Trung Quốc Bắt Cóc Ngư Dân Việt Nam ở Biển Đông: Một Phân Tích từ Tư Liệu Gốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Trung Quốc Bắt Cóc Ngư Dân Việt Nam ở Biển Đông: Một Phân Tích từ Tư Liệu Gốc


“Theo một nguồn tin thì Cảnh sát biển Việt Nam có ghi chép những vụ việc như vậy trên biển nhưng không công bố. Khi được liên lạc để yêu cầu bình luận về vấn đề này thì Bộ ngoại giao và Cảnh sát biển Việt Nam đều không phản hồi“.


Một đoạn trích từ luận văn thạc sĩ của tác giả tại Đại học Oxford:

“Tôi bị giữ 3 ngày, còn gia đình tôi phải đem tiền, 140 triệu đồng [khoảng 6.200 USD], tới Đà Nẵng để nhờ người ở đó giúp. Tụi tôi không biết người ta lấy tiền đó để làm gì… Họ giữ 3 tàu và giam tụi tôi trong cùng một nhà kho. Họ cho tụi tôi ăn như cho heo ăn vậy, một cục cơm trắng to… Đi vệ sinh hả? Họ đưa cho tôi một cái xô. Rồi tôi tự làm… Tụi tôi phải cúi mặt xuống. Họ không cho tụi tôi nhìn vô mặt họ nếu không họ đánh nhừ tử… Tàu của họ chạy nhanh tới 30–40 km/giờ, nhanh hơn nhiều so với tốc độ 7 km/giờ của tàu tôi… Tụi tôi bị bắt ở giữa biển. Rồi tụi tôi bị đem qua một tàu khác để đưa tới đảo. Tụi tôi bị bịt mắt nên không biết đảo nhìn ra sao… 15 người bị bắt rồi giam trong cái nhà giống nhà kho. Rồi họ thả cho 12 ngư dân cùng tàu của mình về nhà, giữ lại 3 người với tàu. Tại vì đông quá, họ không có đủ đồ ăn… Họ đòi tụi tôi phải gửi tiền bằng chuyển khoản mà tụi tôi cũng không biết ai sẽ nhận tiền.”


– Lời ngư dân Việt Nam bị bắt cóc (phỏng vấn năm 2016)

Ba tài liệu chính thức của Trung Quốc từ năm 2009 vừa được tìm thấy và các cuộc phỏng vấn trên đảo Lý Sơn năm 2016 xác thực cho những lời kể rằng cán bộ mặc đồng phục của Trung Quốc, trên tàu của chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bắt cóc ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp trong giai đoạn 2005–2012. Những lời tường thuật này có nhắc tới việc cán bộ Trung Quốc đánh đập rồi lấy đi hải sản đánh bắt được và tàu của ngư dân Việt Nam. Các tài liệu trên có đóng dấu Cục ngư nghiệp Trung Sa với phạm vi quản lý một phần quần đảo Hoàng Sa, và có trích dẫn các điều khoản luật ngư nghiệp Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam có kể về những người Trung Quốc mặc đồng phục đã bắt cóc họ, và một “đại sứ quán” Trung Quốc ở Đà Nẵng nhận tiền chuộc. Người ta có đưa ra cái tên một ngân hàng ở Hải Nam để nhận điện chuyển khoản. Những điều này cho thấy đây không phải là hoạt động tội phạm thông thường, mà là những việc làm bất thường của quan chức Trung Quốc; họ vừa thực thi luật biển cùng các quy định của Trung Quốc về đánh cá bất hợp pháp, bất thường, hay không báo cáo, lại vừa kiếm tiền.

Trước đây, truyền thông lẫn các học giả hầu như chỉ tập trung vào những trường hợp tàu đánh cá dân quân Trung Quốc đâm vào tàu đánh cá Việt Nam rồi ăn cắp thiết bị trên tàu (như thiết bị định vị toàn cầu, vỏ tàu, nhiên liệu). Giờ đây, những giấy tờ chưa từng được công bố này của Trung Quốc cùng những bài phỏng vấn cho thấy dường như đây là một hệ thống bắt cóc mà chính quyền Trung Quốc dung dưỡng. Việc bắt cóc này gắn liền với vi phạm nhân quyền, kể cả những việc ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa bị bắt giữ tùy tiện, rồi bị ngược đãi trong điều kiện vô nhân đạo, tồi tệ. Những vi phạm nhân quyền này còn bao gồm đánh đập mà có khi để lại thương tật vĩnh viễn, và việc giam giữ trong những căn phòng chật chội, nóng bức, ít thức ăn, không có nhà vệ sinh hay mùng.

Trên giấy tờ phía Trung Quốc đưa cho những ngư dân bị bắt, tên của cơ quan ra quyết định phạt để chứng tỏ việc thực thi luật biển của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa là Cục ngư nghiệp Trung Sa. Con dấu của Cực ngư nghiệp Trung Sa được đóng bằng mực đỏ trên cả 3 tờ giấy của Trung Quốc. Tiền chuộc mà ngư dân phải tự xoay sở được chuyển vào một ngân hàng của Trung Quốc (Ngân hàng Trung Quốc) ở Tam Á trên đảo Hải Nam, đây là nơi được cho là căn cứ của rất nhiều đội đánh cá dân quân Trung Quốc. Số tiền chuộc mà họ đòi thường nhiều gấp 8 lần thu nhập trung bình cả năm của một ngư dân Việt Nam.

Giấy đòi tiền chuộc chính thức của Trung Quốc. Phần bôi đen ở đây để bảo vệ thông tin về bảng số tàu, tên và dấu vân tay của ngư dân.

Giấy phạt đầu tiên ghi số tiền phạt là 70.000 tệ (khoảng 10.429 USD), và phải đóng trong vòng 10 ngày nếu không ngư dân đang bị giam giữ sẽ “phải chịu các hình phạt khác”.

Giấy thứ hai là “Quyết định phạt của Cục ngư nghiệp” có ghi tội danh và lời nhận tội. Phần bôi đen ở đây để bảo vệ thông tin về bảng số tàu và chữ ký của ngư dân.

Giấy phạt thứ hai có thông tin về địa điểm xảy ra vụ việc. Giấy này ghi rằng “ngày 21 tháng 2 năm 2009, lúc 13:50 chiều [nguyên văn] Trung Quốc, tại vị trí 16o 33’ 09’’ vĩ bắc và 112o 45’ 43,86’’ [kinh] đông, bên vi phạm đang thực hiện đánh cá bằng thuốc nổ trong vùng biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kiểm soát. Họ thu được 250 kg cá chất lượng tốt. Đây là hành vi đáng lên án, gây rối, vi phạm nghiêm trọng khoản 8 ‘Luật ngư nghiệp Trung Quốc’ và khoản 4 ‘Điều lệ quản lý người, tàu thuyền, và hoạt động đánh cá của nước ngoài trong vùng biển Trung Quốc’.” Giấy này cũng ghi rằng địa chỉ của cơ quan ra quyết định là “Trung Quốc, tỉnh Hải Nam, thành phố Hải Khẩu, đường Thái Hoa, số 9”.

Trong trường hợp này, gia đình của ngư dân Việt Nam bị bắt được nhận bản dịch của giấy phạt số 1. Bản dịch bỏ đi một phần quan trọng rằng cảnh sát biển hay dân quân biển Trung Quốc đã bắt giữ ngư dân vì tội đánh cá bằng thuốc nổ. Tuy đánh cá bằng thuốc nổ đúng là hành vi hủy hoại môi trường, nhưng các cán bộ Trung Quốc trong trường hợp này đã dùng vấn đề môi trường làm cái cớ để bắt giữ mà không thông báo cho ngư dân biết vì sao họ bị bắt, do vậy ngư dân không có cơ hội tuyên bố mình vô tội.

Vụ việc này diễn ra trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà tuy cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có yêu sách chủ quyền nhưng do Trung Quốc quản lý. Theo Greg Poling thuộc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thì bất kỳ phán quyết nào trong tương lai có thể sẽ tuyên bố toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Giấy phạt số 1 và số 2 đều ghi ngày 21 tháng 2 năm 2009, cho thấy giới chức đã có được lời nhận tội đầy đủ trong cùng ngày diễn ra vụ việc vi phạm. Rõ ràng là giới chức Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá rồi bắt ngư dân Việt Nam nhận tội ngay lập tức. Theo lời ngư dân trong các cuộc phỏng vấn thì họ không có thông dịch gì cả – mặc dù giấy phạt số 2 nói ngư dân có quyền khiếu nại lên tòa cấp cao “trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được giấy này”, hay đến “tòa án nhân dân” “trong vòng 30 ngày”.

Giấy số 3 ghi biên nhận tiền ngư dân Việt Nam đóng cho chính quyền Trung Quốc. Phần bôi đen ở đây là để bảo vệ thông tin về bảng số tàu.

Giấy số 3 là biên nhận tiền mặt đóng phạt 70.000 tệ, ngày trên giấy chỉ sau ngày trên giấy số 1 và 2 chưa đến 2 tuần. Biên nhận có con dấu Cục ngư nghiệp Trung Sa giống với con dấu trên hai giấy trước. Phần phía dưới bên phải của biên nhận có đóng dấu và chữ ký của người nhận tiền.

Theo phỏng vấn của tôi với các ngư dân trên đảo Lý Sơn thì chính quyền Việt Nam không để những sự vụ như vậy trở nên ồn ào bằng cách cử cán bộ địa phương đến nhà ngư dân, thuyết phục họ không tham gia kiện tụng quốc tế hay gặp gỡ báo chí. Giới chức yêu cầu nếu có chôn cất thì phải tiến hành ban đêm để tránh việc tang lễ trở thành những sự kiện lớn thu hút công chúng hay kích động biểu tình có thể làm phật ý Trung Quốc, làm ảnh hưởng tới quan hệ Trung–Việt. Theo một nguồn tin thì Cảnh sát biển Việt Nam có ghi chép những vụ việc như vậy trên biển nhưng không công bố. Khi được liên lạc để yêu cầu bình luận về vấn đề này thì Bộ ngoại giao và Cảnh sát biển Việt Nam đều không phản hồi.

Khi có những va chạm trên biển, chính quyền Việt Nam hầu như chọn cách phản đối chiếu lệ theo đường ngoại giao. Những hành động yếu ớt này không có tác dụng nhiều. Một khi bị các lực lượng chính quyền Trung Quốc bắt giữ, ngư dân Việt Nam không nhận được nhiều trợ giúp từ chính quyền Việt Nam, dù cho đó là chiến dịch giải cứu nghiêm túc, ngoại giao, đàm phán thả người, hay trợ giúp đáng kể về tài chính để giúp đóng tiền chuộc. Ngư dân Việt Nam cuối cùng phải chịu đựng cả hai thứ: chính quyền Trung Quốc ngược đãi họ trên biển, còn chính quyền Việt Nam bỏ rơi họ ở nhà.

Elena Bernini nhận bằng thạc sĩ (M.Phil.) chuyên ngành phát triển quốc tế năm 2017 tại Đại học Oxford. Cô là người sáng lập tổ chức Oxford Omnia, một tổ chức nhân quyền tập trung vào lĩnh vực nhân quyền của ngư dân.

Mời xem Video: Tổng cục Tình báo Công an tiết lộ có 60 Cố vấn TQ đang có mặt tại VN giúp Tổng BT Nguyễn Phú Trọng?



Nguyễn Trịnh Đôn hiện đang làm việc trong lãnh vực Khoa học Tự nhiên ở Anh và đã có nhiều năm chuyển ngữ Việt – Anh các bài viết về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có ấn phẩm của Uỷ ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ấn phẩm chuyển ngữ này, sau khi được đăng trên South China Sea Research, đã trở thành tài liệu tham khảo trong báo cáo quan trọng của Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ phân tích và so sánh cơ sở pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc đối với chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tác giả: Elena Bernini | AMTI
Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn
Đại Sự Ký BĐ
Nguồn: Chinese Kidnapping of Vietnamese Fishermen in the South China Sea: a Primary Source Analysis - Bernini | AMTI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad