|
Xuyên tạc lịch sử nhằm phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là luận điệu mà một số người thường đưa ra mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Bất bình với hiện tượng bất lương này, gần đây blogger Kami công bố một bài viết trên blog RFA để bác bỏ luận điệu của những người mà blogger Kami gọi là “những kẻ giả dối nhân danh trí thức để bóp méo sự thật lịch sử”!
Xem thêm: Bàn về các Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ở Việt Nam - Kami, RFA
Năm 1991, trong cuốn sách Cách mạng Việt Nam năm 1945 - Ru-dơ-ven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới chiến tranh (The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War), S.Tonesson (S.Tô-net-sơn) - một nhà sử học người Na Uy, cho rằng: “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền” và từ đó, ý kiến của S.Tonesson đã bị một số người tùy tiện viện dẫn "nghiên cứu" hòng phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20, phủ nhận các thành tựu Việt Nam đã giành được trong hơn 70 năm qua… Cũng từ đó, mỗi khi tới dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, luận điệu này lại được một số người đem ra rêu rao, mà gần đây là một giáo sư, tiến sĩ viết: “Việt Minh quả thực đã lợi dụng được thời cơ và điều kiện rất thuận lợi để cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim khi Pháp đã bị Nhật loại bỏ, Nhật đã đầu hàng, chính quyền hợp pháp không có quân đội, không chống lại… nhiều nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng trước đó mấy tháng nước Việt Nam đã độc lập, đã thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Mặc dầu lúc đó trên lãnh thổ còn có quân Nhật, nhưng Nhật không đặt chế độ cai trị, Nhật không xem Việt Nam là thuộc địa, Việt Nam có chính phủ riêng, Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập… Như vậy Cách mạng tháng 8 đã không đánh Pháp, không đuổi Nhật, càng không giành độc lập cho đất nước. Từ tháng 4-1945, và đặc biệt từ sau 15-8 nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập”. Sau đó, ngay trên facebook của vị giáo sư tiến sĩ, nhiều người đã lên tiếng phản đối, trong đó có ý kiến rất chân tình: “Thầy nên đọc lại mấy comment để thấy luận điệu xuyên tạc lịch sử của thầy nguy hại ra sao thưa thầy, gần về cuối đời thiết nghĩ thầy nên làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước chứ không phải là viết những bài mang tính xuyên tạc tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ… những luận điệu sai trái thế này! “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mong thầy đừng quên câu tục ngữ đó”. Không rõ giáo sư, tiến sĩ nọ suy nghĩ gì về ý kiến của người gọi ông là thầy?
Trước tình trạng nhân danh trí thức, nhân danh nghiên cứu nhằm gieo rắc luận điệu xuyên tạc, phi lịch sử làm người đọc vì ngộ nhận mà sai lầm trong nhận thức, các nhà nghiên cứu và báo chí trong nước đã sớm lên tiếng bác bỏ, chỉ rõ bản chất của vấn đề. Và gần đây, vì thấy loại luận điệu “mổ xẻ sự kiện lịch sử… có sức thuyết phục thấp, mà nguyên nhân có lẽ vì các tác giả có một cách nhìn thiên lệch, mang nặng thiên kiến, thiếu tính công tâm”, ngày 15-8, blogger Kami công bố trên blog của RFA bài viết có nhan đề Bàn về các Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ở Việt Nam. Trong bài, dù thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam hiện tại, dù không đồng tình với kết quả nghiên cứu của giới sử học trong nước, nhưng blogger Kami vẫn phải thừa nhận: “Trong lịch sử chính trị Việt Nam cận đại, thực tế đã cho thấy không có một tổ chức chính trị nào ở Việt Nam đã thành công trong các cuộc vận động làm cách mạng giành độc lập cũng như chiến tranh giải phóng để thống nhất quốc gia như đảng chính trị của những người Cộng sản. Nguyên nhân của sự thành công của họ là nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân trong cả nước, đó là điều không cần phải bàn cãi. Kinh nghiệm vận động để lôi kéo sự ủng hộ quần chúng và tổ chức các hoạt động chính trị có bài bản, với những chiến lược có tầm nhìn xa trông rộng của họ là những bài học có giá trị, không thể phủ nhận”. Đồng thời, blogger Kami đã không ngần ngại gọi một số người nghiên cứu sự thật lịch sử qua cách nhìn thiên lệch, mang nặng thiên kiến, thiếu tính công tâm là “những kẻ giả dối nhân danh trí thức để bóp méo sự thật lịch sử”!
Bác bỏ hiện tượng “trên mạng internet nhiều người tự hào khi cho rằng, từ tháng 3-1945 nước Việt Nam đã có một bản Tuyên ngôn Độc lập của Vua Bảo Đại và sau đó ngày 17-4-1945, Chính phủ của nhà nước đế quốc Việt Nam được thành lập với thủ tướng là ông Trần Trọng Kim. Đây được cho là một chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thống nhất”, blogger Kami phân tích và chứng minh:
- Về cái gọi là “Tuyên cáo độc lập” của Bảo Đại, blogger Kami viết: “Nếu như xem nội dung của văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoàng đế Bảo Đại, thì sẽ thấy đây là tuyên bố khẳng định hủy bỏ Hòa ước Patenôtre, của Triều đình Huế đã ký với nước Pháp năm 1884, để tuyên bố cho một nước Việt Nam “độc lập”, nhưng dựa vào khối Đại Đông Á của Nhật… Tuy nhiên những tuyên bố kể trên đã cho thấy Việt Nam chưa đủ tư cách độc lập của một quốc gia cần phải có, vì chỉ cần kể đến việc cái gọi là Tuyên ngôn Độc lập của Vua Bảo Đại đã được trao cho ông Yokohama, Đại sứ Toàn quyền của Nhật tại Việt Nam, ngày 12-3-1945 thôi thì cũng quá đủ. Hơn nữa, tới tháng 8-1945, khi Nhật Bản sắp sửa bại trận, Vua Bảo Đại đã gửi thư cho nguyên thủ của các cường quốc Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam là chính phủ đại diện của Việt Nam. Tuy nhiên tất cả các bức thư đều không được hồi âm, bởi theo Tuyên bố Cairo, các nước khối Đồng minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập tại các lãnh thổ chiếm đóng”.
- Về chính phủ Trần Trọng Kim, blogger Kami viết: “Đã có nhiều người ca ngợi chính phủ của Trần Trọng Kim, cho rằng đây là một chính phủ tuy còn non trẻ, nhưng chỉ trong vài tháng đã có thể thực hiện được nhiều điều cải cách mà những người dân hiện nay vẫn còn đang mơ tới. Song họ không hiểu rằng, tại thời điểm đó, quyền lực cai trị Việt Nam hoàn toàn đang nằm trong tay người Nhật và Vua Bảo Đại lúc đó hoàn toàn là một ông vua bù nhìn. Trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim viết: “Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục”, lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”. Tiếc rằng, không ai tự hỏi mình tại sao một chính quyền của Trần Trọng Kim được đánh giá là tốt như thế mà lại không được người dân ủng hộ? Mà dân chúng lúc đó lại ủng hộ Việt Minh của những người Cộng sản?”.
- Về Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tại Hà Nội ngày 2-9-1945, blogger Kami viết: “Sự kiện ngày 2-9-1945 ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình chỉ mang ý nghĩa về mặt nghi thức, với mục đích để công bố sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập với quốc dân và thế giới. Ngay sau đó, cũng ông Hồ Chí Minh đã ký các sắc lệnh về tổ chức Tổng tuyển cử và việc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử tháng 1-1946 đã xác định tính chính danh của một nhà nước được nhân dân lựa chọn. Đây là điều cho thấy lãnh đạo Việt Minh lúc ấy, họ đã có ý thức xây dựng một nhà nước Cộng hòa - Dân chủ của nhân dân một cách có hệ thống, bài bản và khoa học. Tại thời điểm đó, việc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu như chưa được sự công nhận của các cường quốc càng chứng minh sự độc lập của nó”.
Ý kiến của blogger Kami trên blog của RFA thật sự là “cái tát” vào những ai cố tình xuyên tạc lịch sử để hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám. Bởi, không ai có thể phủ nhận được một sự thật: thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó nổi lên vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sự lựa chọn lý tưởng, mục tiêu, đến xây dựng chiến lược cách mạng; trung thành và giữ vững nguyên tắc nhưng vận dụng lý luận một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp giai đoạn lịch sử cụ thể; nỗ lực tuyên truyền lý tưởng một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để hình thành khối đại đoàn kết toàn dân,… Đặc biệt, Đảng được tôi luyện trong 15 năm gian khổ với sự hy sinh quên mình của các thế hệ đảng viên, trong đó có tấm gương của các Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Chỉ có như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới là chính đảng duy nhất có khả năng, uy tín, được chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ đến đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ đó, một thời đại mới đã mở ra với dân tộc, người Việt Nam thật sự được trở thành người làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ chính bản thân mình, nước Việt Nam có tư cách là một quốc gia độc lập sánh ngang các quốc gia khác trên thế giới. Đó cũng là điều trong cuốn sách Cách mạng Việt Nam năm 1945 - Ru-dơ-ven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới chiến tranh đã nhắc tới, nhà sử học S. Tonesson viết: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”. Vì thế, kết quả nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học chân chính trên thế giới, nhận định trên đây của S. Tonesson và cả ý kiến của blogger Kami nữa, đã biến luận điệu của “những kẻ giả dối nhân danh trí thức để bóp méo sự thật lịch sử” trở nên lố bịch và vô nghĩa.
LAM SƠN
Nhân Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét