Ông Đinh La Thăng tại tòa án sáng 8 Tháng Giêng. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Sáng 8 Tháng Giêng, giờ Việt Nam, phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh diễn ra ở Tòa án thành phố Hà Nội.
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, cựu bí thư thành ủy Sài Gòn, cựu bộ trưởng Giao thông vận tải. Theo cáo trạng, ông Thăng bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và có thể đối diện mức án đến 20 năm tù giam.
Tội của ông Thăng thấy liệt kê trên báo chí nhà nước qua các thời kỳ khá dài và “đa dạng”. Tuy nhiên, chỉ thấy hai điểm mấu chốt trong cáo trạng kể tội ông đã đưa ra các quyết định trái luật, trái lệnh dẫn đến “mất trắng” 800 tỉ đồng của PVN khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương. Đồng thời, làm thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng tại dự án nhiệt điện Thái Bình II (PVC công ty con của PVN làm chủ đầu tư).
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu quốc hội, trước đó từng ngồi ở nhiều ghế của Bộ Công Thương, bị truy tố cả hai tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” khi ông còn cầm đầu Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC.
Ông Đinh La Thăng đối diện với bản án từ 10 năm đến 20 năm tù trong khi ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình.
Trước ngày phiên tòa khai mạc, mẹ ruột ông Trịnh Xuân Thanh đến nộp 2 tỷ đồng (gần $88,000) tại Cục Thi Hành Án Dân Sự thành phố Hà Nội nhằm “khắc phục hậu quả,” theo báo Tiền Phong.
Tờ báo cho biết thêm: “Ngày 4 Tháng Giêng, mẹ ông Thanh vào trại tạm giam thăm ông Thanh, tại đây ông Thanh nói với mẹ mình là với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp ở cương vị chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) lúc đó, ông Thanh đã đồng ý và đề nghị gia đình tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC.”
‘Khắc phục hậu quả,” thực chất là trả lại tiền mà Trịnh Xuân Thanh đã tham ô trước đó, vốn nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền 2 tỷ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị áp giải đến tòa án. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Theo truyền thông Việt Nam, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 21 Tháng Giêng 2018 và ‘Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa phiên tòa.’
Ngoài hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, còn có 20 bị cáo khác hầu tòa, trong đó đa số là các cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
‘Tòa còn triệu tập 7 người có quyền và nghĩa vụ liên quan (là những người nộp tiền khắc phục hậu quả cho các bị cáo) và 31 người làm chứng.’
Một trong các luật sư tham gia biện hộ cho ông Thăng trong phiên xử là Luật Sư Phan Trung Hoài, người đang giữ chức phó chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Tuy vậy, ông Hoài khiến công luận hoang mang khi ông cũng đồng thời nhận bào chữa cho ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Xây Dựng-VNCB, tổng giám đốc Tập Đoàn Thiên Thanh) trong phiên tòa xử ‘đại án VNCB giai đoạn hai’ diễn ra cùng ngày tại Sài Gòn.
Báo điện tử VietnamNet cho hay: “Trao đổi nhanh qua điện thoại khi đang làm việc với ông Đinh La Thăng trong trại giam, Luật Sư Hoài khẳng định, ông vẫn tham gia bào chữa song song cho cả hai bị cáo ở hai vụ án khác nhau, dù khoảng cách tới gần 2,000 km.” Tờ báo còn dẫn lời ông Hoài: “Tôi vẫn tham gia bào chữa song song, điều này không ảnh hưởng gì cả.”
Hồi trung tuần Tháng Mười Hai năm 2017, ông Hoài được các báo Việt Nam dẫn lời “kiến nghị nhập hai vụ án của ông Đinh La Thăng làm một” và rằng việc ông Thăng bị điều tra cùng hành vi cố ý làm trái khi đang là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVN nhưng lại tách thành hai vụ án “là gây bất lợi cho ông Thăng.” Tuy vậy, kiến nghị của ông Hoài không được đáp ứng.
Báo Đất Việt hôm 7 Tháng Một trích lời Luật Sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong các luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng nói “khó khăn lớn nhất trong vụ án này đó là các luật sư phải tập trung nghiên cứu lượng tài liệu quá nhiều trong một khoảng thời gian quá ngắn” và rằng “không có vấn đề gì phải lo ngại về tư tưởng, thái độ, phong cách cũng như sức khỏe của ông Thăng.”
Luật Sư Phan Trung Hoài là phó chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. (Hình: báo Tuổi Trẻ) |
Báo này cũng cho biết: “Với khối lượng hồ sơ lên tới 10,000 bút lục, thời gian đưa vụ án ra xét xử lại ngắn nên Hội Đồng Xét Xử, chủ yếu là hai thẩm phán phải tập trung cao độ nghiên cứu hồ sơ để có thể điều hành phiên tòa một cách tốt nhất, xét xử vụ án khách quan, toàn diện và công tâm nhất để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.”
Hồi tháng trước, khi tin Luật Sư Phan Trung Hoài được cấp phép bào chữa cho ông Thăng, nhà báo tự do Nguyễn An Dân, tức facebooker Minh Hữu Quang viết trên trang cá nhân: “Tin về việc luật sư lão làng kinh nghiệm (không chỉ về luật mà còn về chính trị) Phan Trung Hoài đã vào cuộc sớm và được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng có lẽ là một tín hiệu tốt cho ông Thăng. Lại nhớ một quan chức khác ở tầm tương đương năm xưa là thứ trưởng thường trực Bộ Công An Bùi Quốc Huy cũng chỉ nhận án 5 năm tù giam trong đại án Năm Cam, sau đó ở hơn 2 năm thì mãn tù. Tội của ông Huy khi đó là “tội tranh giành ghế bộ trưởng”.
Cho luật sư tham gia ngay từ khi bị bắt có lẽ là một thông điệp. Chứ án kiểu ông Thăng thì tôi cho là có hay không có luật sư thì cũng không khác biệt nhiều lắm.” (T.K.)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét