Một kỳ họp thất bại về ‘tìm nguồn lực phù hợp’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Một kỳ họp thất bại về ‘tìm nguồn lực phù hợp’


Kỳ họp Quốc Hội Việt Nam kết thúc vào Tháng Mười Một, tuy vẫn được giới tuyên giáo và một số tờ báo nhà nước không ngượng miệng nói “đã thành công tốt đẹp,” nhưng lại ghi dấu một thất bại ê chề trong việc “tìm nguồn lực phù hợp.”

Một kỳ họp thất bại về ‘tìm nguồn lực phù hợp’ ảnh minh họa
“Nguồn lực phù hợp”

“Nguồn lực phù hợp” có thể được ghi nhận như một phát kiến mới về tính khái niệm của giới chuyên gia chính sách tài chính – những người cho đến giờ vẫn chẳng biết con số xác thực về nợ công quốc gia và nợ xấu ngân hàng là bao nhiêu.

Gần cuối kỳ họp Quốc Hội vào cuối năm 2016, một bản nghị quyết được phát ra với một kết luận rất mơ hồ: “Tìm nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu.”

Trước đó, Nghị Quyết 5 của Ban Chấp Hành Trung Ương, ban hành ngày 1 Tháng Mười Một, cũng đã “định hướng” cho Quốc Hội là sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. Cho tới nay vẫn chưa có diễn giải cụ thể nào được công bố về nguồn lực phù hợp là gì và làm thế nào để tìm ra nó.

Tuy nhiên cũng tại kỳ họp trên, Quốc Hội lại có một bản nghị quyết khác về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.

Dường như đang có một mâu thuẫn khó giải thích, và mang “mùi” nhóm lợi ích kim tiền giữa hai bản nghị quyết của cùng một quốc hội.

Cần nhắc lại, trước khi Quốc Hội bước vào kỳ họp trên, một chiến dịch vận động quyết liệt dùng ngân sách để “xử lý nợ xấu” đã được nhóm lợi ích của nhiều ngân hàng thương mại cùng công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) tổ chức. Một số chuyên gia ngân hàng và cả quan chức Quốc Hội đã đăng đàn để hô hào rằng “Có những nước phải mất đến 10-15% GDP để xử lý nợ xấu,” “Có thể bố trí từ 5,000 tỷ đến 10,000 tỷ để xử lý nợ xấu,” “Cứu ngân hàng cũng là cứu nền kinh tế…”

Trong khi đó, một số chuyên gia phản bác mạnh mẽ, cho rằng dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu!

Cho tới nay, cách nói nước đôi về nợ xấu của giới quan chức Quốc Hội càng cho thấy chỉ cần chính phủ có tiền thì tất sẽ được Quốc Hội duyệt chi để mua lại nợ xấu, bất chấp nguồn gốc tiền đó là từ đóng thuế của hàng chục triệu người dân.

Vào “triều đại” của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình, Ngân Hàng Nhà Nước đã giang tay ôm thẳng ba ngân hàng có tổng nợ xấu gấp đôi vốn điều lệ là Ngân Hàng Xây Dựng, Ngân Hàng Đại Dương và Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu, trên danh nghĩa là các ngân hàng này được mua lại với giá 0 đồng. Thế nhưng người ta lại quá nghi ngờ rằng phía sau cái giá 0 đồng ấy, Ngân Hàng Nhà Nước đã trút ra một số tiền lớn để bù đắp cho các khoản nợ xấu mà suýt chút nữa khiến ba ngân hàng này sập tiệm.

Tại đại hội 12, trong khi Thủ Tướng Dũng bất ngờ “rớt đài” thì Thống Đốc Bình đột ngột được thăng chức vào Bộ Chính Trị. Nhưng cho tới nay vẫn không có một báo cáo hay con số nào được công bố về việc Ngân Hàng Nhà Nước thời Thống Đốc Bình đã dùng “nguồn lực phù hợp” nào để cứu vãn ba ngân hàng suýt phá sản, trong lúc nhiều thông tin cho biết ông Bình đã chỉ đạo Ngân Hàng Nhà Nước dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để “giải tỏa” cho ba ngân hàng này.

Cũng cho tới nay, hoàn toàn không thấy Quốc Hội, hay chính xác hơn là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, nêu thắc mắc hay giải thích gì về sự việc gây nghi ngờ quá lớn trên.

Nhưng dù cho Quốc Hội có nắm được thực chất của sự việc trên nhưng vẫn giấu biệt trước công luận, một thực tại ngồi trên chảo lửa là chính phủ của người dân vẫn có thể bị xem là “tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc” đang không thể làm gì hơn để cứu vãn một nền tài chính và ngân sách vừa suy sụp vừa kiệt quệ do đời thủ tướng trước di họa.

Đó cũng là nguồn cơn chính yếu dẫn đến lời biểu dương “chính phủ dũng cảm và sáng suốt dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận” – đúng theo lối tuyên giáo “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” – tại kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2016.

Thậm chí một chuyên gia thuộc nhóm “phản biện trung thành” còn cảm xúc “Thật hạnh phúc khi chính phủ dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận!”

Nhưng vì sao “dũng cảm và sáng suốt?”

Hết tiền!

Dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận đã được Quốc Hội thông qua từ Tháng Mười Một, 2009 với hai nhà máy tổng công suất 4,000 MW được xây dựng ở Ninh Thuận. Từ đó tới nay giới khoa học đã bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine và tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật được viện dẫn để cảnh báo. Giới khoa học cũng đề cập tới xu hướng ở nhiều nước tiến tới giảm dần điện hạt nhân.

Mới đầu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự trù tổng vốn đầu tư đến 200,000 tỷ đồng. Nhưng đến gần đây, dù chưa làm gì cả, đã đội vốn gấp đôi.

Cùng thời gian dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị bác bỏ, một dự án khổng lồ khác là dự án đường cao tốc Bắc – Nam với ước toán lên đến 230,000 tỷ đồng do Bộ Giao Thông Vận Tải “vẽ,” bị Bộ Tài Chính bác do không thể tìm được nguồn tiền.

Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. Rất dễ hiểu là nếu chấp nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ngân sách sẽ phải cắm đầu vay vốn nước ngoài với lãi suất cao và do đó sẽ càng làm nặng gánh nợ công quốc gia – vốn đang phi mã đến hàng trăm phần trăm GDP.

Giờ đây đang rộ lên quá nhiều tán thán kêu gào trong Quốc Hội về tình trạng ngân sách cực kỳ khó khăn. Tin tức ngoài hành lang Quốc Hội đáng tin cậy cho biết rất nhiều khả năng là ngân sách không còn bất cứ khoản kết dư nào để “xử lý nợ xấu.” Càng không thể nói đến chuyện tung ra vài ba tỷ đô la ban đầu để làm dự án điện hạt nhân.

Và đó cũng là nguồn cơn vì sao trong suốt kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2016, đã không có bất kỳ một lời tán thưởng hay dù chỉ là động viên nào dành cho “kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.”

Hãy hoài niệm về thời gian gần sát đại hội 12 vào cuối năm 2015. Khi đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang như “lên ruột” trước các đòn tấn công liên tiếp và sâu hiểm của đối thủ chính trị. Một trong những đòn phép lấy điểm chính trị mà ông Dũng không ngần ngại lặp lại là tung ra một kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế có giá trị đến $3 tỷ. Tương tự vài lần trong quá khứ, kế hoạch này cũng được Quốc Hội mau chóng “gật vô thức” mà chẳng cần biết tính khả thi đến đâu. Nhưng sau đại hội 12, khi ông Nguyễn Tấn Dũng “không còn nữa,” lại chẳng thấy ai nhắc nhở đến kế hoạch phát hành trái phiếu kia. Chỉ đến giữa năm 2016, Bộ Tài Chính mới gián tiếp xác nhận kế hoạch phát hành trái phiếu đó bị hoãn lại “vô thời hạn.” Hẳn nhiên, ai cũng biết kế hoạch này đã phá sản. Thậm chí phá sản từ trong trứng nước.

Không tìm ra bất kỳ phương cách nào để “xử lý nợ xấu,” cũng chẳng phát kiến được bất cứ phương án nào để tìm ra “nguồn lực phù hợp” cho các dự án chỉ thấy bóng không thấy hình, thành công lớn nhất của kỳ họp Quốc Hội Việt Nam cuối năm 2016 có lẽ chỉ còn được thốt lên bởi hai chữ “Hết tiền!”

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad