|
Trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh – người làm thất thoát 3,200 tỉ của một doanh nghiệp thuộc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam nhưng không những không bị truy cứu trách nhiệm mà còn liên tục được điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để tích lũy uy tín, chuẩn bị cho việc ngồi vào ghế thứ trưởng Bộ Công Thương, có một cựu bộ trưởng bị tước các ưu đãi dành cho viên chức cao cấp khi đã nghỉ hưu và ba thứ trưởng của hai bộ (Nội Vụ và Công Thương) bị “khiển trách.”
Trường hợp bà Thoa được chú ý một cách đặc biệt vì sự giàu có và tốc độ thăng tiến của bà cũng chẳng khác gì ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà Thoa, 57 tuổi, sinh tại Nghệ An. Vào năm 2000, bà được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty bóng đèn Ðiện Quang (DQC). Năm 2005, khi DQC được cổ phẩn hóa, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của DQC. Năm 2010, bà này được cất nhắc làm thứ trưởng Bộ Công Thương.
Thành tích đáng chú ý nhất của bà Thoa là thâu tóm 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu của DQC cho mình và con cái, mẹ, em, em dâu. Giá trị số cổ phiếu của DQC mà bà Thoa và thân nhân đang nắm giữ là 718 tỉ đồng Việt Nam.
DQC – doanh nghiệp nhà nước mà về lý thuyết là tài sản của toàn dân, sau khi được cổ phần hóa gần như đã nằm trong tay gia đình bà Thoa.
Theo một cáo bạch của DQC, tính đến tháng hết Tháng Sáu năm ngoái, cá nhân bà Thoa là cổ đông lớn thứ 6 của DQC. Tính đến cuối Tháng Mười Một năm ngoái, riêng bà Thoa nắm giữ khoảng 1.7 triệu cổ phiếu của DQC, tương đương 5% vốn của DQC. Giá trị số cổ phiếu này được ước đoán khoảng 102 tỉ đồng.
Hai cô con gái của bà Thoa chia nhau nắm giữ khoảng 16.5% vốn của DQC. Một trong hai cô này vừa là thành viên Hội Ðồng Quản Trị, vừa đảm nhận vai trò phó tổng giám đốc DQC.
Tương tự, mẹ của bà Thoa đang sở hữu khoảng 3.83% cổ phiếu của DQC. Ông Hồ Quỳnh Hưng, một người em trai của bà Thoa nắm giữ thêm 8% cổ phiếu nữa của DQC. Ông Hưng hiện là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc DQC.
Ông Hồ Ðức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của DQC. Ông Lam đang nắm giữ 65% cổ phiếu của công ty Nhựa Rạng Ðông (RDP) sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Có lẽ phải nhấn mạnh rằng, Tháng Chín năm 2014, Tổng Công Ty Ðầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã rút hết vốn ra khỏi DQC và Tháng Tám năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC. Sau khi cổ phẩn hóa hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân phần lớn đã trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình.
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo rằng tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước bị lũng đoạn, bằng nhiều chiêu trò khác nhau, tài sản quốc gia bị chuyển thành tài sản cá nhân một cách hợp pháp, tao ra một tầng lớp tư bản mới có thẻ đỏ lận lưng.
Những cảnh báo đó như nước đổ lá khoai. Ðáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thắc mắc xem những người như bà Thoa và thân nhân của bà đào tiền từ đâu để trở thành chủ sở hữu lớn đến như vậy trong những doanh nghiệp như DQC và RDP. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét