Nói thì nghe dông dài và có khi mạo phạm cả tổ tông của mình, nhưng cũng không thể tiếp tục ngậm miệng để rồi mặc định thân phận mình là con ếch. Bởi chỉ có con ếch nó nằm trong hang, nó đưa cái lưng ra ngoài vì nó chết nhát, nó sợ mọi thứ, không dám nhìn mọi thứ, tự trốn bằng cách quay cái lưng ra ánh sáng để tưởng rằng khi đối mặt với bóng tối thì nó được an toàn. Khi thấy mình an toàn, nó lại bắt đầu oạp oạp… Kết quả là bị tóm gọn và đương nhiên sau đó nó sẽ ra sao, thiết nghĩ không cần bàn thêm.
Như vậy, suy cho cùng, cái câu tưởng như là răn đe, nhắc nhở con người đừng tự làm khổ mình bằng cái miệng, tưởng như là khoa học, suy tư theo cách “bệnh vào từ miệng, họa ra từ miệng” ấy lại ẩn chứa một thứ mặc cảm thân phận, người ta không dám nói, không dám phát biểu suy nghĩ, đơn giản bởi “miệng nhà quan có gang có thép”, muốn nói gì cũng được, còn miệng dân thấp cổ bé họng thì nói ra là chết, là “con ếch nó chết vì cái miệng”.
Vô hình trung, người ta mặc định thân phận của họ là con ếch, một thứ thân phận nhỏ nhoi, chui kĩ trong hang và quay lưng với ánh sáng cho an toàn, con nào khôn thì im lặng, con nào ngu thì kêu lên cho chết. Mà cái tâm lý này dường như chỉ có ở khu vực Á Đông, chứ phương Tây chẳng tìm đâu ra thành ngữ tương đương với “con ếch nó chết vì cái miệng” cả. Mà giả sử nếu có, nó cũng không tồn tại mạnh, trở thành một thứ triết lý sống như vùng Á Đông, đặc biệt là Việt Nam.
Vì sao? Vì những nước phong kiến bị nhiễm quá nặng tinh thần Khổng Giáo, tôi xin nhấn mạnh ở điểm này, phương Tây cũng có giai đoạn phong kiến nhưng không có phong kiến Khổng Giáo, không có “vua bảo thần chết thì thần phải chết”, cái này chỉ có ở các nước ảnh hưởng Khổng Giáo. Điều này nhanh chóng đẩy thân phận người dân xuống vị trí cỏ rác, một người ngồi trên cả, có thể ngắt bỏ mạng sống của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người như đang ngắt một nắm cỏ không hơn không kém.
Sống trong một môi trường như vậy, liệu người ta có cơ hội bày tỏ nguyện vọng hay nói lên suy nghĩ của mình? Tiếng nói cá nhân bị lấy mất và thay vào đó là sự phục tùng như một định mệnh gắn liền. Kết quả là nhân dân còn có thân phận thấp hơn cả con ếch. Và con ếch giống như một biểu tượng thân phận của đại bộ phận nhân dân.
Hết thời phong kiến, đến giai đoạn Cộng sản xã hội chủ nghĩa, mặc dù không còn quan hệ vua – tôi, nhưng thực tế thân phận người dân cũng chẳng nhích lên được tí nào ngoài thân phận cỏ rác. Người ta đoạt mạng sống của một ai đó không nhân danh đức vua mà nhân danh tập thể, người ta chiếm dụng, cướp trắng đất đai, tài sản của một ai đó cũng nhân danh tập thể, quản lý toàn dân, người ta muốn ám hại, đày đọa một ai đó, cũng nhân danh tập thể, nhân danh toàn dân, nhân danh một thực thể chẳng bao giờ tồn tại trong thế giới thực này và chẳng có gì ngoài cái danh hão của nó để hành xử. Thử nghĩ, liệu thân phận nhân dân có khá hơn trong bối cảnh này?
Có lẽ chính vì vậy mà chưa bao giờ người dân Việt Nam có thể quên được hay vứt bỏ được cái thứ triết lý “con ếch chết vì cái miệng”. Và cũng có lẽ chính vì muốn nhắc nhỡ người dân phải luôn luôn nhớ đến thân phận con ếch mà tư tưởng Khổng Tử vẫn luôn có giá trị trong hệ thống giáo dục Cộng sản xả hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Không phải vô quyên vô cớ mà ngoài Trung Quốc ra, Việt Nam là nước có nhiều đến thờ Khổng Tử nhất Châu Á, thậm chí nhất thế giới. và không không phải do ngu ngốc mà nhà nước Cộng sản Việt Nam còn cho xây cả học viện Khổng Tử và đưa tư tưởng ông ta vào nghiên cứu chính qui, trong khi đó, nếu nói về mức độ lạc hậu thì tư tưởng Khổng Tử lạc hậu cả ngàn năm có dư!
Và có lẽ, hiếm có người Việt nào dám tự ví tiếng nói của họ giống như tiếng gầm của mãnh thú, hay chí ít cũng là tiếng hót của chim trời tự do. Người Việt chưa và không có những câu nhắc nhở bản thân có nội hàm là tiếng gầm mãnh thú hay tiếng hót chim trời làm thay đổi không gian tĩnh mịch, làm xóa đi nỗi u ám rừng già. Chưa hề, họ chỉ có câu “con ếch nó chết vì cái miệng” để răn đe bản thân. Một nỗi mặc cảm thân phận đến khốn cùng, tự mặc định thân phận của mình là ếch nhái, mà đã là ếch nhái thì tốt nhất nên chui vào hang, ở im trong hang, đừng lên tiếng, người ta sẽ đến tóm cổ. Thậm chí, đã ở trong hang rồi đó, nhưng nhiều khi run quá, răng lại va nhau cồm cộp mà phát ra âm thanh, lại bị tóm.
Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc hay tự đầu thú mấy ngày nay nổi rộ trên các mặt báo trong nước và quốc tế. Ông này không biết có thực sự bị an ninh bắt cóc hay bị các nhóm săn tiền bắc cóc bán cho an ninh Việt Nam hay bị chính đồng đội phản phé hay chính ông ta mang xác về nộp cho đảng…? Mọi thứ vẫn còn trong nghi vấn, chưa có câu trà lời xác tín. Nhưng có một vấn đề quan trọng nhất, dễ nhận thấy nhất là cách trốn tránh cũng như tư thế khi đối mặt với cơ quan an ninh của ông Thanh có chút gì đó rất ếch.
Ếch bởi ngay từ căn tính, từ trứng nước ông ta đã sống trong môi trường luồn lách, nín nhịn và chịu đựng, thậm chí chịu trận, bất chấp danh dự hay lòng tự trọng để tiến thân, đến khi hữu sự, lại tiếp tục làm con ếch chạy trốn, và rồi sau đó, khi đối mặt với nguy cơ tù tội, thậm chí chết chóc, ông ta lại cầu đến chuyện khoan hồng nhà nước. Dường như mọi chuyện rất chi là ếch!
Bởi ngay từ tấm bé, người Việt đã sống trong một sinh quyển chính trị đầm lầy và rừng rú, người dân phải nghĩ đến nhịp điệu tồn tại và vũ điệu thăng hoa của loài ếch, biến nó thành một triết lý sống. Nên cho dù có ba ngàn năm nữa, người ta cũng chẳng thể hóa rồng hay hóa cọp nếu như vẫn tiếp tục cam chịu thân phận đầm lầy, lăn lóc trong đầm lầy chính trị Việt Nam. Cho dù lúc đó, đầm lầy đã hóa sa mạc, không chừng, người ta vẫn cứ sợ mình phát ra tiếng oạp oạp chết người!
Và đến bao giờ người Việt thoát khỏi mặc cảm ếch? Câu trả lời là nếu các ông, các bà lãnh đạo nhà nước Cộng sản không tỉnh ngộ ra để thay đổi, tiếp tục làm những con ếch chính trị trước Trung cộng, thì một ngày nào đó, không ai khác ngoài chính các ông, các bà và con cháu của quí vị cùng phát ra tiếng oạp oạp đau đớn trước khi lên dĩa làm mồi ngon cho ông anh Trung Cộng, cho dù lúc đó thế giới tiến bộ có kêu gào thảm thiết xin tha mạng cho quí vị thì cái bụng đói
Mời xem Video: VTV1: Trịnh Xuân Thanh đã khai ra những bí mật gì sau khi bị mật vụ bắt cóc tại Đức áp giải về Việt Nam?
Viết Từ Sài Gòn
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét