười và cả thụ hưởng cuộc sống này hàng ngày, một cách ồn ã và cả vội vã, say mê.
Có lẽ, tôi đã mắc bệnh và cần điều trị, vì nhìn đâu cũng thấy cô đơn và nỗi lo lắng, bất an về cuộc đời, về phận người và cả mệnh nước nữa. Nó cứ ăn mòn dần vào tôi, tỷ lệ thuận với sự thờ ơ của những con người đang chung vòm trời, vùng đất và bầu không khí chật chội mà đầy ô nhiễm này.
Nếu ai đã xem bộ phim Đồng Điệu (Equals) được công chiếu mới đây thì sẽ hiểu, trong một xã hội mà tất thảy được duy trì ở trạng thái vô cảm bởi màu trắng đồng điệu như nhau, thì những kẻ có cảm xúc con người lại là những kẻ mắc bệnh mà cần được điều trị và uống thuốc. Kiểu như trong thế giới của những thằng gù thì thằng đứng thẳng là kẻ dị dạng. Nó giờ đúng như xã hội tôi đang sống hiện hữu từng ngày trước mắt, thực sự đáng sợ và bế tắc.
Tôi không hiểu, đến khi nào thì con người ta, những đám đông – mà tôi gọi là cô đơn rời rạc và mất hương hướng ấy, mới nhận ra mọi thứ đang thực sự quá bất ổn, bên trong lòng của nó đang tiềm ẩn đầy rẫy những rủi ro và hiểm nguy thường trực mà có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhất là khi họ không mảy may chút gì hay ngờ tới. Nhưng hình như, việc mải mê kiếm tiền, mưu cầu lợi ích cá nhân, thụ đắc nhu cầu đời sống riêng đã khiến họ không còn bận tâm hay màng sự gì đến cuộc sống ngoài kia nữa?
Một câu hỏi vô vọng, nhưng hoàn toàn rõ ràng, đặc biệt về hậu quả của nó mà có thể thấy được hiện hữu.
Hôm nay tôi có việc về quê, nơi thành phố của tỉnh nhà, buổi chiều về, trên xe bus, tôi thấy dọc những con đường nham nhở là những ngôi nhà mới xây còn dở, những nẻo phố lầy lội, ổ gà, ổ voi, bên vỉa hè những quán bia cỏ vẫn đông vui tấp nập, rất nhiều người xâu xúm nhau lại và vui vẻ hô hào nâng ly chúc tụng. Chỉ là để kết thúc một ngày vất vả với họ, hoặc có thể nhàn hạ, rảnh rỗi.
Nhìn cảnh đó, tôi tự mình cảm thán rồi lắc đầu ngán ngẩm. Tôi cũng lại tự nghĩ đến những kiểu đàn bà thường xu nịnh và an ủi để dựa dẫm đời mình mà rằng, đàn bà hơn nhau ở tấm chồng. Đúng là một tư tưởng cổ hủ, mà thực ra tôi không dám gọi tên là ấu trĩ và khốn khổ đến khốn nạn.
Đàn bà, hơn nhau là ở chính mình. Chỉ có chính bản thân mình mới định giá được giá trị và có quyền để đặt ra điều đó, về bản thân mình. Chứ đừng mang một tấm chồng, mà vốn xưa nay luôn được hiểu với hàm ý – “vợ chồng như y phục”, ra để làm vật ngang giá mà so sánh với một mệnh phận đàn bà khác, mà đa phần họ cũng đang chịu chung nếp nghĩ như thế. Đến bao giờ và đến khi nào thì những người đàn bà ở xứ này mới thôi kiểu tư duy và với cách sống lệ thuộc ấy đi? Bởi vậy mà mới có hàng vạn, triệu những tay đàn ông được gọi là chồng mặc sức bê tha, rượu chè, cờ bạc, vô tâm, mắng chửi hay đánh đập vợ con là thế, mà rồi họ (những phận đàn bà) vẫn lẳng lặng cho qua để làm đẹp cho mình trước con mắt những người khác.
Đàn ông, thì nghĩ mình bản lĩnh và hơn nhau ở chai rượu, ở tửu lượng mà được ví như kỳ (cờ) và phong (gió). Con người ta không coi tri thức, sự ưu tú về trí tuệ và cống hiến là một biểu hiện của giá trị, mà họ đặt lên trước hết là khả năng kiếm tiền, và từ đó thể hiện “đẳng cấp” trong cuộc sống, với xã hội mà lấy nó làm niềm tự hào và hãnh diện thân mình. Và nếu có, thì cũng thực không may, trí thức, chỉ đua nhau chạy theo bằng cấp, thành tích, học vẹt rồi chỉ lo leo lên làm quan, chứ tuyệt nhiên không phải để phát minh hay đóng góp cho sự phát triển của đất nước chút gì cho cam.
Và khi nói đến chuyện quê hương tổ quốc, mà nó là môi trường sống của chính mình và thế hệ con cháu mình, dù đang bị đe doạ và xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, thì họ hầu như lảng tránh, hoặc với lý do mơ hồ trong sợ hãi về sự mất mát tình cảm, kinh tế, bạn bè hay thiệt thân nào đó. Nhưng thật trớ trêu là khi mời đi ăn nhậu, chè chén, hội họp thì sẽ chẳng mấy khi tìm ra lý do nào để họ từ chối những cuộc vui như thế.
Họ sống trong trạng thái né tránh tất thảy, và an toàn trong sự trốn chạy của nỗi sợ hãi và thờ ơ, vô cảm. Họ chưa coi mình là nạn nhân hay sẵn sàng cho điều đó, khi với họ, ngồi ở nhà hay đến nơi làm việc, bản thân miễn sao vẫn an toàn là được.
Tổ quốc, những ngày buồn, vì đi đâu và nhìn vào đâu, tôi cũng thấy buồn.
Đâu phải chỉ một vài chuyện cỏn con mấy cậu thanh niên vì đói mà cướp giật vài chiếc bánh mỳ và bị bắt giam, hay chuyện ngồi tù oan chục năm rồi mòn mỏi đòi bồi thường mãi cũng không xong. Đâu phải chuyện người ta thi nhau đục khoét, vơ vét, tham nhũng hàng tỷ, ngàn tỷ mà vẫn nhởn nhơ và rồi không ai phát hiện ra được. Đâu phải chuyện ngân sách cạn kiện không còn tiền chi tiêu, nợ công ngày càng cao và vượt ngưỡng an toàn. Đâu phải chuyện biển chết trải dài hơn 200km, cũng không phải chuyện Formosa có xứng đáng tồn tại 70 năm trong lòng đất nước này hay không. Cũng không phải chuyện giáo dục suy cấp, vấn nạn chạy chọt mọi mặt đời sống, con người tha hoá, đồi bại. Cũng không phải chuyện tin tặc Trung Quốc tấn công và tiếm quyền kiểm soát hai sân bay lớn nhất cả nước. Cũng không phải chuyện giới trẻ bu vào xem những cảnh hở ngực lộ mông hay hàng trăm ngàn lượt like rồi chia sẻ mấy thông tin nhảm nhí của giới showbiz. Không phải chuyện vào bệnh viện cứ phải làm thủ tục, nộp tiền xong xuôi rồi mới được cấp cứu, nếu có chết hay phải cắt bỏ chân, tay thì lại vẫn đúng cái quy trình quái thai và vô cảm nào đó mà họ vẫn lôi ra làm bình phong để chối bỏ trách nhiệm của mình. Không phải chuyện quốc hội im lặng về chuyện biển đảo bị chiếm hay lại lùi tiếp luật biểu tình, đình chỉ vài bộ luật lớn còn chưa ráo mực. Và cũng chẳng phải bất kỳ chuyện gì to tát cả.
Mà chỉ đơn giản là chuyện, khi nào tôi chữa được khỏi căn bệnh hoang tưởng của chính mình, về một xã hội vốn dĩ rất yên bình và hạnh phúc quá đỗi này, nhưng không hiểu sao nó lại khiến tôi đau khổ và buồn bã mỗi ngày trôi qua, ngay cả trong giấc ngủ mệt nhọc của mình?
LS. Lê Luân
FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét