Những thất bại do duy ý chí trong phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Những thất bại do duy ý chí trong phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long


Yi`nh trạng thiếu nước ở đồng băng sông cửu lọng Ảnh Internet
“Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái”, TS Nguyễn Đức Thắng, viết.

Thông tin trên TV cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi máy bay trực thăng thăm quan, khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau đó chủ trì 2 ngày làm việc tại Hội nghị Diên hồng về Phát triển bền vững vùng này trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng đã cho phép các nhà khoa học được phát biểu những ý kiến trái chiều, kể cả phê phán. Vì vậy tôi mạo muội trình bày một số suy nghĩ sau:

I. THẾ NÀO LÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?

Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc và được hầu hết các quốc gia trên Thế giới chấp nhận, là “Sự phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại NHƯNG không làm ảnh hưởng đến các điều kiện để đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Vậy các điều kiện ở đây là gì?

Đối với từng cá thể: Có phải là các tòa nhà chung cư cao tầng chen vai sát cánh, nhà lầu biệt thự, xe hơi sang trọng, hay vài tấn vàng để lại cho con cháu? Không đúng, vì tòa nhà có thời gian sử dụng khoảng 150 năm chỉ đáp ứng được cho 2 đời. Còn vài tấn vàng, cũng không đúng. Vì Mark Zuckerberg người sáng lập ra hãng Facebook và vợ nhân ngày con gái chào đời 02/12/2015, đã viết một tâm thư cho con về thế giới tương lai tốt đẹp mà Mark và vợ hy vọng sẽ xây dựng để con được lớn lên trong đó. Đó là một thế giới sẽ khuyến khích phát triển tiềm năng con người thông qua giáo dục online, bình đẳng xã hội, giảm thiểu bệnh tật, khai thác năng lượng sạch, kết nối mọi người, xây dựng cộng đồng vững mạnh. Mark và vợ đã cam kết quyên góp 99% cổ phần của Facebook (khoảng 45 tỷ USD vào năm 2015) để làm từ thiện nhằm đạt những mục tiêu trên cho thế hệ tương lai.

Đối với cộng đồng: Điều kiện ở đây chính là Môi trường và các hệ sinh thái. Các cụ nhà ta đã để lại cho ông cha chúng ta cả một môi trường và các hệ sinh thái khỏe mạnh, trong lành rất đáng để sống. Ông cha chúng ta cũng đã để lại cho chúng ta một môi trường cũng trong lành, rất đáng để sống.

Nói cách khác và để dễ hiểu hơn, Phát triển bền vững là “Sự phát triển đáp ứng những nhu cầu của thế hệ hiện tại NHƯNG không làm hại đến môi trường và các hệ sinh thái”. Bất kỳ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào mà làm ô nhiễm môi trường, gây hại cho hệ sinh thái là doanh nghiệp đó không thực hiện Phát triển bền vững. Sẽ là không đúng khi quan niệm rằng GDP của quốc gia, hay doanh thu, lãi và tài sản của doanh nghiệp cứ năm sau tăng hơn năm trước là Phát triển bền vững. Căn cứ vào định nghĩa này, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được một chủ trương, chính sách, hay tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh nào đó đang thực hiện Phát triển bền vững hay không. Hiện trạng môi trường và các hệ sinh thái ở ĐBSCL nói riêng, hay ở đất nước ta nói chung ra sao so với trước đây? Mọi người có thể tự quan sát, tự nhận xét và đánh giá được. Thực sự giản dị như vậy, không cần đến chuyên gia, đến tư vấn chuyên môn.

II. NHỮNG ĐẶC TRƯNG, ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN, QUI LUẬT CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Những đặc trưng, đặc điểm, qui luật của ĐBSCL là quá phổ cập và có quá nhiều người biết; nhưng với tôi nó vô cùng quan trọng vì là căn cứ để phân tích, phản biện những chiến lược, chính sách, giải pháp của các Bộ, ngành liên quan:

1) ĐBSCL hinh thành đã được 6.000 năm, từ sỏi, cát và phù sa sông Mê Kông bồi lắng, lấn dần ra biển Đông. Lớp “Đất” bồi lắng này có độ dày từ 100 – 1.000m. Trọng lượng các lớp sau cứ phủ, đè nặng lên lớp trước và nước cứ thế thấm xuống qua các lớp sỏi, cát và phù sa. Vì vậy, lớp trên cùng là rời rạc, lỏng lẻo nhất. Sông Mê Kong từ Căm pu chia đi vào Việt Nam có 2 nhánh gọi là sông Tiền chảy qua Tân Châu và sông Hậu chảy qua Châu Đốc. Đến Vàm Nao, sông Tiền rẽ nhánh, chia sẻ nước qua sông Vàm Nao đổ vào sông Hậu. Từ đây hai sông Tiền và Hậu có lưu lượng gần tương đương nhau, có chiều rộng sông từ 1.000 – 1.500m và độ sâu 10 – 20m và tạo nên mạng lưới kênh, mương dầy đặc điển hình, đặc trưng của ĐBSCL, hiếm có ở trên Thế giới. Dọc đáy sông Tiền và sông Hậu có khoảng 22 “hố tự nhiên”, nước chảy xoáy, có hố sâu đến 40m và dài đến 1,5km.

2) ĐBSCL khá bằng phẳng, có cao độ trung bình là 1,5m trên mực nước biển. Độ dốc từ Tây sang Đông, trừ một vài đồi núi nhỏ ở Tây Bắc, còn lại cao nhất là vùng biên giới với Cămpuchia từ 3 – 4m thấp dần ra biển Đông và từ Bắc xuống Nam thấp dần ra biển Tây.

3) Hạ lưu sông Mê Kong tại Căm pu chia có hồ chứa nước khổng lồTonle Sap có diện tích 300 nghìn héc ta vào mùa cạn, vào mùa mưa hấp thu nước và dãn nở lên đến 1,5 triệu ha mặt nước. Tại Việt Nam có vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên ở hữu ngạn sông Hậu, gồm 4 đỉnh là Châu Đốc (An Giang) – Long Xuyên (An Giang) – Rạch Giá (Kiên Giang) – Hà Tiên (Kiên Giang) có diện tích 489 nghìn ha, có thể chứa khoảng 9,8 tỷ m3 nước. Vùng trũng Đồng Tháp Mười diện tích 697 nghìn ha, trải rộng trên ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, hấp thu khoảng 10 tỷ m3 nước. Tạo hóa đã tạo nên 3 VÙNG chứa nước khổng lồ này để ĐIỀU HÒA nước “LŨ” thượng nguồn đổ về, do vậy ĐBSCL không có LŨ. Người dân thường gọi là “MÙA NƯỚC NỔI”, bắt đầu từ tháng 7/8, đỉnh cao giữa tháng 9/10 rồi giảm đi vào cuối tháng 11. Người dân vùng này không có khái niệm lũ làm chết người, đổ nhà, đổ cửa như ở miền Bắc và Trung. Đến “mùa nước kiệt” 3 đại hồ này lại từ từ “nhả” nước ra chảy về hạ lưu đẩy lui nước mặn do triều dâng, không cho xâm nhập sâu hơn vào sông.

4) Tại các vùng cửa sông, nơi giao nhau của những dòng nước mặn và nước ngọt. Từ biển, nước mặn có tỷ trọng nặng hơn nên chảy dưới, còn nước ngọt nhẹ hơn trườn lên trên, xáo trộn, cân bằng nhau. Hệ sinh thái tại những vùng giao của nước mặn và ngọt nhiều chất dinh dưỡng này là rất đa dạng, phong phú và quí hiếm và là sinh kế ổn định, bền vững của những người dân địa phương.

5) Nước ngầm: ĐBSCL trên mặt đất là biển nước mênh mông, trải qua hàng ngàn năm, nước thấm dần, rất chậm qua lớp sỏi, cát và phù sa (vật liệu lọc tự nhiên lý tưởng) xuống đất đã tạo nên một lượng lớn nước ngầm rất sạch. Trung bình cứ 1m3 sỏi, cát ta có thể “đổ” vào trong các kẽ hở giữa cát, sỏi khoảng 0,2m3 nước. Vì ở sâu trong lòng đất nên nước ngầm không có ô xy do vậy hầu như không tồn tại vi khuẩn trong nước ngầm. Nước ngầm là nguồn tài nguyên rất quí nhưng có hạn.

6) Chế độ thủy triều ở biển Đông là 2 lần trong ngày, với biên độ giao động 3,5 – 4,0m. Chế độ triều ở biển Tây là 1 lần trong ngày, với biên độ khoảng 1m.

7) Rừng ngập mặn ở những vùng đất phù sa ven biển đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng quí giá. Rừng này là một đê biển “MỀM NHƯNG VÔ CÙNG VỮNG CHẮC” nó có khả năng làm triệt tiêu tác động của những cơn sóng triều hung dữ, chính là nhờ ở sự mềm mại, nghiêng ngả của cây rừng. Ngược lại, những cơn sóng triều với một động năng lớn bị đột ngột chặn lại bởi khối bê tông cứng sẽ là một sự công phá mạnh, quanh năm ngày tháng, lâu ngày có thể làm sập đổ như đã thấy ở một số nơi. Rừng ngập mặn tự mọc, tự lớn lên và tồn tại nhiều năm trước mọi sóng biển, trong khi đê biển vĩ đại nhất, kiên cố nhất, đắt tiền nhất Thế giới của Hà Lan có tuổi thọ thoải mái cũng chỉ 150 năm.

Nguồn: tác giả gửi tới

8) Rừng ngập mặn ven biển là vô cùng quí giá, hệ sinh thái rừng luôn tự cân bằng do không có sự can thiệp thô bạo của con người, chất lượng nước ở đây là rất tốt để cho tôm cá siêu sạch. Tôm cá ở đây cũng tự sinh sôi nẩy nở không cần đến thức ăn công nghiệp, máy sục khí ô xy, không cần bơm xả nước bẩn vào môi trường và lấy nước sạch của tự nhiên vào, không cần thức ăn có trộn thuốc kháng sinh, không cần “bác sĩ” chăm sóc, như tôm cá nuôi xuất khẩu hiện nay.

9) Từ ngàn năm rồi, ông cha ta ở vùng ĐBSCL đã có câu “Dòng sông bên lở, bên bồi”, “Dòng sông hết lở lại bồi”, “Mùa nước nổi” và “Mùa nước kiệt”.

10) “Nước chảy chỗ trũng” là qui luật của muôn đời, mọi người ai cũng biết điều này. Nếu muốn nước chảy lên cao hơn thì phải trả giá, tốn kém, phải dùng sức người hoặc máy bơm. “Nước chảy chỗ trũng” cũng là qui luật tự chảy, tự thoát nước thải sinh hoạt của mọi đô thị ở khắp nơi trên Thế giới.

11) Qui luật “Chuỗi và mạng lưới thức ăn” (food chain and food web) trong tự nhiên: Đầu tiên là cây, cỏ, tảo (thực vật) có khả năng tự tạo ra năng lượng cho mình nhờ quá trình quang hợp. Loài thực vật “ăn” ánh sáng, khí CO2 và H2O tạo thành các chất hữu cơ để sinh trưởng, phát triển, như những cây cỏ rất bé đến các cây đại thụ trăm tuổi trong rừng. Thực vật trong chuỗi thức ăn còn được gọi là loài “sản xuất” (producers). Các loài không có khả năng quang hợp, phải sống nhờ vào thực vật gọi là loài “tiêu dùng” (consumers), gồm động vật ăn cỏ (herbivores), động vật ăn “thịt” (carnivores) và động vật ăn cả cỏ và thịt (omnivores). Loài thứ 3 ở trung gian giữa thực vật và động vật là loài phân hủy (decomposers), gồm các loại vi khuẩn, chúng phân hủy mọi “xác chết” động thực vật thành các chất hữu cơ bón cho cây trồng. Trong môi trường nước, cấp thấp nhất có các loài thực vật phù du (phytoplankton) và động vật phù du (zooplankton). Hai loài này có tên gọi chung là sinh vật phù du (plankton). Các loài động vật rất bé ăn các loài sinh vật phù du, loài động vật bé ăn loài rất bé; tôm cá con ăn những động vật này, tôm cá vừa ăn tôm cá bé; tôm cá lớn ăn tôm cá vừa v.v.. cứ thế, thế giới động thực vật tự sinh sôi nẩy nở cho rau thơm, quả ngọt, các loài chim, thú trong rừng và đủ loài tôm cá, cua ốc quí trong ao hồ và trở thành một “đại dương” thực phẩm mênh mông cho con người đánh bắt hưởng thụ. Có thể nói Mùa nước nổi ở ĐBSCL là thể hiện tiêu biểu về qui luật này; thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng này Mùa nước nổi.

III. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP ĐỐI CHỌI VỚI QUI LUẬT, ĐẶC ĐIỂM CỦA TỰ NHIÊN ĐỀU PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT:

1) Toàn Thế giới đã phải “điều chỉnh” hành vi, cách ứng xử của mình để Thiên nhiên bớt “giận dữ”:

Thỏa thuận lịch sử Paris 2015 của 195 nước tham gia, về Biến đổi khí hậu là một minh chứng hiện hữu nhất cho thấy cả Thế giới không thể chống trọi lại được với thiên tai. Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng làm gia tăng những thảm họa thiên tai. 200 năm vừa qua (khoảng 3 thế hệ), con người đã thực sự tàn phá thiên nhiên, nên thiên nhiên hiện đang “hất trả” lại con người rất nhiều thiên tai.

Nhiều vạn năm trước thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong không khí luôn ổn định ở mức 280ppm (0,028%). Bỗng dưng chỉ trong 200 năm vừa qua liên tục tăng, đến 410ppm (0,041%) vào tháng 7/2017, do con người đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch (than, xăng, dầu, khí ga). Ví dụ, cứ đốt 1 triệu tấn than sẽ tạo ra 1,9 triệu tấn CO2 v.v.. Nồng độ khí hiệu ứng nhà kính CO2 này tăng cao, dày và nhiều lên trong khí quyển đã ngăn chặn mọi bức xạ nhiệt hồng ngoại từ bề mặt Trái đất ngược vào vũ trụ. Vì vậy, không khí bề mặt Trái đất đã nóng dần lên, làm cho các khối, lớp băng tan chảy và kết quả mực nước biển dâng cao, kết hợp với những hiện tượng thời tiết biến đổi cực đoan hơn.

Thỏa thuận Paris 2015 có mục tiêu chính là giữ không cho nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng không quá 2oC so với năm 1880 (lý tưởng là không quá 1,5oC) thông qua cam kết của Chính phủ các nước cắt giảm phát thải khí CO2, chính là cắt giảm tiêu dùng than, xăng dầu, khí ga. Cuối cùng toàn Thế giới đã phải chấp nhận GIẢM TIÊU DÙNG CỦA BẢN THÂN, GIẢM TIỆN NGHI SINH HOẠT, sống thân thiện hơn với môi trường, để cho thiên nhiên không “tức giận”. Tuy nhiên, cho dù con người đã “vui vẻ” cắt giảm tham vọng tiêu dùng của bản thân, giả sử trong mơ, vào năm 2020 cùng một lúc 195 nước đã hoàn tất những cam kết cắt giảm phát thải CO2; lớp khí quyển trên Trái đất cần thêm gần 100 năm nữa mới giảm được nồng độ CO2 về mức 280ppm như đã có ổn định từ nhiều vạn năm trước năm 1880, để giúp cho khí hậu ở trên Trái đất trở nên “hiền hòa” hơn.

30 năm qua, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước phát triển ĐBSCL lại hoàn toàn khác với tư duy chung của Thế giới. Sự kiêu ngạo của các nhà khoa học thủy lợi cộng với tư duy quyền lực muốn chế ngự, chỉnh trị các con sông đã làm những việc trái với qui luật của tự nhiên. Kết quả là đã làm cho đất nước ta nghèo hơn đi so với các giải pháp sống phù hợp, hài hòa với thiên nhiên:
2) Dự án thoát lũ sông Mê Kong đổ ra biển Tây, công trình trọng đại cấp quốc gia:

Tạo hóa đã ban cho hạ lưu sông Mê Kông 3 đại hồ ĐIỀU HÒA chứa nước khổng lồ là Tonle Sap ở Căm pu chia, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nên chỉ có “Mùa nước kiệt” và “Mùa nước nổi” chứ không có lũ. Người dân đã ngàn năm sống no đủ, hạnh phúc giản đơn với 2 mùa nước này. Mùa nước kiệt thì đồng lúa vàng mênh mông thơm phức, vào Mùa nước nổi thì tôm, cá, cua, ốc, các loại rau, hoa về đầy đồng. Chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự phát triển theo một qui luật của tự nhiên là “chuỗi và mạng lưới thức ăn”, con người không phải chăm sóc, không phải nuôi trồng, người dân chi có nô nức đi đánh bắt, thu hoạch.

Ngày xưa, để phát triển kinh tế, tăng cường thông thương, giao lưu hàng hóa, chấn hưng miền Tây, qua đó bảo vệ biên cương đất nước, năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long ra lệnh đào kênh Vĩnh Tế (dài 36km, rộng 30 m, sâu 2,5m) song song với biên giới Cămpuchia, nối từ sông Hậu (tại Châu Đốc, An Giang) với sông Giang Thành thuộc thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Đoạn đường thủy từ Châu Đốc đến Hà Tiên dài khoảng 87km. Để cho thuyền bè đi lại được nên kênh chỉ cần có nước là đủ, dòng chảy không quan trọng.

Sau thống nhất đất nước, các nhà khoa học thủy lợi ngoài Bắc vào Nam đã gọi “mùa nước nổi” là “”. Trong mọi hội nghị, hội thảo đều gọi là lũ. Loại lũ này phải xử lý triệt để. Do vậy, năm 1990 các lãnh đạo Bộ Thủy lợi cùng với GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nhà vật lý nguyên tử hàng đầu của Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, mặc áo phao cứu hộ, đi trên cano cao tốc lướt sóng nước mênh mông vùng Tứ giác Long Xuyên, cổ vũ cho ý tưởng thoát lũ sông Mê kông ra biển Tây sôi động đất nước. Một ý chí và quyết tâm to lớn, bẻ ngoặt dòng chảy sông Hậu, tại Châu Đốc (An Giang), nghiêng cả biển nước mênh mông của Tứ giác Long Xuyên đổ vào kênh Vĩnh Tế ra biển Tây. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định phê duyệt dự án này. Hoạt động chính của dự án là khơi thông, nạo vét, đào lại kênh mương đã bị bùn cát sạt lở lấp đầy mà cách đó 170 năm vua Gia Long đã cho làm. Chiều rộng các đoạn kênh đào mới từ 20 – 30m, trung bình chiều sâu 3m. Vì qui luật của tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng”, nước không bao giờ tự chảy ngược được lên cao nếu như không có máy bơm, nên dự án này chỉ đổ được tí tẹo nước sông Hậu ra biển Tây mà thôi. Vì vùng dọc biên giới với Căm pu chia có độ cao trung bình là cao nhất của ĐBSCL. Tiền tấn, tiền tạ đã được bỏ ra. Nhiều huân chương, huy chương được trao tặng. Bao nhiêu bài báo ngợi ca. Đến nay đã được gần 30 năm, bùn, cát, đất bờ sạt lở, bồi lắng đã thu hẹp rất nhiều dòng chảy của cái dự án khoa học thủy lợi vĩ đại bậc nhất Việt Nam, mặc dù vậy, những cọc tre kè bờ và những tấm huân chương, huy chương thì vẫn còn đó.

3) Công trình thủy lợi đê bao ngăn nước ngọt của mùa nước nổi, vĩ đại nhất trong lịch sử nông nghiệp và thủy lợi Việt Nam, để cấy lúa 3 vụ trong 1 năm:

Người dân ĐBSCL đã ngàn năm chung sống thân thiện với Mùa nước nổi. Họ trông trởi, trông nước, trông mây mà gieo trồng và đánh bắt tôm cá. Họ mong ngóng Mùa nước nổi như những đứa con mong mẹ đi chợ về. Nước nổi về thường vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, đạt đỉnh vào tháng 9 – 10 và kiệt vào cuối tháng 11. Khi này bà con bắt đầu gieo trồng lúa vụ Đông – Xuân (vụ 1) và thu hoạch vào tháng 2/3. Vụ lúa Hè – Thu (vụ 2) được bắt đầu cuối tháng 4/5 và thu hoạch vào đầu tháng 8. Thu hoạch xong cũng là Mùa nước nổi bắt đầu về, ban tặng cho người dân những thứ sau:

  1. Nhiều phù sa dinh dưỡng chăm bón cho các loài động thực vật thủy sinh.
  1. Nhiều loài tôm cá, như cá linh, cá sặc, cá rô phi, rô đồng, cá lóc, tôm càng xanh, cua, ốc, lươn, chạch rất đa dạng và phong phú. Mọi chất thải của tôm cá, lắng xuống trở thành những bùn dưỡng chất cho vụ lúa năm sau bội thu.
  1. Nhiều loài cây rau, hoa khác nhau, đặc biệt là khi nước nổi thì hoa lá cũng nổi. Điển hình cây bông điên điển, bông súng, hẹ nước là những hoa rau đặc sản của ĐBSCL.
  1. Những loài động, thực vật kể trên lại là nguồn thức ăn cho tự nhiên cho chăn nuôi vịt.
  1. Với những vùng đất phèn, chua, mặn thì nước ngọt về giúp cho việc thau chua, rửa mặn, làm vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt cho vụ cấy lúa tiếp theo.
  1. Phù sa và những chất thải động thực vật trên đồng lại là những nguồn phân hữu cơ cho lúa hoặc rau màu vụ tiếp theo. Cây lúa đã được chăm bón bằng loại “phân chuồng”, hoàn toàn không phải phân hóa học như đạm, lân, kali. Như vậy, Mùa nước nổi đã tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ, thực sự là nông nghiệp sinh thái.

Người dân hầu như không phải mất công gieo trồng, thả giống, chăm sóc, cho ăn v.v… chỉ mất công thu hoạch. Họ luôn mong có một Mùa nước nổi đẹp về, bởi nước nổi càng cao, cá tôm càng nhiều, thu nhập càng tăng. Người dân hối hả quăng lưới, thả câu, đặt dớn, lú, cắt rau, cắt hoa. Do vậy, người dân ở ĐBSCL chưa bao giờ có khái niệm đói ăn. Họ luôn sống trong một môi trường mà xung quanh đầy thức ăn. Những ngành nghề phụ như đan lưới, làm đó, dớn, lú cũng phát triển theo. Ông cha ta ngày xưa đã sống mộc mạc, hạnh phúc giản đơn như vậy.

Thế rồi năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng không thể để đất đai nông nghiệp lãng phí như vậy, cần phải xây đê bao chặn lũ hoàn toàn để tiếp tục cấy lúa vụ 3, gọi là vụ Thu – Đông. Bằng cách này, diện tích trồng lúa phải tăng lên 3 vụ lúa/1 năm. Đất không được phép nghỉ, không được lãng phí. Việt Nam phải đứng đầu trong các cường quốc xuất khẩu gạo, thu về rất nhiều ngoại tệ mạnh, qua đó đời sống người dân sẽ ấm no, giầu có và hạnh phúc hơn. Cả Trung ương và địa phương vào cuộc; các nhà khoa học thủy lợi, thủy nông lên qui hoạch mạng lưới đê bao chằng chịt hàng chục ngàn lô đất ở ĐBSCL, ngăn chặn không cho “lũ” vào nội đồng để trồng lúa 3 vụ quanh năm. Tiền tấn, tiền tạ được Nhà nước đầu tư, các địa phương đua nhau tôn đê cao hơn nữa chỉ để ngăn không cho nước ngọt cùng phù sa màu mỡ tràn vào làm úng ngập lúa vụ 3 (vụ Thu – Đông). Mọi dòng nước ra – vào nội đồng đều được kiểm soát thông qua hệ thống thủy lợi tưới – tiêu rất khoa học, với hàng loạt các kênh mương nội đồng và các trạm bơm. Các cơ quan thủy lợi, thủy nông địa phương ra sức đôn đốc người dân nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương của Nhà nước. Lãnh đạo các cấp xã thi nhau chạy lên cấp huyện xin vốn. Cấp huyện lại chạy lên cấp tỉnh xin ngân sách. Cấp tỉnh lại chạy lên Trung ương. Chủ trương đã có, do vậy kế hoạch phân bổ ngân sách từ Trung ương về địa phương cũng đã có. Tuy nhiên tỉnh nào cũng muốn được nhiều hơn do vậy các tỉnh thi nhau chạy lên Trung ương xin thêm là chuyện bình thường. Ai tích cực chạy nhiều thì được thêm, bổ sung ngân sách. Tỉnh nào chậm chân thì thiệt.

KẾT QUẢ thật là “ấn tượng”, ĐBSCL đã có nền nông nghiệp với chằng chịt mạng lưới đê bao khép kín có tổng chiều dài là 57.000km, bao bọc bảo vệ 10.539 ô ruộng trồng lúa 3 vụ quanh năm (theo GS.TSKH Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam). Theo website của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam toàn ĐBSCL năm 2011 đã gieo trồng 630 ngàn ha lúa vụ 3, tăng thêm 100 ngàn ha so với năm 2010. Bình quân thu hoạch lúa vụ 3 là 5 tấn thóc/ha. Như vậy, toàn ĐBSCL trong vụ 3 năm 2011 đã thu được 3 triệu tấn thóc!!!. Báo chí khắp đất nước ca ngợi nhiều ngày tháng về những thành tích ấn tượng của hệ thống đê bao trồng lúa vụ 3. Các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, đã nhiều năm quen phấn khởi trước những KẾT QUẢ mà không cần biết đến HIỆU QUẢ như thế nào:

  • Được lúa vụ 3 thì mất tôm cua, cá, ốc và các loại rau hoa đặc sản của Mùa nước nổi là điều tất nhiên.
  • Được lúa vụ 3 thì đồng ruộng cũng mất đi những chất hữu cơ mầu mỡ của tôm cua, cá ốc, chăn nuôi vịt v.v.. để lại cho lúa vụ 1 và vụ 2. Do vậy năng suất lúa vụ 1 và vụ 2 giảm cũng là điều tất nhiên.
  • Trồng lúa 3 vụ quanh năm, không cho đất nghỉ, có nghĩa là đơn điệu một loại cây khai thác vẫn loại dinh dưỡng ấy làm cho đất đai sớm cạn kiệt, bạc màu, năng suất lúa cả 3 vụ đều phải giảm, mặc dù đã phải mua phân hóa học vô cơ (đạm, lân, kali và các nguyên tố vi lượng v.v..) để bón. Trên phạm vi cả nước, theo website Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ngày 21/10/2008: “Năm 2007 có khoảng gần 1 triệu 800 ngàn tấn phân đạm, hơn 2 triệu tấn phân lân và hơn 344.000 tấn kali clorua được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng hấp thụ. Hiện tượng CÓ QUÁ NỬA LƯỢNG PHÂN BÓN hàng năm “gieo” vào đất, mà cây trồng chưa sử dụng được, đồng nghĩa với việc có quá nửa tổng số tiền mà nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, khoảng 30.000 TỶ ĐỒNG/NĂM ĐỂ ĐẦU ĐỘC MÔI TRƯỜNG”.
  • Được lúa 3 vụ quanh năm có nghĩa là không đa dạng hóa cây trồng, sâu bệnh rễ phát triển, nên bắt buộc phải phun thuốc trừ sâu. Theo website Bộ Công Thương, năm 2009 nhập khẩu chính ngạch thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu để pha chế là 488,5 triệu USD (tăng 3,1% so với năm 2008).
  • Mới chỉ có gần 10 năm qua, nền nông nghiệp với đê bao khép kín, trồng lúa 3 vụ quanh năm, phụ thuộc nặng nề vào phân hóa học và thuốc trừ sâu, tiêu dùng rất nhiều xăng dầu để chạy máy bơm, đã hoàn toàn phủ định nền NÔNG NGHIỆP SINH THÁI HỮU CƠ nghìn năm do ông cha ta tích lũy để lại. Ngày xưa, ông cha ta không biết sản xuất ra thuốc trừ sâu và phân hóa học vô cơ. Các cụ chỉ biết sử dụng tất cả các loại chất thải của động vật và thực vật thuần khiết hữu cơ để chăm bón cho cây trồng. Trong nền nông nghiệp thân thiện môi trường này, các hệ sinh thái luôn tự động cân bằng, nếu có dấu hiệu sâu bệnh sẽ xuất hiện loại thiên địch để tiêu diệt côn trùng, sâu bệnh có hại..
  • Với 630.000 ha (6.300 triệu m2) trồng lúa vụ 3 và 57.000km đê bao ngăn “lũ” đồng nghĩa với có khoảng 6.300 triệu m3 nước “lũ” (6.300 triệu m2 x 1m nước cao) bị đẩy về miền xuôi theo qui luật “nước chảy chỗ trũng” và tìm đường ra biển nếu như không gặp triều cường. Khối lượng nước này tương ứng với trung bình chiều cao “lũ” về hàng năm là 1,5m (trung bình của 1m đến 2m). Trong 1,5m nước này thì giữ lại 0,5m nước để trồng lúa, còn lại 1m cao nước sẽ đẩy về xuôi. Dưới đây là bảng tính để thấy tác động của 6.300 triệu m3 nước bị đẩy đi, giả sử dồn toàn bộ cho thành phố Cần Thơ, sẽ làm gia tăng thêm mực ngập nước là 4,47m. Nếu số lượng nước trên dàn đều cho 5 tỉnh và thành phố là Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, sẽ làm gia tăng thêm mực ngập nước là 0,67m v.v…



Lượng hóa thành tiền những chi phí và lợi ích của hệ thống đê bao:

Tháng 5/2015, nữ chuyên gia quốc tế Tong Yen Dan đã công bố công trình nghiên cứu của mình “Phân tích những Chi phí và Lợi ích của hệ thống đê bao tôn cao ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Nghiên cứu này được Chương trình Môi trường và Kinh tế Đông Nam Á tài trợ (The Economy and Environment Program for Southeast Asia, Văn phòng đặt tại Philippines) “A Cost – Benefit Analysis of Dike Heightening in Mekong Delta” May, 2015. https://ideas.repec.org/p/eep/report/rr20160320.html)

Tác giả đã được sự hợp tác của một số nhà khoa học quốc tế có uy tín trong lĩnh vực kinh tế môi trường (environmental economics), nhận được sự trợ giúp của Trường Đại học Tổng hợp Cần Thơ và đã chọn An Giang là tỉnh điển hình của ĐBSCL để nghiên cứu trong 1 năm. Các phương pháp tính toán chi phí và lợi ích là theo chuẩn quốc tế. Dưới đây là một số thông tin chính từ công trình nghiên cứu của Tong Yen Dan: Từ năm 2001 – 2012 An Giang đã đầu tư thực hiện 7440 công trình, có 1588 kênh, đào 74,2 triệu m3 đất đắp được 1939 đê với tổng chiều dài 10.428km, có 197 cống và 1269 trạm bơm. Tổng chi phí đầu tư là 3.621 tỷ đồng tính theo thời giá năm 2012. Trong tổng này, theo qui định chung 70% là Nhà nước đầu tư, người dân bỏ ra 30%. Những tính toán chi phí và lợi ích cho giai đoạn hưởng lợi là 15 năm (từ năm 2012 đến 2026). Kết quả tổng hợp cuối cùng về chi phí – lợi ích đối với Nhà nước và người dân như sau:

  • a) Đối với Nhà nước: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 187.076 nghìn đồng/ha. Như vậy tổng thua lỗ 47.765 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta có tổng thiệt hại sẽ là 30.092 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh An Giang bị thiệt hại 7.165 tỷ đồng.
  • b) Đối với nông dân: Tổng lợi ích thu được từ lúa vụ 3 là 139.311 nghìn đồng/ha; tổng chi phí phải bỏ ra 142.692 nghìn đồng/ha. Như vậy tổng thua lỗ 3.381 nghìn đồng/ha. Khi nhân với tổng diện tích lúa vụ 3 là 630.000 ha, ta được tổng thiệt hại đối với nông dân là 2.130 tỷ đồng. Trong đó nông dân tỉnh An Giang bị thiệt hại là 507 tỷ đồng.

4) Kết luận về nguyên nhân sói/sạt lở bờ sông, bờ biển là “domino” và đầy suy diễn cảm tính:

Tại Hội nghị Diên hồng này, sói lở bờ sông, bờ biển là môt trong những chủ đề nóng, trọng tâm. Bộ NN&PTNT có hẳn một báo cáo về vấn đề này. Đây có thể là một đề tài cấp Nhà nước, nếu không, chắc chắn phải là cấp Bộ. Hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia đều qui kết nặng nề do các đập hồ thủy điện trên thượng lưu giữ lại sỏi, cát, phù sa; do khai thác cát và do mực nước biển dâng.Việc sụt giảm cát và phù sa đổ về hạ lưu là chính xác, vì chúng đã lắng đọng ở lại lòng đập hồ thủy điện rất nhiều, theo năm tháng lòng hồ sẽ lại đầy cát và phù sa. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy có một công trình khoa học nào nghiên cứu, chỉ ra mối quan hệ tin cậy giữa lượng phù sa thiếu hụt với sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thiếu hụt phù sa, là thiếu hụt các chất dinh dưỡng mầu mỡ cho cây cối, hoa màu, cho lúa và nuôi trồng thủy sản. Đó mới là cái mất lớn nhất, giá trị nhất của ĐBSCL. Thiếu hụt phù sa chả liên quan gì đến sói lở cả!

ĐBSCL được kiến tạo từ sỏi, cát, phù sa, dầy vài trăm mét như đã nói ở trên, nên các Bờ sông, Bờ ao hồ, Bờ kênh mương cũng vậy, toàn bằng những vật liệu không kết dính là cát và phù sa nên quá dễ dàng sói lở. Những Bờ này mà vững bền, kiên cố, không sói lở mới là chuyện lạ. Bờ sông dễ sói lở hơn Bờ ao, vì có dòng chảy của sông “bào mòn”. Trên những Bờ này nếu còn có cả các dãy nhà, dãy phố hay đường bê tông nhựa cho ô tô đi lại thì chuyện sói lở càng là lẽ đương nhiên, tất yếu. Tất cả những bức ảnh chụp các nơi sói lở mà báo chí đăng đều cho thấy là do nhà cửa, đường bê tông là nguyên nhân chính và trực tiếp đè nặng làm sói lở. Tại sao lại đổ cho những yếu tố xa lắc, xa lơ như khai thác cát, các đập thủy điện ở thượng nguồn và do nước biển dâng?

a) Sói/sạt lở bờ sông: Các cụ ta từ ngàn năm đã nói “dòng sông bên lở, bên bồi” hay “dòng sông hết lở lại bồi”. Ngày xưa, trên toàn lưu vực sông Mê Kông không tồn tại bất cứ 1 đập thủy điện nào, cát sỏi và phù sa đổ về đầy ắp ĐBSCL, thừa mứa sỏi cát và phù sa, thế mà bờ sông vẫn bên lở bên bồi. Các cụ nói như vậy có ý rằng sói lở là chuyện ngẫu nhiên, là chuyện của đời thường, không có gì lạ cả. Như một người ngủ vô thức, lúc trở mình bên này, lúc trở lại bên kia, rất ngẫu nhiên, vô tâm vô thức. Không một nhà khoa học thiên tài nào có thể ngồi quan sát người ngủ 1 giờ, sau đó đưa ra dự đoán chính xác những thời điểm trở mình, lật vào trong hay ra ngoài, hay lật ngửa cho 5 giờ còn lại.

Ngày xưa cho dù bờ sông có sói lở, ông cha ta cũng chỉ mất đi ít rau, củ, quả mà thôi; nếu kịp hái và thu hoạch có khi chẳng mất gì. Vì một đặc điểm cơ bản của sói lở là luôn có dấu hiệu báo trước, dễ nhìn, dễ thấy. Chưa bao giờ có chuyện sạt lở bờ sông làm chết người, ngay đến cả trâu bò, lợn, gà cũng không bị chết lấy 1 con. Chỉ có khung nhà, tường xây và mặt đường ô tô trải nhựa là không cứu được, vì không thể tháo dỡ mang đi.

Ngày nay sói lở trở nên ầm ĩ là bởi vì chúng ta cứ thích xây nhà, xây phố và làm đường ô tô ra gần sông. Dọc sông thường là những dẻo đất trống, “vô chủ” dễ lấn chiếm hoặc mua giá rẻ. Sau đó người dân dựng nhà, dựng cửa, làm đường. Nhà cửa đè nặng trên cát, nên một ngày nào đó, dấu hiệu sạt lở xuất hiện. Báo chí lao vào đăng tin làm nóng đất nước. Các nhà khoa học thủy lợi được huy động đến để nghiên cứu, giải quyết. Tiền tấn, tiền tạ của rất nhiều người dân sống xa vùng sạt lở (tiền ngân sách Nhà nước) lại phải bỏ ra để xây kè bê tông, kiên cố vững chắc. Dưới đây ảnh chụp một trang báo cáo của Bộ NN&PTNT về sói lở bờ sông.


b) Sói lở bờ biển: Như đã nói tại mục II. 7) về rừng ngập mặn, một loại “đê rừng” vững chắc, kiên cố đã trụ được sóng biển cả ngàn năm, là nơi cứ trú của rất nhiều loại tôm cá, chất lượng tuyệt hảo, nay đã bị chính tay những người dân sở tại chặt phá để nuôi tôm xuất khẩu. Có đến hơn 80% rừng ngập mặn ven biển bị chặt phá mất rồi. Xuất khẩu được 100 USD, thì có đến 90 – 95 USD bà con phải chi ra mua giống, mua thức ăn công nghiệp, chi trả lãi suất vay ngân hàng, mua máy bơm xục khí, mua máy bơm nước, mua xăng dầu, mua thuốc kháng sinh, phòng bệnh cho tôm. Nếu Trời, Phật ủng hộ thì bà con lấy công làm lãi 5 – 10 USD. Nếu rủi ro bệnh tật cho tôm thì coi như mất trắng. Đê rừng mất rồi nên sói lở bờ biển Đông là chuyện đương nhiên, chẳng liên quan gì đến các đập thủy điện chặn giữ sỏi cát ở tận Trung Quốc, Thái Lan, Lào v.v… Bờ biển Đông của ĐBSCL là vô cùng ngắn, chỉ vài trăm km so với nhiều trăm ngàn km bờ sông, bờ kênh, bờ mương chằng chịt.

Tại Hội nghị Diên hồng này, không một nhà khoa học nào của Việt Nam nói về quá trình bồi liên tục bờ biển Tây diễn ra trong 43 năm gần đây (từ năm 1968 – 2011). Duy nhất một nữ chuyên gia của World Bank là Anjali Acharya, nói rằng “Bờ Đông lở, để bồi bờ Tây” thông qua chỉ một slide sau:

Xói mòn ven biển ở ĐBSCL

Đường đỏ là bờ biển Đông và biển Tây năm 1968. Đường đen là bờ biển vào năm 2011. Chúng ta nên tin ở điều này, vì World Bank có thể tiếp cận cả kho tàng dữ liệu ảnh vệ tinh của nhiều năm. Chị Anjali Acharya đã giúp phát hiện thêm một qui luật mới là “Bờ biển Đông lở, bờ biển Tây bồi”. Mức độ bồi đắp bờ biển Tây là rất mạnh, lấn biển được rất nhiều. Mức độ lở bờ Đông là khá đồng đều và ít, tương ứng với 80% rừng ngập mặn ở vùng này đã bị chặt phá để nuôi tôm xuất khẩu.

c) Do khai thác cát? Ngày xưa, ông cha ta thường làm nhà bằng tranh, tre, nứa, lá; không dùng đến cát; cát ứ đầy ngoài sông, thế mà dòng sông vẫn bên lở bên bồi. Ngày xưa cũng không có “cát tặc, cát thổ phỉ” thế mà dòng sông vẫn bên lở bên bồi. Hai vựa cát lớn nhất và đồng thời là 2 tỉnh khai thác cát lớn nhất tại ĐBSCL là An Giang và Đồng Tháp đã không bị qui kết là nguyên nhân làm sạt lở ngay tại các bãi khai thác cát, mà gây ra sạt lở bờ sông ở tận đẩu tận đâu đó. Thật khó thuyết phục. Trung ương kết tội do khai thác cát, báo chí tung hô đậm đặc, do vậy các địa phương xiết chặt lại việc khai thác cát, có nơi cấm luôn. Cát thực sự là tài nguyên quí và hữu hạn. Hầu hết các nước có tài nguyên cát trong khu vực đã cấm xuất khẩu cát.

Đầu năm 2017 giá cát san nền 110.000 đồng/m3, cát xây trát 150.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 350.000 đồng/m3, đầu tháng 7/2017 mỗi m3 tăng lên tương ứng 280.000 đồng (tăng 255%), 350.000 đồng (tăng 233%) và 800.000 đồng (tăng 229%). Cát là duy nhất mặt hàng mà giá trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng đột biến LOẠN như vậy. Mặt hàng cát đã trở nên cháy bỏng ở ĐBSCL.

Nhu cầu cát cho xây dựng, cho san lấp mặt bằng, cho làm đường ở miền Nam đang tăng cao. Điển hình nhất là dự án giao thông trọng điểm Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2, thiếu nguồn cát trầm trọng, đến nay gần như giậm chân tại chỗ. Dự án trúng thầu 9.000 tỷ đồng nay đội giá lên 14.000 tỷ đồng chỉ vì giá cát. Nhà đầu tư phải cầu cứu 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp xin hỗ trợ cung ứng cát san lấp với nhu cầu 6 triệu m3. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cảnh báo, nếu không giải quyết được vấn đề thiếu cát và giá cát thì công trình nhà nước đầu tư nào cũng sẽ ách tắc, không chỉ năm nay mà còn nhiều năm tới. Lãnh đạo Bộ GTVT đã “cầu cứu” Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng sản lượng khai thác cát.

Đúng là một kết luận rất vu vơ, đậm suy diễn chủ quan về khai thác cát là nguyên nhân sói lở bờ sông đã có sức công phá mạnh mẽ đến như vậy.

d) Sói lở do nước biển dâng?

Trái đất nóng lên toàn cầu, băng tuyết tan chảy ở hai cực của Trái đất và những vùng núi cao băng tuyết quanh năm, do đó mực nước biển dâng lên toàn cầu sẽ là hiện hữu. Trong tương lai có thể trung bình mỗi năm dâng lên 2 – 3mm, hay 3-5mm? Tuy nhiên trong suốt 1000 năm qua và cho đến năm 2010 mực nước biển dâng giỏi lắm chỉ 2 – 3mm đối với toàn biển Đông. Theo TS. Hồ Long Phi (năm 2010) thậm chí chưa dâng tí nào. Tác giả đã tính toán trên những số liệu quan trắc đỉnh triều cường suốt mấy chục năm qua, tại trạm quan trắc thủy văn Vũng Tầu, kết quả là đỉnh triều cường không thay đổi, tức là độ tăng của bình quân đỉnh triều bằng 0cm.

Mời xem Video: Bế mạc Hội nghị TW6: Trần Quốc Vượng, Phan Đình Trạc sẽ thay Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm bị về vườn?




Sói lở do sóng triều “đánh” quanh năm ngày tháng vào bờ là điều dễ hiểu, ai cũng đồng thuận. Nhưng báo cáo của Bộ NN&PTNT lại không qui kết sói lở do sóng triều, mà qui kết cho nước biển dâng, trong khi thực sự nước biển chưa dâng tí nào. Sóng triều cùng nước biển cũng mới chỉ xâm nhập sâu vào các con sông trung bình 5 – 50km tùy nơi, chúng chưa hề chạm tới được những điểm sạt lở sông ở sâu bên trong. Thế mà nước biển dâng là nguyên nhân của sói lở. Kết luận ấy thật là vui!

Võ Tòng Xuân, đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền, người mà hầu như giới khoa học ai cũng biết vì ông có mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp ĐBSCL, với công tác giáo dục, đào tạo. Giáo sư cũng có bài tham luận tại Hội nghị Diên hồng này. Dưới đây là ảnh chụp nguyên văn 1/2 trang báo cáo của giáo sư, đoạn nói về Ngành Thủy lợi:



© TS Nguyễn Đức Thắng
Danh sách các bài đã viết:
  1. Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết.
  2. Nguyên nhân cá Hồ Tây chết.
  3. Oan cho phenol.
  4. Không nên lấy cá sống khỏe trong bể sinh học là đảm bảo nước thải an toàn, đạt chuẩn.
  5. Hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội sẽ làm cho các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt ở Thủ đô.
  6. Oan cho Asen (thạch tín) trong nước chấm.
  7. Chiến dịch “Đập phá đòi lại vỉa hè” đã thất bại khi đập nhát búa đầu tiên.
  8. Tản mạn về cuộc chiến đòi lại vỉa hè.
  9. “Dòng sông bên lở bên bồi” và “Nước chảy chỗ trũng” là hai qui luật khoa học được phát hiện không tốn 1 xu.
  10. Các giải pháp công trình thủy lợi chống ngập úng thành phố Hồ Chí Minh là bảo vệ khu vực giầu, đẩy úng ngập đến khu vực nghèo.
  11. Có một thế giới vi mô đã đưa nước ta trở thành cường quốc ung thư.
  12. Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2010 – 2020, có xét đến năm 2030 là quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi lấy kinh tế kém hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad