Cuộc tập trận và tuần tra tầm xa gồm hơn 40 máy bay từ nhiều đội bay khác nhau nhằm phô diễn khả năng của Trung Quốc chống lại sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Cuộc tập trận này đã gây ra “hiệu ứng răn đe” nhất định đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP - Hong Kong) nhận định.
Cuộc tập trận lớn chưa từng có của lực lượng không quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương vào ngày 25/9 vừa rồi chỉ là bước khởi đầu, các chuyên gia quân sự dự đoán Trung Quốc sẽ có nhiều những cuộc tập trận lớn hơn nữa ở khu vực trong tương lai.
Những cuộc tập trận và tuần tra tầm xa gồm hơn 40 máy bay từ nhiều đội bay khác nhau nhằm phô diễn khả năng của Trung Quốc chống lại sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn lực lượng không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và máy bay tiếp tế tiến hành diễn tập trinh sát và cảnh báo sớm, mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên biển và tiến hành tiếp tế nhiên liệu trong lúc bay.
Máy bay Trung Quốc đã từng bay qua eo biển Miyako của Nhật Bản một cách hệ thống, trong đó máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành các cuộc tuần tra trên vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông được Trung Quốc thiết lập năm 2013.
Thân Tiến Khoa tuyên bố rằng “những cuộc diễn tập tầm xa thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương và các cuộc tuần tra trên vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông là để lực lượng không quân bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Đây là cuộc tập trận thứ hai trong khu vực trong tháng này và là lần thứ sáu không quân Trung Quốc bay qua ranh giới phong tỏa của chuỗi đảo thứ nhất, chỉ dãy đảo lớn chạy dọc bờ biển Đông Á nơi Mỹ đang cố kiềm chế Trung Quốc, báo chí nhà nước Trung Quốc lý giải.
Cuộc diễn tập gần đảo Okinawa đã khiến Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản buộc phải điều ngay máy bay chiến đấu sau khi phát hiện ra 8 máy bay Trung Quốc bay qua eo biển.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết các cuộc tập trận này không chỉ nhằm vào Nhật Bản mà còn nhằm vào liên minh quân sự Mỹ- Nhật. “Đối thủ mạnh nhất của lực lượng không quân Trung Quốc không phải là Nhật Bản mà là liên minh quân sự Mỹ- Nhật”, ông Song còn bổ sung thêm rằng Mỹ là kẻ thù tối thượng của Trung Quốc.
[Biển Đông: Trung Quốc tập trận lớn chưa từng có, chống Mỹ can thiệp - ảnh 1] Chiến đấu cơ bay hộ tống máy bay ném bom chiến lược
“Cuộc diễn tập nhằm vào căn cứ hải quân của Mỹ ở Guam, đầu cầu cho Washington kiềm chế Trung Quốc trong khu vực.” Ông Song cho biết và nói rằng Trung Quốc tin vào cuộc diễn tập Exercise Valiant Shield ngày 12/9 gồm 22.000 lính Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Ông Song phân tích, khoảng cách trong các cuộc diễn tập từ đất liền tới Tây Thái Bình Dương tương đương khoảng cách máy bay cất cánh từ đảo Hải Nam tới nơi xa nhất về phía nam của Biển Đông, cho thấy lực lượng không quân Trung Quốc có khả năng thực hiện các cuộc diễn tập tầm xa tương tự ở vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và dẫu cho đã bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ các tuyên bố này, Trung Quốc vẫn từ chối tuân theo phán quyết của tòa.
Chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh Lý Kiệt khoe rằng cuộc diễn tập hôm Chủ nhật cho thấy lực lượng không quân Trung Quốc hiện nay có thể hoạt động qua mặt toàn bộ chuỗi các hệ thống trinh sát, giám sát, tình báo, thông tin liên lạc và chỉ huy bằng máy tính mà quân đội Mỹ sử dụng.
“Hải quân của Quân đội Trung Quốc cũng đã phá vỡ sự phong tỏa của chuỗi đảo thứ nhất rất nhiều lần để tiến ra khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhằm thể hiện năng lực phối hợp tác chiến chung của quân đội Trung Quốc, rất có khả năng các lực lượng không quân, hải quân và các lực lượng khác như tên lửa sẽ tham gia diễn tập chung ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai”, Lý Kiệt cho hay.
Theo quan sát viên quân sự Antony Wong Dong tại Macau, video từ kênh truyền hình CCTV nhà nước Trung Quốc cho thấy máy bay tham gia diễn tập đến từ các sân bay quân sự khác nhau trên đất liền bao gồm cả thành phố Giang Tô của Nam Kinh và Vu Hồ của An Huy cũng như là các căn cứ huấn luyện bí mật của lực lượng không quân ở Tửu Tuyền, vùng hẻo lánh phía tây tỉnh Cam Túc.
Giới quân sự Trung Quốc chủ quan đánh giá, việc lập kế hoạch và số hiệu trên máy bay cho thấy cuộc diễn tập này có sự tham gia của một số lượng lớn các loại chiến đấu cơ và cuộc tập trận này đã gây ra “hiệu ứng răn đe” nhất định đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Đặng Phương Thảo
(VietTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét