Động thái trên được đưa ra sau một ngày Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) thông báo về giải pháp bất ngờ hủy hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG, khiến công luận phản ứng mạnh.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Mobifone, tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Việt Nam, đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; việc lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt; trong ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và trong việc thanh toán chi phí dự án.
Thực trạng tài chính AVG “rất khó khăn”
Thương vụ mua AVG của MobiFone bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của AVG vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán.
Mãi đến tháng 11/2016, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra toàn diện thương vụ, MobiFone mới công bố đã chi 8.898,3 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) cho thương vụ “chuyển nhượng” cổ phần. Dư luận cho rằng mức giá chuyển nhượng trên đã bị đội lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của thương vụ.
Kết luận của thanh tra cũng xác nhận tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của AVG trong giai đoạn này là “rất khó khăn”, từ khi thành lập cho đến thời điểm được định giá là “liên tục lỗ”. Số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng, bằng 45% vốn điều lệ. Công ty này còn mang số nợ 1.266,826 tỷ đồng.
Vốn sử dụng cho việc kinh doanh dịch vụ truyền hình của AVG chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng, trong khi vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp lại chiếm tỷ trọng lớn, tới 73,3% vốn điều lệ, tương đương với 2.473,2 tỷ đồng, trong đó có các dự án bất động sản, khai thác quặng bô-xít trong khi chưa được cấp phép khai thác…
Vẫn theo kết luận của thanh tra chính phủ, báo cáo đề xuất đầu tư mua 95% cổ phần AVG của Mobifone là “không trung thực”, không những không nêu lên tình trạng tài chính xấu của AVG mà còn “đánh giá khả quan” về tình hình tài chính, kinh doanh của công ty này.
Kết luận thanh tra nói vi phạm của Mobifone đã gây “nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước” khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có khoản thiệt hại do mua lại nợ của AVG là 1.134 tỷ đồng.
Bộ TTTT “thiếu trách nhiệm”
Ngoài ra, thanh tra chính phủ cũng kết luận Bộ TTTT đã “thiếu trách nhiệm” khi sử dụng mức định giá mà AVG báo cáo lên mà không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực của báo cáo này. Theo đó, Bộ TTTT đã nhận xét mức giá 8.898,3 tỷ đồng là “thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài.
Kết luận thanh tra cho biết Bộ TTTT đã quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng phê duyệt.
Một chi tiết đáng chú ý khác là Bộ TTTT còn đưa thương vụ này vào danh mục “Mật” khi giao dịch hoàn toàn không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước. Chính vì lý do này mà các thông tin về thương vụ đã được giấu kín cho tới khi có chỉ thị thanh tra của Thủ tướng.
4 ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phúc Trọng đưa ra yêu cầu phải "khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc" và "thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát" tại cuộc họp Ban Bí thư ngày 8/3, Bộ TTTT công bố giải pháp hủy hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG và mau chóng báo cáo cho Ban Bí thư. Bộ này khẳng định đây là “giải pháp tối ưu, đúng quy trình pháp luật” và “đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn mà MobiFone đã đầu tư”. Tuy nhiên, giải pháp hủy hợp đồng đã vấp phải phản ứng khá mạnh của công luận khi nhiều người nghi có “lại quả” trong thương vụ nghìn tỷ và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
“Có rất nhiều đồn đoán về ông cựu Bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son đã dính đậm vào vụ này. Còn ông Trương Minh Tuấn [Bộ trưởng TTTT đương chức] thì chưa biết có dính hay không và dính đến mức nào, nhưng ít nhất là có thông tin ông Trương Minh Tuấn đã phê chuẩn hợp đồng này”, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một chuyên gia kinh tế-nhà báo độc lập ở Việt Nam nói với VOA.
Kiến nghị khởi tố
Trong bản kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng quy kết trách nhiệm của các Bộ, cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… và cả Bộ Công an.
“Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công An tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật”, báo Tuổi Trẻ trích văn bản của cơ quan thanh tra kiến nghị.
Vẫn theo thông tin từ Tuổi Trẻ, trong thương vụ mua AVG của MobiFone, có 6 cá nhân nhận tới 8.051 tỷ đồng trong tổng giá trị 8.889,98 tỷ đồng. Theo nguồn tin này, các cá nhân trên đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỷ đồng.
AVG do em trai của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Nhật Vũ, đứng đầu. Trước thời điểm chuyển nhượng , ông Vũ nắm 55,49% cổ phần AVG, tương đương với 2.013 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, số cổ phần của ông Vũ còn 0,12%, tương đương 4,3 tỷ đồng.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét