Nguyễn Phú Trọng ‘chống tham nhũng’ theo từng đợt hay liên tục? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Nguyễn Phú Trọng ‘chống tham nhũng’ theo từng đợt hay liên tục?


Nhiều người ở Việt Nam dự đoán có thể sau vụ xử Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh và sau Tết Nguyên Đán 2018, vòng vây sẽ khép kín cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả gia đình ông ta. (Hình: Getty Images)

‘Đột quỵ’ hoặc bị… ‘ám sát’?

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiến hành chống tham nhũng theo từng đợt hay sẽ liên tục? Một dấu hỏi đang khiến nhiều quan chức bậc trung cấp hay cao cấp đau đầu, quá dễ tăng huyết áp và trụy tim mạch, theo một thăm dò bỏ túi của tác giả bài viết này.

Một cựu quan chức mô tả về tâm thế của những quan chức trên theo một cách rất tâm thần học: co rúm lại bởi những cơn ám ảnh xuất hiện ngay trong cả trong giấc ngủ.

Dĩ nhiên loại quan chức nhiều tiền lắm của luôn lo sợ chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng lặp lại những gì của Tập Cận Bình mà sẽ đốt ráo trọi của thứ củi, và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ hoặc bị… ám sát.

Nhưng cả hai khả năng xấu tệ trên đều chưa có hơi hướng nào sẽ xảy ra. Cho đến giờ và khi cuộc chiến “chống tham nhũng” của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” (một cách ví von không thể tưởng tượng nổi của vài nhân văn cận thần đặc tả về Tổng Bí Thư Trọng) đang lao vào khu rừng đầy yêu tinh ma quái, không ít cán bộ đang ngạc nhiên bởi vẻ hồng hào vẫn lồ lộ trên gương mặt của ông ta, cho dù ai cũng biết giới lãnh đạo cao cấp, nhất là những người đã “thất thập cổ lai hy” rất thường dùng thủ pháp hóa trang để “trẻ mãi không già.”

Những quan chức nhúng chàm nhưng không muốn gột rửa cũng chẳng mấy hy vọng việc Tổng Bí Thư Trọng bị một sát thủ vô hình bắn hạ như cảnh vẫn diễn ra trong phim Mỹ. Sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái vào Tháng Tám, 2016, nghe nói quân số bảo vệ các ủy viên bộ chính trị và đặc biệt cho tổng bí thư đã tăng gấp đôi gấp ba nên quá khó để ông Trọng bị thế này thế nọ, thậm chí cả bị đe dọa cũng chưa thấy.

Vậy là ít ra trên mặt báo đảng, ông Trọng vẫn khỏe như vâm và đang thể hiện một cơn “say máu” chưa từng có trong cuộc đời 6 năm làm tổng bí thư của ông, không chỉ về “chống tham nhũng” mà còn giương cao ngọn cờ tập quyền như những gì mà Tập Cận Bình đã dâng cao vời vợi ở Trung Quốc. Cả hai yếu tố này, khi gộp lại, mới chính là thảm họa đối với những kẻ còn chưa kịp “ra đi tìm đường cứu nước.”

Từng đợt hay liên tục phát triển?

Nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng được tiến hành theo từng đợt và có thời gian xả hơi giữa hai đợt, giới quan chức tham nhũng vẫn còn hy vọng sẽ lợi dụng khoảng giải lao quý báu ấy để hoặc kịp tẩu tán tài sản phi pháp, hoặc bạo gan tổ chức phá rối hay phản công lại tổng bí thư của mình, hoặc nếu không cải thiện được tình thế và cũng chẳng lật đổ được tổng bí thư thì tận dụng thời gian để “ra đi tìm đường cứu nước” – như những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…

Vào quý 3 năm 2017, giới quan chức tham nhũng đã từng kỳ vọng rằng vụ ông Trọng xử Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng là điểm kết thúc để phần cuối năm 2017 sẽ êm ả mà không xảy thêm vụ nào khác. Rồi đến khi nổ ra vụ bắt Đinh La Thăng, họ lại hy vọng rằng đó sẽ là vụ cuối cùng của năm 2017…

Nhưng sau ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2017 với sự kiện bắt Đinh La Thăng mà đã phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị bắt giam và truy tố,” đến lượt hàng loạt quan chức của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và quan chức ngân hàng bị bắt, rồi cả một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, tiếp đến những “thái tử đảng” cũng bị “lên thớt”: Nguyễn Phước Hoài Bảo – con trai cựu bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong – cậu ấm của cựu bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.

Sát Tết Nguyên Đán 2018, cả Nguyễn Ngọc Sự – cựu quan chức Vinashin tưởng đâu đã “hạ cánh an toàn” – cũng bị “nhập kho.” Cái “lò” vẫn rừng rực vào những ngày cận tết.

Đến giờ thì đã gần như rõ ràng: ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017 là thời điểm có thể được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng giai đoạn 2” của ông Trọng, để chiến dịch này nhiều khả năng sẽ “phát triển liên tục” chứ không có khoảng “giải lao,” và giai đoạn cuối năm 2017 chính là một cơn sóng lừng báo hiệu cho cả năm 2018 cuồng nộ bão tố trên biển cả chính trường Việt Nam.

Có thể hình dung ngay rằng trong không bao lâu nữa, có thể sau vụ xử Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh và sau Tết Nguyên Đán 2018, vòng vây sẽ khép kín cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cả gia đình ông ta.

Được phóng tác như Tập Cận Bình?

Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam” trước đây, không chỉ mở màn cho chiến dịch “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng Bí Thư Trọng, không chỉ khiến một số văn nghệ sĩ một lần nữa ca tụng ông Trọng ngút trời như “Sỹ phu Bắc Hà,” “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo,” “Minh quân,” không chỉ đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “nắm” được Bộ Công An, mà dường như còn khiến lộ ra lòng ham muốn Nguyễn Phú Trọng được phóng tác như một nét gì đó của Tập Cận Bình.

Đó chính là mối nguy lớn nhất đối với vô số nhóm lợi ích ở Việt Nam. Đã từ lâu ở đất nước bị tàn phá bởi nạn tham nhũng và nguồn cơn “một đảng lãnh đạo toàn diện” này, giới quan chức tham nhũng đã thấm nhuần triết lý “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.” Nhưng vào năm 2017, ngay cả một số cây viết thuộc phe lợi ích cũng phải công khai thừa nhận một triết lý mới toanh: “Trọng không cần tiền mà cần tiếng.”

Nếu có thể gọi triết lý mới mẻ trên là “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng,” điều đó có vẻ chẳng khác mấy tâm thế của Tập Cận Bình: người ta nói sở dĩ Tập giành thắng lợi quá vượt trội trong cuộc chiến chống tham nhũng và đồng thời độc tôn quyền lực là bởi không chỉ bản lĩnh thông minh, hiểm hóc và sắt đá, mà còn do ông ta không “nhúng chàm” hoặc nếu có thì cũng không để lại tì vết.

Còn với con người bảo thủ Nguyễn Phú Trọng, cho tới nay tất cả những gì thuộc phạm trù lợi ích riêng tư mà phe lợi ích vận dụng để soi mói và công kích ông ta vẫn chỉ là vụ “Ciputra,” nhưng lại không thấy trưng ra bất cứ tài liệu nào về những căn hộ cao cấp này. Ngoài ra chưa thấy gì mới hơn.

Còn có một dẫn chứng nữa liên quan đến chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng Bí Thư Trọng: Ông Trọng hình như chẳng có gì phải “lăn tăn” vì ông ta không bị dư luận về chuyện con cái mình “hót hay nhảy giỏi.” Bởi thế ông Trọng chẳng ngần ngại “chém” những mái đầu trẻ trâu nhưng lại thích làm người lớn.

Năm 2018 rất có thể là năm sẽ diễn ra nhiều vụ khởi tố, bắt bớ và xét xử chóng vánh đối với các cựu lãnh đạo của nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tức sẽ xảy ra nhiều đại án cỡ Vinashin và Vinalines trước đây.

Cưỡi lưng cọp hoặc sẽ bị cọp vồ

Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng “tôi bất ngờ…” sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến “từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ” – một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng “được mời dự” và như thể chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của chính phủ vào Tháng Mười Hai, 2017, mới thấy thái độ tự tin của Tổng Bí Thư Trọng đã dâng cao đến thế nào.

Nhưng người ta có thể tự hỏi khi nào thì thái độ tự tin của ông Trọng sẽ sa sút hoặc biến mất, bởi cuộc chiến của ông Trọng đã thực sự chuyển sang một thời kỳ mới – hoặc cưỡi trên lưng cọp hoặc sẽ bị cọp vồ.

Cứ cho là ông Trọng sẽ loại được mục tiêu then chốt là cựu đối thủ Nguyễn Tấn Dũng, thì vẫn còn giai tầng lãnh chúa mới ở các địa phương và những nhóm lợi ích “xuyên quốc gia” từ trung ương xuống địa phương mà sẽ trở thành một thách thức mới, một bức tường cao ngất có nguy cơ chắn ngang con đường chống tham nhũng, tập quyền và giữ đảng của Tổng Bí Thư Trọng. Dù không hề muốn hậu quả ấy xảy ra, ông Trọng đang và sẽ phải đối mặt với hàng chục ngàn quan chức lớn nhỏ dính sâu tham nhũng. Và đến một thời điểm nào đó, nếu một bộ phận quan chức tham nhũng tự “nâng lên một tầm cao mới’ bằng một hình thức cấu kết cộng sinh lẫn nhau, ổ ung thư này sẽ thực sự bùng phát như một cuộc nội chiến trong lòng xã hội Việt Nam.


Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad