Lá đơn “Cầu Cứu Khẩn Cấp” của bà Nguyễn Thị Ái gửi ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố ở Sài Gòn, kêu ca về việc con trai của bà tên Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, chết khi công an phường Cầu Ông Lãnh bắt giam ngày 15 Tháng Giêng.
Bà Ái lặn lội từ quê nhà tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, vào Sài Gòn khi hay tin con mình chết đột ngột.
Con của bà Ái, nhân viên kỹ thuật trường Cao Đẳng Kinh Tế ở Sài Gòn, liên quan đến một vụ đánh nhau và bị công an địa phương bắt tạm giam.
Theo sự trình bày của bà Ái trong đơn kêu cứu, Nhung và một người tên Lâm cùng hai thanh niên khác “gây hấn” với một người tên Ân. Trinh sát công an đến “xử lý” bắt Lâm còn Nhung và hai thanh niên kia bỏ chạy.
Khi Phạm Ngọc Nhung leo qua hàng rào xuống nhà dân thì bị người ta hô cướp nên nhiều người xúm lại bắt. Trong số những khống chế Nhung có Võ Hữu Tài và Lê Ngọc Thạch. Nhung bị giữ tại công an phường Cầu Ông Lãnh còn Lâm thì bị di lý về tạm giữ ở quận Bình Thạnh.
Nhung bị bắt lúc 9 giờ 30 sáng 15 Tháng Giêng, đến 3 giờ chiều ngày 18 Tháng Giêng, một người anh bà con của Nhung được công an thông báo là Nhung “đã tử vong, yêu cầu đến công an Quận 1 để làm thủ tục nhận thi thể về mai táng.”
Bà Ái kể rằng, ngày 19 Tháng Giêng, bà được Đại Úy Trần Đình Huy, người quản lý hồ sơ Phạm Ngọc Nhung, cho biết con bà bị giữ ở phường Cầu Ông Lãnh vì tình nghi đánh nhau với người khác. Bị giam ở đó từ 9 giờ 30 sáng đến 8 giờ 30 sáng hôm sau thì thấy “Nhung có biểu hiện bất thường nên đưa Nhung vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu. Sau đó lại chuyển sang bệnh viện 115 chữa trị. Tại đây Phạm Ngọc Nhung tử vong lúc 10 giờ tối.”
Theo thư kêu cứu của bà Ái, ông Huy “phân giải” là “Phạm Ngọc Nhung bị chấn thương sọ não và giải thích thêm là do “té ngã.”
Bà Ái cho hay ngày 20 Tháng Giêng bà có làm đơn tố cáo gửi Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao. Nơi đây cho rằng nguyên nhân cái chết của Nhung là do Võ Hữu Tài và Lê Ngọc Thạch gây ra. Tuy nhiên, sau khi bắt khẩn cấp cả hai ông này ngày 20 Tháng Giêng, công an quận 1 đã phải thả hai ông này vì khi đối chiếu với các máy giám sát an ninh khu vực thì không thấy có hành vi gì gây ra thương tích cho Nhung.
Vì vậy, Phạm Ngọc Nhung tử vong là “có vấn đề bất thường” trong thời gian bị tạm giữ ở công an phường Cầu Ông Lãnh. Nhìn tấm hình với những chỗ sưng trên mặt của Phạm Ngọc Nhung, người ta hiểu là có thể có ai đó trong công an phương đánh đập hung bạo thanh niên này và dẫn đến cái chết oan khuất của anh, chỉ vì một chuyện đánh nhau vớ vẩn.
Bà Ái nói trong lá đơn cầu cứu rằng bà đã tới nhiều cơ quan khác nhau để yêu cầu cứu xét trường hợp chết oan khuất của con bà nhưng “không được bất kỳ cơ quan nào thụ lý đơn giải quyết “ và đùn đẩy lòng vòng cho nhau.
Mời quý vị xem thêm: Vì sao kẻ chủ mưu huy động sát thủ bằng mọi giá phải hạ sát ông Kim Jomg Nam cho bằng đươc?
Ngày 23 Tháng Giêng, cơ quan công an PC44 nói với bà là vào dịp Tết “không có cơ quan nào làm việc” nên “trưng cầu giám định lại (thương tích như bà đòi hỏi) hết sức khó khăn.”
Thấy bị công an tìm cách trốn trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Ái đành phải gửi đơn cầu cứu đến chủ tịch UBND thành phố.
Lâu nay, hầu hết các vụ tố cáo, kêu cứu vì người chết vì bị công an tra tấn nhục hình không được cứu xét công bằng, đúng sự thật. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét