Về phản ứng của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngay từ hôm thứ Sáu 16/12/2016 đã tuyên bố « hết sức quan ngại », và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam « phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ».
Về phần Malaysia, nước này cũng có phản ứng cứng rắn nhưng thận trọng hơn. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này, ông Hishammuddin Hussein, cho biết sẽ gửi thư cho đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn để hỏi rõ vấn đề. Theo nhân vật này, nếu quả đúng là Bắc Kinh đang bố trí các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, « Malaysia sẽ bị buộc phải tìm giải pháp chống lại ».
Việc ông Hishammuddin Hussein yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vấn đề được cho là hoàn toàn thừa thãi, vì chính bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công khai thừa nhận việc họ đưa vũ khí đến Trường Sa, vì đó là « lãnh thổ Trung Quốc ».
Đáng chú ý nhất là phản ứng của Philippines. Theo ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì liên quan đến việc Trung Quốc triển khai vũ khí tại Trường Sa vì họ « không thể ngăn chặn Trung Quốc tại thời điểm này ».
Theo hãng tin Mỹ AP, khi được hỏi là liệu Philippines có ra tuyên bố về vụ việc, hay yêu cầu Bắc Kinh giải thích hay không, ngoại trưởng Philippines khẳng định rằng nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể gây căng thẳng với Trung Quốc, làm tổn hại đến hòa khí giữa hai bên.
Quan điểm chiều lòng Trung Quốc được chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xác nhận thêm vào hôm qua 17/12, khi ông cho biết sẽ tạm gác qua một bên phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, không muốn áp đặt một điều bất lợi cho Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét