Thủ phạm của đại họa BOT Cai Lậy là bộ trưởng giao thông CSVN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Thủ phạm của đại họa BOT Cai Lậy là bộ trưởng giao thông CSVN


Bộ Trưởng Giao Thông CSVN Nguyễn Văn Thể. (Hình: TinTM)

TIỀN GIANG, Việt Nam – Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải CSVN, ông Nguyễn Văn Thể, là đầu mối “gợi ý” cho tỉnh Tiền Giang đồng ý đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, thay vì trên đường tránh, đang gây đại họa cho chế độ vì bị người dân chống đối kịch liệt.

Ngay sau khi ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị dừng thu phí tại BOT Cai Lậy, một số báo tại Việt Nam thấy có chỗ dựa, nhảy vào viết một só bài phân tích, đề nghị cách giải quyết cái cục xương gà BOT Cai Lậy đang mắc ngang cổ họng của các ông bà “lợi ích nhóm.”

Người ta không rõ đây là sáng kiến của các tờ báo lề phải hay có một chỉ thị “ở trên” bật đèn xanh cho cả dàn báo chí chính thống khua chiêng gõ trống cho một lối thoát an toàn theo kiểu ông thủ tướng “chính phủ kiến tạo” đã biết nghe theo ý kiến quần chúng.

Báo Tuổi Trẻ cùng một ngày 4 Tháng Mười Hai, 2017, có bài “Tuổi Trẻ đề xuất dời BOT Cai Lậy vào đường tránh!” thì còn có bài viết quy trách nhiệm cho bộ trưởng Giao Thông Vận Tải “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!”

Tờ Thanh Niên thì có bài “Phải di dời trạm BOT Cai Lậy” trong khi tờ Pháp Luật thành Hồ viết kiểu hô khẩu hiệu “BOT Cai Lậy: Phải dời ngay!”

Còn tờ VietNamNet có bài với tựa đề “Trạm thu phí BOT Cai Lậy: Dũng cảm nhận sai để sửa sai.”

Đáng để ý nhất, bài viết “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai!” của tờ Tuổi Trẻ trưng dẫn một số tài liệu, văn bản do ông Bộ Trưởng GTVT Nguyễn Văn Thế khi còn là thứ trưởng Bộ GTVT, từ “gợi ý” cho nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang chấp nhận đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, rồi sau đó ký quyết định hợp thức hóa vấn đề.

“Năm 2013, ông Nguyễn Văn Thể – khi đó là thứ trưởng Bộ GT-VT – đã gửi văn bản ‘gợi ý’ đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Ông cũng là người ký quyết định phê duyệt dự án này. Các tài liệu, hồ sơ dự án cho thấy tỉnh Tiền Giang làm theo trong tình thế đã rồi,” báo Tuổi Trẻ viết.

Đồ họa của báo Tuổi Trẻ đoạn BOT Cai Lậy. (Hình: Ðồ họa của Tuổi Trẻ)

Tờ Tuổi Trẻ viết tiếp rằng: “Theo tài liệu chúng tôi có được, vào ngày 28 Tháng Mười, 2013, ông Nguyễn Văn Thể – thứ trưởng Bộ GT-VT – ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang về việc ‘thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT.’ Tại văn bản này, Bộ GT-VT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh ‘có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1.’ Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.”

Ngay sau đó “ngày 4 Tháng Mười Một, 2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GT-VT. Hai ngày sau, đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất. Đến ngày 19 Tháng Mười Hai, 2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.”

Dự án BOT Cai Lậy có trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1A, không phải tuyến tránh, là một dự án “chỉ định thầu” giống như tất cả hơn 80 dự án BOT khác trên cả nước.

Cho phép “chỉ định thầu” là một cách để các quan chức Bộ GTVT chọn một nhà thầu là “sân sau” của ai đó, hoặc người nhà của ai đó, thông thường được gọi là “lợi ích nhóm” với những số tiền “lại quả” phải “xứng đáng” với giá trị của dự án.

Riêng dự án BOT Cai Lậy, tìm hiểu thử xem chủ đầu tư dự án này 2 ngàn tỉ đồng là ai thì có thể hình dung ra được phần nào vấn đề.

Theo bản tin VTC ngày 4 Tháng Mười Hai, 2017, “ông chủ” thực sự của BOT Cai Lậy (Tiền Giang) không phải là người sở hữu lượng cổ phần lớn nhất mà có thể là một doanh nhân trẻ sinh năm 1992,” tức là mới 25 tuổi. “Đơn vị sở hữu tới 65% dự án BOT Cai Lậy là công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Với tỷ lệ góp vốn lên tới 65%, Bắc Ái được coi là ‘ông chủ’ của trạm thu phí BOT Cai Lậy.”

VTC cho hay: “Ngày 10 Tháng Ba, 2017, công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái đã tiến hành thay đổi chức danh quan trọng nhất của lãnh đạo công ty. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến An đã thay ông Lê Tiến Thắng làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Bắc Ái. Ông Nguyễn Tiến An là một doanh nhân trẻ, sinh ngày 5 Tháng Giêng 1992. Ông An có hộ khẩu thường trú tại Khu 3, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sau khi thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Tiến An chính thức là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bắc Ái tính đến thời điểm hiện tại.”

Nguyễn Tiến An mới 25 tuổi, lại ở tỉnh Vĩnh Phúc, chủ một dự án đầu tư ở tuốt miền Nam, có thật là chủ thật sự hay chỉ là cái bình phong cho ai đó, nhóm lợi ích nào đó? Số tiền hàng trăm tỉ đồng làm sao đương sự có được ở cái tuổi đó?

Mấy ngày trước, người ta thấy ông thủ tướng ra lệnh không để “lợi ích nhóm” chi phối các dự án BOT vẫn được coi là “chủ trương đứng đắn” của nhà nước, nếu có một cuộc điều tra công khai minh bạch và đến nơi đến chốn, sẽ thấy tất cả đều là “đại án” như ý kiến của Luật Sư Trần Quốc Thuận nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn của đài BBC. (TN)

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad