Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2017, ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ vị trí Tổng bí thư và đường lối của ông được đưa vào Điều lệ đảng. Điều đó cho thấy, ông Tập đã được đặt lên vị trí ngang hàng với ông Mao Trạch Đông - người sáng lập ra nhà nước Cộng sản Trung Quốc.
Nay, ông Tập lại bước thêm một bậc mới trên con đường khẳng định quyền lực tối cao tại quốc gia đông dân nhất hành tinh qua việc Quốc hội nước này thông qua sửa đổi Hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước.
Theo ông Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết, ông Tập đã đưa ra chiến lược xây dựng đất nước "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc", xây dựng xã hội "tiểu khang" khá giả; nâng cao vị thế Trung Quốc lên thành siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ. Điều này đã kích thích tinh thần dân tộc, chủ nghĩa Đại Hán trong xã hội Trung Quốc, khiến cho "giấc mơ Trung Hoa" càng thêm phần cuốn hút người dân. Việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ đã khẳng định đường lối của ông Tập được chấp nhận.
Bao nhiêu năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất là nhanh, dự trữ ngoại tệ của chính phủ rất là lớn, nhưng đời sống của người dân Trung Quốc có được cải thiện đâu.
-GS. Nguyễn Khắc Mai
Còn nhà văn Nguyễn Nguyên Bình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho rằng, ông Tập đã bước đầu thiết lập một chế độ "siêu phong kiến", hơn cả các vị hoàng đế ngày xưa.
"Tôi thấy ông Tập Cận Bình làm thế này thì chỉ tăng thêm cái tính độc tài, toàn trị của cái Đảng (cộng sản) Trung Quốc thôi, chứ chẳng có ý nghĩa gì mới mẻ."
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, sự phát triển của Trung Quốc về kinh tế, sức mạnh quân sự và quan hệ đối ngoại như hiện nay, theo đường lối của ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều quốc gia cảm thấy bất an, đặc biệt tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á, và Ấn Độ Dương.
Bà Nguyên Bình nói rõ hơn về sự bất an mà ông Mai nhắc tới và nhấn mạnh rằng, đường lối và tư tưởng của ông Tập không khác các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc trước đó như bành trướng bá quyền, tư tưởng Đại Hán, xô-vanh nước lớn, ... có thể biện pháp thực hiện và đạt kết quả khác nhau.
"Thế còn đối với nhân dân Trung Quốc, tôi thấy không có cái gì sáng sủa cả. Bởi vì bao nhiêu năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất là nhanh, dự trữ ngoại tệ của chính phủ rất là lớn, nhưng đời sống của người dân Trung Quốc có được cải thiện đâu. Vì là vẫn nằm trong (chế độ) độc tài, độc đảng, thì những khuyết điểm của độc tài, độc đảng nó vẫn tồn tại. Vừa rồi ông ấy có đánh rất nhiều quan tham nhũng, nhưng tham nhũng do độc tài, độc đảng mà ra. Mà đánh tham nhũng chỉ để củng cố quyền lực cho ông ấy thôi, chứ có lợi gì cho kinh tế Trung Quốc đâu."
Việt Nam và mô hình chính trị Trung Quốc
Nhiền người quan sát chính trị Việt Nam cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia mang danh cộng sản, cùng đi theo Chủ nghĩa xã hội, có nhiều điểm tương đồng về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước và vận hành quản lý xã hội. Đó là chưa kể tới giai đoạn từ sau 1949 đến trước năm 1975, và sau năm 1991 đến nay, nhiều lớp thanh niên được cử sang Trung Quốc học tập và huấn luyện, trao đổi nghiệp vụ, để về làm việc trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, mô hình chính trị tại Việt Nam là mô hình chính trị sao chép của Liên Xô cũ và Trung Quốc. Ngày nay, bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đã thay đổi, người dân cũng thay đổi trong nhận thức chính trị. Do đó, theo ông Mai, việc tiếp tục duy trì mô hình chính trị như hiện nay sẽ gây ra sự trì trệ, kém phát triển, và Việt Nam cần đi theo con đường khác.
"Bàn cờ của Việt Nam phải thay đổi, sửa lại, thực hiện một thể chế không phải là một nhà nước kiểu Xô Viết, nhà nước kiểu định hướng XHCN, mà là một nhà nước văn minh, hiện đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21. Ngay ông Karl Marx đã nói, chế độ dân chủ là câu trả lời tử tế, đúng đắn nhất của mọi mô hình nhà nước."
Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, muốn đánh những người đối lập không có gì khó cả, cứ vin vào họ tham nhũng.
-NV. Nguyên Bình
" Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, muốn đánh những người đối lập không có gì khó cả, cứ vin vào họ tham nhũng. 100% quan chức trong giới chính trị chóp bu đều mắc tội tham nhũng, thì đánh ai người đó phải chịu thôi. Những người đó cũng không thể liên kết chống lại người có tham vọng quyền lực lớn như các ông tổng bí thư."
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhất thể hóa hai chức danh tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước, còn tại Việt Nam, điều này mới chỉ dừng ở bàn thảo. Đây là điểm khác biệt căn bản về hệ thống chính trị của Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có thể sẽ khiến việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước tại Việt Nam khó sao chép hơn.
Nhưng bà Nguyên Bình thì nghĩ ngược lại, bởi trong thể chế độc đảng, toàn trị, không có gì là khó khăn và đều có thể làm được.
"Ví dụ như ở Việt Nam, chủ tịch Quốc hội cũng là Ủy viên Bộ chính trị, mà theo như ông (Nguyễn Phú) Trọng nói, Hiến pháp còn thấp hơn cương lĩnh đảng. Vậy ví dụ Trung ương hay Bộ Chính trị người ta họp đưa ra quyết định gì đấy, thì Quốc hội chỉ có thông qua thôi."
Trên thế giới hiện nay, đa số các nước dân chủ đều quy định giới hạn nhiệm kỳ của nguyên thủ quốc gia. Theo ông Nguyễn Khắc Mai, điều này thúc đẩy sự thay đổi trong các chính sách, đường lối phát triển quốc gia sao cho phù hợp hơn, giúp quốc gia không bị trì trệ, kịp thời sửa những lỗi sai lầm. Còn kéo dài, hay bỏ giới hạn nhiệm kỳ là tạo điều kiện cho sự thâu tóm quyền lực thêm nữa.
Anh Minh
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét