Tòa án Thị xã Kỳ Anh dựa vào Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ để cho rằng “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để trả lại đơn khởi kiện của nạn nhân Formosa là một hành vi nối tiếp cái sai của Thủ tướng Chính phủ.
Về lý do trả lại đơn kiện, ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết lý do: (1) căn cứ vào khoản 5 điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) “kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm; và (2) căn cứ vào Điểm C khoản 1 điều 192 BLTTDS “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - tức là đã có Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ vào hôm 29/9 về giải quyết bồi thường thiệt hại.
Dựa vào 2 căn cứ nêu trên để tòa án đi đến quyết định trả lại đơn khởi kiện Formosa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, bởi các lý do sau:
1. Trả lại đơn kiện vì lý do liên quan đến tài liệu, chứng cứ là không có căn cứ
Căn cứ vào điều 192 BLTTDS quy định, thẩm phán chỉ có thể trả lại đơn kiện cho các trường hợp cụ thể như sau:
(a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện […]
b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật […]
d) Hết thời hạn quy định […]
đ) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
e) Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán [...]
g) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Quy định này cho thấy, lý do “trả lại đơn kiện” khi và chỉ khi rơi vào 1 trong 7 trường hợp nêu trên. Trường hợp liên quan đến tài liệu và chứng cứ không được xem là lý do hợp lệ để trả lại đơn khởi kiện của người dân.
Liên quan đến việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, theo Khoản 5 Điều 189 BLTTDS đã quy định rõ: “Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”
Như vậy, trong trường hợp người dân kiện Formosa không cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, thì trước tiên Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện bổ sung tài liệu, chứng cứ, chứ không thể ra ngay một quyết định trả lại đơn kiện của người dân. Tòa chỉ có thể trả lại đơn khởi kiện vì lý do này khi Người khởi kiện đã không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán như điểm e, khoản 1, điều 192 đã quy định.
2. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã… sai thẩm quyền (Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ)
Lý do thứ hai để tòa để bác đơn khởi kiện là căn cứ vào điểm C khoản 1 Điều 192 “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - tức Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại.
Về mặt pháp lý, Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức giá bồi thường thiệt hại là một quyết định trái luật vì sai thẩm quyền và cả nội dung.
Căn cứ vào khoản 3 điều 61 Luật Bảo vệ Môi trường quy định tranh chấp trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; và căn cứ vào khoản 6 điều 26 BLTTDS quy định rõ: “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Như vậy, vụ việc hơn 500 người dân này khởi kiện Formosa là khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và thẩm quyền giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ "thuộc về Tòa Án", chứ không thể bằng một Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ. Thủ tướng Chính phủ không có thẩm quyền giải quyết về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong quan hệ dân sự.
Như vậy, Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại là hành vi tùy tiện áp đặt mức giá bồi thường thiệt hại, và cưỡng ép lên người dân bị thiệt hại. Đây là một Quyết định về sai nội dung và thẩm quyền.
Nếu ở một quốc gia có hệ thống tòa án độc lập, thì Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ sẽ bị dân chúng kiện cho lên bờ xuống ruộng. Nhưng hệ thống pháp luật và tòa án Việt Nam không thể “rờ” tới nổi những Quyết định như vậy của Thủ tướng Chính phủ vì nó không là đối tượng được khởi kiện ra tòa án.
Vì vậy, Tòa án Thị xã Kỳ Anh dựa vào Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ để cho rằng “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để trả lại đơn khởi kiện của nạn nhân Formosa là một hành vi nối tiếp cái sai của Thủ tướng Chính phủ. Tòa án đã không thực hiện đúng quy định về thẩm quyền giải quyết của mình mà Bộ luật TTDS đã quy định.
Từ những sai lầm pháp luật này của Tòa án Thị xã Kỳ Anh, có thể dẫn đến sự mất niềm tin của người dân bị thiệt hại vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này sẽ dẫn đến những tại hại khó lường khi mà dân chúng đi đến quyết định từ bỏ con đường đấu tranh pháp lý.
FB Phạm Lê Vương Các
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét