'Truyền thông dân’ và 'phản ứng quan’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

'Truyền thông dân’ và 'phản ứng quan’


Truyền thông mạng xã hội và truyền thông chính thống, ai mạnh hơn ai và ai đang được người dân quan tâm nhiều hơn là một câu hỏi được đặt ra.

Đã có sự 'nhận thức lại tiến bộ' về phía chính quyền mà có thể cho là 'tín hiệu tích cực' khi chính quyền và quan chức có phản ứng với truyền thông mạng xã hội, hay truyền thông lề trái, qua một số sự kiện mà Thủ tướng Việt Nam và một số quan chức lãnh đạo cấp tỉnh được truyền thông mạng đề cập gần đây, theo khách mời của Bàn tròn thứ Năm.

Phản ứng và hiện tượng này cũng cho thấy đã có sự 'trưởng thành' của truyền thông mạng và không ai có thể 'bỏ qua sức mạnh' của truyền thông mạng xã hội và việc các quan chức nhà nước gần đây có phản ứng 'nhanh nhậy, kịp thời' trước dư luận và thông tin trên mạng này dù sao cũng là những 'chỉ dấu cho phép chúng ta lạc quan', vẫn theo ý kiến của khách mời tại Tọa đàm trực tuyến của BBC Việt ngữ hôm 22/9/2016.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Truyền thông dân' và 'phản ứng quan' về sức mạng, vai trò và ảnh hưởng của chuyển thông mạng Việt Nam đối với chính quyền và quan chức, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói:


  Tôi cho rằng từ hai phía sự trưởng thành của truyền thông mạng và cái phải công tâm mà nói là có những nhận thức lại tôi cho là tiến bộ từ phía chính quyền

Nhà báo Trương Duy Nhất
"Nhà nước vẫn hay gọi chúng tôi, tức là báo chí không chính thống, là lề trái, xưa nay chúng tôi đưa cái gì, nói chung nhà nước không quan tâm. Các quan quản báo không bao giờ quan tâm, họ đa phần là bảo 'ôi giời, bọn phản động, tin tào lào, bịa đặt, chống phá, quan tâm làm gì?".

"Cho nên không quan tâm, không thèm trả lời, bỏ ngoài tai, thậm chí những thông tin mà loại tin 'rúng động thiên đình' như trang 'Quan Làm báo', rồi 'Chân dung Quyền lực' trước đây thì người ta có đả động gì đâu.

"Người ta phản ứng bằng cách im lặng không nói, coi như là 'bỏ chúng mày qua bên', 'đó là cái loại phản động, chống phá, không có đúng gì hết cả', nhưng ở đây bắt đầu bằng hiện tượng tôi cho rằng từ hai phía sự trưởng thành của truyền thông mạng và cái phải công tâm mà nói là có những nhận thức lại tôi cho là tiến bộ từ phía chính quyền.

"Khởi đầu là xe của Thủ tướng vào Phố Cổ Hội An, việc này chỉ phản ánh trên Facebook, trên truyền thông mạng thôi, tức các trang lề trái, các báo nhà nước, báo lề phải không đưa mà đưa theo dạng khi các trang Facebook đưa rồi, thì vài nhà báo nhà nước đưa (tin) theo, mà đưa theo kiểu biện minh, ủng hộ Thủ tướng.

"Nhưng mà không, báo chí nhà nước biện minh, nhưng Thủ tướng vẫn coi đó là hành vi không đúng, hình ảnh phản cảm mà ông ấy phải công khai xin lỗi người dân, thì cái đó là lần đầu tiên và đó là một chuyển biến tích cực, áp lực của truyền thông mạng là một chuyển biến tích cực trong nhận thức, tôi gọi đó gần như cái 'bẻ ghi' trong quan điểm, nhận thức và tư duy ứng xử của quan chức.

"Từ cái đó, sau này..., hai vụ như vụ' Triệu gia' của Bí thư Hà Giang, rồi vụ 'bố nhí' của Bí thư Thanh Hóa, thì tin loại đó trước đây tôi nghĩ chẳng có quan chức nào đứng ra đối thoại, giãi bày cả, bảo nhảm nhí, họ không quan tâm mà đây là cách để bảo vệ họ, nhưng bây giờ khác, bây giờ họ buộc phải bảo vệ họ bằng cách gì? Buộc họ phải đối thoại," nhà báo Trương Duy Nhất nói với BBC.

Lạc quan về tương lai

Đã cõ chuyển biến trong nhận thức của giới chức lãnh đạo Việt Nam về truyền thông mạng xã hội, theo khách mời của BBC.                 

Từ Hà Nội, Tiến sỹ xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), bình luận với Bàn tròn thứ Năm về tương lai của truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam, bà nói:

"Tôi khá lạc quan về tương lai của truyền thông mạng, chúng ta hình dung Việt Nam có khoảng 30 triệu tài khoản Facebook, tôi chỉ lấy một con số khiêm tốn là 1% trong những người đó là những người đã có trình độ làm báo không kém các nhà báo chuyên nghiệp... thì con số đã là 300 nghìn.

"Đấy là một con số mà tôi nghĩ là khổng lồ và không ai có thể bỏ qua sức mạnh của con số đó.

  Muốn thay đổi chính phủ này, và muốn thay đổi hình ảnh của Đảng, của chính phủ này tốt lên, thì không thể nào bỏ qua lực lượng này

TS. Khuất Thu Hồng
"Việc các quan chức của nhà nước gần đây có những phản ứng mà chúng ta nói là nhanh nhậy hay kịp thời trước những dư luận, thông tin trên mạng xã hội, thì cho đến bây giờ mới chỉ là những vấn đề liên quan đến uy tín cá nhân của họ thôi chứ chưa phải để giải những vấn đề đơn từ, khiếu nại...

"Nhưng dù sao đấy cũng là một chỉ dấu cho phép chúng ta lạc quan. Rõ ràng những người sử dụng Facebook thì họ đã có những trình độ nhất định rồi, để có thể sử dụng công nghệ, với 30 triệu tài khoản ấy, thì đã là những người biết sử dụng công nghệ.

"Tôi chỉ nói 1% - những người gọi là có trình độ cao - thì những nguồn thông tin, luồng thông tin khi bình luận, khi họ nhận xét, tôi nghĩ sẽ gấp nhiều lần những gì mà 15 ngàn nhà báo có thể làm được.

"Và với một lực lượng như vậy, tôi nghĩ rằng tương lai sẽ rất là tốt và chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức, ông cũng đã đưa ra khẩu hiệu trong Chính phủ mới của ông là chính phủ hành động và chính phủ liêm chính.

"Và phản ứng đầu tiên là trả lời dân mạng về việc đi xe (hơi) vào Phố Cổ, thì tôi cho rằng bây giờ không phải là lúc bỏ qua sức mạnh này nữa.

"Và sức mạnh này sẽ được khai thác, cũng như là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng muốn nhấn mạnh là muốn thay đổi chính phủ này, và muốn thay đổi hình ảnh của Đảng, của chính phủ này tốt lên, thì không thể nào bỏ qua lực lượng này," TS. Khuất Thu Hồng nói với BBC.

'Rất nhanh và đáng mừng'

Mạng xã hội Việt Nam có một sức mạnh mà chính quyền không thể bỏ qua, theo khách mời của BBC.                 

Trước đó, hôm 21/9, trong bài viết có tựa đề 'Mạng xã hội VN rọi đèn hai bí thư Đảng', phóng viên của BBC Việt ngữ từ Bangkok viết:

"Phản ứng của các bí thư Hà Giang, Thanh Hóa trước thông tin trên mạng xã hội được nhà hoạt động và các trí thức đánh giá là “rất nhanh” và “đáng mừng”.

"Cuối tuần qua mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền thông tin bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có con riêng và cung cấp tài sản “nhiều chục tỉ đồng” cho một viên chức sở xây dựng Thanh Hóa.

"Đồng thời, cư dân mạng cũng chia sẻ cáo buộc rằng tám người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh.

"Rất nhanh sau đó, cả ông bí thư Thanh Hóa và Hà Giang đều có trả lời trên báo chí tại Việt Nam về sự việc liên quan đến họ.

"Thông thường, các lãnh đạo tại Việt Nam hiếm khi trả lời các tin đồn hoặc thông tin từ mạng xã hội.

"Ông Hoàng Văn Dũng, nhà hoạt động của nhóm Con Đường Việt Nam nhận định các vị trên “đã phản ứng rất nhanh với mạng xã hội” và cho rằng “tức là người ta rất quan tâm”.

“Tôi cho rằng cộng đồng mạng có sức mạnh. Chắc chắn là thế, bởi vì những sự kiện nào bên tuyên giáo chỉ định không được đăng thì dù mạng xã hội có lên tiếng đến mấy thì nó cũng chỉ nằm trên mạng xã hội. Chứ còn những sự kiện như ông Triệu Tài Vinh hay ông bí thư Thanh Hóa thì không nằm trong sự kiểm duyệt của Ban tuyên giáo thì người ta sẽ phải phản ứng ngay lập tức,” ông Dũng được phóng viên của chúng tôi trích lời nói.

Mời quý vị bấm vào đường link này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.

Báo chí Việt Nam sau đó đã nêu ra các chi tiết chính xác hơn bảng trên về thân nhân Bí thư Triệu Tài Vinh                 

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad