Nhớ lại trong một lần vận động tranh cử ở Cleveland năm ngoái, Tổng Thống Barack Obama nói về ứng cử viên đối thủ của bà Hillary Clinton: “Một kẻ suốt cuộc đời 70 năm sinh hoạt gắn liền với những cao ốc mới xây dựng, chiếc máy bay riêng của mình, với những bữa tiệc tùng sang trọng hoang phí, và chỉ quanh quẩn bên những người đẹp ở các cuộc thi hoa hậu, … bây giờ bỗng chốc nói về mức sống của dân nghèo, về nâng cao thu nhập cho giới công nhân trung lưu. Làm sao tin được một gã chỉ sống cho mình chưa bao giờ quan tâm đến người khác, bây giờ lại có nguyện vọng phục vụ dân chúng như thế? Vừa thôi cha!”
Bài viết này không đứng về bên nào trong hai phe ấy, và cho rằng hãy còn quá sớm để mường tượng về những chuyện chứa đầy ẩn số mà bất cứ dự đoán theo chiều hướng nào đều có thể hoàn toàn sai. Ở đây sự chú trọng nhắm tới một khía cạnh khác.
Cử tri Ohio không đồng ý với nhận định ấy và đến ngày bầu cử, bà Clinton đã thua tại tiểu bang này. Có lẽ ông Obama thiếu sót khi chỉ nhìn ông Trump trên bình diện một tỷ phú, doanh gia địa ốc, mà bỏ quên thực tế ông Trump là một danh nhân truyền hình (television personality), đóng góp cho việc phục vụ một nhu cầu rất quan trọng của đại chúng là giảỉ trí.
Ông Trump thành công với bộ phim truyện truyền hình “The Apprentice” (Người Tập Việc), thuộc thể loại truyền hình thực tế (reality television) trong vai trò nhà sản xuất, đồng thời là nhân vật thủ vai diễn. Đã qua rồi thời đại của các bộ phim với kết cục có hậu hay lâm ly bi đát làm khán giả rơi lệ. Truyền hình thực tế ra đời từ 70 năm trước và đến thế kỷ 21 thì phát triển thành trào lưu thu hút khán giả của màn ảnh nhỏ.
Truyền hình thực tế là loại kịch bản “người thật việc thật,” thủ diễn không hẳn là các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà có thể là bất cứ người bình thường nào. Trên lý thuyết, câu chuyện xảy ra là hoàn toàn thật, không hư cấu, nhưng thật ra phải có sắp đặt dàn dựng với những sửa đổi thêm thắt thì mới hấp dẫn được khán giả. Giống như các cuộc thi trên truyền hình, khán giả được yêu cầu cho điểm góp phần đánh giá thí sinh; khán giả có thể can thiệp vào nội dung kịch bản truyền hình thực tế.
Trở lại việc ông Trump bắt đầu thi hành nhiệm vụ ở Tòa Bạch Ốc. Nhiều người tưởng lầm là Tổng Thống Trump đã ban hành rất nhiều sắc lệnh hành pháp. Thật ra, trong tuần lễ đầu tiên, ông chỉ ký sáu sắc lệnh, so với Tổng Thống Obama ký năm sắc lệnh năm 2009.
Trong suốt nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama ký 277 sắc lệnh, con số gần tương đương như Tổng Thống Ronald Reagan 381, Tổng Thống Bill Clinton 364, Tổng Thống George W. Bush 291, nhưng không thể so sánh với Tổng Thống Franklin D. Roosevelt 3,522.
Ngoài ra, các tổng thống cũng còn dùng các “memorandum” (bị vong lục, hay bản ghi nhớ nhắc nhở) hay tuyên ngôn, để ban hành những chỉ thị, tuy không phải là văn kiện chính thức và đầy đủ như sắc lệnh.
Nhưng có hai lý do khiến các sắc lệnh và bị vong lục ông Trump ký trong tuần lễ đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc gây nhiều ồn ào và chú ý. Thứ nhất, về nội dung, đó là những vấn đề nóng hổi: khởi đầu tiến trình thay đổi Obamacare; duyệt xét lại những quy định về môi trường và cho phép tiến hành xây dựng hai đường ống dẫn dầu; xây bức tường biên giới; tăng cường các biện pháp ứng phó chặt chẽ với di dân Mỹ Châu và Trung Đông, dành cho quân đội thêm nhiều quyền hạn.
Thứ hai, về hình thức, có lẽ nhằm mục đích chứng tỏ tân tổng thống đang tích cực thực hiện sự đổi mới, thay đổi đường lối của chính quyền cũ và thi hành lời hứa khi tranh cử, việc ban bố bốn sắc lệnh hay các chỉ thị khác đã được trình diễn long trọng và quảng bá rộng rãi. Ít có trường hợp những tổng thống trước kia, khi ký những sắc lệnh (chưa phải là ký ban hành một đạo luật), có các phụ tá cùng nhiều người khác vây quanh, và tổng thống trưng văn bản ra cho mọi người thấy để các phóng viên thu hình.
Qua những sự phô diễn đó, có thể cho rằng, dường như ông Trump đang tiếp tục thủ diễn một phân đọan của loại truyền hình thực tế quen thuộc với ông. Chương trình “Reality TV” này bây giờ không phải “The Apprentice” mà là “The President” (Ông Tổng Thống!)
“The President” không bao giờ thiếu người vì sẽ có rất nhiều diễn viên thủ vai, đó là toàn thể dân chúng Mỹ. Nhưng những màn kế tiếp thì không thể nào tiên đoán, bởi vì nếu biết trước thì kịch bản đâu có còn hấp dẫn nữa.
Trong một lần tranh luận với bà Clinton, ông Trump có phàn nàn tình trạng bị phân biệt đối xử. “The Apprentice” ba lần được đề cử nhưng chưa bao giờ được ban giám khảo trao giải Emmy Award của kỹ nghệ truyền hình. Điều ấy không còn quan trọng nữa vì “The President” có thể đọat những giải cao quý hơn nhiều, chẳng hạn giải nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay giải Nobel của hàn lâm viện Thụy Điển/Na Uy.
Mời xem Video: Vũ Đình Duy đã cuỗm sạch 8.000 tỷ đồng tiền thuế của dân như thế nào
Truyền hình thực tế “The Apprentice” trình chiếu từ 2003, mùa đầu tiên ông Trump được trả $50,000 mỗi kỳ, tổng cộng cả mùa khoảng $700,000. Gía biểu sau đó tăng lên tới $1 triệu mỗi kỳ. Theo lời giám đốc tranh cử của ông, qua 15 mùa, với 189 kỳ phát hình, NBC Universal đã trả $214 triệu, tuy nhiên, NBC không xác nhận điều này. Từ khi tranh cử, ông Trump không còn tiếp tục ký hợp đồng với NBC nữa, ông không thể cùng lúc thủ hai vai trong hai bộ phim khác nhau.
“The President” có thể diễn từ bốn đến tám năm, căn cứ theo thời gian Hiến Pháp Mỹ quy định, và hứa hẹn sẽ thu hút khán giả nếu tiếp tục có những pha ly kỳ hấp dẫn như cho đến nay.
Tuy nhiên, đừng nên quên rằng, truyền hình thực tế không phải là đời sống thực tế.
Hà Tường Cát
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét