|
Trung Cộng đang thi hành những thủ đoạn “chiến tranh nhân dân” để đối phó với những “quân thù” trong vùng biển phía Nam và cả phía Bắc. Thường Vạn Toàn đã sai một đoàn nghệ sĩ ca múa ra tận hòn đảo nhân tạo dựng trên vùng đá ngầm Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Biển Đông nước ta, để tác động binh sĩ đang bị đầy nơi “tiền tuyến,” thực hiện âm mưu bành trướng của các lãnh tụ Trung Nam Hải. Ca sĩ Tống Tổ Anh (Song Zuying, 宋祖英), 40 tuổi, đã hát bài “Ca khúc Những người lính Bảo Vệ Nam Hải!”
Còn tại phía Bắc, Trung Cộng đã “phản pháo” các hành động hợp tác giữa Nam Hàn, Nhật Bản, và Mỹ, cũng dùng thủ đoạn “chiến tranh nhân dân” khác. Để phản đối các chính phủ Washington và Seoul đồng ý đưa giàn phòng thủ chống hỏa tiễn (THAAD) qua Nam Hàn, và quyết định của Seoul sẽ hợp tác về tin tức tình báo với Nhật Bản, Bắc Kinh đã tấn công ngay vào các nghệ sĩ, tài tử điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc!
Các đài truyền hình và các công ty phim ảnh do Trung Cộng kiểm soát đã được lệnh ngưng chiếu các chương trình mới của Hàn Quốc, ngưng hợp tác là phim chung, và không được mời các tài tử “Sao Hàn” qua lục địa Trung Hoa gặp gỡ khán giả! Những tài tử được dân lục địa yêu mến bị nằm trong danh sách không được mời có cả Kim Soo-hyun, (김수현; tên chữ Hán Kim Tú Hiền 金秀賢), vai chính trong phim Tình Yêu từ Tinh Tú, và Song Joong-ki, (김수현 tên chữ Hán Tống Trọng Cơ, 宋仲基), phim Con Cháu Thái Dương. Cuốn phim truyện thứ nhì này đã được chiếu trên ti vi Nam Hàn và Trung Quốc cùng một lúc suốt 14 tuần lễ, kể chuyện một đại úy Nam Hàn (Song Joong-ki) yêu một nữ bác sĩ. Sau chương trình này, Nam Hàn đã cảm thấy hãnh diện về quân đội của họ, thanh niên đua nhau tập nói với nhau như nhà binh! Phim hấp dẫn đến nỗi các lãnh tụ văn nghệ trong quân đội Trung Cộng ra lệnh các nhà làm phim phải bắt chước để “nâng cấp” bộ mặt của “quân đội nhân dân.”
Nhưng đầu tuần này, các đài ti vi Trung Cộng được lệnh ngưng làm phim chung với Nam Hàn, các tài tử nổi danh trên sẽ không được mời đóng các phim do Trung Cộng sản xuất. Tại sao bỗng dưng Bắc Kinh trở mặt với Seoul như vậy?
Tháng Chín năm ngoái, trong dịp Trung Cộng tổ chức cuộc duyệt binh vĩ đại mừng chấm dứt Đại Chiến Thứ Hai, Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-hye là lãnh tụ duy nhất của một nước tự do đến tham dự, ngồi bên cạnh Tập Cận Bình và Vladimir Putin; trong khi các nước Âu Mỹ lớn đều từ chối! Bà Park Geun-hye có đủ lý do để chiều ý Bắc Kinh: Trung Quốc là nước mua nhiều hàng xuất cảng của Nam Hàn nhiều nhất!
Nhưng đầu năm nay, hai chính phủ Nam Hàn và Mỹ công bố chương trình đưa hệ thống chống hỏa tiễn THAAD qua, gọi là để đề phòng Bắc Hàn xâm lăng. Quyết định này được đưa ra mấy ngày trước khi Tòa Trọng Tài Quốc tế tuyên phán về vụ Philippines kiện Trung Cộng về Biển Đông!
Lập tức, thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng triệu các đại sứ Mỹ và Nam Hàn tới bầy tỏ ý kiến phản đối; coi là hành động này “đe dọa” an ninh của Trung Quốc và gây bất ổn trong vùng Đông Bắc Châu Á. Tháng trước, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến Bắc Kinh, trong thông cáo chung lãnh tụ Nga và Trung Cộng cùng lên án việc Nam Hàn đón nhận giàn radar THAAD.
Tại sao THAAD khiến cho Nga và Tàu lo lắng như vậy? Bên ngoài, họ nói rằng đưa hệ thống phòng thủ này tới bán đảo Cao Ly sẽ kích động Bắc Hàn phát triển thêm những hỏa tiễn tầm xa mạnh hơn. Nhưng ai cũng biết Kim Chính Un làm hỏa tiễn để đe dọa lân bang, không cần chờ có THAAD mới làm. Nguyên nhân chính gây ra phản ứng của Trung Cộng và Nga là những radar của THAAD có thể “nhìn” xa tới 4,000 cây số; tuy đặt tại Nam Hàn nhưng có thể nhìn tới tận Biển Đông của Việt Nam và vùng Tân Cương, Thanh Hải phía Tây nước Tàu. Đặc biệt là nhất cử nhất động của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan sẽ được thấy rõ từng chi tiết. Nhưng radars này nhắm vào các phi đạn và máy bay ở độ cao từ 40 km đến 150 km trên mặt biển.
Ngày 8 tháng Bảy vừa qua, Mỹ và Nam Hàn đã chọn một địa điểm đặt giàn radar trị giá 830 triệu đô la đầu tiên. Hệ thống được đặt dưới quyền chỉ huy của người Mỹ, họ đang có 28,500 quân sĩ trú đóng ở Nam Hàn từ cuối năm 2016.
Nhưng Bắc Kinh không phản ứng “dữ dội” khi nghe tin hệ thống THAAD được quyết định sắp tiến hành. Cuộc “chiến tranh nhân dân” nhằm vào các tài tử chiếu bóng và ti vi Nam Hàn được Trung Cộng tung ra ngay sau khi chính phủ Seoul tiến hành một bước mới.
Tuần trước, bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn tuyên bố chính phủ ông sẽ chia sẻ với chính phủ Nhật Bản các tin tức “về các hỏa tiễn của Bắc Hàn.” Đó là những dữ liệu, thông tin do hệ thống THAAD thu lượm được, sau khi thiết lập.
Đối với Bắc Kinh, đây là một tin động trời! Nếu Nam Hàn và Nhật Bản có thể trao cho nhau những tin tức tình báo về Bắc Hàn thì họ cũng có thể trao đổi những gì mà hệ thống THAAD có thể nhìn thấy ở khắp vùng Đông Bắc và Đông Nam châu Á!
Điều đáng chú ý đặc biệt trong quyết định mới của Seoul là hành đồng này trái ngược với chính sách của các chính phủ Nam Hàn từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ khi độc lập đến nay, các chính phủ Nam Hàn luôn luôn tránh không có quan hệ về quân sự với Nhật. Dân chúng Hàn Quốc vẫn chưa quên những năm nước họ bị quân Nhật chiếm đóng và cai trị tàn bạo. Tới nay hai nước vẫn còn tranh chấp nhiều hòn đảo. Bây giờ, Seoul đơn phương thay đổi chính sách lâu đời đó! Ông bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn đã nêu lý do biện minh cho quyết định này, ông nói rằng năm 2014, ba nước Mỹ, Nam Hàn và Nhật đã ký kết cùng cộng tác với nhau trong việc đề phòng hỏa tiễn Bắc Hàn. Chia sẻ tin tình báo chỉ là một hệ quả.
Điều làm Bắc Kinh lo ngại chính là vì thấy nước Mỹ đứng đằng sau cả Nhật Bản lẫn Nam Hàn, mỗi quốc gia này đều đã có hiệp ước song phương với Mỹ về an ninh. Hành động hợp tác chia sẻ tin tức tình báo này, có thể dẫn tới tương lai cộng tác giữa ba quốc gia. Khi ba nước cộng tác chính thức, Nhật Bản và Nam Hàn có thể điều hợp quyền lợi với nhau cả trên mặt quân sự, thì Trung Cộng sẽ mất địa vị trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Cộng sẽ không thể đóng vai “trung gian” giữa Bắc và Nam Hàn, giữa Nam Hàn và Nhật Bản, giữa Bắc Hàn với Mỹ, Nhật, và các nước khác! Từ đó, miền Đông Bắc Á Châu sẽ có hai liên minh. Một bên là Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản; bên kia là Trung Cộng, Nga và Bắc Hàn.
Tức là trở lại tình trạng thời “Chiến Tranh Lạnh” như trước năm 1990!
Nếu “Chiến Tranh Lạnh” đã chấm dứt sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, thì tại sao lại tái diễn trên vùng Đông Bắc Á Châu?
Chúng ta thấy, ngày nay không còn hai khối tư bản và cộng sản tranh đua chiếm phần trong thế giới nữa. Những liên minh mới đối đầu nhau hiện nay không được phân biệt dựa trên tiêu chuẩn ý thức hệ nữa. Những nước liên kết với nhau có một sợi dây ràng buộc khác, một bên là những nước theo chế độ dân chủ tự do; bên kia là những nước độc tài. Mỹ, Nhật, Nam Hàn đều dân chủ tự do. Nước Nga tuy mang cái vỏ dân chủ nhưng bên trong do một thiểu số nắm quyền, mị hoặc dân chúng. Trung Cộng chỉ nới lỏng một phần kinh tế nhưng vẫn chuyên chế về mặt chính trị. Còn Bắc Hàn cổ lỗ nhất, độc tài toàn trị theo lối cha truyền con nối!
Cuối cùng “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa,” cả trong bang giao quốc tế! Chỉ thương cho các bà các cô trong lục địa Trung Hoa. Sống trong một chế độ mà nhà nước kiểm soát tất cả các báo, các đài, cả những nhà sản xuất phim và tổ chức đại nhạc hội, họ sẽ không được coi các “sao Hàn” đang khiến trái tim hàng trăm triệu người khắp thế giới thổn thức!
Ngô Nhân Dụng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét