Lời giới thiệu: Bài viết này là bước đầu tiên trong kế hoạch nghiên cứu của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tìm hiểu khả năng ứng dụng cơ chế tư vấn (advisory opinion mechanism) của Toà Công lý quốc tế (International Court of Justice) vào giải quyết tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Bài viết được đăng dưới dạng working paper nhằm chia sẻ với công luận quan tâm những ý tưởng và những kết quả nghiên cứu ban đầu, với mong muốn khởi động cho một cuộc thảo luận học thuật về một hướng đi trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, cũng như có thể nhận được những góp ý cho bài viết.
Chức Năng Tư Vấn của Toà Án Công Lý Quốc Tế cho Tranh Chấp Biển Đông – Bài Học từ Thực Tiễn Tranh Chấp Chủ Quyền Quần Đảo Chagos
|
Từ khóa: Tư vấn, ICJ, Đại hội đồng, quần đảo Chagos, Mauritius, Anh
- Đặt vấn đề
Trong quá trình đô hộ Cộng hòa Mauritius, Chính quyền Thực dân Anh đã tiến hành chia cắt quần đảo Chagos – lãnh thổ của Mauritius. Sau khi giành được độc lập, quần đảo Chagos vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland mặc dù cư dân trên đảo là người Mauritius. Mauritius đã đấu tranh đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Chagos bằng biện pháp vận động Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết đề nghị Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tư vấn về hệ quả pháp lý của việc Chính quyền Thực dân Anh đã chia cắt quần đảo Chagos từ Mauritius.
Mặc dù vụ việc vẫn còn đang trong thời gian giải quyết và chưa có kết luận tư vấn từ Tòa ICJ, tuy nhiên, đưa tranh chấp đến giai đoạn này cũng có thể xem như một thành công rất lớn của Mauritius trong việc giải quyết tranh chấp. Giá trị của vụ việc không chỉ dừng lại ở việc kết luận tư vấn của Tòa ICJ về hệ quả pháp lý của việc Anh chia tách quần đảo Chagos từ Mauritius sẽ trở thành một án lệ điển hình cho những vụ tranh chấp chủ quyền đảo/ quần đảo mà còn là bài học kinh nghiệm về cách thức mà một quốc gia nhỏ bé đối đầu với một cường quốc và đang kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp.
Bài viết tập trung ở 03 vấn đề chính. Một là, bài viết làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn của chức năng tư vấn của Tòa ICJ. Hai là, bài viết phân tích diễn biến vụ việc tư vấn của Tòa ICJ về hệ quả pháp lý của việc Anh chia tách quần đảo Chagos từ Mauritius và cách thức mà Cộng hòa Mauritius đã thuyết phục Đại hội đồng thông qua Nghị quyết đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn. Và ba là, bài viết liên hệ đến vụ tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và khả năng Việt Nam có thể vận dụng cơ chế tư vấn này của Tòa ICJ.
- Chức năng tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế
Tòa án Công lý Quốc tế là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1945 với hai chức năng cơ bản: (1) xét xử các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia – chủ thể của luật quốc tế và (2) cho ý kiến tư vấn về những vấn đề pháp lý được yêu cầu bởi các cơ quan chính và những tổ chức chuyên biệt của Liên Hợp Quốc.
Khác với các vụ tranh chấp giữa các quốc gia (contentious cases)[1], chủ thể có khả năng đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn chỉ có thể là Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên biệt cũng chỉ khi được Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an trao quyền thì mới có thể đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn. Phạm vi xin ý kiến tư vấn của các cơ quan khác và tổ chức chuyên biệt của Liên hợp quốc cũng hẹp hơn so với Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Các cơ quan khác và tổ chức chuyên biệt đó chỉ có thể xin ý kiến về những vấn đề pháp lý thuộc phạm vi hoạt động của mình trong khi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an có quyền đề nghị Tòa ICJ tư vấn trong bất kỳ lĩnh vực pháp lý nào. Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc 1945 quy định rõ:
- Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn trong bất kỳ vấn đề pháp lý nào.
- Những tổ chức khác của Liên hợp quốc và những tổ chức chuyên biệt, bất kỳ lúc nào được Đại hội đồng trao quyền, cũng có thể xin ý kiến tư vấn của Tòa về những vấn đề pháp lý phát sinh trong phạm vi hoạt động của mình.[2]
Chức năng tư vấn của Tòa ICJ được thành lập trên cơ sở chương IV từ Điều 65 đến Điều 68 Quy chế Tòa án Công lý quốc tế 1945; Điều 9 (1), Điều 26 (1) (b, h và i) và phần IV từ các Điều 102 đến 109 Bộ Quy tắc của Tòa án Công lý quốc tế 1978; mục 1 phần XII của Hướng dẫn thực tiễn ngày 20/01/2009 được sửa đổi bổ sung ngày 21/3/2013. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chức năng tư vấn Tòa sẽ áp dụng các điều khoản áp dụng cho các vụ tranh chấp giữa các quốc gia (contentious cases) một cách thích hợp[3].
Chức năng tư vấn xuất phát từ việc bản thân mỗi quốc gia có thể giải quyết tranh chấp bằng việc tự mình xuất hiện trước Tòa ICJ; tuy nhiên, các cơ quan của Liên hợp quốc thì không giống với quốc gia và không thể là bên tranh chấp trước Tòa ICJ. Do đó, chức tư vấn của Tòa ICJ là một thủ tục đặc biệt đóng vai trò giải đáp những vấn đề pháp lý mà các cơ quan này gặp phải.[4]
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa sẽ lên danh sách những quốc gia và tổ chức quốc tế có thể cung cấp thêm thông tin cho vấn đề pháp lý mà Tòa được yêu cầu tư vấn. Như thường lệ, các tổ chức và quốc gia có quyền tham dự vào thủ tục tư vấn của vụ việc nhất định có thể đệ trình lập trường của mình bằng văn bản. [5]
Mặc dù không mang đến một hiệu lực ràng buộc như một phán quyết của Tòa trong vụ tranh chấp giữa các quốc gia nhưng ý kiến tư vấn của Tòa vẫn rất được xem trọng và trở thành một biện pháp ngoại giao và gìn giữ hòa bình cũng như là đóng góp vào sự phát triển của luật quốc tế. [6]
Tính đến thời điểm tháng 8/2017, Tòa án Công lý quốc Tế đã cho ý kiến tư vấn cho 23 vụ việc tư vấn; trong đó, đông đảo nhất là theo yêu cầu của Đại hội đồng (15 vụ việc); Hội đồng bảo an (01 vụ việc); Hội đồng Kinh tế và Xã hội (02 vụ việc); Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (01 vụ việc); Tổ chức Sức khỏe thế giới (02 vụ việc); Quỹ quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (01 vụ viêc); Tổ chức hàng hải quốc tế (01 vụ việc)[7].
Từ thực tiễn vụ tư vấn về hệ quả pháp lý của việc chia cắt quần đảo Chagos từ Mauritius cho thấy rằng, mặc dù thẩm quyền tư vấn được thiết lập với mục đích dành cho các cơ quan của Liên hợp quốc nhưng các quốc gia vẫn có thể nhìn nhận cơ chế này như là một hướng đi mới cho việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là trong các vụ việc mà các bên khó đạt được sự đồng thuận (consent).
- Vụ tư vấn về hệ quả pháp lý của việc Chính quyền Thực dân Anh chia cắt quần đảo Chagos từ Mauritius
Cộng hòa Mauritius trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1968 từ sự cai trị của Anh. Giai đoạn cai trị của Chính quyền Thực dân Anh đối với Mauritius là từ năm 1810 đến năm 1968.[8] Quần đảo Chagos, nằm ở Ấn Độ Dương, đã là một phần lãnh thổ của Mauritius từ thế kỷ XVIII trong thời gian là thuộc địa của Pháp và đã được nhượng lại cho Anh. Quần đảo Chagos luôn gắn liền với Mauritius mãi cho đến năm 1965 – Chính quyền Thực dân Anh đã tách quần đảo Chagos ra khỏi lãnh thổ của Mauritius và tuyên bố quần đảo này là một bộ phận của vùng lãnh thổ mới trên Ấn Độ Dương của Anh. Trước đó, theo thỏa thuận của Anh và Mauritius, Anh sẽ trả lại quần đảo này cho Mauritius khi không cần sử dụng cho mục đích quốc phòng nữa. Tuy nhiên từ năm 1967 đến năm 1973, Anh đã trục xuất toàn bộ 2000 dân trên quần đảo Chagos và thành lập một căn cứ hải quân trên hòn đảo lớn nhất và cho Mỹ thuê căn cứ này.[9]
Xung quanh vấn đề quần đảo Chagos, Mauritius đã đơn phương khởi kiện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào năm ngày 20/12/2010 về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển mà Anh đã thành lập trên quần đảo Chagos bằng cơ chế Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Bằng phán quyết ngày 18/3/2015, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 kết luận rằng hành vi thành lập khu bảo tồn biển của Anh là không hợp pháp.[10] Bản chất của vụ kiện này không phải liên quan đến vấn đề chủ quyền mà là giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển – UNCLOS 1982. Vì vậy, tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Chagos vẫn chưa được giải quyết.
Chương trình dự kiến của phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng lần thứ 71 ngày 15/7/2016 có ghi nhận về vấn đề số 88: Thỉnh cầu ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về hệ quả của việc chia tách quần đảo Chagos từ Mauritius năm 1965.[11] Sau đó một năm, vấn đề của quần đảo Chagos mang số thứ tự 87 đã được Đại hội đồng đem ra thảo luận. Với 94 phiếu thuận, 65 phiếu trắng và 15 phiếu chống[12], Đại hội đồng đã thông qua Nghị quyết ngày 22/6/2017 xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về những vấn đề pháp lý sau đây:
(a) Liệu rằng quá trình giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân của Cộng hòa Mauritius đã hoàn toàn hợp pháp khi giành được độc lập năm 1968; khi mà sau đó, sự chia tách quần đảo Chagos từ Mauritius và có liên quan đến luật pháp quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ được phản ánh trong các nghị quyết của Đại hội đồng 1514 (XV) Tháng 12 năm 1960, 2066 (XX) ngày 16 tháng 12 năm 1965, 2232 (XXI) ngày 20 tháng 12 năm 1966 và 2357 (XXII) ngày 19 tháng 12 năm 1967? ;
(b) Những hệ quả theo luật quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ được phản ánh trong các nghị quyết nói trên, nảy sinh từ sự quản lý tiếp theo của Vương quốc Anh và Bắc Ireland của quần đảo Chagos, bao gồm cả về sự bất lực của Mauritius để thực hiện một chương trình tái định cư cho các công dân trên quần đảo Chagos, đặc biệt là những người có nguồn gốc trên quần đảo Chagos?[13].
Như vậy, Đại hội đồng không đặt thẳng vấn đề là chủ quyền của quần đảo Chagos thuộc về Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland hay thuộc về Cộng hòa Mauritius mà lại đặt vấn đề hệ quả pháp lý của việc Anh đã chia cắt quần đảo Chagos từ Mauritius. Mặc dù không đề cập trực tiếp đến vấn đề chủ quyền, nhưng vấn đề hệ quả pháp lý của việc một quốc gia thực dân chia cắt lãnh thổ của quốc gia thuộc địa là mấu chốt quan trọng nhất, là cơ sở rõ ràng nhất để xác định chủ quyền đối với quần đảo Chagos.
- Liên hệ với trường hợp của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Chagos giữa Cộng hòa Mauritius có nhiều điểm tương đồng với tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc. Thứ nhất, đối tượng tranh chấp là một vùng đảo. Thứ hai, đây là tranh chấp giữa một nước nhỏ với một cường quốc thế giới – ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Thứ ba, quốc gia cường quốc đang kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp.
Mặc dù cũng là biện pháp pháp lý quốc tế có sự tham gia của cơ quan tài phán nhưng quốc gia không thể tự mình khởi động thủ tục tư vấn của Tòa ICJ mà phải thông qua Đại hội đồng hoặc Hội đồng Bảo an. Để có thể vận dụng chức năng tư vấn của Tòa ICJ, Việt Nam phải vận động Đại hội đồng hoặc Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn. Do vậy, việc Trung Quốc – một bên tranh chấp – là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược của Việt Nam trong việc lựa chọn một trong hai cơ quan có khả năng ra nghị quyết đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn.
Nhìn từ kinh nghiệm của Cộng hòa Mauritius, Mauritius nhìn nhận được rằng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là một 15 ủy viên của Hội đồng Bảo an và giữ vai trò ủy viên thường trực. Mặc dù, theo quy định tại Điều 27 (3) Hiến chương Liên hợp quốc, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland không được quyền bỏ phiếu cho vụ việc có sự tham gia của mình. Tuy nhiên, khả năng Anh tạo áp lực đối với 04 nước ủy viên thường trực còn lại để thực hiện quyền phủ quyết (veto) là rất lớn. Do vậy, sẽ vô cùng bất lợi nếu Cộng hòa Mauritius nhờ Hội đồng Bảo an đề nghị Tòa ICJ cho ý kiến tư vấn. Thực tiễn cũng cho thấy, Hội đồng Bảo an chỉ mới thông qua 01 nghị quyết xin ý kiến tư vấn so với 15 nghị quyết của Đại Hội đồng. Vì lẽ đó, Cộng hòa Mauritius đã có chiến thuật rất khôn ngoan là chọn cơ chế thông qua nghị quyết của Đại hội đồng.
Trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Việt Nam Cộng hòa đã từng có kế hoạch đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an. Mục tiêu của Việt Nam Cộng hòa trong thời điểm đó không phải nhắm đến chức năng tư vấn của Tòa ICJ mà là nghị quyết nhằm trừng phạt hành động dùng sức mạnh quân sự xâm lược lãnh thổ do Việt Nam Cộng hòa đang quản lý trên thực tế. Tuy nhiên, sau khi khảo sát mức độ ủng hộ thì Việt Nam Cộng hòa đã không triển khai kế hoạch đó[14].
Trong tình hình “đóng băng” tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay, đặc biệt là trong tranh chấp Hoàng Sa và từ thực tiễn của Cộng hòa Mauritius, Việt Nam cần hết sức cân nhắc đến khả năng vận động Đại hội đồng thông qua Nghị quyết xin ý kiến tư vấn của Tòa ICJ. Việc Việt Nam có vận dụng thành công hay không cơ chế tư vấn của Tòa ICJ phụ thuộc vào hai yếu tố: (1) vấn đề pháp lý mà Việt Nam chọn nhờ Tòa ICJ tư vấn và (2) để sự vận động ngoại giao các quốc gia thành viên của Đại hội đồng ủng hộ cho lập trường của Việt Nam.
Mời xem Video: Chuyện bây giờ mới kể: Chủ tịch Trần Đại Quang đã lớn tiếng với Tổng bí thư tại HNTW6 thế nào?
Nếu lựa chọn cơ chế tư vấn, Việt Nam không thể đặt vấn đề trực tiếp rằng chủ quyền đối với các nhóm đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc. Việt Nam chỉ có thể đặt ra một số vấn đề pháp lý trong vụ việc của mình. Đặt câu hỏi gì hợp lý,có hệ quả hữu ích cho tranh chấp chủ quyền, và có thể thuyết phục được các quốc gia chấp thuận, sẽ được đề cập trong nghiên cứu tiếp theo.
Phải thừa nhận rằng, Cộng hòa Mauritius rất quyết liệt trong việc đấu tranh đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Chagos và có những bước đi rất sắc sảo. Năm 2010, đơn phương khởi kiện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland lên Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII về vấn đề Anh thành lập khu bảo tồn môi trường biển xung quanh quần đảo Chagos; song song đó, Mauritius luôn thể hiện rõ lập trường trong các kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Và bên cạnh đó, không thể không xét đến yếu tố “may mắn” trong quan hệ quốc tế. Năm 2017, Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland vừa rời khỏi Liên minh châu Âu, do vậy, vị thế chính trị cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là đối với các nước châu Âu.
Về tác giả: Nguyễn Hoàng Sa là nghiên cứu viên về tranh chấp Biển Đông ở khía cạnh luật quốc tế, và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Phạm Thanh Vân, người đã gợi mở vấn đề nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể cho bài viết này, và một số nhà nghiên cứu trong lãnh vực luật quốc tế đã có những góp ý cho tôi về những vấn đề cần xem xét sâu hơn trong nghiên cứu tiếp theo.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Sa
Đại Sự Ký Biển Đông
[1] Trong các vụ tranh chấp giữa các quốc gia (contentious cases), chủ thể đệ trình vụ việc lên Tòa ICJ chính là các quốc gia trong tranh chấp hoặc các quốc gia có quyền, lợi ích liên quan.
[2] Article 96, Charter of the United Nations:
“1. The General Assembly or the Security Council may request the International Court of Justice to give an advisory opinion on any legal question.
Other organs of the United Nations and specialized agencies, which may at any time be so authorized by the General Assembly, may also request advisory opinions of the Court on legal questions arising within the scope of their activities.”
[3] Article 68 Statute of the United Nations: “In the exercise of its advisory functions the Court shall further be guided by the provisions of the present Statute which apply in contentious cases to the extent to which it recognizes them to be applicable.”
[4] International Court of Justice (2017), “Advisory opinions”, the official website of International Court of Justice, available at: [http://www.icj-cij.org/en/advisory-jurisdiction] (6/8/2017).
[5] Ibid.
[6] Ibid.
[7] International Court of Justice (2017), “Organs and agencies authorized to request advisory opinions”, the official website of International Court of Justice, available at: [http://www.icj-cij.org/en/organs-agencies-authorized] (06/8/2017).
[8] The official website of the Government of Republic of Mauritius, available at: [http://www.govmu.org/English/Pages/default.aspx] (6/8/2017)
[9] Thùy Dương (2014), “Các cuộc chiến pháp lý quốc tế về biển đảo – Kỳ 3”, Báo Dân trí dẫn lại từ Báo Tin tức: [http://dantri.com.vn/the-gioi/cac-cuoc-chien-phap-ly-quoc-te-ve-bien-dao-ky-3-1402551264.htm] (truy cập ngày 06/8/2017).
[10] Xem thêm Phán quyết của Tòa Trọng thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 về vụ khu bảo tồn biển trên quần đảo Chagos do Cộng hòa Mauritius khởi xướng chống lại Vương quốc Liên hiệp Anh, [http://www.pcacases.com/pcadocs/MU-UK%2020150318%20Award.pdf], (truy cập ngày 06/8/2017).
[11] United Nation (as of 15 July 2016), Agenda, [http://www.un.org/en/ga/71/presskit/agenda.shtml] (truy cập ngày 06/8/2017).
[12] Somini Sengupta (2017), “U.N. Asks International Court to Weigh In on Britain-Mauritius Dispute”, The New York Times, [https://www.nytimes.com/2017/06/22/world/europe/uk-mauritius-chagos-islands.html] (13/8/2017).
[13] “(a) Was the process of decolonization of Mauritius lawfully completed when Mauritius was granted independence in 1968, following the separation of the Chagos Archipelago from Mauritius and having regard to international law, including obligations reflected in General Assembly resolutions 1514 (XV) of 14 December 1960, 2066 (XX) of 16 December 1965, 2232 (XXI) of 20 December 1966 and 2357 (XXII) of 19 December 1967?;
(b) What are the consequences under international law, including obligations reflected in the above-mentioned resolutions, arising from the continued administration by the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland of the Chagos Archipelago, including with respect to the inability of Mauritius to implement a programme for the resettlement on the Chagos Archipelago of its nationals, in particular those of Chagossian origin?.”
General Assembly (2017), Resolution adopted by the General Assembly on 22 June 2017 A/RES/71/292, the official website of the United Nations: [http://www.un.org/en/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/RES/71/292] (22/8/2017).
[14] Sơn Duân (2014), “Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa – Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ”, Báo Thanh Niên, [http://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-chien-hoang-sa/ho-so-ngoai-giao-my-ve-hai-chien-hoang-sa-ky-2-hoang-sa-o-hoi-dong-bao-an-lhq-5955.html] (01/10/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét