Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, Trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính.
Tuy nhiên, câu hỏi là, lý do nào dẫn đến tình trạng so kè nghiêm trọng như trên? Đặt câu chuyện vào một bối cảnh rộng lớn hơn, có thể kể ra 3 nguyên nhân.
Đầu tiên là quy trình thăng tiến truyền thống bị xô ngã. Những thế hệ lãnh đạo trước đây của thành phố đều thăng tiến tuần tự từ thấp đến cao qua một thời gian dài. Ở mỗi nấc thang trong hệ thống quyền lực, cá nhân lãnh đạo có đủ thời gian xây dựng và củng cố mạng lưới cánh hẩu của riêng mình. Ngay cả khi giữa những người lãnh đạo thăng tiến tuần tự này có xung khắc với nhau đi chăng nữa, họ cũng dễ thỏa hiệp với nhau hơn vì qua một thời gian dài công tác cùng nhau, lợi ích của các bên đã đan xen tới mức chẳng ai muốn nghĩ tới việc sống mái. Ở Đà Nẵng, có thể xem Đức Thơ là đại diện của kiểu lãnh đạo tuần tự nhi tiến này, trong khi Xuân Anh lại hiện lên khá rõ mà một người được ‘ấn’ vào chiếc ghế lãnh đạo cao nhất ở thành phố. Mâu thuẫn giữa phe mới nổi và cựu trào là không thể tránh khỏi.
Lý do thứ hai là mâu thuẫn về lợi ích. Trong thể chế song trùng đảng-chính quyền ở nước ta, chuyện Bí thư và Chủ tịch không ưa nhau là hết sức tự nhiên và bình thường, như một rừng hai hổ. Tuy nhiên, 10-15 năm qua, trong khi hai cơ cấu đảng và chính quyền đều ngày một phình to ra, xung đột giữa chúng có vẻ chưa quá căng thẳng khi mà miếng bánh lợi ích cũng lớn lên tương ứng, đi liền với việc gia tăng nợ công và khai thác kiệt cùng tài nguyên khoáng sản. Ở mỗi tỉnh thành, dù phe Bí thư hay phe Chủ tịch đều không thể chiếm trọn miếng bánh, song mỗi phe đều khá hài lòng với phần bánh trong tay mình có vẻ đang lớn hơn qua từng năm. Tuy nhiên, dễ thấy là miếng bánh lợi ích không thể phình to mãi, nếu không muốn nói là đang có dấu hiệu nhỏ xuống rõ rệt, nhất là từ sau Đại Hội XII, khi mà nợ công đã chạm mức báo động và tài nguyên thì đã cạn kiệt. Thế thì, một khi quy mô bộ máy không giảm tương ứng với tốc độ nhỏ đi của chiếc bánh, mâu thuẫn sẽ tăng. Nhìn dưới góc độ này, Đà Nẵng chỉ đang kể tiếp câu chuyện của Yên Bái, dù không vang tiếng súng, song chẳng hề kém phần gay cấn. [Và quan trọng là, không phải chỉ mỗi Đà Nẵng, hãy chờ xem].
Nguyên nhân thứ ba, và cũng là điều khiến xung đột ở Đà Nẵng vượt ra ngoài biên giới địa phương, là màu sắc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) của nó. Đoạn đường Thành ủy tới UBND chỉ vài trăm mét nhưng lắm khi đôi bên phải bay vòng Ba Đình trước khi có thể tương tác được với nhau. Chiến tranh ủy nhiệm hay nổ ra ở những nơi xuất hiện chân không quyền lực, hoặc nơi mà thế lực nắm quyền ngồi chưa vững chiếc ghế quyền uy, nên bên ngoài hoặc bên trên dễ dàng can thiệp. Đà Nẵng hậu Bá Thanh là một nơi như vậy, vì dù rằng còn nhiều tranh cãi xung quanh di sản của ông, khó có thể phủ nhận suốt 20 năm đứng đầu thành phố của mình, ông Thanh chưa hề có một kế hoạch nghiêm túc về việc lựa chọn và xây dựng nhân vật số 2 thay thế ông, nhất là khi chuyến ‘Bắc du’ của ông có vẻ không nằm trong dự liệu.
Tóm lại, vấn đề xung đột chính trị ở Đà Nẵng vừa có tính thời cuộc, vừa có tính cơ cấu thuộc về bản chất thể chế hiện hành. Một kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể giải quyết được tính thời cuộc của vấn đề, song nguyên nhân mang tính cơ cấu đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn thế, gắn với cải cách thể chế.
Mời xem Video: Bộ Công An khởi động tái điều tra vụ Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng liên đới thất thoát 3.000 tỷ?
PS: Nhiều người sẽ nói, phân tích vấn đề thế nhưng quan trọng giải pháp là gì. Well, thực ra đây là vấn đề của Đảng Cộng sản, mình không phải là đảng viên bàn vào cũng hơi vô duyên. Vả lại, với chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch, tin rằng đảng cũng chẳng cần ai góp ý. Trong vị trí người dân, thực ra mình hứng thú hơn nhiều với Sơn Trà, Đồng Tâm, Cai Lậy, An Đông, nơi người dân đang dần tự tin với quyền lực của mình, và biết cách tạo ra quyền lực đó để bảo vệ những lợi ích chính đáng của họ và cộng đồng. Hãy để Đảng Cộng sản xoay sở với vấn đề của họ, những giải pháp khác đang chờ chúng ta.
FB Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét