Mùa xuân của những người mẹ 'tù nhân lương tâm' - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Mùa xuân của những người mẹ 'tù nhân lương tâm'


Mùa xuân của những người mẹ 'tù nhân lương tâm'

BBC hỏi chuyện một số người mẹ có con ngồi tù vì hoạt động chính trị ở Việt Nam và được các tổ chức nhân quyền quan tâm.

Hôm 27/1, tức 30 Tết, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ tù nhân Đinh Nguyên Kha đang bị giam với án 6 năm tù tại trại K3 Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói với BBC: "Gia đình tôi năm nay không ăn Tết."

"Một phần do cả nhà lo bận gói bánh, làm mứt bán lấy tiền giúp những gia đình tù nhân lương tâm."

"Phần khác, tôi buồn vì trường hợp Trần Thị Nga (Thúy Nga) bị bắt ở tỉnh Hà Nam. Nga là người luôn có mặt trong các phiên tòa xử tù nhân lương tâm trong Nam."

"Nguyên Kha có dặn tôi là nếu có đi thăm thì đợi mùng 6 Tết hãy đi, vì nếu thăm trước Tết sẽ bị hạn chế thời gian gặp."

Bà cũng cho hay là con trai bà "rất khẳng khái, có được giảm án cũng không cần".

"Điều tôi mong muốn nhất trong năm mới là các tù nhân lương tâm có án dài được các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp để họ được trả tự do sớm."
'Chẳng còn ý nghĩa'

Trang Facebook của Nguyễn Hữu Quốc Duy khi chưa bị đóng

Cùng ngày, trả lời BBC, bà Nguyễn Thị Nay, mẹ tù nhân Nguyễn Hữu Quốc Duy, đang chịu án 3 năm tại trại giam Phước Đồng, tỉnh Khánh Hòa, nói: "Tết chẳng còn ý nghĩa gì với gia đình tôi vì không được thăm nuôi con trai vì cán bộ trại nói nó đang bị kỷ luật."

"Thậm chí, tôi xin gửi cho nó cái mền cũng không được."

"Từ lúc con trai tôi bị bắt đến nay đã 13, 14 tháng nhưng gia đình không được gặp hoặc nhận bất kỳ thư từ nào từ nó."

"Vừa rồi, tôi muốn báo tin cho cháu là em trai nó cưới vợ mà trại cũng không cho [về dự đám cưới]."

"Do vậy, trong năm mới, tôi chỉ có mong muốn lớn nhất là được gặp con."

Hôm 27/1, bà Nguyễn Thị Thuyên, mẹ của tù nhân Minh Thúy (cộng sự của blogger Nguyễn Hữu Vinh trong vụ án Anh Ba Sàm và hiện đang bị giam tại trại số 5, tỉnh Thanh Hóa), nói với BBC từ tỉnh Hưng Yên: "Hôm 21 tháng Chạp, tôi có dẫn hai con của Thúy vào trại giam cho chúng gặp mẹ trước Tết."

"Thúy ở trong tù có nhắn tôi là nhân dịp Tết, giúp mua cho hai đứa con nó bộ quần áo mới."

"Cả gia đình đang ngóng đợi Thúy mãn hạn tù vào tháng 5/2017."

"Dù sao Tết với gia đình tôi cũng có chút ấm áp vì hai con của Thúy nhận được một số món quà từ những người quan tâm đến mẹ các cháu", bà Thuyên nói với BBC.

Phiên tòa xử Anh Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy                 

Trong danh sách tù nhân được tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế xem là "tù nhân lương tâm", cập nhật tháng Bảy 2016, có tên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Thị Minh Thúy.

Danh sách này ghi nhận 84 cá nhân mà Ân xá Quốc tế xem là "tù nhân lương tâm" ở Việt Nam.

Trước đó, tháng Sáu 2015, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền Tom Malinowski nói Việt Nam có khoảng 110 "tù nhân lương tâm, giảm so với 160 hai năm trước đó".

Đinh Nguyên Kha bị bắt cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên hồi tháng 10/2012 vì hành động rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương, TP Hồ Chí Minh và dán khẩu hiệu ở tỉnh Long An và Bình Thuận hồi tháng 8/2012.

Kha bị án bốn năm tù giam theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".

Nguyễn Hữu Quốc Duy bị án 3 năm tù, cũng với tội danh quy định tại Điều 88, trong phiên xử phúc thẩm ở Đà Nẵng hồi 12/2016, do đăng những status bình luận chỉ trích hoặc châm biếm hệ thống trong nước trên trang Facebook của mình.

Sứ quán Mỹ ở Hà Nội vào tháng Tám 2016 ra thông cáo nói Mỹ "quan ngại sâu sắc về việc Tòa án Việt Nam kết tội các nhà hoạt động Nguyễn Hữu Thiên An và Nguyễn Hữu Quốc Duy".

Thông cáo của Mỹ kêu gọi Việt Nam "thả tự do vô điều kiện hai cá nhân này, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả người Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ mà không sợ bị trả thù".

Nguyễn Thị Minh Thúy, bị bắt giam từ tháng 5/2014 và bị xét xử cùng blogger Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm), với án tù ba năm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo quy định tại Điều 258, Bộ luật Hình sự.

BBC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad