Trang thông tin chinhphu.vn của nhà cầm quyền cho hay, trưa 26 Tháng Năm, tại trụ sở chính phủ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Tập Đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google).
Cuộc tiếp xúc diễn ra sau mấy tháng Hà Nội làm áp lực kinh tế để thúc ép Google gỡ bỏ các video clip “xấu độc” được người dân đưa lên đây để mọi người được biết diễn biến thời sự xã hội tại Việt Nam ngay khi nó đang xảy ra hoặc vừa mới xảy ra. Nhờ đó mà người ta khắp thế giới có thể thấy được những gì mà chính quyền Việt Nam che đậy và tuyên truyền ngược lại.
Trong dịp tiếp ông Schmidt, ông Phúc nói rằng “Google kinh doanh thành công tại Việt Nam với nhiều sản phẩm đã và đang trở nên phổ biến, quen thuộc với người dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam.” Bởi vậy “với sự phát triển nhanh đó, Google nên mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam để có thể phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan.”
Mấy tháng gần đây, Hà Nội đã ép các công ty có quảng cáo trên các clip thời sự “xấu độc” với hàng triệu người xem YouTube, phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trong số hơn 8,000 clip “xấu độc,” chỉ thấy một số bị gỡ, không phải phần lớn.
Bởi vậy, theo trang chinhphu.vn, ông Phúc kêu ca rằng “Thời gian qua, có đối tượng sử dụng YouTube để đưa thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi đề nghị Google phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để xử lý, loại bỏ các thông tin này.”
Dịp này ông Eric Schmidt cũng cho biết sẽ “Hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin xấu độc.” Tuy nhiên, đấy chỉ là bản tin tuyên truyền của Hà Nội. Đích xác ông Schmidt nói những gì và có hứa hẹn gì không, vẫn còn là dấu hỏi.
Trong bản tin của hãng thông tấn Reuters về việc này, ngoài việc đến gặp ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Schmidt cũng gặp cả nữ ca sĩ Mai Khôi, một người từng ra ứng cử “đại biểu Quốc Hội” trong tư cách độc lập hồi năm ngoái nên đã bị gạt ra ngoài. Reuters dẫn lời nữ ca sĩ Mai Khôi: “Tôi đã nói với ông Eric về vấn đề kiểm duyệt Internet của Việt Nam và ông nói ông biết chuyện đó và sẽ cố cải thiện tự do Internet tại đây một cách tế nhị.”
Hãng tin Reuters cũng phỏng vấn phát ngôn viên của Google là Taj Meadows thì được ông này cho biết như sau: “Chúng tôi có một chính sách rất rõ rệt khi có các yêu cầu gỡ bỏ các video clip từ các chính phủ trên thế giới và chính sách của chúng tôi không có thay đổi.”
Điều này gián tiếp xác định bản tin của chính quyền Việt Nam nói “vống” lên để tuyên truyền. Hàng ngàn những video clip mà Hà Nội coi là “xấu độc” đòi gỡ bỏ nhưng vẫn thấy trên mạng YouTube. Ai cũng có thể mở ra xem hoặc lấy xuống giữ làm tài liệu dễ dàng.
Hồi Tháng Tám, 2016, không riêng gì chính phủ Hoa Kỳ, các công ty mạng toàn cầu Google và mạng giao tế xã hội Facebook đồng loạt chỉ trích nghị định 72 của Việt Nam là siết chặt thêm nữa các biện pháp kiểm soát tự do ngôn luận qua Internet, cũng như buộc các công ty nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
Đòi các mạng Google hay Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam để Hà Nội dễ dàng kiểm duyệt, gỡ bỏ tất cả các “thông tin độc hại,” để dễ bưng bít thông tin và tuyên truyền một chiều.
Tháng Mười Một, 2013, ông Eric Schmidt đã đưa ra một dự báo làm nức lòng nhiều người rằng chế độ kiểm duyệt thông tin trên khắp toàn cầu sẽ chấm dứt trong vòng một thập niên tới, việc sử dụng mã hóa sẽ giúp người ta có thể vượt qua mặt được sự kiểm soát của chính phủ.
Lời phát biểu vừa kể được ông đưa ra trong bài thuyết trình tại trường Đại Học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, khi ông nhận định rằng việc kiểm duyệt của Trung Quốc cũng như các nước ngăn cản tự do ngôn luận như Việt Nam, nói chung là các nước độc tài đảng trị, quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín, sẽ bị chấm dứt, khi người dân được nối mạng Internet và truyền thông được bảo vệ trước sự theo dõi, giám sát. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét