Dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông đã trở thành điển hình của việc Việt Nam phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi nhận “hỗ trợ” từ Trung Quốc.
Chiều dài của tuyến metro này chỉ có 13 cây số, lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay – 2016, vẫn còn dở dang.
Năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông vào tháng 6 năm 2015 nhưng đến tháng 6 năm 2015 thì có thông báo là thời điểm khánh thành được dời lại đến cuối năm 2015. Ðến cuối năm 2015, có tin phải đến hết quí 1 năm 2016 tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông mới hoàn tất và cho chạy thử song nay – sắp hết quý ba năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới công trình này là Việt Nam mới ký hiệp định để vay thêm tiền.
Ngoài sự nổi tiếng vì chậm trễ tới mức không thể tưởng tượng, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn lẫy lừng vì thiếu an toàn, kém chất lượng. Ðến nay, đã có ít nhất sáu vụ tai nạn do: Cẩu bị sập, cẩu đứt cáp làm rớt lúc thì cọc thép, lúc thì dầm thép, đè chết và làm người đi đường trọng thương, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông.
Dự án tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn gây phẫn nộ vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư dự án từ 553 triệu Mỹ kim lên 892 triệu Mỹ kim. Tuy yêu sách này phi lý song chính quyền Việt Nam vẫn bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, vay thêm của Trung Quốc 339 triệu Mỹ kim để đáp ứng đòi hỏi của… nhà thầu Trung Quốc!
Năm 2014, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại cuộc họp với ông Chu Hằng Vũ, phó tổng giám đốc công ty Cục 6 của ngành đường sắt Trung Quốc – nhà thầu được chọn để thực hiện dự án metro Cát Linh-Hà Ðông, ông Ðinh La Thăng, khi ấy là bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam, nhận định, tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông là công trình giao thông tồi tệ nhất ở Việt Nam. Công trình này khiến dân chúng Việt Nam lo ngại về mức độ an toàn, chất lượng và phẫn nộ vì nhà thầu Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến những yêu cầu của Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam.
Ông Thăng yêu cầu nhà thầu Trung Quốc phải tìm một người “có trình độ và lương tâm” để thay thế tổng chỉ huy công trường, đổi ngay công ty Trung Quốc đang giữ vai trò giám sát (công ty giám sát xây dựng thuộc Viện Nghiên Cứu Thiết Kế Công Trình Ðường Sắt Bắc Kinh). Cũng đến lúc đó, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam mới đòi nhà thầu Trung Quốc phải sử dụng công ty giám sát do bộ này chỉ định và loại toàn bộ các nhà thầu phụ để trực tiếp ký hợp đồng với các tổng công ty xây dựng công trình giao thông của phía Việt Nam. Viên bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam khẳng định, nếu nhà thầu Trung Quốc không chấp nhận những yêu cầu đó thì ông ta sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam loại họ để kiếm một nhà thầu khác.
Cũng phải đến lúc đó, đại diện nhà thầu Trung Quốc mới nhượng bộ, mới xin lỗi hứa sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của viên bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam. Tuy nhiên chuyện “cảnh cáo” nhà thầu Trung Quốc của ông Thăng bị cả báo giới lẫn cựu viên chức ngoại giao của Trung Quốc cho là kích động “bài Trung.”
Nay, dự án metro Cát Linh-Hà Ðông đang ngưng thi công vì nhà thầu chính không thanh toán tiền cho các nhà thầu phụ!
Theo báo chí Việt Nam thì khi đến thăm Trung Quốc, thủ tướng Việt Nam mới đề nghị thủ tướng Trung Quốc “sớm triển khai khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến là… năm 2018”!
Cũng theo báo chí Việt Nam thì tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông chỉ tăng thêm 250,62 triệu Mỹ kim chứ không phải là 339 triệu Mỹ kim như nhà thầu Trung Quốc từng đòi và chính quyền Việt Nam từng đồng ý hồi tháng 7 năm 2015!
Báo chí Việt Nam tường thuật, sau khi ký hiệp định vay thêm tiền để hoàn tất dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, ông Phúc đã gặp ông Mã Giang Kiểm – tổng giám đốc công ty Cục 6 của ngành đường sắt Trung Quốc, nhắc nhở nhà thầu này rằng, “dù gì thì cũng cần nhìn nhận trách nhiệm khi công trường vắng vẻ, tổ chức thi công như thế thì gay go lắm.”
Trong chuyện hợp tác đầu tư với Trung Quốc, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang thực hiện “chiến lược phát triển bền vững, chú trọng các yêu cầu về công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường” nhưng lại đề nghị Trung Quốc “gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo…”! (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét