Ngày xửa ngày xưa đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng Cộng sản Việt Nam là những đồng chí trung kiên trong cuộc cách mạng vô sản. Ông Mao Trạch Đông đã vun đắp cho mối quan hệ ấy qua việc giúp đỡ ông Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh phản đế, chống lại người Pháp và người Mỹ. Ông Mao cung cấp cho ông Hồ cả khí tài quân sự lẫn cố vấn về ý thức hệ cộng sản, về kỷ luật đảng.
Chủ nghĩa tư bản đã biến đổi hai quốc gia này theo cách mà các nhà cách mạng của cả hai nước không ngờ tới! Nhưng cả hai đảng đã sống sót qua các vụ chống đối, đang điều hành các chế độ chuyên chế kiểu Lenin trong lúc vẫn chứng kiến kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Họ là hai trường hợp thành công nhất, vượt rất xa các nhà nước cộng sản còn lại, dễ dàng che lấp nước Cuba tiêu điều, nước Lào bé nhỏ và Bắc Hàn hiếu chiến.
Không chỉ trong việc đi theo thị trường tự do Việt Nam mới bắt chước Trung Quốc. Dưới thời ông Tập Cận Bình, đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập trung hóa quyền lực và trấn áp những người bất đồng chính kiến. Các nhà quan sát tự hỏi, liệu đảng Cộng sản ở Việt Nam có sẽ theo sát Trung Quốc hay không. Một đường lối cứng rắn hơn đã được đưa ra trong đại hội đảng, năm năm một lần, đầu năm 2016. Ông thủ tướng hăng hái Nguyễn Tấn Dũng được kỳ vọng sẽ tiếp quản chức tổng bí thư từ ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật thuần túy của đảng; nhưng thay vì vậy, ông Trọng và các đồng minh của ông đã buộc ông Dũng phải về hưu còn ông Trọng vẫn giữ nguyên chức vụ.
Từ đó đến nay đảng trở nên cứng rắn hơn trong việc thực thi quyền lực và kỷ luật. Khắp nước, đảng ra tay trấn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động xã hội. Và dưới cái bóng của ông Tập, ông Trọng đã theo đuổi một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt chưa từng thấy. Các lãnh đạo có quan hệ tốt ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng bị ngã ngựa. Hồi tháng 9, một cựu chủ tịch của tập đoàn dầu khí quốc gia, PetroVietnam, bị tuyên án tử hình vì biển thủ tiền bạc ở một ngân hàng nhiều tai tiếng. Một cựu lãnh đạo khác của PetroVietnam bị những kẻ côn đồ đưa đi khỏi Berlin để bị truy tố ở Hà Nội, bất chấp sự giận dữ của Đức. Vài người nói rằng, bản thân ông Dũng cũng sẽ bị truy tố.
Giống như ông Tập, ông Trọng tin tưởng một cách hợp lý rằng tham nhũng đe dọa sự sinh tồn của đảng. Vấn đề tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc và cần phải làm gì đó. Việc thực thi kỷ luật đảng cũng tạo ra hy vọng tốt cho công cuộc tiến hành cải cách một hệ thống mà trong đó quyền lực bị phân tán và trung tâm thường bị phớt lờ. Cũng như ở Trung Quốc, ranh giới giữa đấu tranh chống tham nhũng và triệt hạ kẻ thù chính trị thường rất mờ nhạt. Nhưng sự kiện ông Trọng bất ngờ đuổi con cái của các cựu quan chức chóp bu của đảng khỏi những vị trí béo bở có thể được coi như một cách thúc đẩy đa nguyên và sử dụng nhân tài ở một quốc gia mà thói gia đình trị đã thâm căn cố đế, theo lời ông Bill Hayton của Chatham House, một trung tâm nghiên cứu của Anh quốc.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điểm tương đồng, thời kỳ quan hệ nồng ấm giữa hai đảng đã trôi qua từ lâu. Ông Tập đến thăm Việt Nam hồi tháng 11 và ca ngợi tình hữu nghị anh em bằng ngôn từ gượng gạo. Những lời ca ngợi của ông Tập là rỗng tuếch và giả dối với người Việt Nam đang giận dữ vì Trung Quốc ngày càng mở rộng yêu sách chủ quyền ở vùng biển mà Việt Nam gọi là Biển Đông chứ không gọi là biển Nam Hải. Năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm bùng nổ những cuộc biểu tình bạo lực chống Trung Quốc.
Hai đảng bất đồng với nhau lần đầu tiên vào năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn ác được Trung Quốc hậu thuẫn ở Cambodia. (Việt Nam đã đánh bại Trung Quốc). Nhưng nỗi nghi ngờ và cảnh giác giữa hai bên đã có từ nhiều thế kỷ trước. Việt Nam luôn sẵn sàng chống lại và căm ghét cái ý tưởng rằng dù thế nào Việt Nam cũng là chư hầu của một đế quốc quá cao ngạo ở phương Bắc. Tình huynh đệ của đảng không thể hồi sinh dễ dàng trong kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc dễ bùng phát này.
Hơn thế nữa, một số nhà phân tích cho rằng, cho dù ông Trọng có bắt chước hệt ông Tập, thì về mặt triết học hai đảng đang dần rời xa nhau. Từ năm 1989 và cuộc thảm sát những người biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc không còn bàn tới cải cách chính trị nữa. Đảng và nhà nước Trung Quốc thực chất chỉ là một.
Trái lại, từ khoảng đầu thế kỷ này, đảng Cộng sản Việt Nam khuyến khích đa nguyên nhiều hơn. Đã có những sự phân biệt rõ ràng giữa đảng và nhà nước. Những vị trí hàng đầu, chẳng hạn như tổng bí thư đảng, chủ tịch nhà nước, thủ tướng và các ủy viên bộ chính trị được chọn lựa thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh, dù rằng chỉ cạnh tranh trong hàng ngũ cấp cao của đảng. Năm 2010, đại hội đảng bộ địa phương ở Đà Nẵng tổ chức bầu cử trực tiếp ban lãnh đạo thành phố, lần đầu tiên có chuyện như vậy. Một mức độ bất đồng chính kiến rộng rãi hơn được chấp nhận. Một số người Việt Nam, kể cả quan chức và tướng lãnh về hưu, lập luận rằng, cuối cùng thì Việt Nam nên là nền dân chủ đa đảng. Ở xứ Trung Quốc của ông Tập, những phát ngôn như vậy là không thể có.
Ông Trọng vẫn chỉ là người thứ nhất của một tập thể những người có quyền hạn ngang nhau trong cơ chế lãnh đạo tập thể. Ông ta đứng đầu đảng nhưng không đứng đầu nhà nước. Giới hạn số nhiệm kỳ sẽ buộc ông ta phải lui về vào năm 2021 – và có lẽ ông ta sẽ nghỉ sớm hơn. Ông Tập, ngược lại, là chủ tịch nhà nước, cũng là tổng bí thư đảng. Ông ta đã làm rõ tại đại hội đảng năm năm một lần hồi tháng 10/2017 rằng ông ta là ông chủ duy nhất, không thể thách thức của đất nước Trung Quốc. Ông ta cũng có thể đảo ngược quy tắc thông thường và giành thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2022, sau một thập niên cầm quyền.
Tình trạng chia rẽ giữa hai đảng có thể ngày càng rộng. Bất chấp tình trạng giá lạnh hiện nay, ở Việt Nam vẫn có tự do thảo luận hơn ở Trung Quốc. Những cuộc tranh luận trong đảng cũng sinh động hơn. Bên ngoài đảng, các nhà bất đồng chính kiến và các nhóm tôn giáo vẫn đòi được làm một phần của sân khấu công cộng, và áp lực của nước ngoài lên chính quyền không quá mạnh để có thể có hiệu quả – giờ đây nước Đức đang thăm dò. Công dân được tự do nhiều hơn trong việc tiếp cận mạng internet. Ông Lê Hồng Hiệp của Viện Yusof Ishak thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng, dưới thời ông Trọng, sự phê phán vẫn được bao dung, thậm chí có thể hữu ích – chừng nào nó không bị coi là một thách thức cho chế độ. Ở Trung Quốc, trái lại, internet bị cảnh sát kiểm soát chặt và không tiếng nói công cộng nào được phép cất lên để phê phán đảng, nói gì đến các nhà bất đồng chính kiến.
Và rồi đến chủ nghĩa dân tộc dễ bùng phát. Không một lãnh tụ Việt Nam nào, cho dù có thiện cảm với đảng Cộng sản Trung Quốc như ông Trọng, có thể liều lĩnh coi thường tình cảm dân tộc và dốc toàn lực vào cải thiện quan hệ. Tình cảm chống Trung Quốc đang dâng cao. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi một vụ lăng nhục mới, có lẽ có liên quan tới đòi hỏi của Trung Quốc ngoài Biển Đông, làm căng thẳng thêm nữa những mối quan hệ anh em cũ kỹ đó.
Người dịch: Huỳnh Hoa
Viet-Studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét