|
Có vô vàn nghi lễ khác nhau để con người đối đãi với tổ tiên, trời đất, với những vị thánh thần giúp họ có nghề nghiệp, giúp họ bảo vệ bộ tộc [rộng hơn là bờ cõi] hay thậm chí là một nhân vật kỳ quặc như đứa con của thiên giới…
Qua mỗi năm, nghi lễ có thể được cải tiến về hình thức hoặc ngược lại giản tiện, thoái hóa đi, cho đến khi nó không còn lưu giữ câu chuyện trong đó. Đối với một nghi lễ, người kể chuyện là rất quan trọng. Nó không thể chỉ tồn tại dưới dạng văn bản bởi các ký tự theo thời gian có thể bị thay đổi, khiến thế hệ sau không còn đọc hiểu. Bởi vậy cần những câu chuyện truyền tai, các bức tranh được vẽ lại và thời hiện đại là các bộ phim hoạt hình, điện ảnh thực thi nhiệm vụ với truyền thống. Không chỉ ký tự, mỗi một chi tiết nội thất, ngoại thất, khí cụ, đầu kèo mỏm cột hay các hoa văn đều ẩn chứa các mật mã của tổ tiên. Không phải tất cả đều cần phải hiểu, nhưng người kể chuyện phải gợi lên sự tò mò cho con cháu để nhớ về các nếp sống, phong tục của đời trước.
Thực ra, các nếp sống đó không có gì khó hiểu, sau khi giải mã. Nhưng nó sẽ biến mất sau các cuộc chiến tránh, các thảm họa thiên nhiên, và ngày nay là các thảm học nhân danh trùng tu của những kẻ kiếm tiền từ tài sản thừa kế của cha ông.
Nhưng ngay cả khi các câu chuyện trong Lễ trống rỗng thì con người hiện tại, vẫn là một tập thể vô thức thực hành các lớp vỏ bọc hành vi bên ngoài. Với cùng một dạng hành vi như cầu khấn, và với nội dung rỗng thì xu hướng điền vào đó các nội dung mới mà ta gọi là ngoại lai cũng trở thành hiện tượng phổ biến. Đó cũng là cách các hoạt động tập thể như lễ Valentine Hallowen dễ dàng được du nhập và số đông chấp nhận.
Cũng trong những kỳ vọng của vô thức, một đám đông cũng có những hành vi tập thể phản chiếu các kỳ vọng mà thiếu thốn hoặc kỳ vọng thoát ra khỏi nó. Ví dụ như hiện tượng dâng sao giải hạn cũng là một dạng hành vi phản chiếu ham muốn thoát khỏi các biến cố thiên tai nhân tai mà bất kỳ ai cũng muốn. Số lượng của đám đông tham gia hoạt động này cũng là một thống kê sống động cho nỗi sợ của xã hội và thêm một lần chứng minh cho sự đúng đắn của các con số thống kê vềtai nạn giao thông, bệnh tật – 2 dạng tai ương khiến người Việt khiếp đảm hằng năm.
Ở đâu có nhu cầu, ở đó có kẻ kinh doanh và làm giàu thông qua các nghi lễ. Cách khôn ngoan nhất là điển các nội dung mới với các điều khoản mà người dùng muốn tham gia phải nạp tiền.
Khác với lễ về các nghi thức, hội là nơi tích lũy năng lượng của đám đông và cũng là nơi giúp đám đông giải tỏa năng lượng đó. Các hội là nơi phô diễn cho sự giàu có về mùa màng, gia súc và sung túc của giới tính. Đây là nơi con người ăn uống thỏa thuê, vui chơi thỏa thuê, làm tình thỏa thuê để quay lại ruộng đồng, sinh con đẻ cái và tiếp tục chu kỳ xã hội nông nghiệp. Cũng với mục đích giải tỏa năng lượng, các hội này có các nghi thức cướp lễ, đâm trâu, chém lớn vốn mang mục đích phô diễn sự sung túc khỏe mạnh của các bộ tộc nhưng khi được nhìn nhận dưới góc độ văn minh thị dân thì vô cùng hoang dã và tàn ác.
Cuộc sống văn minh đã đẩy các hoạt động này vào trong lò mổ, nhà tù và đưa ra các giải pháp giải tỏa năng lượng dưới dạng thức khác trong quán bar, vũ trường, nhà thổ và nhà nghỉ. Khi một cộng đồng áp đảo về số đông, thay đổi các quan niệm về vui chơi, thì đó cũng là lúc các hội thay đổi. Nhưng sự thay đổi này không chỉ thông qua các lên án về đạo đức. Nó còn cần từ chính các hoạt động nội sinh của cộng đồng và trở thành giá trí đủ tầm phố quát. Nếu những thị dân có nếp sống rời rạc, văn hóa yếu ớt, thì lối sống của họ cũng không thể là thước đo cho những cộng đồng từ nơi khác. Nhưng các bất bình về các hoạt động tàn ác trong hội là một lý do chính đáng để con người thay đổi các nghi thức thông qua đối thoại và chia sẻ các giá trị con người.
Các phán xét từ trong phòng hay trước màn hình khi không bước vào tham gia đời sống văn hóa thường vô nghĩa. Nhưng do mạng xã hội đã trở thành một cộng đồng nên, giờ đây, người ta cũng bắt đầu phải tri nhận các hoạt động lễ hội online – nơi cũng diễn ra các cuộc đâm chém ngôn từ man rợ.
Mời xem thêm video: Tại sao những đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo VN ngày càng lan rộng?
Từ nghi thức cướp lễ giống như một trận quidditch hay trận bóng bầu dục đầy bạo lực, lịch sử đã chứng kiến hội thực hành cướp chính quyền cũng vô cùng bạo lực và dẫn đến các lễ đâm chém người tàn bạo. Tất cả các nghi thức này từ các đền đài lăng tẩm đều có các liên hệ với đời sống. Nhìn nhận nó và đặt ra ngoài các định kiến sẽ thấy rõ được bản chất của đám đông. Từ đó phản biện, kiến giải biết đâu cải thiện được hành vi giống nòi.
FB Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét