|
Nói thật là tôi không tin dù chỉ 0,1% lời ông Vũ. Nhưng cũng muốn hỏi lại mấy câu: ông hứa với ai? Ai cho ông hứa? Ông hứa làm gì? – khi mà đã có pháp luật xử kẻ vi phạm pháp luật, mà chẳng cần ông hứa hay không. Vả lại sau 10 năm nữa thôi, liệu biết ông sẽ ra sao, Hoa Sen tập đoàn liệu có rơi vào cảnh khốn khó như Hoàng Anh Gia Lai hiện nay? Chẳng điều gì là không thể – lấy ngay từ chính rất nhiều doanh nghiệp “khổng lồ” tại Việt Nam trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên, nếu tỉnh Ninh Thuận cũng quyết tâm thông qua/chấp thuận dự án thép khủng của Tôn Hoa Sen, thì nói thật dù rất lo về môi trường, tôi cũng ráng động não và thấy có thể có một vài cái lợi như sau chăng?
– Nếu nhà máy thép Hoa Sen hoạt động tại Ninh Thuận, thì chắc là kế hoạch xây dựng Nhà mày điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ bị hoãn vĩnh viễn hay dời qua chỗ khác? Vì trước đây Nhà nước chọn Ninh Thuận là khu vực hoang vắng ít người, để an toàn và tránh nguy cơ do mất an toàn hạt nhân. Nay có Thép gần đó, sẽ khó cho điện hạt nhân tồn tại. (Theo tin trên báo Đất Việt, thì dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dời đến sau năm 2030).
– Khu vực Cà Ná – Ninh Thuận là vùng đất xung yếu, rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Nơi này rất gần cảng quân sự Cam Ranh và nằm ngay trên trục lộ quan trọng Quốc lộ I. Thế nên giao đất cho một doanh nghiệp Việt Nam dù sao vẫn an tâm hơn là giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc hay có dính dáng đến Trung Quốc như Formosa. Bởi nếu Cà Ná do một doanh nghiệp TQ nắm, thì nếu có chuyện gì căng thẳng ở Trường Sa, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nói dại, chứ nếu có thế lực phản động nào đó khống chế tuyến đường Quốc lộ I ở khu vực Cà Ná, thì sẽ có được tầm bao quát khu vực rất rộng lớn. Tóm lại Cà Ná là nơi có địa thế rất quan trọng, xung yếu nên phải giao cho người/doanh nghiệp tuyệt đối có lòng yêu nước. (Nhưng cũng nghe có tin nói dự án thép của Tôn Hoa Sen có dính đến công nghệ, tư vấn, thiết kế của Trung Quốc. Chả lẽ lại thế? Tôi không muốn tin!).
Nhưng tổng thể, với trách nhiệm công dân của mình, tôi nói rõ là không muốn và rất mong dự án thép của Tôn Hoa Sen sẽ không được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận. Vì nguy cơ hủy hoại môi trường của dự án này là quá lớn, quá khủng khiếp! Xin đừng để có thêm một Formosa nữa. Đừng để Cà Ná mất đi nét hoang sơ tuyệt đẹp, là điểm du lịch tuyệt vời, đầy tiềm năng của đất nước, mà thế hệ ngày nay có trách nhiệm gìn giữ cho đời sau.
Trần Hồng Phong
Bình Luận Án
—————
Bài dưới đây đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm nay 6/9/2016:
Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen: “Ngu gì không làm thép”
TTO – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ đã tuyên bố như vậy tại đại hội cổ đông bất thường của công ty sáng 6-9 tại TP.HCM, với khán phòng không còn một chỗ trống.
|
Đến 11g45, đại diện ban kiểm phiếu cho biết 100% cổ đông đang sở hữu hơn 134 triệu cổ phần (làm tròn) tham dự đại hội của HSG đều thông qua các nội dung mà HĐQT đã trình lấy ý kiến.
Theo tờ trình HĐQT HSG gởi đến cổ đông, ban giám đốc công ty đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.
Đồng thời ủy quyền cho HĐQT quyết định về phân kỳ giai đoạn đầu tư, quy mô, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn, thời điểm đầu tư, hình thức đầu tư. Lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung ứng, đơn vị tư vấn, giám sát…
Tiếp tục khẳng định dự án là mục tiêu chiến lược, là dự án tối ưu nhất giúp tập đoàn sản xuất khép kín, hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong thời gian tới, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT HSG tiếp tục lập lại quan điểm “vị trí đặt dự án được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới hiện nay”. Đồng thời khuyên nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”.
Ông Vũ cũng cho rằng nếu nhìn thấy Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát – PV) quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”(!).
Trấn an nhà đầu tư về dư luận đề cập về dự án thép HSG đang dự tính thực hiện, ông Vũ cho rằng “những gì dư luận thể hiện trong thời gian, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc bánh xe, đố kỵ với HSG”.
Ban giám đốc HSG cũng không không ngần ngại “khoe” với các cổ đông về việc dự án “đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thép giai đoạn 2020-2025”, được “Thủ tướng Chính phủ thị sát và có chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương đầu tư ngày 27-8 tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa qua”.
Theo báo cáo đầu tư được trình bày trong ĐHCĐ bất thường, phân kỳ I.1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tương ứng khoảng 11.150 tỉ đồng. Và để vận hành dự án, ngoài 270 tỉ đồng vốn lưu động, HSG cần gần 2.430 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ngắn hạn, trong khi vốn tự có chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỉ đồng.
Trả lời ý kiến băn khoăn của cổ đông về việc sử dụng công nghệ, thiết bị nước nào cho dự án, ông Vũ lớn tiếng “đừng thấy Formosa mà sợ. HSG sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện thì chắc chắn không xảy ra như Formosa”. Còn thiết bị, lựa chọn giữa Châu Âu hay Trung Quốc, ông Vũ nói “trả lời sau”.
Nhưng ngay lập tức, ông Vũ lại thòng thêm câu “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”(!?).
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho dự án, ông Vũ khuyên cổ đông “đừng lo vì tôi lo hết rồi. Bảo đảm không vay đồng nào”.
Ông Vũ cũng nói thêm, trong vòng 10 năm nữa, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 10.000 tỉ đồng, thậm chí 20.000 tỉ đồng “dễ như chơi vì uy tín của HSG có đầy. Chưa bao giờ HSG phải đi xin hạn mức vay cả”.
Theo cách giải thích của ông Vũ, nguồn tiền để “nuôi” dự án qua từng giai đoạn được thực hiện theo hình thức gối đầu. “Nếu làm giai đoạn một xong, có lời, thì lấy tiền đó đầu tư tiếp”. Ông Vũ cũng khẳng định “hiện đã có mười mấy ngân hàng cam kết tài trợ vốn cho HSG để làm dự án này”.
Trả lời về việc lấy nước ở đâu để làm dự án, ông Vũ nói “lấy nước biển làm chứ đâu, dù chi phí để đầu tư sẽ cao hơn. Nhưng khi nào thiếu nước thì mới dùng nước biển”. Còn hiện tại, theo ông Vũ, “dự án hiện đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.
Trần Vũ Nghi
Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét