Nghệ thuật giật tít
“Mưa vượt ‘tầm nhìn’, chống ngập ra sao?” “Dân thừa nước ngập, thiếu nước sạch”; “TP.HCM ngập khủng khiếp có nguyên nhân sai lầm từ qui hoạch và thiết kế lỗi thời” là những tựa bài có thừa sự phê phán lẫn cay đắng của nhà báo, họ thể hiện sự chia sẻ nỗi lòng nặng trĩu cùng 5 triệu dân Saigon. Suy cho cùng nhà báo cũng là nhân dân và họ cũng lội nước đẩy xe hoặc tát nước chạy lụt trong nhà như mọi người.
Tuy vậy cao trào của nghệ thuật đặt tít khiến người đọc báo không thể bỏ qua không xem bài thuộc về báo Lao Động Online: “Đừng im lặng: Họ đã làm gì với 20.000 tỷ chống ngập của chúng tôi, thưa ông trời!”
Không chỉ người dân và nhà báo, giới doanh nhân cũng mệt mỏi về chuyện đường phố biến thành sông. Ông Nguyễn Văn Mỹ Chủ tịch Du Lịch Lửa Việt trụ sở ở TP.HCM nói với chúng tôi là, tình trạng ngập như lụt ở Saigon và các tỉnh khác sau các trận mưa lớn, ảnh hưởng nặng cho ngành du lịch, xe chở các đoàn khách bị tắc đường không thể vào thành phố, chưa kể sự nguy hiểm mà khách nước ngoài cảm nhận. Ông Nguyễn Văn Mỹ đưa ra nhận định đầy suy gẫm về vấn đề quản lý đô thị:
“Trước hết câu chuyện không có hiệu quả thì ai cũng thấy rồi, đáng lo hơn nữa là những người giữ trọng trách lo nhiệm vụ chống ngập cho thành phố không thấy được cách làm không hiệu quả của mình mà cứ đổ cho tại và bị thôi. Điều này rất là nguy hiểm, cách đây mấy hôm tôi có tham gia một talk show TV cùng kỹ sư Phạm Sanh, anh em chúng tôi cùng ngồi lại đưa ra rất nhiều nhận định về các nguyên nhân và cách chống ngập. Bởi vì ngập và kẹt xe là vấn nạn của tất cả những thành phố lớn nhưng họ làm càng ngày càng hiệu quả nhưng Việt Nam thì càng ngày càng trầm trọng, càng ngày càng xấu hơn.”
Ta đã thấy trước chỉ có điều nguồn lực không đủ, phối hợp lại chồng chéo nó làm cho việc chống ngập đi chậm hơn so với phát triển hạ tầng… - Chuyên gia Hồ Long Phi |
Pháp Luật Online dẫn lời ông Hồ Long Phi chuyên gia chống ngập cho rằng, việc mưa vượt tần suất thiết kế là chuyện đã được cảnh báo từ lâu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ bao giờ thì sửa được quy chuẩn thiết kế, tăng tiết diện cống thoát nước lên cao để chống ngập. Ngoài ra nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề khá nan giải.
Trả lời Mặc Lâm Đài RFA, ông Hồ Long Phi nguyên Phó ban điều phối và chống ngập TP.HCM, hiện là giảng viên đại học chuyên ngành, không đặt nặng vấn đề lỗi kỹ thuật vì theo ông quy hoạch thoát nước tổng thể ban hành 2001 là do chuyên gia quốc tế soạn thảo và chính phủ Nhật Bản tài trợ. Tuy vậy Theo chuyên gia Hồ Long Phi nguyên nhân chính là TP.HCM không có đủ tiền để làm đúng như thiết kế quy hoạch. Ông nói:
“Định hướng tầm nhìn cho tới 2020 chúng ta phải tiêu tốn từ 6 tới 7 tỷ đô la để hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhưng chúng ta mới có chưa tới phân nửa mà đã 2016 rồi, có nghĩa là quá chậm so với định hướng đó chứ không phải đỉnh hướng đó sai. Ta đã thấy trước chỉ có điều nguồn lực không đủ, phối hợp lại chồng chéo nó làm cho việc chống ngập đi chậm hơn so với phát triển hạ tầng…”
Theo báo Pháp Luật Online, chuyên gia không muốn nêu tên cho rằng, lãnh đạo TP.HCM bố trí nguồn vốn không hợp lý. Hiện nay TP.HCM đang dồn sức thực hiện dự án ngăn triều cường nước sông dâng tràn bờ với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tình trạng ngập do mưa mới là vấn đề gây bức xúc, cần ưu tiên giải quyết trước.
Đừng im lặng hãy phê phán
|
Báo Lao Động Online kêu gọi bạn đọc là Đừng im lặng! hãy cùng Tòa soạn bình luận về vấn đề Saigon chìm trong nước, sau khi 20.000 tỷ đồng đã được giải ngân và tiêu hết trong các dự án thoát nước chống ngập. Nhà báo đã dẫn lời bà Phạm Phương Thảo nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2004-2011.
Được biết khi công bố các dự án thoát nước chống ngập sử dụng vốn ODA và ngân sách quốc gia khi còn tại nhiệm, bà Phạm Phương Thảo từng hứa hẹn nhân dân là với các dự án triển khai, TP.HCM sau này có thể chỉ còn một điểm ngập. Bài báo khá diễu cợt trong đoạn mở đầu khi cho rằng tiên đoán của Bà Phạm Phương Thảo sắp trở thành hiện thực, hàm ý TP.HCM chỉ còn một điểm ngập nhưng rộng lớn phủ trùm toàn thành phố. Bài báo dẫn nhập, Tối 26/9/2016, Saigon hỗn loạn trong biển nước và dân chúng chỉ còn biết ngửa mặt cầu Trời ngừng mưa. Và người ta nhìn trời, rồi lại nhìn nhau ngơ ngác hỏi hơn 20.000 tỷ đã giải ngân chống ngập đi đâu rồi?
Ngược dòng thời gian báo mạng Sống Mới Online, trụ sở chính ở Hà Nội, bản tin trên mạng ngày 13/7/2015 cho thấy số tiền chi cho chống ngập ở TP.HCM còn cao hơn nữa. Tờ báo lúc đó có bài với tựa: “Dân Sài Gòn lội nước “gánh nợ” 24.000 tỷ đồng cho các dự án thoát ngập. Theo đó, suốt 10 năm qua TP.HCM đã đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập của thành phố.
Nhưng cho đến nay, bình quân mỗi năm người dân và thành phố vẫn đang vừa lội nước, vừa phải gánh nợ khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay cho các dự án trên. Trong chi phí 24.300 tỷ đồng đã tiêu hết, gồm 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 15.000 tỷ đồng vốn ODA. Thế nhưng, cho đến thời điểm tháng 7/2015, cứ khi nào mưa thành phố lại ngập trong nước. Nhiều tuyến đường bị nước ngập cao tới nửa mét, gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Các điểm ngập úng giống như chiếc túi bục, cứ bịt chỗ nọ lại tức nước bung ra chỗ khác.
Khắp thế giới có nước nào mà cứ đào lên rồi lấp xuống như Việt Nam không. Đào thì đào một lần thôi, nhưng đây cứ đào lên rối lại lấp xuống, cứ mạnh ai nấy làm. Tư duy kiểu đó thì làm sao không ngập mới là lạ. - Ông Nguyễn Văn Mỹ |
“Việt Nam đang làm khác quy luật của thế giới rất nhiều kênh rạch của thành phố bị lấp và thay bằng cống hộp để lấy đất làm dự án…rồi xây cất vô tội vạ không tính tới hệ thống thoát nước, rồi ý thức người dân kém…rất nhiều nguyên nhân. Nhưng mà suy cho cùng nguyên nhân lớn nhất vẫn là của nhà nước, vừa rồi Trưởng ban chống ngập thành phố tuyên bố rằng không chống ngập được vì người dân lấn chiếm…ai cho người dân lấn chiếm, anh quản lý thế nào bây giờ nói tại với bị…”
Nhắc lại sự kiện xảy ra mà báo chí tường thuật, đó là đường xá cứ đắp cao hơn nhà dân để chống ngập trên đường, mặc mưa nước đổ vào nhà dân. Ông Nguyễn Văn Mỹ tiếp lời:
“ Khắp thế giới có nước nào mà cứ đào lên rồi lấp xuống như Việt Nam không. Đào thì đào một lần thôi, nhưng đây cứ đào lên rối lại lấp xuống, cứ mạnh ai nấy làm. Tư duy kiểu đó thì làm sao không ngập mới là lạ. Đó là kiểu tư duy quản lý làng xã, bây giờ ra quản lý đô thị lớn cả chục triệu dân làm sao quản lý nổi. Nhưng không chịu nhận sai lầm không dám dũng cảm…đâu có nghe các nhà phản biện nói, đâu có nghe người dân góp ý…Cho nên vấn đề hiện nay cái gốc nằm ở chỗ khác, không riêng TP.HCM mà chỗ nào cũng ngập như thế cả, tư duy quản lý kiểu đó thì không ngập mới là lạ…”
Saigon mưa là ngập đã diễn ra 20 năm qua với tốc độ đô thị hóa thiếu kiểm soát, cộng với tình trạng dân trí thấp. Nhưng chỉ năm 2016 này mới có hiện tượng toàn thành phố đắm chìm dưới nửa mét nước và Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ít nhất đả hai lần ngập nặng, làm hàng chục chuyến bay phải hạ cánh ở phi trường khác, hay bay sang nước khác.
Trận ngập ngày 26 và 27/9 ở TP.HCM và một số tỉnh thành miền Đông Nam Bộ có thể vẫn tái diễn trong mùa mưa hàng năm, cùng với hoạn nạn của người dân và sự chia sẻ của báo chí.
Nam Nguyên
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét