Nhưng chỉ một tuần sau, ngày 22/9/2017, Bộ Ngoại giao Đức đã chính thức ra thông báo tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Một cú sốc ngoại giao chưa từng có đối với giới chóp bu Việt Nam!
Tuyệt vọng EVFTA?
Chuyến đi của ông Bernd Lange không chỉ bí mật theo đúng nghĩa đen bởi cách ông đến Việt Nam không được bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào thông báo trước, mà còn do cách xuất hiện đột ngột của quan chức này - bằng vào hình thức họp báo - ngay sau cuộc gặp của ông Lange với giới quan chức Việt Nam, trong đó có thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Một lần nữa, vài tờ báo đảng Việt Nam ồn ào “nhét chữ” vào miệng quan chức nước ngoài và Thủ tướng Phúc bằng tiêu đề “Sẽ thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018”.
Còn Thông tấn xã Việt Nam thì khiêm tốn hơn với một tựa đề mang tính nghị quyết: “Phấn đấu thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018”.
Còn Bernd Lange?
Chẳng có bất kỳ hứa hẹn nào từ quan chức này về “sẽ thông qua Hiệp định Tự do Thương mại EU - Việt Nam vào năm 2018”. Thay vào đó, ông Bernd Lange nói với các nhà báo vào ngày 15 tháng Chín tại Hà Nội: “Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU”.
Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối, rằng EVFTA có thể bị “xôi hỏng bỏng không” nếu Hà Nội không nghiêm túc cải thiện nhân quyền.
Trong thực tế, Nghị viện châu Âu có chức năng thông qua tất cả các hiệp ước hay thỏa thuận thương mại quốc tế mà EU thỏa thuận. Theo đó, EVFTA sẽ được xem xét theo hai giai đoạn gồm cấp Ủy ban Thương mại Quốc tế và cấp Nghị viện châu Âu.
Theo lộ trình, văn kiện EVFTA sẽ được Ủy ban Thương mại Quốc tế xem xét, kiểm chứng vào mùa Xuân 2018, để đảm bảo tất cả những cam kết trong hiệp định này sẽ được thực hiện đầy đủ. Nếu đạt được đồng thuận đa số tại Nghị viện châu Âu, EVFTA sẽ được thông qua trong khoảng mùa hè năm 2018.
Nhưng muốn EVFTA được thông qua, lại phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Kết quả duy nhất và có lẽ khá hài hước sau chuyến đến thăm Hà Nội của ông Bernd Lange là Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu và Chính phủ Việt Nam đã đạt được đồng thuận về việc… hai bên phải nỗ lực rất nhiều cho việc thông qua EVFTA trong 8-9 tháng tới.
Nhưng “nỗ lực” như thế nào, khi mà nước Đức - đầu tàu về chính trị và kinh tế của châu Âu - đã thật sự phẫn nộ?
Người Đức đã hành động!
Một hành động thích đáng và không hề “Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức” như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt nam.
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức cùng với nhiều nước trong EU hoàn toàn có thể không còn ngó ngàng gì đến EVFTA, thậm chí Chính phủ Đức có thể tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
“Triển vọng phát triển còn tốt lắm”?
Vậy thì làm thế nào để “triển vọng phát triển còn tốt lắm” - như lời tuyên ngôn của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sau khi TPP gần như tan vỡ, để “đất nước đi tới không gì cản nổi” - như một thể loại “tự sướng” từng ra rả vào thời chiến tranh, trong khi tình hình các FTA (hiệp định thương mại tự do) với các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi?
Dường như Nguyễn Phú Trọng đã duy ý chí đến độ vẫn quyết tâm theo đúng triết lý “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” của ông sau này để bắt EVFTA cũng phải theo đúng như thế.
Trong khi đó, hiện trạng các FTA vẫn ngổn ngang, rất tương đồng với tình cảnh Việt Nam đã ký thỏa thuận với chẵn một chục đối tác chiến lược trên thế giới mà hậu quả là trong hai vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và Bãi Tư Chính năm 2017, đã chẳng có một đối tác chiến lược nào chìa tay giúp Việt Nam để tránh thoát bàn tay lông lá đe dọa của đối tác chiến lược lớn nhất là Trung Quốc.
Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 FTA. Trong số này, có 10 FTA đã thực thi (sáu FTA trong số này với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA còn lại với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EEC). Hai FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bốn FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN - Hồng Kông, FTA với Israel và với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).
Chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là 25 tỷ USD và 20 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến hai chục tỷ USD vào năm 2016.
Còn với Trung Quốc thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam.
Sau cú đổ vỡ của Hiệp định TPP mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam choáng váng, EVFTA là niềm hy vọng cuối cùng để Việt Nam duy trì được số xuất siêu hơn hai chục tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, cũng như cứu vãn nền kinh tế Việt Nam và do đó cả chân đứng thể chế chính trị vốn đang tích tụ rất nhiều dấu hiệu của suy thoái và khủng hoảng.
Không thể ngồi chờ EVFTA từ trên trời rơi xuống, trong năm 2017 giới chóp bu Việt Nam đã phải tự than lặn lội đi các nước châu Âu để “dân vận” nhằm thúc đẩy nhanh việc thông qua EVFTA. Trùng thời gian ông Bernd Lange đến Hà Nội, một quan chức Việt Nam của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi Thụy Sĩ nhưng chỉ đạt kết quả “các quan chức Việt Nam và Thụy Sĩ đồng ý với nhau rằng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và khối bốn quốc gia châu Âu bao gồm Thụy sĩ, Na Uy, Băng Đảo, và Lichteinsten”.
Trước chuyến đi châu Âu của Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị Việt Nam cũng đã cử hai phái đoàn đi “dân vận” ở châu Âu: đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và đoàn của ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng. Tuy nhiên, cả hai đoàn này đều chỉ có được kết quả hết sức mờ nhạt. Chẳng có một hứa hẹn nào, càng không có cam kết cụ thể nào từ phía các “nước bạn”.
Lối thoát nới nhân quyền?
Nếu giới chính khách Đức vừa nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế, tất cả đều đe dọa tương lai của EVFTA. Và hẳn làm giới lãnh đạo Việt Nam mất ngủ.
Mất ngủ sinh ra tâm tư, suy tư và dằn vặt. Tựu trung phải tìm ra lối thoát “cho mình, cho đảng”, sau đó mới là “cho dân tộc, cho nhân dân”.
Lối thoát đầu tiên hiện ra vào tháng Tám năm 2017: “thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa”. Dù chưa có bất kỳ một cơ quan đảng hay chính quyền nào đứng ra “nhận trách nhiệm” về vụ bộ sách Lịch sử Việt Nam bỗng dưng quá đỗi can đảm nhìn nhận lại quá khứ và tự nguyện xóa đi hình ảnh “ngụy quân ngụy quyền” trong một ít trang giấy, nhưng mọi thứ đều rõ mồn một là bộ chính trị đảng đã có chủ trương về việc này và đang muốn “hòa hợp hòa giải” với ít nhất một mục tiêu rất thiết thân: gia tăng thu hút kiều hối của “kiều bào ta”.
Lối thoát thứ hai có vẻ manh nha từ cái cách ông Bernd Lange bất ngờ đến Hà Nội mà từ đó gợi ra một giả thiết: liệu Hà Nội có đạt được một thỏa thuận ngầm với Liên minh châu Âu để EU cử đặc phái viên đến Việt Nam nhằm hai mục đích: rà soát lại khung sườn EVFTA, và giám sát nhân quyền?
Chi tiết đáng chú ý là dù là quan chức chuyên về thương mại, nhưng ông Bernd Lange lại có một số tiếp xúc với một số tổ chức xã hội dân sự ở Hà Nội.
Cho đến nay, chưa có xác nhận nào từ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền về việc họ đã tiếp xúc với ông Bernd Lange. Cũng cần nói thêm, đang có hai khái niệm tách biệt tồn tại ở Việt Nam: một khái niệm đã tồn tại nhiều năm qua là “Xã hội dân sự độc lập”, bao gồm những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, và khai niệm thứ hai thì mới toanh - nhà nước vừa nhận vơ “xã hội dân sự”.
Cũng chưa biết ông Bernd Lange đã tiếp xúc với tổ chức xã hội dân sự dạng nào. Nhưng e rằng chính quyền đã “tạo mọi điều kiện” để vị quan chức này được tiếp cận với những tổ chức hội đoàn của nhà nước mà nay đã biến thành “xã hội dân sự”.
Dù gì sau những cuộc tiếp xúc trên và thậm chí còn được họp báo công khai, ông Bernd Lange đã nêu ra ba vấn đề lớn mà Việt Nam cần xử lý, gồm việc phê chuẩn các công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Thế giới, việc bảo vệ môi trường, và việc để xã hội dân sự cùng các nhóm phi chính phủ tham gia nhiều hơn vào hoạt động tham vấn liên quan tới EVFTA.
Thực ra, những khuyến nghị về nhân quyền đã được giới chức và các nghị sĩ Mỹ nêu ra với Việt Nam từ nhiều năm qua, mà lần gần nhất là ngay trước chuyến đi của Thủ tướng Phúc đến Washington để gặp Tổng thống Trump. Nhưng chóp bu Việt Nam đã bỏ ngoài tai. Trước và sau chuyến đi này, công an Việt Nam đã bắt bớ rất nhiều người bất đồng chính kiến. Cũng sau chuyến đi này, đã chẳng thấy bóng dáng nào của Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ mà Việt Nam quá cầu cạnh.
Còn vào lần này, đến lượt giới chức châu Âu lên tiếng, nhưng chưa bao giờ lên tiếng mạnh mẽ như lúc này về mối quan hệ thật sự ràng buộc giữa nhân quyền với EVFTA.
Nguy cơ mất EVFTA là quá rõ ràng. Giờ đây, cái phao cứu sinh cuối cùng chỉ còn là vấn đề nhân quyền, để nếu chính thể Việt Nam chấp nhận cải thiện và hơn nữa là phải có những cải thiện có thể chứng minh được, may ra Nghị viện châu Âu có thể thuyết phục nước Đức không chấm dứt hoàn toàn quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và do đó còn để hé cánh của đi tiếp cho EVFTA.
Mời xem Video: Bộ công an gấp rút hoàn tất hồ sơ khởi tố bắt Huỳnh Đức Thơ liên quan vụ tham nhũng nhà đất công?
Trong tình thế không khác gì bị triệt buộc trên, “chính phủ” của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tính toán gì? Tiếp tục bảo thủ và đàn áp nhân quyền để tiếp tục chẳng nhận được lợi ích nào từ cộng đồng quốc tế?
EVFTA không chỉ là vấn đề thiết thân của ông Trọng để bảo vệ sự tồn vong được chăng hay chớ của đảng cầm quyền, mà còn là lối thoát khả dĩ nhất cho các phe phái khác trong nội bộ đảng vào lúc con tàu sắp đắm.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét