Đức ‘điều tra tướng công an VN về vụ bắt cóc ở Berlin’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đức ‘điều tra tướng công an VN về vụ bắt cóc ở Berlin’


Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin được báo chí nước này chú ý đến sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Carsten Koall

Truyền thông Đức, gồm cả đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle, đưa tin cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra một Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, người bị cho là đóng vai trò trong vụ 'bắt cóc ở Berlin' hồi tháng Bảy năm ngoái.

Phía công tố Đức từ chối bình luận với báo chí.

Trong khi đó, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, nói với BBC rằng cuộc điều tra của cơ quan công tố Đức nhằm vào Trung tướng Đường Minh Hưng ‘và những người khác trong vụ bắt cóc thân chủ tôi’.

Theo luật Đức, giới chức sau khi ra cáo trạng sẽ phải chuyển tài liệu này tới cho người bị cáo buộc và luật sư bảo vệ của họ, bà luật sư Petra Schlagenhauf nói.

Bên bị cáo buộc sẽ có một thời gian để nêu quan điểm và cung cấp bằng chứng phản bác.

Sau đó, tòa sẽ tuyên bố mở phiên xét xử và định ngày để nghe lập luận của các bên, bà Schlagenhauf giải thích.

Khác với hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị phía Đức trục xuất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf nói rằng về mặt lý thuyết, Đức có thể đòi dẫn độ ông Đường Minh Hưng, người đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf. Ảnh: BBC

Lý do, bà nói, là bởi cảnh sát Đức đã “có đủ bằng chứng cho thấy sự can dự của ông ta trong vụ bắt cóc”, và bởi “ông Hưng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao tại Đức như những người khác tuy cũng tham gia nhưng lại làm việc cho Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin”.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà nói bà không chắc cơ quan công tố Đức có cân nhắc tới khả năng đòi dẫn độ hay không, bởi “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu dẫn độ đối với ông Hưng”.

“Giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ, cũng chưa có thỏa thuận nào ở cấp thấp hơn về việc dẫn độ.”

“Hơn nữa, cũng nên lưu ý rằng mọi yêu cầu dẫn độ đều là quyết định chính trị,” bà Schlagenhauf nói và từ chối bình luận thêm về chủ đề này.

‘Trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc’

Ông Hưng được cho là đã có mặt ở Berlin một thời gian trong tháng Bảy.

Nay, cơ quan điều tra của Đức tin rằng ông Hưng đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc, theo báo chí Đức.

Truyền thông Đức, như các trang Süddeutsche Zeitung, và Zeit.de, trích dẫn nội dung cáo trạng đối với ông Nguyễn Hải Long, cho đến nay là người Việt duy nhất bị giới chức Đức truy tố liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo đó nói ông Đoàn Minh Hưng tới Berlin vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ông Hưng đã ở tại khách sạn “Berlin, Berlin” và đã gặp gỡ với đầu mối của cơ quan tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam.

Báo Tagesschau nói rằng trong tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay được thể hiện rõ ràng.

Ông Hưng đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.

Tagesschau nói rằng trong một tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay đã được thể hiện rõ ràng. Ảnh: Getty Images

Chỉ hai ngày trước vụ bắt cóc hôm 23/7, ông Hưng đã chuyển chỗ ở, tới khách sạn “Sylter Hof”, và từ phòng khách sạn này ông đã “điều hành vụ bắt người”.

Ông Hưng “hầu như không rời khỏi phòng cho tới khi xảy ra vụ bắt cóc”.

Đối tượng bị bắt cóc đã “ngay lập tức được đưa tới Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin-Treptow và từ đó được đưa về Việt Nam bằng một ngả nào đó không rõ,” Sueddeutsche Zeitung tường thuật.

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì về những cáo buộc mới nhất trên truyền thông Đức.

Ảnh hưởng quan hệ song phương

Báo Sueddeutsche Zeitung bình luận rằng vụ điều tra mới nhất này cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.

Sau diễn biến mà phía Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị dùng vũ lực bắt đi tại một công viên ở trung tâm Berlin, chính quyền của bà Merkel lên án Việt Nam vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Đức.

Một nhân viên tình báo và một nhà ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin sau đó đã bị trục xuất.

Đức cũng đòi Việt Nam phải xin lỗi, nhưng yêu cầu này không được Hà Nội đáp ứng.

Vụ việc khiến cho quan hệ song phương giữa hai nước ảnh hưởng nặng nề.

Hôm 22/9, Đức tuyên bố “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Trước đó, lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017 đã không có mặt bất kỳ vị khách Đức nào, trong khi sự kiện tương tự trước đó một năm từng đón tới 400 khách Đức và quốc tế.

Đức cũng đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ một người Việt bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Hải Long, đã sinh sống tại Cộng hòa Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

Trang Zeit.de của Đức có bài dài về vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đem về Hà Nội. Ảnh: Zeit.de

Cơ quan công tố Đức hồi tuần trước buộc tội ông này làm gián điệp và tước đoạt quyền tự do của người khác.

Tuy nhiên, ông Long nói ông vô tội, trong lúc luật sư đại diện nói ông bị ‘thí chốt’.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC biết phiên tòa đối với ông Nguyễn Hải Long có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng Tư 2018 tại Berlin.

Lối thoát về mặt ngoại giao Đức - Việt cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộ

Nhà báo tại Berlin
Bình luận về câu chuyện, một nhà báo tại Berlin cho BBC hay, “báo chí Đức đã đăng tin rộng rãi diễn biến này vốn đã và vẫn tiếp tục là đề tài gây khó khăn cho bang giao giữa hai nước Việt Nam và Đức hiện nay”.

“Lối thoát về mặt ngoại giao cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộ.

Với việc hình thành bộ máy lãnh đạo chính phủ mới của Đức, câu hỏi về việc xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn là một đề tài tiếp tục nóng.”

Cũng trong ngày 14/03, bà Angela Merkel đã tuyên thệ lên làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ để lãnh đạo chính phủ liên minh CDU-SPD.


BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad