Sau cuộc hội đàm ở Tòa Bạch Ốc chiều Thứ Tư, 31 Tháng Năm, giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, không có cuộc họp báo chung nào được tổ chức sau đó và chỉ thấy có một bản tuyên bố chung được phổ biến.
Nội dung của bản tuyên bố này không cho thấy những gì chế độ Hà Nội mong muốn nhất, tức là cơ hội thương thuyết một hiệp định tự do mậu dịch song phương thay thế cho Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị ông Trump gạt bỏ, không thấy được đề cập gì.
Bản này chỉ thấy nói, “Phía Hoa Kỳ ghi nhận quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường và hai bên tiếp tục tham vấn một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương.”
Nếu không được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa từ Việt Nam xuất cảng sang thị trường Mỹ sẽ vẫn bị hàng rào thuế quan áp đặt thuế suất cao. Hà Nội đã kêu ca chuyện này với Washington suốt từ nhiều năm qua chứ không phải tới ông Trump lên làm tổng thống mới kêu, nhưng vẫn không được công nhận, và chưa biết khi nào Mỹ sẽ thay đổi quan điểm.
Để giải tỏa phần nào những đả kích của phía Mỹ về quan hệ mậu dịch thâm thủng tới $32 tỷ, Hà Nội đã phải chấp nhận mua thêm một số trang bị kỹ thuật và nhập cảng thêm nông phẩm của nước Mỹ mà bản tuyên bố chung viết là, “Cam kết sẽ tiếp tục phối hợp trên tinh thần xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên khác của mỗi bên, như sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và quảng cáo, sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng, bột bã ngô, cá da trơn, tôm, xoài và các vấn đề khác.”
Trước khi bản tuyên bố này được công bố, Việt Nam đã ký một số hợp đồng thương mại trị giá $8 tỷ, trong đó, các hợp đồng về dự án cung cấp trang bị năng lượng của công ty GE lên gần $6 tỷ. Con số nêu ra thấp hơn nhiều so với lời khoe của ông Nguyễn Xuân Phúc một ngày trước đó với các con số từ $15 tỷ đến $17 tỷ.
Bản tuyên bố chung nói, “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển.” Và đặc biệt, “Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.”
Cho đến nay, người ta mới chỉ thấy các khu trục hạm, các tàu đổ bộ và tiếp vận của Hải Quân Hoa Kỳ thăm viếng, nhận tiếp liệu hay sơn sửa tại cảng quốc tế Cam Ranh. Các mẫu hạm Mỹ chỉ dừng lại trong các vùng biển quốc tế, đón một ít quan chức và sĩ quan CSVN tới xem các hoạt động vận hành và máy bay chiến đấu lên xuống.
Một số điều đáng lưu ý khác là Hà Nội vẫn sợ Washington hậu thuẫn cho các phong trào “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ độc tài đảng trị, nên Hà Nội đòi Mỹ “nhất trí” tôn trọng “hệ thống chính trị của nhau.” Đồng thời “hai bên cũng thúc đẩy các cơ chế đối thoại hiện có, trong đó có quan hệ kênh đảng.”
Bản tuyên bố chung hé lộ cho thấy Hà Nội đã bị Mỹ thúc ép nhận lại những người gốc Việt Nam vi phạm pháp luật đang bị cầm giữ trong các Trung Tâm Tạm Giam chờ trả về nguyên quán của Sở Di Trú Mỹ mà lâu nay Hà Nội tránh né đưa về.
Bởi vậy, bản này viết, “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp Định Việt Nam-Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này.”
Vấn đề nhân quyền chỉ được tuyên bố chung nói phớt qua như nói cho có, cho người ta cảm tưởng vấn đề không được chú trọng trong cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét