Trong vài ngày qua, có hàng loạt dấu hiệu bất ổn cho thấy dường như sự chi phối của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực Châu Á, Ðông Nam Á nói riêng càng lúc càng lớn.
Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-20 (cuộc gặp thường niên của nguyên thủ 20 cường quốc và quốc gia có nền kinh tế vượt trội) lần thứ 11 tại Hàng Châu đã kết thúc đúng như mong muốn của Trung Quốc: Chỉ thảo luận tìm giải pháp cho việc phát triển đầu tư, thương mại, thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. An ninh Châu Á, tự do lưu thông – thực thi luật pháp quốc tế ở biển không được đề cập.
Chưa kể Trung Quốc còn đạt thêm một thắng lợi nữa khi ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, chính thức tuyên bố, quốc gia này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông, chống sự can thiệp của các cường quốc không có liên quan. Thậm chí tổng thống Nga còn ủng hộ việc Trung Quốc bác bỏ “phán quyết về Biển Ðông” vì Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc chỉ mới nghe một phía!
Vào lúc Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-20 sắp sửa kết thúc, nguyên thủ các quốc gia đang chuẩn bị đến Lào để tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN, Kyodo – một hãng tin của Nhật – loan báo, dự thảo tuyên bố chung mà Lào – quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch ASEAN – soạn thảo cho Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN, không đề cập gì đến “phán quyết về Biển Ðông.”
Tháng 7 vừa qua, ASEAN từng bị cả giới chuyên gia về an ninh, quốc phòng lẫn báo chí quốc tế chỉ trích kịch liệt vì tuyên bố chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN cũng né “phán quyết về Biển Ðông,” bất kể phán quyết này liên quan đến năm trong số mười quốc gia thành viên ASEAN. Lần đó, người ta xác định lý do là vì Cambodia phản đối. Lần này, người ta tin rằng, tới lượt Lào làm như thế do tác động từ Trung Quốc. Trung Quốc vốn vẫn tìm đủ cách nhằm vô hiệu hóa “phán quyết về Biển Ðông” và nền kinh tế của Lào càng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào viện trợ cũng như đầu tư của Trung Quốc.
Ngay sau đó, Philippines – quốc gia từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, xác nhận, tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN lần này, Philippines sẽ không đề cập đến yêu cầu thực thi “phán quyết về Biển Ðông.” Ngay cả Philippines cũng muốn hòa hoãn với Trung Quốc bởi hy vọng có thể tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc, phát triển kinh tế Philippines.
Trong bối cảnh như vậy, tại phiên khai mạc Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN, ông Obama kêu gọi các quốc gia Châu Á “hãy tin vào Hoa Kỳ.” Hoa Kỳ luôn luôn đồng hành với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cho dù ông Obama mãn nhiệm thì chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là chiến lược của Hoa Kỳ. Ðó không phải chuyện nhất thời mà là lợi ích lâu đời và luôn là lợi ích căn bản của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang và sẽ gia tăng hợp tác quân sự với Philippines, Ấn, Singapore song song với việc mở rộng, phát triển kinh tế, thương mại với các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc khi đó là sự trỗi dậy một cách hòa bình, đem đến ổn định và thịnh vượng, trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Một Trung Quốc như thế sẽ có lợi cho tất cả các bên. Về phía Hoa Kỳ, ngoài việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ quyền tư do lưu thông của tất cả các quốc gia khác.
Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29 này sẽ diễn ra song song với các hội nghị giữa nguyên thủ ASEAN với tám cường quốc khác: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Úc, New Zealand, Nga. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét