Những tiếng súng hoa cải
Kể từ hồi đầu năm 2012, khi tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn vang lên từ Cống Rộc, Hải Phòng như một dấu hiệu bày tỏ sự phản kháng cuối cùng đối với việc chính quyền địa phương tổ chức một cách quy mô để cưỡng chế gần 20 héc ta đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven biển mà gia đình họ Đoàn dày công tạo dựng với bao mồ hôi, công sức, nước mắt và chính cả mạng sống của người thân; không chỉ các hộ dân hàng xóm cùng hoàn cảnh không đồng tình với quyết định thu hồi đất của Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng mà hàng ngàn dân oan khắp mọi tỉnh, thành Việt Nam ít nhiều được an ủi sau tuyên bố của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng rằng chính quyền Tiên Lãng sai toàn diện trong vụ cưỡng chế gây chấn động dư luận trong và ngoài nước này cũng như yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.
Đây là hậu quả mà tôi nghĩ việc này xảy ra hầu như không tránh khỏi và sắp tới sẽ còn xảy ra nữa và sẽ còn dẫn đến rất nhiều tình trạng được coi là ‘chống người thi hành công vụ’. -TS.Phạm Chí Dũng |
Mới đây nhất, có thể nói “lịch sử lặp lại” với tính chất nghiêm trọng hơn trong vụ nổ súng hoa cải ở Đắk Nông vào hôm 23 tháng 10 năm 2016, khi người dân dù biết rằng sẽ vướng vào vòng lao lý nhưng vẫn buộc phải chọn cách thức phản kháng chống lại Công ty Long Sơn tự ý san ủi đất của họ.
Sau khi vụ việc xảy ra tại xã Quảng Trực, trong buổi gặp gỡ dân chúng ở đây vào hôm mùng 2 tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Hữu Huân phát biểu các ý kiến và nguyện vọng của bà con được ghi nhận đầy đủ và sẽ xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng của họ. Tiếp đến, vào ngày mùng 4 tháng 11, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Lê Diễn nói với báo giới trong nước rằng công ty Long Sơn không có quyền cưỡng chế đất của dân đang làm rẫy và đã coi thường pháp luật là tự ý san ủi mà không báo cáo cho chính quyền địa phương. Viện Kiểm sát tỉnh Đắk Nông cũng cho báo giới biết chưa nhận được đơn tố cáo và chưa thụ lý trường hợp nào người dân tố cáo Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản, đánh người.
Trong khi đó, Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc với một số cư dân địa phương qua điện thoại và được chia sẻ tình hình hiện đang rất căng thẳng:
“Từ khi xảy ra vụ đó đến giờ chính quyền ráo riết làm căng lắm.”
“Nói chung, con cái còn nhỏ. Họ phải bươn chải, đi làm thuê làm mướn mai đây mốt đó để kiếm sống, nuôi dưỡng hai, ba người con đang tuổi ăn tuổi học.”
Thảm trạng xã hội do cưỡng chế đất đai
Hòa Ái nêu vấn đề với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng có phải các vụ nổ súng phản kháng như thế là hậu quả của quá trình Chính phủ Hà Nội giải quyết trì trệ các đơn khiếu nại và tố cáo liên quan lãnh vực đất đai trong suốt những thập niên qua tại Việt Nam, từ Sài Gòn, tối mùng 8 tháng 11, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Đó là quy luật. Năm 2012 khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn, lúc đó dư luận còn có thể lên tiếng và phần nào đó bênh vực cho cơ quan nhà nước. Nhưng đến các vụ sau này thì có thể nói tình trạng ‘luật rừng’ xảy ra ở quá nhiều địa phương. Chúng ta thấy vừa rồi ở khu vực Đắk Nông xảy ra xung đột giữa người dân với một công ty thôn tính đất của người dân. Người dân dùng súng hoa cải đã bắn thẳng. Đây là hậu quả mà tôi nghĩ việc này xảy ra hầu như không tránh khỏi và sắp tới sẽ còn xảy ra nữa và sẽ còn dẫn đến rất nhiều tình trạng được coi là ‘chống người thi hành công vụ’. Lúc đó không phải là tiền đề nữa mà xã hội Việt Nam đang tiến vào giai đoạn hỗn loạn. Hỗn loạn về mặt xã hội.”
Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. -TS.Trịnh Hòa Bình |
“Khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.
Dân oan sẽ chống cường quyền bằng mọi giá?
Theo như trích dẫn các nhận xét vừa rồi về tình hình xã hội Việt Nam thời gian tới, nạn nhân trong những đơn khiếu nại tố cáo, mà Thanh tra Chính phủ tổng kết gần như 100% liên quan đến lãnh vực đất đai, sẽ chọn biện pháp chấp nhận hy sinh tính mạng để đòi công lý, điển hình qua lời tuyên bố của dân oan Thủ Thiêm “Chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi” khi niềm tin trông đợi vào Chính phủ giải oan nỗi mất mát tan nhà nát cửa của họ không còn nữa.
Hòa Ái
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét