Thảm họa ô nhiễm lại thấp thoáng tại vùng biển miền Trung Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Thảm họa ô nhiễm lại thấp thoáng tại vùng biển miền Trung Việt Nam


Xác một con cá vẩu nặng 35 ký giạt vào bờ biển đoạn thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. (Hình: Người Lao Động)

VIỆT NAM – Đúng một năm sau khi cá chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung, ngư dân huyện Phú Lộc, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế cuốn lưới, ngừng ra khơi vì vừa có một đợt cá chết hàng loạt nữa.

Tháng 4 năm ngoái, thảm họa cá chết trắng biển phát xuất từ vùng biển ở khu vực Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lan rộng đến vùng biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Tháng 4 năm nay, hiện tượng tương tự đang hiện diện tại vùng biển ở khu vực các huyện Phú Lộc, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo tờ Người Lao Động, từ hạ tuần tháng 4 đến nay, biển gần như không có cá. Đáng ngại là nhiều loại cá vốn chỉ sống ở các tầng nước cách mặt biển khoảng 20 mét như cá liệt chạng, cá phèn, cá đuối,… đột nhiên đồng loạt trồi lên sát mặt biển trong trạng thái lờ đờ.

Ông Ngô Thảo, một ngư dân ngụ tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, kể với phóng viên tờ Người Lao Động rằng, trước kia, thỉnh thoảng ngư dân mới bắt được những loại cá sống ở tầng nước sâu, trọng lượng trung bình từ 15 ký đến 20 ký nhưng gần đây, những loại cá sống ở tầng nước sâu, trọng lượng lớn hơn như thế liên tục trồi lên, thậm chí giạt cả vào bờ. Cá lớn hiếm gặp trở thành nhiều vô kể nên giá sụt xuống…

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch xã Lộc Vĩnh, xác nhận vài ngày vừa qua, có nhiều con cá vẩu nặng hơn 30 ký/con chết và bị sóng đánh giạt vào bờ biển. Ông Minh bảo đó là “hiện tượng kỳ lạ” bởi loài cá này chỉ sống ở tầng nước sát đáy biển.

Ông Nguyễn Thanh Phát, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang thì đề cập đến một thực trạng khác: Lượng cá thông thường đột nhiên giảm đáng kể. Sau những chuyến hải hành dài ngày, nhiều tàu đánh bắt xa bờ chỉ kiếm được vài tạ cá, khác hẳn với trước kia – đánh được từ vài tấn đến vài chục tấn cá. Ông Phát bảo rằng, ngư dân không hiểu sao từ khi cá sống ở tầng nước sâu trồi lên thì lượng cá sống ở các tầng nước sát mặt biển ở ngoài khơi giảm hẳn.

Ông Phát bảo rằng, ngư dân xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang hiện chỉ bán được một số loài cá sống ở tầng nước sát mặt biển như cá hố vì thương lái có thể xuất cảng sang Trung Quốc. Vì không có người mua, ngư dân đành mang những loại cá lớn, sống ở tầng nước sâu về nhà ướp lạnh, chờ người mua… Vào lúc này, trước khi nhổ neo, ngư dân phải liên lạc trước với thương lái xem họ có mua cá hay không thì mới dám ra khơi…

Theo tờ Người Lao Động, nhiều ngư dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc đã ngưng ra khơi, mang lưới đi cất, chờ hiện tượng cá sống ở tầng nước sát đáy biển nổi lên, giạt vào bờ chấm dứt…

Tuy nhiên tin mới nhất cho biết, hồi cuối tuần vừa qua, một số thợ lặn chuyên tìm tôm hùm dưới biển phát giác nhiều cá mú gai vừa chết dưới đáy biển. Đó cũng là lý do khiến họ phải trồi lê vì sợ nhiễm độc từ nước biển.

Mời xem Video: Nếu Nguyễn Phú Trọng kỷ luật Đinh La Thăng không được, Quân Đội sẽ lập Hội đồng Nguyên Lão thay thế?



Giống như năm ngoái, chính quyền các xã, các huyện và kể cả giới hữu trách cấp tỉnh “án binh bất động”. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, động tác duy nhất mà họ đã làm là “báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về thiệt hại của ngư dân nhưng chỉ mới “đề xuất” hỗ trợ cho giới nuôi cá. Ngoài chuyện cá ở ngoài biển chết hàng loạt, tại Thừa Thiên – Huế vừa có khoảng 35 tấn cá nuôi trong các lồng, bè bị chết, thiệt hại khoảng 7 tỉ đồng.

Theo ông Hùng, giới hữu trách chỉ có thể thống kê, xác định được thiệt hại của giới nuôi cá, còn ảnh hưởng của chuyện cá chết hàng loạt ngoài biển đối với ngư dân thì cần phải… nghiên cứu. (G.Đ)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad