Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo?


Sự kiện tại Sàn nhảy Fame Bar (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đêm 8/10 gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng công giáo. Ảnh: internet
Phạm Lê Vương Các - Một sự kiện giải trí ở Sàn nhảy Fame Bar (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào đêm ngày 8/10/2017 trở nên “dậy sóng” khi có tiết mục các vũ công mặc bikini được cho là biến tấu từ trang phục của các nữ tu và linh mục Công giáo, mang thánh giá nhảy nhót tưng bừng theo tiếng nhạc.

Vụ việc đã gây ra cơn phẫn nộ từ cộng đồng Công giáo, và có nhiều đề nghị yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vì đây là hành vi phỉ báng tôn giáo.

Vụ việc này tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng không lạ trên thế giới, đặc biệt ở Tây Âu – nơi thường xuyên diễn ra các vụ kiện liên quan đến hành vi phỉ báng tôn giáo. Tại đây, các thẩm phán khi xét xử các vụ việc này thường rất khó khăn đưa ra phán quyết vì ranh giới pháp lý của hành vi phỉ báng và tự do biểu đạt thường không rõ ràng, và các bản án qua nhiều cấp tòa khác nhau thường bị đảo ngược như chong chóng và gây ra nhiều tranh cãi vì một mặt cần bảo vệ cho đức tin tôn giáo của người này, mặt khác không được gây ra hạn chế đến quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt của của người khác.

Chẳng hạn như vụ sử gia Paul Giniewski bị tổ chức Công giáo AGRIF kiện ra tòa án Pháp vào năm 2005 vì tội phỉ báng Công giáo khi ông có bài viết với nhận định Giáo hoàng và những tín đồ Công giáo phải chịu trách nhiệm gián tiếp cho việc sáu triệu người Do Thái bị tàn sát. Tòa dân sự sơ thẩm tuyên Giniewski thua, nhưng sau đó ông kháng án thành công lên Tòa phúc thẩm và dành chiến thắng. AGRIF không bỏ cuộc kiện tiếp lên Tòa thượng thẩm, Tòa thượng thẩm nhận định Giniewski có hành vi phỉ báng, bác bản án của Tòa phúc thẩm, và bắt xử lại. Xử lại lần hai,Tòa phúc thẩm lại tuyên Giniewski thua. Giniewski kháng cáo lên Tòa thượng thẩm, Tòa thượng thẩm giữ quan điểm như lúc đầu, đồng ý với bản án của Tòa phúc thẩm và bác đơn kháng cáo của Giniewski.
Không chấp nhận bản án của Tòa án Pháp, Giniewski kiện ra Tòa án Nhân quyền châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Âu lại ra bản án tuyên Giniewski thắng kiện.

Sự việc bản án liên tục bị đảo ngược qua nhiều phiên tòa khác nhau cho thấy, khi xét xử tòa chú trọng luận cứ của các bên đưa ra, khi trạng thái đang 5 ăn 5 thua, luận cứ bên nào có sức thuyết phục hơn, đôi khi nhỉnh hơn một tí, thì cán cân công lý sẽ nghiên về bên đó. Lý do Tòa Nhân quyền châu Âu tuyên Giniewski thắng kiện vì Tòa công nhận Giniewski có “đóng góp cho các thảo luận của công chúng”- tức là gợi mở các vấn đề dù có thể gây ra tranh cãi nhưng nhằm mục đích cho mọi người có thể cùng nhau thảo luận, đây là điều cốt yếu trong một xã hội dân chủ là phải cho phép các cuộc tranh luận diễn ra không giới hạn.

Từ góc độ này, quay trở lại vấn đề tại Việt Nam, sự kiện ở sàn nhảy Fame Bar có thể tạo nên các cuộc tranh luận cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, để chúng ta làm rõ hơn giới hạn giữa quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo, mà cụ thể ở đây là quyền tự do biểu diễn nghệ thuật khi đứng trước lằn ranh linh thiêng của Công giáo, mà biểu diễn nghệ thuật không được phép đụng đến.

Theo nguyên tắc luật pháp, bên nào đưa ra cáo buộc thì trước tiên bên đó có nghĩa vụ đưa ra luận cứ chứng minh cho hành vi vi phạm. Theo dõi sự kiện, cho đến lúc này tôi nhận thấy bên cáo buộc cho hành vi phỉ báng tôn giáo đang thiên về cảm xúc từ sự mộ đạo của mình, và những người ủng hộ cáo buộc thì nhận định theo cảm tính nhiều hơn là đưa ra luận cứ để lập luận chứng minh rằng đã có sự xúc phạm niềm tin hay phỉ báng tôn giáo trong sự kiện này.

Để làm rõ có sự phỉ báng Đạo Công giáo trong trường hợp này hay không, bên cáo buộc cần lập luận làm rõ về các vấn đề cơ bản sau: (1) Cách ăn mặc của các vũ công trong sự kiện này có thực sự là sự biến tấu từ trang phục của các nữ tu và linh mục?; (2) Nếu có, nữ tu và linh mục cũng là con người thì việc biến tấu theo trang phục của họ có bị xem là sự phỉ báng đối Đạo Công giáo?; (3) Việc mang thánh giá biểu diễn nghệ thuật có được chấp nhận hay không và bị giới hạn như thế nào để không bị xem là sự phỉ báng Thiên chúa?; (4) Người tổ chức sự kiện này có nhằm chủ ý phỉ báng tôn giáo hay họ chỉ đang thực hiện quyền tự do biểu diễn nghệ thuật? (5) Bên cáo buộc đối chiếu vào căn cứ pháp luật nào cho hành vi này để đưa ra cáo buộc vi phạm?

Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những tranh luận mạnh dạn và cởi mở trên tinh thần dân chủ để làm rõ hơn vấn đề này, không chỉ trên cộng đồng mạng mà ở cả tòa án.

Cá nhân tôi không ủng hộ cho đề xuất yêu cầu Sở Văn Hóa-Thông Tin xử lý hành chính cho hành vi này. Bởi lẽ, ta lên án chức năng “thẩm định tư tưởng và cấp phép hoạt động nghệ thuật” của Sở Văn Hóa-Thông Tin là trái với tiêu chuẩn của quyền tự do, thì ta không nên áp dụng “tiêu chuẩn kép” yêu cầu họ tiếp tục dùng chức năng “thẩm định và cấp phép” để bảo vệ quyền tự do của ta. Lưu ý rằng, với chức năng thẩm định và cấp phép như vậy, Sở này đã góp phần tống nhiều người vô tù chỉ vì bày tỏ quan điểm bất đồng, cũng như họ đã có một bề dày thành tích về việc ngăn cấm giới nghệ sĩ tự do hoạt động và biểu diễn.

Nếu vì chịu sức ép từ cộng đồng Công giáo, Sở Văn Hóa Thông tin ra quyết định xử phạt hành chính đối với Sàn nhảy Fame Bar thì tôi đánh giá điều này cũng sẽ thiếu tính thuyết phục vì các quyết định hành chính được ban hành luôn là sự áp đặt, thể hiện ý chí của một số người cầm quyền, mà không hề có sự đánh giá phân xử mang tính chuyên môn.

Hơn hế, tôi càng không ủng hộ hình sự hóa vụ việc vì pháp luật ở các quốc gia tiên tiến đều không coi hành vi xúc phạm hay phỉ báng là tội hình sự, mà chỉ xem xét giải quyết ở góc độ dân sự, và việc xử lý hình sự hay đe dọa trả đũa trong trường hợp này là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khoan dung tôn giáo.


Mời xem Video: Hội nghị Trung ương 6 khủng hoảng vì bế tắc, cố vấn TQ vô cùng tức giận bỏ ra về?



Vì vậy, tôi ủng hộ các tổ chức Công giáo khởi kiện vụ việc này ra Tòa án dân sự nếu có luận cứ cho rằng sự kiện biểu diễn này đã xúc phạm niềm tin tôn giáo hay đã phỉ báng vào Thiên Chúa. Chỉ khi nào các bên đều có cơ hội trình bày quan điểm bảo vệ cho hành vi của mình một cách bình đẳng, thì khi đó các cơ quan xét xử có chuyên môn mới có thể đánh giá được hết bản chất của hành vi, và tạo ra một tiền lệ tốt trong việc đặt ra một ranh giới rõ ràng hơn giữa quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo.

FB Phạm Lê Vương Các

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad