Ba tỷ phú Thái gốc Hoa nắm trong tay nhiều thương hiệu “đình đám” tại Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Ba tỷ phú Thái gốc Hoa nắm trong tay nhiều thương hiệu “đình đám” tại Việt Nam


Đều có điểm chung là xuất thân từ những gia đình gốc Hoa, cả ba vị tỷ phú này không chỉ thành công thị trường quê nhà mà còn tiếp tục tham vọng mở rộng ở thị trường Việt Nam.

Nếu Real Madrid có bộ ba tấn công trứ danh B-B-C (Bale, Benzema, Cristiano Ronaldo) hay Barcelona có M-S-N (Messi-Suarez-Neymar) khuấy đảo bóng đá châu Âu thì Thái Lan cũng có bộ ba C-S-C đang không ngừng bành trướng tại thị trường Việt Nam. Đó chính là ba gia đình giàu nhất Thái Lan Sirivadhanabhakdi (TCC Holdings), Chearavanont (C.P Group) và Chirathivat (Central Group).

Charoen Sirivadhanabhakdi

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi sinh năm 1944, là con thứ 6 trong một gia đình bán rong gốc Hoa có 11 anh chị em di cư đến Bangkok từ Quảng Đông, Trung Quốc.

Ông Charoen là người thành lập và Chủ tịch Tập đoàn TCC Holdings. TCC Holdings đóng vai trò là cổ đông chính trong nhiều công ty thuộc kiểm soát của tỷ phú Charoen như Berli Jucker (BJC), TCC Land, ThaiBev, Fraser&Neave (F&N)…

Theo tạp chí Forbes, tỷ phú 73 tuổi này hiện sở hữu khối tài sản lên 19,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, dấu ấn của vị tỷ phú này khá rõ ràng khi ông nắm trong tay một gia sản khổng lồ cùng các thương hiệu bán lẻ, đồ uống “đình đám”.

Ngày 18/12 vừa qua, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức đánh bật hết các đối thủ ngoại tiềm năng để nắm quyền chi phối Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Công ty ThaiBev của ông vừa gián tiếp mua lại 53,59% cổ phần Sabeco với gần 110.000 tỷ đồng

Trước đó, tại Việt Nam, những doanh nghiệp của ông đã từng bước đặt chân vào thị trường. Dấu ấn đầu tiên đến từ thương vụ TCC Holdings thâu tóm chuỗi siêu thị Metro (trị giá 655 triệu Euro) và Tập đoàn Phú Thái.

Bên cạnh đó, BJC – một đơn vị khác thuộc TCC Holdings cũng đầu tư vào một loạt công ty chuyên sản xuất lon nhôm và chai thủy tinh phục vụ cho ngành đồ uống như BJC Glass Vietnam, Malaya Vietnam Glass, TBC-Ball Vietnam…

Năm 2013, BJC đã mua lại Family Mart Việt Nam sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái và đổi tên thành chuỗi bán lẻ B’mart, với 94 cửa hàng trên cả nước.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn đánh dấu sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng việc thành lập ra Thai Corp ở miền Nam và bỏ ra 32 triệu USD ra mua lại 65% cổ phần tại Thái An ở miền Bắc, cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực phân phối.

Ở mảng bất động sản, TTC Holding thông qua 2 công ty con là TCC Land và Fraser Centrepoint đang sở hữu dự án khách sạn Melia Hà Nội và cao ốc văn phòng Mê Linh Point.

Năm 2013, sau khi thôn tính tập đoàn F&N Dairy Investments Pte Ltd của Singapore, TCC Holding đã gián tiếp sở hữu cổ phần Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã: VNM) – công ty sữa lớn nhất Việt Nam và liên tục gia tăng sở hữu lên gần 20% cho đến nay.

Tháng 9/2016, bia Chang của ThaiBev đã chính thức có mặt tại Việt Nam và được bán ở chuỗi siêu thị MM Mega Market thuộc Berli Jucker Plc (BJC). Công ty Phú Thái và Thai Corp đóng vai trò phân phối bia Chang.

Dhani Chearavanont

Sinh năm 1938, ông Dhani Chearavanont hiện đang sở hữu khối tài sản 15,3 tỷ USD tính đến này 22/12 theo cập nhật của Tạp chí Forbes.

Ông Dhanin sinh tại Thái Lan năm 1938 tại tỉnh Quảng Đông. Cha ông là Ek Chor đã di cư tới Thái Lan cùng với một người anh em trong gia đình là Siew Whooy, và lập nên công ty C.P Group năm 1921. Khi đó “đế chế” C.P Group hùng mạnh ngày nay chỉ là một cửa hàng bán hạt giống.

Tỷ phú Dhani Chearavanont

Dhanin Chearavanont, Chủ tịch kiêm CEO C.P Group đã tạo nên “đế chế” đa ngành và đa quốc gia, từ nông nghiệp, viễn thông, tiếp thị, phân phối, xuất nhập khẩu, hóa dầu, bất động sản, bảo hiểm, ô tô, và thức ăn chăn nuôi.

Tại Việt Nam, CP Group bắt đầu có mặt từ năm 1990 với văn phòng đại diện tại TP. HCM, và nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Bình Dương

C.P hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Hơn 20 năm, C.P. Việt Nam không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm thức ăn chăn nuôi, trang trại, thực phẩm. Năm 2014, C.P Việt Nam đạt doanh thu 2,07 tỷ USD, trong đó riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt 867 triệu USD.

Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, một mô hình cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, cung cấp mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí. Tháng 6 năm nay, 7-Eleven chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP. HCM.

Trong thương vụ mua lại Metro, theo thông tin trên báo chí quốc tế, vị tỷ phú này cũng đã ngỏ ý mua lại chuỗi bán sỉ tại Việt Nam với giá 500 triệu USD, song đã bị từ chối.

Gia đình Chirathivat

Cũng giống như hai vị tỷ phú trên, Chirathivat là gia đình người Thái Lan gốc Trung Quốc. Năm 1927, ông Tiang Chirathivat đã di cư từ đảo Hải Nam đến định cư ở Bangkok, sau đó lập nên Tập đoàn Central Group. Hiện tập đoàn này được điều hành bởi cháu trai của ông Tiang – Tos Chirathivat.

Ông Tos Chirathivat

Gia đình Chirathivat sở hữu nhiều công ty trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, khách sạn và nhà hàng. Trong đó, nổi bật là Central Pattana, công ty sở hữu chuỗi trung tâm mua sắm lớn ở Thái Lan, Central Plaza.

Central Group Việt Nam được thành lập từ tháng 7/2011 sau khi ông Chirativat đưa ra nhận định: “Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ”.

Đến nay tập đoàn này có mặt tại 6 lĩnh vực ở Việt Nam, bao gồm siêu thị, điện máy, quản lý khách sạn, cửa hàng thời gian, xuất khẩu và bán buôn.

Năm 2016, Central Group chính thức mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD. Tập đoàn này còn tấn công vào lĩnh vực điện máy khi mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim đầu năm 2015. Sau khi góp vốn cùng Nguyễn Kim, hai bên cùng mua lại trang thương mại điện tử Zalora Việt Nam. Ngoài ra, Central còn sở hữu chuỗi siêu thị Lan Chi Mart.

Lĩnh vực thời trang của Central Group Việt Nam hiện sở hữu gần 60 trung tâm mua sắm và cửa hàng. 4 trung tâm mua sắm lớn của Tập đoàn là Robin và Mark & Spencer tại Hà Nội, TP. HCM.

Ngoài hệ thống rộng lớn trong lĩnh vực bán lẻ, hiện Central Group Việt Nam còn có Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara với Khu nghỉ dưỡng cao cấp Centara Sandy Beach Resort Đà Nẵng có 118 phòng. Ngoài ra, Central Group có kế hoạch xây dựng một khác sạn ở TP. HCM với 200-500 phòng.

Năm 2016, Central Group chính thức mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD

Giữa năm 2016, mạng internet lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng về hoạt động của Central Group, được cho là do một vị luật sư của hãng luật ở TP. HCM tung ra. Theo đó, ông chủ mới của Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế và Dịch vụ Đại siêu thị Big C Hải Phòng (tức hệ thống siêu thị Big C Việt Nam) thực chất là 3 công ty Trung Quốc với tỷ lệ góp vốn là 99,99% + 0,01% + 0,01%%.

Nhưng đại diện theo pháp luật của Công ty này lại là một người Thái Lan, không có tỷ lệ góp vốn, hay nói cách khác, là một Tổng Giám đốc người Thái Lan được Trung Quốc thuê. Tập đoàn Central Group vẫn lấy danh nghĩa đây là doanh nghiệp từ Thái Lan.

Lên tiếng trước thông tin này, Central Group Việt Nam khẳng định Central Group là tập đoàn 100% sở hữu của gia đình Thái Lan. Và những nội dung đã được chỉnh sửa (photoshop) trên các trang mạng xã hội là bịa đặt.

Tháng 8/2017, tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời lãnh đạo tập đoàn này đưa tin, Central Group dự kiến chi 17 tỷ baht (511,7 triệu USD, tương đương 11.600 tỷ đồng) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Central Group tính giải ngân 7 tỷ baht để mở thêm 20 siêu thị Big C và chuỗi bán buôn Lan Chi Mart, cùng với 20 cửa hàng Nguyễn Kim. Số tiền 7-8 tỷ baht còn lại sẽ được chi trong giai đoạn 2019-2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad