Phải sống! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Phải sống!



 (Suy nghĩ lan man về thời cuộc và đất nước)

I. Bức tranh  hôm nay của thế giới đã sang trang

Trong bài Sau thế kỷ “đỏ” sẽ là thế kỷ “xám”?[i] (06-11-2017)”, phần bàn về Trung Quốc, tôi kết luận:

Phải sống! Ảnh minh họa
“Tôi nghĩ, nên vượt lên trên mọi suy nghĩ cảm tính để nhìn thẳng vào sự thật: Trong trò chơi tranh giành quyền lực, tuyên ngôn này (Báo cáo Chính trị của Tập Cận Bình tại Đại hội 19 của ĐCSTQ) là sự lựa chọn có lý và cần thiết ở thời điểm này cho Trung Quốc trên con đường phục hưng đế chế của nó. Điều này còn hàm nghĩa với những rối loạn hiện thời, cục diện thế giới đã sang trang hôm nay đang mang lại cơ hội nhất định cho sự lựa chọn như vậy. Thậm chí đây còn là sự lựa chọn duy nhất có thể để Trung Quốc thoát khỏi nguy cơ tan rã trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay và nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội phục hưng đế chế sờ thấy được trong cục diện quốc tế hiện đang rối loạn này. Nghĩa là một sự lựa chọn chớp thời cơ, vượt nguy cơ ách tắc và tan rã bên trong, tập trung quyền lực cao nhất, quyết đẩy Trung quốc lên phía trước, tất cả thể hiện không thể hiểu nhầm trong khẩu khí vừa hoành tráng vừa đe dọa trong suốt toàn bài nói hơn 3 tiếng đồng hồ!.. Đấy là sự lựa chọn rất quyết liệt chưa từng có của trí tuệ và ý chí của giới tinh hoa trong truyền thống đế chế Trung quốc cho Trung Quốc, nó khác hẳn với những gì rối bời đang diễn ra trong giới cầm quyền ở Mỹ! Sức nặng của mọi vấn đề mà thế giới nói chung và nước ta nói riêng sẽ phải chịu đựng trong đối mặt với đế chế Trung Quốc trên đường phục hưng nằm trọn vẹn trong sự lựa chọn này và khả năng thực thi nhất định của nó.”

Hôm nay, với việc trong nội bộ ĐCSTQ đang rục rịch các bước đi dọn đường bãi bỏ quy định hai nhiệm kỳ cho chức danh Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, được hiểu là lãnh tụ Tập Cận Bình sẽ trị vì đất nước Trung Hoa đến hết đời, giới nghiên cứu – nhất là trong các giới học giả và báo chí – lại rộn lên những xôn xao hiếm thấy, đặc biệt là ở Mỹ. [Có tin: Phó Chủ tịch Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc Vương Thần khẳng định, Tập Cận Bình là người đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.[2]]

Ý chung nhất toát lên từ sự xôn xao này là: Việc Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh tụ suốt đời không phải là chuyện riêng của Trung Quốc, mà sẽ tác động đến cục diện thế giới hiện nay. Dư luận chung cho rằng biểu hiện này nói lên quyết tâm của Trung Quốc trong việc giành lấy vai trò siêu cường số 1 lãnh đạo thế giới. Báo chí ĐCSTQ giải thích: Sự nghiệp đưa Trung Quốc trở thành nước mạnh nhất để lãnh đạo thế giới đòi hỏi phải có quyết định như vậy để bảo đảm giành thắng lợi.

Nên để cho lý trí bình tĩnh, điềm đạm, vượt lên mọi suy nghĩ cảm tính mà xem xét cặn kẽ mọi chiều cạnh của diễn tiến này.

Ở Nga cũng đang xuất hiện hiện tượng tương tự đối với đương kim tổng thống Putin, song không gây ra chấn động đối với thế giới như tầm vóc của sự kiện hiện nay về Tập Cận Bình.

Hoàn toàn khác với Báo cáo chính tri của Tập Cận Bình tại Đại hội 19 của ĐCSTQ, trong Thông điệp Liên bang Nga ngày 01-03-2018 của tổng thống Putin không thấy bóng dáng khát vọng trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới. Một số chỗ trong thông điệp còn nhấn mạnh đến hợp tác với mọi quốc gia, hợp tác toàn cầu. Có thể nói trọng tâm của thông điệp của Putin nhằm vào những thách thức trong quan hệ Nga – Mỹ, đặc biệt là vấn đề chạy đua vũ trang. Trong thế giới hôm nay đầy những biến động mở đầu một giai đoạn phát triển mới (trong các bài viết cuối năm 2016, tôi gọi đấy là “thế giới đã sang trang”), thông điệp của Putin cho rằng: “Ai sẵn sàng với những thay đổi, ai tiến bước lên phía trước thì sẽ trở thành thủ lĩnh.”

Có thể nói, những gì đang diễn ra hàng ngày trên thế giới hôm nay là một bức tranh loang lổ máu và lửa của những cuộc chiến tranh cục bộ hay những xung đột khác nhau ở Trung Đông hoặc ngay trong lòng địa phân châu Âu như tại Ukraina… Bức tranh này cũng đầy mầu xám xịt của những giành giật kinh tế, hoặc chính trị, hoặc thậm chí tranh giành lãnh thổ, ở quy mô quốc gia hoặc khu vực, liên khu vực…

Lật qua báo chí hàng ngày, cộm lên không biết bao nhiêu sự kiện nóng bỏng.

Nào là những hiện tượng: Chuyện Trump tăng thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu làm tức tối nhiều đối tác cũng như đối thủ của Mỹ, chia rẽ Mỹ-EU, chiến tranh thương mại được khơi mào, càng lục đục như thế này Trung Quốc càng thủ lợi – và đồng thời thể chế WTO hiện hành nhận thêm một đòn mới; nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về ngừng bắn ngay lập tức 30 ngày trên toàn Syrie (thông qua ngày 24-02-2018) hầu như đang đứng trước nguy cơ thất bại (hàng ngày súng vẫn nổ tại những nơi trọng yếu ở Đông Gouhta, quân đội Thổ vẫn tiếp tục tiến đánh quyết liệt vùng Afrin…); sau Brexit cộng đồng Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chòng chành tiếp – do bầu cử ở Đức tuy đã chật vật hình thành được liên minh cầm quyền CDU-SPD song nội tình đất nước ngang ngửa chưa ngã ngũ quanh những vấn đề trọng đại: phát triển kinh tế, nhập cư, cải tổ EU.., bầu cử ở Ý đang hứa hẹn những rối rắm mới cho nước này do xu thế đang lên của các lực lượng cánh hữu, tình hình Biển Đông nhiều lúc như bên miệng hố chiến tranh do việc Trung Quốc lấn thêm những bước mới rất nghiêm trọng và đưa vào sử dụng các căn cứ quân sự xây trên các đảo lấn chiếm, tại Đông Bắc Á có vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên[3], Trung Đông bùng lên những căng thẳng mới do Trump công nhận Rejusalem là thủ đô của Israel. Trên bình diện kinh tế, hầu hết mọi quốc gia (ngoại trừ một số nước chậm tiến ở châu Phi) đang phải đánh vật với những thách thức mới do toàn cầu hóa kinh tế bước sang trang mới và do cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều vấn đề hoàn toàn mới chưa dễ gì tim ra các lời giải cho nhiều vấn đề trọng đại như: sản phẩm mới, một loạt ngành nghề sẽ mất đi, những thay đổi sẽ xảy ra trong cấu trúc kinh tế và phương thức kinh doanh, trong sự phân công và phân khúc thị trường mới ở phạm vi toàn cầu… Đã xuất hiện những hình thức cạnh tranh kinh tế mới lay động đến tận gốc rễ mọi thể chế kinh tế toàn cầu và khu vực.., rồi đến biến đổi khí hậu gây ra bão tuyết chưa từng có tại Mỹ và một số nước châu Âu, vân vân.., vân vân…

Tất cả đang bầy ra một cục diện quốc tế căng thẳng, có lúc gần như nghẹt thở – do có những tình thế mới “bên miệng hố chiến tranh” và những biến động hỗn loạn khó lường. Bản thân sự vận động của kinh tế thế giới ở nấc thang hiện tại xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, đồng thời những tác động sâu sắc của quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghệp 4.0 đặt ra cho hầu hết mọi quốc gia – nhất là các nền kinh tế lớn – nhiều thách thức mới chưa có lời giải. Trong khi đó mọi thế lực của các quyền lực toàn cầu và khu vực khác nhau đang ráo riết tranh giành nhau phạm vi ảnh hưởng mới.
Tất cả đang tạo dựng nên một thế giới đầy bất định của thời kỳ chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới chưa tiên liệu được.

Thực trạng thế giới hiện nay còn thêm phần u ám ở chỗ (a)ngày xảy ra càng nhiều tha hóa mới trong đời sống mọi mặt không thể tránh được của quá trình phát triển của kinh tế thế giới và (b)những hệ quả tiêu cực tất yếu của quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang làm lung lay nhiều giá trị cơ bản vốn là nền tảng của sự phát triển kinh tế vũ bão thế giới đã đạt được kể từ sau sau chiến tranh thế giới II.

Nổi lên là những hiện tượng – như mặt trái của tấm huy chương:

  • Tại hầu hết mọi quốc gia quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã gạt sang bên lề cuộc sống một bộ phận dân cư đáng kể. Họ bao gồm những người thuộc mọi tầng lớp xã hội và các ngành nghề khác nhau không có khả năng thích nghi với những thay đổi phải đối mặt. Thực tế này gây ra các mâu thuẫn thách thức sâu sắc những định chế dân chủ của nhiều quốc gia, chủ nghĩa dân túy và tâm lý bầy đàn lên ngôi.
  • Tại nhiều nước lực lượng cánh hữu và chủ nghĩa độc tài đang phục sinh hay vùng lên, nạn phân biệt chủng tộc ở một số nơi còn mang mầu sắc chủ nghĩa phát xít. Rường cột của trật tự quốc tế hiện hành ngày càng nhiều bất cấp, hoặc bị các quyền lực khác nhau lũng đoạn nghiêm trọng…

Về nhiều mặt cục diện quốc tế hiện nay có nhiều nét cơ bản giống thời kỳ trước khi dẫn tới chiến tranh thế giới II. Song nội dung cũng như tính chất và cường độ của những vấn đề mới được đặt ra cũng như các mối quan hệ tập hợp lực lượng, liên minh / xung đột… của cục diện thế giới hôm nay có nhiều cái mới và ở nấc thang cao hơn rất nhiều, với rất nhiều khác biệt lớn và triệt để hơn về bản chất, không thể dựa vào tư duy theo nếp truyền thống lâu nay mà xem xét!

Nguyên nhân chủ yếu của những biến động hôm nay là quy mô nền kinh tế của những cường quốc giữ địa vị chi phối cuộc tranh giành quyền lực trong cục diên thế giới hôm nay lớn hơn trước rất nhiều[4], tất cả đều tham gia triệt để và chi phối sâu sắc quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời xuất hiện nhiều tác nhân mới từ những nền kinh tế mới nổi lên ở các châu lục – đặc biệt là vùng châu Á – Thái Bình Dương, có sự tham gia mới của những lực lượng nảy sinh từ những mâu thuẫn phi truyền thống – tiêu biểu là vấn đề “IS” và nạn khủng bố… Tính quyết liệt và phức tạp của những mâu thuẫn đang diễn ra thể hiện qua sự nhào trộn vào nhau giữa chiến tranh sắc tộc và tôn giáo, nạn khủng bố, vấn đề IS, những tranh giành mới trong kinh tế toàn cầu, những tranh giành lãnh thổ, tranh giành quyền lực giữa các nước lớn và các thế lực khác nhau… Bản thân cuộc sống thế giới hôm nay cũng hoàn toàn khác so với khi chiến tranh lạnh I kết thúc, so với thời kỳ hậu chiến tranh lạnh I chấm dứt, trong đó phải nhấn mạnh hiện tượng Trung Quốc đang gây nên những xáo động chưa từng có…

Đã xuất hiện ngày nay trên toàn cầu một cuộc chạy đua vũ trang mới rất quyết liệt giữa các cường quốc, với quy mô và chất lượng / chủng loại vũ khí và phương thức tác chiến bỏ xa hoặc hoàn toàn khác cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh I. Diễn biến mới này trên thực tế đã và đang phá vỡ những thỏa thuận quốc tế về giám sát và kiềm chế chay đua vũ trang đã đạt được trong nửa cuối thế kỷ 20 (ví dụ tiêu biểu là thỏa thuận START về kiểm soát vũ khí A hiện nay hầu như không còn ý nghĩa đáng kể). Đồng thời những thách thức mới ở phạm vi toàn cầu và khu vực trong tình hình hiện nay cũng buộc hầu hết mọi quốc gia khác phải gia tăng lực lượng quốc phòng của mình, đẻ ra cho những nước này những gánh nặng chi tiêu chưa từng có.

Từ khoảng một thập kỷ nay thế giới đã bước vào cuộc chiến tranh lạnh II với những cuộc chiến tranh nóng cục bộ rất đẫm máu và những thảm họa nhân loại chưa từng có cho con người.

Nguy cơ chiến tranh thế giới III hiện nay lớn hơn và nhạy cảm hơn thời chiến tranh lạnh I – vì tại một số nơi đã và đang nổ ra những xung đột gần như trực tiếp, mang đầy tính chất “Có mày không tao! Có tao không mày!” (một dạng quyết liệt của “zero sum games”) đối với vận mệnh của mỗi bên đối kháng, chưa thấy xuất hiện một khả năng dung hòa hay hóa giải dù theo cách nào giữa những quyền lực lớn – trước hết là giữa Nga và Mỹ tại Trung Đông, giữa NATO và Nga tại Ukraine, rồi đến vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chĩa vào Mỹ… Khả năng hủy diệt lẫn nhau thời nay cũng tăng lên gấp bội so với thời chiến tranh lạnh I. Tuy nhiên – và thật trớ trêu – chính khả năng hủy diệt lẫn nhau này có lẽ vẫn là nguyên nhân quyết định, khiến cho đến nay còn giữ cho chiến tranh thế giới III chưa nổ ra. Song chính thực tế mỉa mai này lại là yếu tố cơ bản khiến các quyền lực đối kháng luôn tránh né trực tiếp hạ bệ nhau, bằng cách tiến hành những cuộc chiến tranh qua tay người khác (còn gọi là “chiến tranh ủy nhiệm”), bằng những cuộc đổi chác theo kiểu đã có từ thời Hiệp ước Molotov – Ribbentrob giữa Liên Xô và Đức (kí ngày 23-8-1939, Liên Xô “thí” Balan)… Không phải là từ không khí hiện nay đã có những dự đoán và dự báo (thậm chí đã có những thăm dò hay tính toán) về khả năng đánh đổi vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên lấy vấn đề Biển Đông…

Thực sự thế giới đang ở trong trạng thái khủng hoảng mới chưa từng có của thời kỳ chuyển đoạn, thách thức không trừ một ai hoặc một quốc gia nào sống trên hành tinh này, “khôn sống mống chết” rất quyết liệt. Cục diện thế giới hôm nay hầu như chỉ để ngỏ một lối thoát duy nhất cho những ai và quốc gia nào dám vượt lên thách thức mở con đường sống để tạo ra cơ hội mới – cho dù chẳng có một bản đồ vạch sẵn nào cho một con đường như thế!..

II. Bàn thêm về mối nguy Trung Quốc

Nhiều năm nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu và bài viết quan trọng, trước hết ở Mỹ, thừa nhận: Nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đến nay chưa có lời giải thỏa đáng cho bài toán “Trung Quốc” đang thách thức cả thế giới.

Nổi bật là đánh giá:

  • (a) “Frankenstein”-Trung Quốc hôm nay là một sản phẩm ngoài ý muốn của phương Tây trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới 3 thập kỷ vừa qua, ngày nay trở thành thách thức lớn nhất đối với Mỹ và đặt ra cho nhiều quốc gia trên thế giới những vấn đề nóng bỏng nan giải – không hiếm trường hợp những vấn đề này mang tính thách thức mất/còn [5].
  • (b) Giới chiến lược Mỹ – và hầu như cả thế giới phương Tây nữa – thừa nhận sai lầm nghiêm trọng của họ là đã gửi gắm quá lâu vào niềm tin mù quáng cho rằng: Sự phát triển có một không hai như đang diễn ra của kinh tế Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay sẽ có thể hấp dẫn và lôi kéo quốc gia khổng lồ này trở thành một thành viên có trách nhiệm cùng nhau duy trì các thể chế quốc tế hiện hành. Suy nghĩ này đã hoàn toàn phá sản. Điều vô cùng mỉa mai là chính Mỹ và thế giới phương Tây đã góp phần không ít vào hình thành sự phát triển này.

Hai đánh giá nêu trên gợi ý nhiều điều cho tất cả các nước đang sống trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là các nước láng giềng, trong đó có nước ta. Cần nuốt nhục thừa nhận sai lầm và vắt tay lên trán mà suy nghĩ!

Đúng là niềm tin mù quáng của Mỹ và phương Tây đã mang lại thảm bại cho các chủ nhân của nó.

Song chính xác hơn có lẽ phải bổ khuyết thêm: (1) niềm tin này dựa trên tư duy sai lầm vì không hiểu hết được Trung Quốc của một nền tảng văn hóa đế chế thâm căn cố đế 5 nghìn năm[6], – [thật càng khó mà nói rằng Việt nam hôm nay đã hiểu được Trung Quốc (!)], (2) có nguyên nhân lực bất tòng tâm của Mỹ và phương Tây trước một quy mô kinh tế và sự vận động của quốc gia trên 1 tỷ dân này, và đồng thời có những bất cập trong các thể chế quốc tế hiện hành, (3) có tình trạng hủ hóa / tha hóa đã dẫn tới các chủ nhân của niềm tin này ham mê những cái lợi trước mắt, và đã có những nhân nhượng với hệ quả chung cuộc là hôm nay phải trả giá chiến lược.

Không phải ai khác, chính Trump đã thẳng thừng vạch ra những sai lầm, thiệt thòi và những cái giá chiến lược phải trả của Mỹ, vì thế trong tranh cử đã đề ra “America first!”, hiện nay đang quyết theo đuổi cách nhìn này, với những bước đi đang gây ra nhiều bối rối trong ngoài nước Mỹ (việc đánh giá chính quyền Trump hiện nay xin bàn vào dịp khác).

Nói Trung Quốc đã (tạm) thắng trong keo này, hay là nói Trung Quốc đã chớp được thời cơ trong cục diện thế giới hôm nay – đấy chỉ là 2 cách nói cùng mô tả một sự vật, cùng nói lên được tính chất và mọi chiều cạnh của mối nguy Trung Quốc (the Chinese danger).

Nhìn lại tổng thể ganh đua giữa bộ 3 Mỹ-Trung-Nga trong 4 thập kỷ nay (1978 khi TQ bắt đầu đổi mới – 2018), phải thừa nhận thẳng thắn: Trung Quốc là tay đua cự phách nhất, có chiến lược đắc sách nhất, đạt hiệu quả vượt trội 2 đối thủ của nó là Mỹ và Nga – cách làm của Trung Quốc là sạch hay bẩn không phải là chuyện để bàn ở đây!

Xin đừng một ai ngụy biện hoặc tự mắc lừa Trung Quốc, coi hiện tượng Trung Quốc nêu trên là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin hay là chủ nghĩa xã hội. Chỉ cần điểm lại xem Việt Nam 70 năm qua đã phải trả giá những gì cho hiện tượng này và hôm nay đang đứng trước uy hiếp nào của hiện trượng này, sẽ rõ! Việc trong báo cáo Chính trị tại đại hội 19 Tập Cận Bình nói đã trung-quốc-hóa chủ nghĩa Mác – Lênin và hôm nay chủ trương giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc kỷ nguyên mới cũng tự làm lộ ra chân tướng của sự thật: Giành lấy cái chính danh đẹp đẽ cho sự tồn tại của ĐCSTQ và chế độ chính trị của quốc gia này!

Đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng hôm nay xuất hiện trong một thế giới đang tồn tại những quyền lực hơn hẳn toàn diện hoặc hơn hẳn từng phần, trong một thể chế quốc tế toàn cầu hóa đã định hình vững chắc trên 7 thập kỷ – dù rằng thể chế này đang ngày càng nhiều bất cập. Trên thế giới hiện nay, đành rằng Trung Quốc đã hình thành được những liên minh / diễn đàn /blocs mật thiết hay lỏng lẻo khác nhau, hữu hình hoặc vô hình, do đồng nhân dân tệ và hàng hóa Trung Quốc, cũng như do những “quan hệ”[7] và ảnh hưởng của Trung Quốc tạo ra. Song nhìn tổng thể, Trung Quốc vẫn ở vào thế yếu.

So sánh lực lượng như vậy là một trong các nguyên nhân chủ yếu, khiến Trung quốc hôm nay tuy đã vứt bỏ các chiến lược “giấu mình chờ thời”, “trỗi dậy hòa bình” và đã tự bộc lộ tham vọng đế quốc qua những bước đi quân sự cứng rắn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.., nhưng cho đến bây Trung Quốc giờ vẫn kiên trì tập trung mọi nỗ lực chiến lược vào phát huy toàn diện sự vượt trội tuyệt đối của sức mạnh tại chỗ, nhằm khuất phục các nước láng giềng – trước hết với những chiến thuật như: tằm ăn dâu, chớp thời cơ chộp từng miếng như việc đã rồi, bẻ từng que đũa của cả bó đũa, phát huy quyền lực mềm...

Không thể nói khác: Mối nguy Trung Quốc nóng nhất đối với các nước láng giềng.

Đối với các đối thủ lớn và cả thế giới còn lại, trước sau Trung Quốc vẫn kiên trì đạo lý bình thiên hạ của mình là: Mềm nắn, rắn buông, mục tiêu biện minh cho biện pháp.

Có thể nói, với tiềm lực kinh tế hôm nay đã tạo ra được, với chiều dầy hàng nghìn năm của văn hóa chính trị Trung Hoa kể từ thời Xuân Thu, thời Chiến Quốc – [siêu việt tới mức trong lịch sử mọi kẻ xâm lược Trung Quốc đều bị chính Trung Quốc sau đó Hán hoá và đồng hóa!] -, với quyết tâm “tiền và hàng Trung Quốc có mặt ở đâu, Trung Quốc có lợi ích cốt lõi tại đó”, Trung Quốc đang thực hiện một lối chơi độc đáo và luôn luôn biến hóa trên trường quốc tế. [Ví dụ: Không phải ngẫu nhiên giới quan sát hôm nay đặt câu hỏi: Bàn tay Trung Quốc nằm sâu đến mức nào trong vấn đề tên lửa mang vũ khí A của Bắc Triều Tiên hướng vào Mỹ?]

Trung Quốc hiện nay nổi lên là bậc thầy của thâm nhập và lũng đoạn bằng quyền lực mềm và quyền lực rắn, điêu luyện đến mức hầu như làm suy yếu hay vô hiệu hóa ở mức nguy hiểm khả năng đề kháng của không ít quốc gia, trong đó không chỉ là những nước đang phát triển – mà còn bao gồm cả nhiều nước phát triển (nơi đã xảy ra những vụ án bê bối khó tưởng tượng, có những chính khách quan trọng phải khoác áo ra đi hoặc rơi vào vòng lao lý vì tay dính tiền của Trung Quốc…). Đến nay tiền, hàng và quyền lực mềm Trung Quốc đã giành được tại trong lòng không ít những quốc gia này những trận địa công khai hoặc ngấm ngầm, vật chất hoặc phi vật chất, thấy được hoặc không thấy được.., mà nước sở tại hầu như không thể dùng súng đạn hay luật pháp mà loại bỏ được[8].

Chính quyền Trump hôm nay đã buộc phải thực hiện điều chỉnh chiến lược, xác định Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ[9].

Danh ngôn Trung Quốc có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Ở đây không có gì phải nói thêm về hiện tượng tiền, hàng và quyền lực mềm Trung Quốc đóng vai trò người bạn, người đỡ đầu, ông bầu, kẻ chủ mưu, người kiến tạo, vật xúc tác, chất kích thích… của các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, quyền lực toàn trị… tại nhiều quốc gia trên thế giới – rõ nhất là tại các nước đang phát triển và chậm phát triển ở châu Phi và một số nơi khác. Điều muốn nói tới ở đây là hiện tượng Trung Quốc đã trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy xu thế lên ngôi trên thế giới của những quyền lực và những quốc gia đang có những tham vọng xét lại trật tự quốc tế hiện nay. Ví dụ, đã có không ít những trường hợp Trung Quốc đã cùng với Nga dùng quyền phủ quyết để veto những quyết định của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, những trường hợp Trung Quốc tận dụng những mâu thuẫn khác nhau trên thế giới cho việc tập hợp lực lượng, tạo lập những “blocs” mới, rất chịu chi cho việc hình thành những diễn đàn mới… – cơ sở của sự vận động này không phải là sự đồng dạng về ý thức hệ, mà là sự đồng dạng về lợi ích – dù là dài hạn, nhất thời, thậm chí cho từng vụ việc hoặc từng vấn đề…

Nghĩa là không chỉ đơn thuần có chuyện Mỹ và phương Tây vỡ mộng trong việc muốn lôi kéo Trung Quốc thành người đồng hành có trách nhiệm đối với thể chế quốc tế hiện thời. Tồi tệ hơn thế là trận địa của Mỹ và phương Tây trong cục diện thế giới hôm nay bị suy yếu hoặc bị phân hóa đáng kể do xuất hiện hiện tượng Trung Quốc mà chính Mỹ và phương Tây đã góp phần tạo nên.

Nguy hiểm hơn nữa là tiềm tàng khả năng xuất hiện một liên minh nào đó có giới hạn và nhất thời Trung – Nga đối đầu với Mỹ, mặc dù do nhiều nguyên nhân cố hữu – chí ít là từ vụ đụng độ biên giới Xô-Trung tại vùng sông Ussuri 1969 cho đến nay – Nga vẫn đang phải đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hôm nay tiền, hàng, người và nhiều thứ khác từ Trung Quốc đã luồn sâu vào các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và nhiều vùng khác tại Siberie và Viễn Đông… Phó giám đốc Trung tâm phân tích chính trị – quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga A.A. Khramchilin có lần phát biểu “Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh chống Nga thì kẻ xâm lược với xác suất 95% sẽ là Trung Quốc”[10].

Đã có lúc hé ra khả năng Mỹ – Nga hòa hoãn, để tập trung đối phó với Frankenstein-Trung Quốc; hai bên đã có những bước đi thăm dò tìm kiếm khả năng này… Song tính đối kháng trong quan hệ Mỹ-Nga (trước hết tại trận địa Syrie) và trong quan hệ NATO-Nga (tại trận đia Ukraina) quá nhạy cảm, hiện nay khả năng hòa hoãn tạm thời tan biến, sự trừng phạt nhau và các biện pháp trả đũa đang tăng lên. Những lục đục trong nội bộ Mỹ về những chuyện dính líu với Nga càng làm phức tạp thêm vấn đề. Gần đây đang lấp ló khả năng hình thành liên minh Nga – Iran – Thổ chống Mỹ, làm phân tán áp lực chống Trung Quốc, giữa lúc tình hình nội bộ Mỹ tiếp tục rối bời – có lẽ sẽ kéo dài suốt nhiệm kỳ của Trump.

Thêm một yếu tố mới khác của quá trình phụ thuộc lẫn nhau để cho Trung Quốc khai thác và chia rẽ: Thị trường Trung Quốc hôm nay trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với hầu hết mọi nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí đối với sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Sự thật hiển nhiên là so với trước, Trung Quốc hôm nay có nhiều hơn phương tiện / công cụ mới trong hợp tác và đối đầu với đối thủ số 1 của mình là Mỹ cũng như trong phân hóa các đồng minh/liên minh của Mỹ. Trung quốc đang ra sức phát huy những công cụ mới của mình như khối “BRICS” (Hợp tác kinh tế Brasil – Nga – Ấn Độ – Trung Quốc), con đường tơ lụa, chiến lược “một vanh đai, một con đường”, Ngân hàng đầu tư phát tiển hạ tầng châu Á (AIIB), “viện Khổng Tử”… Có nhiều lý do xác đáng để Tập Cận Bình cao dọng tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 (WEF): Trung Quốc sẵn sàng thay thế vai trò của Mỹ cho một trật tự kinh tế mới, ngay giữa lúc Trump tuyên bố hủy TPP và đòi xét lại NAFTA.., v… v… Toàn bộ những vận động / hoạt động này được thực hiện trong tư thế Trung Quốc là một nền kinh tế một ngày không xa (có thể khoảng năm 2030) sẽ có quy mô vượt Mỹ, với một tay là lượng dự trữ ngoại tệ dù vơi đi nhiều song ước tính hiện nay vẫn còn lên tới trên 2000 tỷ USD để mua hoặc giành mọi thứ, với tay kia là một quân đội có số lượng đông nhất thế giới – với kho vũ khí có lẽ hiện nay chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ (hoặc là thứ 3 thế giới sau Nga nếu xét về phương diện công nghệ và khoa học kỹ thuật), với giấc mộng Trung Hoa quyết tâm trở thành lãnh đạo thế giới, với chất đốt quyết liệt của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang được hun nóng hơn bao giờ hết trên khắp Hoa lục.

Thật cay nghiệt, sức nặng uy hiếp của toàn bộ sức mạnh này trước hết đè lên các nước láng giềng!

Thật là vô nghĩa nếu dùng các chuẩn mực đạo đức để cân đong, phân tích Trung quốc mọi măt. Vì làm như thế, kể cả dùng lời mạt sát Trung Quốc đến vỡ họng, nếu không tự mình lạc hướng, thì cũng sẽ rơi vào tâm lý bi quan. Hoặc quỳ xuống cầu xin Trung Quốc ban cho sự tử tế cũng chẳng hơn gì. Tất cả những cách ứng phó theo kiểu này sẽ đều không thể lay động nổi lấy một cái lông chân của Trung Quốc! Đơn giản vì trên đời này không hề có một đế chế nào – dù ở phương trời nào trên trái đất này và trong bất kể bối cảnh lịch sử cổ kim nào – mà lại không tận dụng mọi thứ nó có trong tay, để củng cố, để khuếch đại vùng ảnh hưởng của nó! Chỉ có một cách tiếp cận đúng duy nhất: Phải dùng lý trí nhìn nhận vấn đề Trung Quốc mà tính toán cho mình đường đi nước bước.

Có một điều, đế chế Trung Hoa đang tìm đường ngoi lên hôm nay vẫn giữ nguyên trong nó những giá trị cốt lõi đã tạo dựng lên chính nó – dù là dưới cái áo khoác của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc kỷ nguyên mới. Chính vì lẽ này, khát vọng lãnh đạo thế giới sẽ chỉ là ảo mộng. Trong khi đó, ngày nay Mỹ và phương Tây lại theo đuổi những giá trị cơ bản của văn minh nhân loại làm nên nền tảng các mối quan hệ của con người và xã hội mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế mà chính họ cũng góp phần tạo dựng, trong đó dân chủ và quyền con người được coi là 2 yếu tố cơ bản của phát triển.

Không phải cái gì khác, cái bản chất bên trong mang tính ngược dòng thời đại của Trung Quốc làm cho đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng trở thành vấn đề của cả thế giới.

  • Chẳng lẽ Frankenstein-Trung Quốc không có gót chân Ashine?
  • Có chứ! Gót chân Ashine này cũng khổng lồ tương ứng về tầm vóc và đầy đủ về những tố chất của Trung Quốc khổng lồ.

Chỗ yếu nhất của Trung Quốc là mâu thuẫn: Nếu không tập hợp được cả nước cho mục tiêu đại bá thì nguy cơ phân rã rất lớn và đất nước không phát triển được; nhưng nếu làm thế, sẽ phải đối đầu với nhiều địch thủ lớn và xu thế phát triển của thế giới ngày nay.

Một Trung Quốc Frankenstein hay một Trung Quốc đổ vỡ hình như sẽ đều hứa hẹn một thảm họa thế giới nào đó – không thế này thì thế kia! Song một Trung Quốc nào đi nữa, nó cũng phải đứng trong thế giới này, phụ thuộc vào thế giới này, vận mệnh của nó do thế giới này quyết định.

Cùng với việc Mỹ thay đổi chiến lược với nội dung xác định Trung Quốc là đối thủ số 1, đang có những nỗ lực hình thành tứ giác xuyên Thái Bình Dương đối phó với đế chế Trung Hoa đang trên đường ngoi lên, bao gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ. [Tuy nhiên cần lưu ý, trong bộ tứ này, Úc vẫn còn nhiều dè dặt nhất định, trong đó có nguyên nhân quyền lực mềm và rắn của Trung Quốc tại đây hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là Úc đã cho Trung Quốc thuê cảng Darwin rất ảnh hưởng đến Biển Đông, một khối lượng đáng kể đầu tư Trung Quốc đã đổ vào một số vùng trong yếu của quốc gia này, v… v…]

Như vậy, “America first!” còn nên được dịch là phải cùng nhau gánh vác việc chung, không thể có chuyện bao cấp.

Rõ ràng muốn kiểm soát mối nguy Trung Quốc thì phải cùng nhau làm như thế!

Nhưng cũng xin lưu ý: Dưới thời Trump đến nay đã có những ví dụ đối nội và đối ngoại cho thấy Mỹ không lúc nào cũng nhất thiết là Trump! Ngoài những việc đã làm được, đã có một số việc làm hay quyết định của Trump gây bối rối ngay trong lòng nước Mỹ; hoặc giữa nói lúc tranh cử và làm với tư cách tổng thống, giữa quyết định và thực hiện quyết định… có sự khác nhau vì rất nhiều lý do – dẫn chứng mới nhất là quyết định và thực hiện việc tăng thuế đánh vào thép và nhôm đang gây rối ren / lúng túng khắp nơi, cho cả nước Mỹ! Có lẽ còn qúa sớm để đánh giá chính quyền Trump, song có thể sơ bộ nhận định: Bản thân nước Mỹ cũng đang loay hoay với những vấn đề của nó và trước cục diện thế giới hiện nay, tính động dao / nhạy cảm của thời cuộc gia tăng, Trung Quốc thủ lợi. Việt Nam càng có nhiều lý do phải tỉnh táo và nỗ lực tự vươn lên hơn bao giờ hết để sống!

Hiển nhiên thế giới cũng không khoanh tay ngồi yên. Ngay sau việc Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, hôm nay trên thế giới này có Hiệp định CPTPP – trong đó Nhật và Việt Nam có đóng góp xứng đáng. Không phải ngẫu nhiên trong một cuộc họp vận động tranh cử ở Munich (05-2017), thủ tướng Merkel đã nói, đại ý: châu Âu phải tự lo cho vận mệnh của mình, EU hiện nay bị vụ “Brexit” và việc Tổng Thống Donald Trump lên cầm quyền chia rẽ.., thời đại mà EU có thể hoàn toàn trông cậy vào các quốc gia khác đang chấm dứt…[11]  Anh thực hiện Brexit nhưng vẫn khẳng định Trung Quốc và Nga là đối thủ chính… Vân vân…

Song cũng phải nói tại không ít quốc gia đến tận hôm nay vẫn còn trông chờ vào “bao cấp” cho an ninh của mình, hoặc dựa dẫm theo kiểu “leo dây”.

III. Phải sống!

Vì rất nhiều lý do từ thực tiễn cuộc sống thế giới hôm nay, bao gồm cả những lý do muôn thuở và tất định của địa kinh tế và địa chính trị – nghĩa là còn hơn cả thiên định, Việt Nam một lần nữa sau chiến tranh thế giới II, bây giờ lại đang đứng trước một thế giới rất nghiệt ngã.

Trật tự quốc tế sau chiến tranh thế giới II đã cắt đôi đất nước ta, đẩy tổ quốc chúng ta vào 4 cuộc chiến tranh hủy diệt. Nhân dân ta tuy đã giành lại được hòa bình, độc lập thống nhất đất nước 43 năm, nhưng khó mà nói rằng đất nước đã hàn gắn được mọi vết thương chiến tranh và đã vượt qua được quá khứ.

Song cũng như cái thế giới “2 phe 4 mâu thuẫn” sau chiến tranh thế giới II, thế giới rất nghiệt ngã hôm nay không mảy may quan tâm đến hiện trạng đất nước chúng ta ra sao, mà chỉ lạnh lùng đặt câu hỏi:

Việt Nam hôm nay lựa chon con đường nào? Muốn con đường sống, hay muốn con đường chết?

Sự khác biệt duy nhất và quan trọng nhất so với cái thế giới thời nước ta làm Cách mạng Tháng Tám là: Đứng trước cái thế giới rất khắc nghiệt hôm nay, nước ta trong hành trang của mình có những bài học và kinh nghiệm không thể mua được của cả một chiều dài chặng đường 7 thập kỷ bị bầm dập, đầy xương máu và mồ hôi nước mắt, để hôm nay nhất quyết phải mở mắt tự giác đi tìm và xác định câu trả lời.

Hoàn toàn không có chuyện thiếu vắng thông tin và những hiểu biết phải có về thế giới hôm nay như thời ấu trĩ 1945, mà chỉ có vấn đề Việt Nam hôm nay có đủ bản lĩnh nhìn thẳng vào thế giới quyết liệt trước mặt để quyết định vận mệnh của mình hay không!?

Quá khứ của đất nước quát lên trong tôi:

  • Không được phép vì bất kỳ lý do gì để cho tổ quốc chúng ta đổ vỡ trong mù quáng, hoặc để cho đất nước ta một lần nữa bất khả kháng bị đẩy vào cái cối xay thịt của chiến tranh, như đã từng xảy ra trong cái thế giới “2 phe 4 mâu thuẫn” sau khi đất nước làm Cách Mạng Tháng Tám!

Tôi nghĩ tiếng quát ấy chính là mệnh lệnh của đất nước hôm nay!

Người Việt Nam dù là ai, hễ còn yêu nước mình, phải có cái tai nghe thấu mệnh lệnh này!

  • Làm gì, làm thế nào để thực hiện mệnh lệnh này của tổ quốc?

Thiết nghĩ, ai có ý thức với đất nước mà không tự hỏi mình như thế!?

Về phần trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình, nhiều năm nay vào các dịp khác nhau, tôi đã tìm cách trả lởi câu hỏi này, đã nêu ra những nhận định tình hình thời cuộc và đánh giá thực trạng mạnh / yếu của đất nước theo hiểu biết và suy nghĩ tôi có được, đã kiến nghị giải pháp và các bước đi… Gần đây nhất tôi đã đề cập một cách tổng thể đến toàn bộ nội dung này trong bài “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới”  ngày 27-09-2017[12], xin được miễn nói lại trong bài viết này, để xin được tập trung trình bầy một số suy nghĩ những ngày này đang dầy vò tôi.

Trước hết xin nói ngay: Những thách thức phía trước đối với đất nước ta dù lớn thế nào, hành trang nhân dân ta đã gây dừng được cho mình trên suốt chặng đường đau khổ và gian khổ 73 năm qua đủ mang lại cho chúng ta bản lĩnh, hiểu biết và kinh nghiệm để có thể thực hiện thắng lợi mệnh lệnh của tổ quốc! Có thể nói, cho dù có sự khác biệt lớn như thế nào do thời gian và thời đại tạo ra, hầu như không có một loại thách thức nào trên chặng đường phía trước mà nước ta đã không trải qua trong quá khứ! Ngay cả đứng trước những thách thức mới chưa từng có, Việt Nam trong tay cũng sẽ không phải là con số không!

Kẻ có dã tâm muốn khuất phục nước ta hôm nay dưới bất kỳ hình thức nào, dù nó là ai, có khát vọng, dã tâm và quyền lực ghê gớm đến đâu chăng nữa, Việt Nam hôm nay có khả năng hội đủ sức mạnh của bản thân và mọi điều kiện cần thiết khác để đánh bại. Vì thế, một Việt Nam hôm nay nếu có đủ ý chí quyết dấn thân vì chính mình và vì lợi ích của cả cộng đồng thế giới tiến bộ, sẽ là bất khả kháng.

Có thể nói, nhiều nước trên thế giới đang phải chật vật đấu tranh cho sự tồn tại của họ, rất mơ ước có được cái mạnh và cái thế như Việt Nam đang có trong tay. Khó mà nói được chúng ta đã hiểu hết cái mạnh, cái thế này của mình, để toan tính một cách tỉnh táo và can đảm về con đường phía trước, để lựa chọn, phải lựa chọn, và phải đi!..

Thiết nghĩ khái quát lại như thế là đủ!

Cái Việt Nam còn thiếu lớn nhất hoặc không bao giờ có thể nói là đủ, đó chính là ý chí nhìn thẳng vào sự thật, để vượt lên chính mình, để thấy rõ yếu kém và chỗ mạnh của bản thân, xác định được việc phải làm, và xác lập quyết tâm đổi đời chính mình, đổi đời đất nước.

Khắc phục cái thiếu này – nói dễ, nhưng làm không dễ. Độc lập đã 43 năm nay rồi, năm này qua năm khác nói mãi được như thế rồi, mà đến nay vẫn chưa làm được! Dù vậy, cũng không được bỏ cuộc, đơn giản vì: Độc lập mà không muốn đổi đời chính mình và đổi đời đất nước, cứ dặt dẹo, lệ thuộc và phụ thuộc mãi như thế này, nhân dân chưa có tự do, cái nghèo cái lạc hậu còn lớn lắm, thể thì độc lập để làm gì? Độc lập như thế, hỏi còn lại được bao nhiêu, rồi ra sẽ còn nữa hay không?..

Nhìn vào chính mình, còn phải kể đến một cái thiếu rất quan trọng nữa, đó là nhân dân ta học chưa đủ những cái hay và cái dở của chính mình và của thiên hạ để trưởng thành – (hoặc là không chịu học, không biết học, không được học…). Cũng vì lẽ này, mấy nghìn năm nay và 43 năm nay đất nước vẫn chưa chịu trưởng thành! Trong cái thiếu này phải kể đến cả cái thiếu can đảm thừa nhận: Chuyện học hành của nước mình như thế thực ra chẳng hơn bao nhiêu chuyện thất học! Chưa nói đến phải học những cái sai, cái giả, cái độc hại, nhưng không được học cái phải học. Học như thế tự tay ta đã ươm mầm cái ngu dốt, cái hèn kém và cái ác trong hiện tại và tương lai. Đã thế, lại cứ hay lấy cái chiều dài “4 ngàn năm văn hiến” ra để tự ru ngủ, thậm chí để tự sướng với cái thiếu này của mình – chưa nói đến việc đo đếm cái chiều dài văn hóa này không chính xác lắm.

Một ví dụ quan trọng khác: Đã 3 thập kỷ mở cửa làm ăn với thiên hạ khắp thế giới, vì học không đủ hay có quá nhiều thứ không được học, hoặc học mãi không vào (chủ yếu do bản chất và lỗi của hệ thống), nên nhiều ký kết quan trọng và kinh nghiệm tốt không vận dụng được, lợi thế ta có không khai thác được, thua thiệt không phải là ít. Riêng trong làm ăn với Trung Quốc thì để cho quyền lực rắn và quyền lực mềm luồn sâu quá, thiệt thòi và thiệt hại rất nhiều, môi trường tự nhiên bị hủy hoại, đất nước bị hở sườn…

Bây giờ còn phải nhấn mạnh: Đến nay cả nước học vẫn chưa đủ để biết đoàn kết và hòa hợp dân tộc, vì chỉ có như thế mới có dân chủ và phát huy được sức mạnh của cả nước! Cả nước học vẫn chưa đủ, để hiểu được Trung Quốc, để sống được với đầy đủ sức mạnh, nhân cách và bản lĩnh người láng giềng bên cạnh Trung Quốc, để Trung Quốc thừa nhận Việt Nam là đối tác phải tôn trọng, để thực sự xây dựng được mối quan hệ láng giềng của hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Cả nước có nghĩa bao gồm toàn dân, đảng, chính phủ.., không loại trừ một ai! Học không đủ như thế, trước hết do trí tuệ trong ĐCSVN để cho ý thức hệ lấn át mất những việc phải làm, hướng sai những hoạt động của đảng. Tôi có thể đúng hoặc sai, nhưng xin cho phép tôi nói với cả nước và ĐCSVN suy nghĩ sau đây:

Chúng ta đến hôm nay học vẫn chưa đủ để hiểu biết mọi điều phải biết, và học vẫn chưa đủ để thực hiện được 2 nhiệm vụ chiến lược hàng đầu mãi mãi là lẽ sống còn của tổ quốc chúng ta trên trái đất này.

Một là: Nhiệm vụ xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giầu mạnh, tự do, hạnh phúc, là thành viên có năng lực, được tin cậy và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.

Hai là: Nhiệm vụ tạo ra sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh thực hiện được lẽ tất yếu đời đời là láng giềng của hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng phát triển bên cạnh Trung Quốc, được Trung Quốc tôn trọng!

Thiết nghĩ, nhân dân ta phải cha truyền con nối, thế hệ này sang thế hệ khác, mang hết ý chí, trí tuệ và nghị lực cho thực hiện 2 mục tiêu chiến lược này! Phải sống thật, học thật, làm ăn hết mình cho 2 mục đích này! Thế giới hôm nay càng quyết liệt, càng phải có quyết tâm này, chứ không phải là rúc đầu vào cát mong yên thân!

Tôi mong ĐCSVN rũ bỏ mọi tư duy theo “chủ nghĩa” và ý thức hệ, lấy theo đuổi 2 mục tiêu chiến lược này làm lẽ sống và lý tưởng của đảng, lấy thực hiện 2 mục tiêu chiến lược này là con đường phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc!

Trong cái thiếu nói trên, ở đây còn phải kể đến bộ nhớ của chúng ta bé quá, chưa đủ lớn ở mức lẽ ra phải có, vì thế dễ quên những kinh nghiệm thành / bại và những bài học đau lòng của chính dân tộc mình, quên cả lời hứa, quên cả lịch sử… Không hiếm lúc quên cả cái cảm giác biết nhục, quên nhiều cái nhục… Chưa nói đến những cái nhục chúng ta biết mà không dám biết, không dám nhìn nhận để mà nhục!.. Vì dễ quên kiểu như thế, nên mắc luôn cả căn bệnh dễ bị lừa! Chưa nói đến tự lừa vì hèn! Trong mọi công việc của sơn hà xã tắc, có ai trong mỗi chúng ta dám nói mình không bị lừa, không tự lừa như thế, ít nhất là một lần!?

Sự thiếu thốn như vậy về khả năng ý thức được cái nhục nguy hiểm lắm – nó có thể đánh gục ta ngay trước khi kẻ địch dám đánh ta; nó bắt ta đầu hàng ngay tức khắc trước khi chúng ta dám bắt tay vào làm một việc khó. Thậm chí đã xảy ra những lần nó cướp mất chính ta, mà ta cũng cam chịu, hoặc cố tự dối mình, dối lòng coi như không có chuyện gì xảy ra! Đã xảy ra những lần ta mất cướp đau lắm, đau đến nỗi bị mất cướp mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhiều lúc đau quá mà vẫn không dám la làng! Bây giờ trên các đảo của ta bị Trung Quốc lấn chiếm mất là những căn cứ quân sự uy hiếp toàn vùng. Bao giờ thay đổi được thực trạng này?… Độc lập 43 năm rồi, vươn lên mãi rồi mà vẫn chưa đủ, để biết xấu hổ, để thôi hổng xin ODA nữa… Sản phẩm Việt vài thập kỷ nay đã đi tới khắp 5 châu 4 biển rồi, mà vẫn chưa làm sao tự khẳng định được mình – đến nỗi hôm nay vẫn cứ phải nhọc nhằn đi xin mãi được công nhận là kinh tế thị trường… Có nhiều ví dụ để nói về cái thiếu này lắm!..

Nghĩ về cái nhục của từng cá nhân con người và của đất nước ta hôm nay, phải thừa nhận không lời nào bàn hết được.

Có thể nói, trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước, dù thuộc phạm vi cuộc sống riêng tư cá nhân, hoặc thuộc sinh hoạt của hệ thống kinh tế – chính trị – xã hội quốc gia, mỗi ngày đều có hàng trăm hàng nghìn ví dụ, biết là xanh nhưng phải nói nó là đỏ, biết là ác nhưng phải nói là thiện, biết là thất bại nhưng phải nói là chiến thắng… Biết nói và làm ngược như thế là nhục mà không cảm thấy nhục đã là quá lắm rồi, nhưng tệ hơn thế là: biết là nhục mà không dám nhục!.. Nghĩa là cái gì cũng bị biến dạng thành cái phiên bản “ngược” của chính sự vật! Trong những con người biết được ngược, nghĩ được ngược, song lại cũng cam chịu nói ngược như thế có cả tôi, vì như thế mới sống được! Phải “ngược” như thế, tôi đau lắm, day dứt lắm, mà vẫn cứ một bề “ngược”! “Ngược” ít “ngược” nhiều hoài… Khác chăng so với anh này chị nọ chỉ là sự “ngược” đặm / nhạt thế nào mà thôi! Thú thực, không ít trường hợp tôi đành chọn “câm!” để tránh cái “ngược”.

Ở nước mình, vấn đề nhục lớn lắm, nói ở đây không xuể! Lớn đến mức ý thức nhận biết được nhục cũng bị quyền lực chính trị đối xử như một nọc độc đối với tư duy và đạo đức của chế độ, phải khống chế hay trấn áp đến tê liệt, phải tìm mọi cách bôi trắng, xóa bỏ! Vấn đề nhục trong hàng ngũ quan chức còn ghê gớm, kinh khủng hơn nhiều.

Chỉ xin “gút lại” thế này: Chúng ta, hay là dân mình – hiểu thế nào cũng được, hiện nay vì nhiều lẽ chủ quan/khách quan sẽ bàn sau, rất thiếu trí tuệ và đức hạnh biết nhục ! Thiếu đến mức gần như nước ta cảm thấy không cần, hoặc như hiện nay không có đức hạnh ấy. Hoặc nếu có đức hạnh ấy, cũng quá leo lét, hoàn toàn không đủ mức thức tỉnh mỗi chúng ta và nhân dân ta, hoặc rất dễ bị những đức tính ma quái khác trong/ngoài mỗi con người chúng ta và trong hệ thống chính trị – kinh tế – xã hội của đất nước nuốt chửng mất!..

Xin đừng coi đây là chuyện tôi phỉ báng đất nước mình, nói xấu chế độ, hay có suy nghĩ cay độc đối với nhân dân mình, độc mồm độc miệng với các bạn đọc! Một trăm lần không phải như vậy!

Tôi cắn răng đụng chạm vào vấn đề cực kỳ nhạy cảm này, vì biết có hàng trăm hàng ngàn ví dụ trong đời sống mỗi ngày của đất nước thanh minh cho tôi, những ví dụ ai ai cũng biết, cũng thấy, cũng nhức nhối… Tại đây, còn hơn thế nữa, tôi tự bắt mình phải nói đến vấn đề nhục qua những dòng này, vì là một phẩm hạnh làm người không thể thiếu, là một trong những động lực giúp chúng ta và đất nước ta quyết trưởng thành, biến mỗi chúng ta và tổ quốc chúng ta thành bất khả chiến bại trong thế giới hôm nay.

Bàn về những gì chúng ta có trong tay để thực hiện mệnh lệnh của đất nước, cộm lên trong tôi một ý nghĩ gai góc: Hình như chúng ta chưa thấy hết được cái giầu, cái mạnh của đất nước. Hình như càng chưa hiểu đúng và chưa biết trân quý đủ mức những gì nước ta, chúng ta có trong tay!

Xin miễn kể lể những thành tích, những con số, dữ liệu, sự kiện… nói lên cái giầu, cái mạnh của đất nước, và biết bao nhiêu những cái khác đất nước có trong tay. Những thông tin này đầy ắp trong những báo cáo, những văn kiện quan trọng, tôi cũng nhiều lần đánh giá cao đúng mực trong các bài viết của mình.

Trong bài này tôi chỉ muốn nói lên một vài cảm nghĩ buồn:

Nước ta giầu lắm, mạnh lắm, đến nỗi bao nhiêu sai lầm, bao nhiêu lãng phí, phá hoại… cũng không thể làm nước ta sụp đổ! Có ngã xuống bùn đen như thời tem phiếu và bao cấp, rồi cũng vẫn lóp ngóp đứng dậy được qua đổi mới 1986, bạn bè ngạc nhiên và khâm phục! Dù cho tài nguyên cạn kiệt, sông ngòi ô nhiễm, GDP vẫn tăng trưởng thuộc vào nhóm lọai top của thế giới – tăng thật như thế chứ không phải múa các con số[13]. Còn chất lượng ra sao bàn sau. Nhiều quyền tự do dân chủ của nhân dân bị tước đoạt, cái ngu dốt và dối trá lên ngôi hàng ngày hàng giờ, thế mà kinh tế và chế độ vẫn không sụp đổ! [Nhiều năm nay tôi đã phải thốt lên, đã phải cảnh báo: Để bất công, tham nhũng, tội ác và dối trá ngự trị đất nước như thế này, chế độ này mà ở các nước khác có lẽ phải sụp đổ đến ba bốn lần rồi! Phải chặn ngay diễn tiến này!]

Việt Nam vẫn được thế giới thừa nhận là giữ được ổn định… Nhưng thật khó mà nói hết được những yếu tố tiêu cực và những phá hoại hàng ngày đã mang lại cho đất nước chúng ta những tổn thất lớn lao như thế nào, trên mọi phương diện…

Dù thế nào đi nữa, cho đến giờ phút này cái giầu và mạnh và mạnh của đất nước và mọi cái khác đất nước có được trong tay vẫn lớn hơn mọi tội ác, sự phá hoại và các yếu tố tiêu cực cộng lại!
Phải nói ngay, đấy là nhờ nhân dân ta giỏi quá, chịu thương chịu khó và hiền quá, bao dung đối với đảng và chế độ nhiều quá!.. Bởi vì đảng từ nhân dân mà ra, nhân dân coi đảng như con cháu mình. Trong thời cách mạng và kháng chiến nhân dân đã hy sinh tất cả để nuôi nấng, bảo vệ đảng! Trong thời bình đã khoan dung bao nhiêu sai lầm nghiêm trọng của đảng! Còn đảng đối xử với nhân dân như thế nào, đấy là chuyện của đảng, tự đảng trước sau sẽ phải xem xét…

Trong tôi buốt nhói câu hỏi: Nếu có cách gì khắc chế được những sai lầm, phá hoại và tiêu cực này, đất nước chúng ta hôm nay sẽ như thế nào trước cái thế giới khắc nghiệt thời chuyển đoạn?!
Câu hỏi này trong tôi còn ê buốt hơn nữa khi diễn ra cuộc gặp thể thao liên Triều tại thế vận hội mùa đông ở PyeongChang/Hàn Quốc – như một sự kiện bứt vượt lên trên mọi trở lực chiến lược và sự căng thẳng đến tột độ của địa kinh tế và địa chính trị ở vùng này. Đấy là một thắng lợi lớn dù nhất thời của nhân dân hai miền Triều Tiên.

Sự kiện nêu trên khiến tôi tự hỏi mình: Nếu Việt Nam hôm nay có sức mạnh kinh tế như Hàn Quốc, có sức mạnh phòng thủ như Bắc Triều Tiên, Việt Nam của tôi sẽ đứng ở đâu trong thế giới hôm nay? Hơn nữa Việt Nam lại có thống nhất đất nước mà 2 miền Triều Tiên không biết bao giờ mới có được! 43 năm độc lập thống nhất là khoảng thời gian hoàn toàn đủ để Việt Nam có một nền kinh tế và khả năng phòng thủ như thế! [14]

Những năm qua, trong một số bài viết tôi đã đặt câu hỏi: Quá trình công nghiệp hóa 30 năm (1986 – …2018) Việt Nam huy động được nguồn vào (input) tính theo giá trị và tính theo đầu người nhiều gấp đôi 30 năm (1960 – 1988) công nghiệp hóa của Hàn Quốc, tại sao Hàn Quốc thành công, nhưng Việt Nam thì không?

Đến giờ này tôi vẫn đang chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo đảng và nhà nước.

Như thế, thử hỏi: Chúng ta đã biết hiểu, đã biết trân quý, đã biết vận dụng tốt những gì đất nước chúng ta có trong tay hay chưa?

Đấy là chưa nói đến tổ quốc Việt Nam của chúng ta còn có trong tay một thứ vốn tinh thần vô cùng quý báu: Một thời, sự nghiệp kháng chiến vô cùng anh dũng giành độc lập của Việt Nam đươc xem là lương tri của nhân loại, tập hợp được sự đồng tình và hậu thuẫn của cả nhân loại tiến bộ!

Một dân tộc, một đất nước như thế, nếu hôm nay kế thừa được truyền thống này, thành công trong sự nghiệp xây dựng một quốc gia đáng sống cho dân tộc mình, giương cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế – xin hỏi Một Việt Nam như thế sẽ là gì trong thế giới này!? Càng nghĩ càng tiếc nuối.

Nhưngxin thưa: 43 năm qua, đất nước chúng ta còn có một kho vốn quý vĩ đại hơn thế nhiều lần cái vốn quý kể trên.

Đấy là:

Năm này qua năm khác đất nước ta đã có hàng ngàn hàng vạn, những tấm gương chiến đấu hy sinh, những kiến nghị đầy trí tuệ, những việc làm đã đem lại thành quả rõ rệt, gợi ra hướng phát triển mới của đất nước, nâng cao dân trí và quyền năng của nhân dân, làm đảng trong sạch vững mạnh, kế tục vẻ vang sự nghiệp anh dũng kháng chiến cứu nước, mở ra khả năng quần tụ dân tộc đổi đời đất nước, thay đổi vị thế đất nước… Trần Độ, Trần Xuân Bách, Kim Ngọc… là một số ít cái tên trong hàng trăm cái tên và người vô danh – đã ngã xuống, đã ra đi, hay còn sống – đại diện cho một đất nước mong muốn đứng lên như thế!.. Song phần lớn những bảo bối này bị thui chột, bỏ phí. Thậm chí có những người nêu gương anh hùng xả thân vì nước như thế bị ngược đãi, hoặc trở thành nạn nhân của trấn áp – tội duy nhất của họ là yêu nước và đi tiên phong, dám bất đồng chính kiến, dám nghĩ khác, làm khác, dám mong đổi đời đất nước…

Có nhiều nguyên nhân gây ra thực tế đau lòng này.

Song nói thẳng thắn, nguyên nhân chủ yếu là đảng không thừa nhận quyền làm chủ của nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do đó đảng sợ dân chủ, ngăn cấm xã hội dân sự. Đây là sự lãng phí và hủy hoại nghiêm trọng vốn con người và nguồn nhân lực – vốn quý nhất của quốc gia, kìm hãm sức manh của đất nước!

Còn tổn thất hay lãng phí nào đau lòng hơn cho nhân dân, cho đất nước chúng ta?

Ai không sót sa khi tự hỏi mình như thế?

Xin đừng bắt tổ quốc của chúng ta làm con chuột bạch thí nghiệm mãi cho chủ nghĩa nữa! Trong thế giới quyết liệt hôm nay mà còn làm như thế nữa thực ra chỉ có lợi cho các loại lợi ích nhóm, giam cầm đất nước, an ninh và tiền đồ quốc gia bị uy hiếp!

Xin dẹp sang một bên mọi ân oán và hèn mọn cũ, để tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật! [Xin nhớ cho: Để đất nước ta có bao nhiêu chuyện đau lòng và lận đận như hôm nay, không một đảng viên nào của ĐCSVN có thể nói mình vô can! Hàng chục năm nay không biết bao nhiêu lần tôi đã phải tự nhiếc mắng mình như thế!]

Xin tất cả hãy vì tổ quốc trên hết, để cùng nhau thảo luận hết nhẽ những câu hỏi sót sa đang đặt ra cho mỗi chúng ta! Lấy trả lời những câu hỏi như thế để tìm ra hướng đúng đắn làm những việc thiết thực cuộc sống đất nước đòi hỏi. Lấy trả lời những câu hỏi như thế làm lẽ sống của mình, người dân nước ta sẽ ra sao? ĐCSVN hôm nay sẽ ra sao?

Đảng hiểu những gì tự tay mình làm hỏng, tự tay mình đánh mất, chắc chắn đảng sẽ nên người!

Sự ổn định đất nước ta đang có được thật vô cùng quý! Có thể ví sự ổn định này như một ốc đảo cho nhân dân ta sinh tồn, là nơi đến của đầu tư nước ngoài và bạn bè thế giới, là nơi gặp gỡ của hòa bình – hữu nghị – hợp tác – phát triển giữa cái sa mạc khắc nghiệt của sự mất ổn định, của những uy hiếp và giành giật hỗn loạn đang diễn ra trong thế giới thời chuyển đoạn.

  • Chúng ta đã hiểu hết được ý nghĩa – kể cả ở tầm chiến lược quốc gia, biết trân quý sự ổn định này?
  • E rằng chưa!

Thậm chí có ý thức hoặc vô ý thức, chúng ta – ở đây kể cả người cai trị và người bị cai trị – hàng ngày có không biết bao nhiêu hiện tượng ấu trĩ, tội ác hay việc làm sai trái đang làm tổn thương, đang hủy hoại sự ổn định không gì mua được này.

Tệ hơn nữa và vô cùng nguy hiểm: Đang có nguy cơ ngày càng lớn – nhân danh duy trì sự ổn định của đất nước và bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa – biến sự ổn định không thể thiếu được này – như con người cần không khí – thành một cái hố đen của trì trệ, trấn áp và kìm kẹp tự do tư duy, để một ngày nào đó chính cái hố đen này sẽ có thể nuốt chửng đất nước vào bạo loạn và đổ vỡ!

Nguy cơ này đến từ phía đảng.

  • Làm thế nào bây giờ?
  • Chỉ có một giải pháp: Phải thay đổi cách nghĩ!

Hiện nay đảng suy nghĩ theo kiểu cai trị dân, vì thế cho rằng dân chỉ lăm le muốn lật đổ mình, hoặc thậm chí bằng cách gán cho những bức xúc phản ứng của dân cái tên gọi “các thế lực thù địch” để dễ bề trấn áp, qua đó tự mình đẩy dân đi vào con đường bạo loạn lật đổ.

Trong những điều kiện của nước mình, có thể dám chắc: Nếu đảng tìm đường cải cách mở lối sống cho đất nước trong thế giới quyết liệt hôm nay, dân sẽ hoàn toàn đồng tình, ủng hộ và bảo vệ đảng. Còn nếu đẩy dân vào thân phận con giun xéo mãi cũng quằn, mọi chuyện đau lòng đều có thể!

Đến nay chỉ có một dúm phần tử nào đó không có lực lượng gì đáng kể đang muốn lạm dụng danh ghĩa dân để theo đuổi mục đích vụ lợi. Cũng phải nói: Chế độ chính trị đang cho những hoạt động tuyên tuyền và báo chí “bơm phồng” những “dúm” này thành những con ngoáo ộp dọa dân, để biện minh cho những hành động trấn áp sự bức xúc của dân.

Đang hình thành ngày càng lớn sự phản đối trong dân đối với tệ nạn tham nhũng và những sai lầm / tội lỗi khác ngày càng trầm trọng của chế độ[15]. Vì thế xuất hiện những người hay những nhóm người muốn đấu tranh với mục đích rõ ràng: phản đối tệ nạn và đòi thay đổi chế độ bằng con đường không dùng bạo lực, để cải thiện tình hình đất nước, chứ không nhằm phản lại đất nước hay bán nước. [Những người theo đuổi mục đích phản quốc là vấn đề khác, không thuộc phạm vi thảo luận này.]

Nếu đảng và chế độ chính trị không chấp nhận mục tiêu và cách đấu tranh như thế của họ, thì nên đối thoại trực tiếp với họ. Hiến pháp hiện hành dù chưa hoàn mỹ, song hoàn toàn có thể cung cấp đầy đủ những cơ sở và phạm vi pháp lý cho cả 2 bên đối thoại để nói chuyện với nhau, để thuyết phục nhau, cùng nhau tìm ra thỏa hiệp, đồng thuận hay giải pháp. Nếu hai bên đối thoại cùng vì những lợi ích của đất nước và nhân dân, thì tại sao không làm được như thế?

Hoàn toàn không nên quy kết họ là phản động, đẩy họ vào hàng ngũ thù địch để trấn áp quyết liệt – với hy vọng sẽ bịt miệng và uy hiếp được triệt để xu hướng này trong cả nước. Đây là một tính toán sai lầm. Bởi vì làm như thế chỉ khiến cho nội tình đất nước thêm trầm trọng, tạo mầm mống cho chia rẽ và nội loạn, kẻ xấu trong / ngoài nước được dịp đục nước béo cò[16], đến một mức nào đó tình hình sẽ là không thể kiểm soát được.

Đảng có trí tuệ dám đối thoại với dân như thế sẽ là đảng yếu hay mạnh? Nhân dân sẽ hoan nghênh hay la ó? Kẻ thọc gạy bánh xe sẽ còn hay mất đất làm ăn?

Nên xây dựng cho đảng khả năng lãnh đạo được một nhân dân ngày càng trưởng thành, hay nên tăng cường cho đảng khả năng đẩy mạnh “quán triệt” (thực ra là “ngu dân”) và trấn áp? Đất nước cần loại đảng nào?

Đồng thời cũng phải nói: Trong tương quan các lực lượng chính trị ở xã hội Việt Nam hiện nay, không có một “dúm” người Việt nào sống trong / ngoài nước dù muốn, có thể lật đổ được ĐCSVN – trừ phi đảng ngày càng tha hóa quá đỗi, tự dấn thân mình vào con đường sụp đổ.

Sự thật nhãn tiền hàng chục năm nay là: Đang tồn tại hiện tượng yếu kém và tha hóa của đảng giống như bệnh lao đang ngày càng hủy hoại đảng. Đã tới lúc rất bức bách phải tìm cách chữa bệnh lao này, trước khi nó đi vào giai đoạn ác tính! Dựa vào nhân dân và vì nhân dân, bệnh này hoàn toàn chữa được, ĐVSVN sẽ thành một đảng mới của dân tộc để tiếp tục truyền thống cách mạng và sứ mệnh chính trị của mình, dân rất muốn như vậy – vì đấy là con đường bình an của đất nước, gìn giữ mọi sức lực của đất nước để đi tiếp. ĐCSVN hoàn toàn có thể làm một cuộc thăm dò đúng đắn theo tinh thần này – công khai hoặc không công khai, tùy! – xem có phải lòng dân muốn lựa chọn con đường bình an như thế cho đất nước và muốn chọn một đảng như thế hay không?

[Tôi biết, viết đến đây sẽ lại có những tiếng nói cho tôi là mơ hồ, là ngu trung, là gì gì nữa… Bởi vì những tiếng nói ấy cho rằng “Không có một đảng cộng sản nào có thể cải tạo được! ĐVSVN cũng vậy!” Họ có thể đúng. Nhưng tôi trước sau vẫn đi tìm một con đường tránh cho đất nước một cuộc bể dâu mới – cho đến khi tôi hoàn thoàn thất bại, hoặc tôi thành công!..]

Lãnh đạo dân hay cai trị dân, đảng còn hay mất đảng – tất cả chỉ khác nhau ở chỗ lựa chọn hay chống lại con đường bình an này mà nhân dân mong muốn mà thôi. Tôi nghĩ thế.

Làm gì có chuyện tuyên truyền theo kiểu xuyên tạc, hoặc sử dụng lực lượng dư luận viên, dung túng “hội cờ đỏ” hòng mong triệt tiêu hay thủ tiêu được mọi bức xúc hoặc nguyện vọng chính đáng của nhân dân?! Làm sao bỏ tù những người bất đồng chính kiến rồi dán cho họ đủ mọi thứ nhãn mác phản động.., mà có thể an nước an dân?..   Vân vân…

Làm theo cách nghĩ như thế, chính là ĐCSVN tự tay cuốc vào thành trì của sự ổn định, tổn phí năng lượng quốc gia, đồng thời đảng tự chuốc lấy nguy cơ và thảm họa mới cho đất nước.
Làm như thế chính là lấy đá ghè chân mình, tự phản công trực diện hay ngấm ngầm vào sự tồn tại của đảng!

Hồ Chủ tịch từng nói đảng là đầy tớ, là công bộc của dân.

Đúng thế, cuộc sống hôm nay đòi hỏi hơn bao giờ hết: Đảng phải coi nhân dân là cha mẹ, quyết một lòng chỉ có phục vụ nhân dân!

Hôm nay trong tôi vẫn vang lên bài hát “Vì nhân dân quên mình” thời tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “…Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần…”

Có thể nói: Chừng nào đảng làm cho đất nước độc lập, dân chủ, giầu mạnh, tự do, hạnh phúc, chừng đó chắc chắn còn đảng! Vì dân và lấy dân làm chỗ dựa bất di bất dịch, ĐCSVN hoàn toàn có thể ngửng mặt trên thế giới này, không phải né hoặc phải lủi, chắc chắn đảng cũng không phải “ngược” – như chế độ chính trị hiện nay đang phải dung dưỡng cái “ngược” vô liêm sỉ này, bất luận là trong đối nội và đối ngoại.

Làm được như thế, nghĩa là đảng cũng có tự do!

Nếu đảng đẩy dân vào đường cùng, theo kiểu tư duy “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình!”, thì tự tay đảng đã và đang từng ngày, từng ngày thiết kế sự cáo chung của đảng!

Một lần trong mấy ngày Tết Mậu Tuất, một cán bộ cao cấp đang tham gia công tác lý luận của đảng hỏi tôi:

  • Cái yếu nhất, sai nhất của ĐCSVN hôm nay là gì?
  • Là nhìn nhận sai lầm vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ. Xoay ngược lại cái trục tư duy sai lầm này, đảng sẽ trở thành đảng của dân tộc, và do đó bất khả chiến bại. Chẳng lẽ ĐCSVN không muốn như thế? Học ĐCSTQ làm gì trong câu chuyện này?! Bởi vì ĐCSVN có nhiệm vụ chính trị đối với đất nước Việt Nam hoàn toàn khác với nhiệm vụ chính trị của ĐCSTQ đối với đất nước Trung Quốc. Nhiệm vụ chính trị của ĐCSTQ đối với Trung Quốc là khuất phục cái đích Việt Nam. Còn nhiệm vụ chính trị của ĐCSVN đối với đất nước là làm cho Việt Nam sống được với tư cách là nước độc lập, dân chủ, giầu mạnh, tự do, hạnh phúc bên cạnh Trung Quốc! Sự khác nhau như gữa đen và trắng, giữa đêm và ngày…

Về phía nhân dân, tôi chỉ xin phép đặc biệt lưu ý: Bất kỳ một kịch bản đổ vỡ, bạo loạn hay lật đổ nào xảy ra trên nước ta, đều không thể có cái kết như ở các XHCN Liên Xô – Đông Âu cách đây trên 2 thập kỷ được đâu!

Ở nước ta mọi tình huống như thế hầu như chắc chắn sẽ mở đầu một cuộc bể dâu mới, dẫn theo mọi thảm họa có thể cho đất nước. Nhất quyết đấy không phải là sự lựa chọn cho Việt nam. Hôm nay cứ nhìn vào những gì đang xảy ra ở Syrie và Ukraina, sẽ có thể hình dung cái địa ngục trần gian này, 2 quốc gia này chưa biết đến bao giờ mới thoát ra được! Hàng trăm nghìn sinh mạng của 2 quốc gia này đã bị cướp đi! Thảm họa nhân loại vẫn đày đọa tiếp nhân dân hai nước này!..

Con đường sống của Việt Nam bây giờ là phải làm cải cách thắng lợi!

Mà nói đến tiến hành cải cách đổi đời đất nước như thế, thì chỉ có một con đường: Cả nhân dân và đảng phải cùng nhau thực hiện, không ai làm thay được!

Nắm vững như thế để đứng lên hành động, để cứu nước, nhân dân ta sẽ biết phải làm gì, sẽ chẳng bao giờ mắc bẫy – dù là của ai cài đặt, càng không thể bị lung lạc.

Nắm vững như thế, nhân dân có thể giúp đảng đổi mới thành đảng của dân tộc.

Nắm vững như thế, nhân dân sẽ có đủ nghị lực dạy dỗ, chăm sóc đảng với tính cách là con cháu mình, giúp nó, rèn giũa cho nó nên người mà đất nước hôm nay đòi hỏi.

Nắm vững như thế, tự nhân dân sẽ đứng lên là chính mình và đủ tư cách làm chủ nhân của đất nước. Quyền làm chủ này không ai mang đến cho dân được, phải phấn đấu tự trưởng thành lên mà giành lấy.

Điểm lại hành trang để quyết dấn thân vào cái thế giới quyết liệt hôm nay, xin nhắc lại đôi điều.
Trong 4 cuộc chiến tranh hủy diệt nước ta, nhân dân ta đã phải nếm trải những chặng đường: Đất nước bị chia đôi hứng chịu mọi bom đạn để thiên hạ “tọa sơn quan hổ đấu”, kẻ xâm lược nhất quyết đẩy nước ta vào thời kỳ đồ đá, đem cả một đạo quân 60 vạn đủ mọi bom đạn dạy nước ta bài học, sẵn sàng hy sinh 2 triệu dân Capuchia để tiêu diệt 50 triệuruôn”[17]… Đồng thời trong suốt 73 năm qua nước ta còn là nạn nhân của những cuộc đổi chác, bán đứng sau lưng, những vụ cướp giật biển đảo, những cuộc bị lừa mỵ có chết nhắm mắt cũng không quên được…

Chúng ta phải khép lại quá khứ. Dứt khoát phải khép lại quá khứ!

Song cũng dứt khoát không bao giờ được quên quá khứ, trước hết để nghiêm khắc với chính mình, để nhận cho ra, cho thấm thía những lầm lỗi, những bài học, kinh nghiệm và những cái giá chết người đã phải trả, để không hư hỏng, không mơ hồ, để không bao giờ chịu ngu dốt, không bao giờ chịu chịu để thiên hạ chia rẽ, đánh lừa hoặc bắt nạt. Mỗi người dân chúng ta phải quyết như thế, để nhận lỗi về mình: Tổ quốc chúng ta không đáng, ngàn lần không đáng phải lận đận, phải leo dây mãi như 43 năm độc lập thống nhất vừa qua!

Không bao giờ được quên quá khứ, để hôm nay chúng ta quyết học hỏi và lao động hết mình, để mang lại cho tổ quốc chúng ta đoàn kết không gì có thể phá vỡ, tích tụ mọi sức mạnh chấm dứt thân phận đất nước dặt dẹo, để đất nước không phải đi ăn xin, không phải leo dây, sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, để có đủ sức mạnh làm nản lòng mọi dã tâm đối với tổ quốc chúng ta.

Chúng ta nhất quyết không bao giờ quên quá khứ, để trưởng thành, để nên người, để có đủ trí tuệ, nghị lực và tài năng làm cho tổ quốc chúng ta được sống xứng đáng với phẩm cách của một quốc gia độc lập, dân chủ, giàu mạnh, tự do, hạnh phúc trên trái đất này, xứng đáng với tin yêu của bạn bè trên thế giới.

Chúng ta không cần vẽ ra cho mình và đất nước mình giấc mộng nào. Song chúng ta quyết không quên quá khứ, để đủ ý chí và nghị lực đứng vững chãi trên trái đất này, cha truyền con nối thực hiện bằng được hai nhiệm vụ chiến lược!

Đứng trong thế giới đầy thử thách quyết liệt hôm nay, chúng ta quyết không quên quá khứ, để nuôi ý chí phải sống!

Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị, ngày 12-03-2018
Viet-studies
 [i] Tìm xem: Nguyễn Trung, “Sau thế kỷ “đỏ” sẽ là thế kỷ “xám”? (06-11-2017)”, http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_TheKyDoXam.html

[2]SOHA, Hồng Anh | 06/03/2018 20:17

[3] Những diễn biến mới nhất trong quan hệ liên Triều làm dịu tình hình một bước, song nguồn gốc của vấn đề vũ khí A Bắc Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn. Mọi khả năng về những diễn tiến tiếp theo đều để ngỏ, hoặc là sẽ có một bước hòa dịu mới với triển vọng nhất định – tùy thuộc vào cuộc găp thượng đỉnh liên Triều, hoặc đây chỉ là sự hưu chiến trước khi mở ra một vòng căng thẳng mới. Ở Mỹ có ý kiến cho rằng bước đi của Kim Chung Un hiện nay chỉ là một cái bẫy. Có khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, song có quá nhiều vấn đề còn để ngỏ.

[4] Một ví dụ: Kinh tế Trung Quốc hiện nay tính theo đầu người có quy mô lớn hơn năm 1978 khi bắt đầu đổi mới là 40 lần, song quy mô toàn bộ nền kinh tế lớn hơn ước khoảng hàng trăm lần!

[5] Tham khảo: E. Simpson, “Globalization Has Created a Chinese Monster”, http://qoshe.com/foreign-policy/emile-simpson/globalization-has-created-a-chinese-monster/2283978 – Foreign Policy 26-02-2018. Ngoài ra từ hàng chục năm nay có nhiều nghiên cứu và bài viết khác cùng đi tới kết luận này, trong đó phải kể đến cuốn sách “Death by China” của Peter Navarro. Nhìn lại, phải nói Frankenstein-Trung Quốc được tháo xích kể từ cuộc gặp Mỹ – Trung tại Thượng Hải 1972.

[6] Nguyễn Quang Dy trong những bài viết gần đây của mình gọi đó là thất bại của người đánh cờ tướng đấu với kẻ chơi cờ vây!

[7] “Quan hệ” – đây thực sự là một khái niệm mới mang trong nó đấy sự bất minh và tính mafia, trước hết tồn tại trong phạm vi nội trị của một quốc gia, và ngày càng được mở rộng ra phạm vi quốc tế.

[8] Tìm xem: Nguyễn Quang Dy “Watching the Dragon rise” – http://blog.jonathanlondon.net/?p=769

[9] Tham khảo: Nguyễn Quang Dy “Điều chỉnh chiến lược hay trở về tương lai?” http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_DieuChinhChienLuoc.html

[10] Tham khảo: Soha, “Người Nga và kịch bản Trung Quốc tấn công Nga” 21/03/2013 http://soha.vn/quan-su/nguoi-nga-va-kich-ban-trung-quoc-tan-cong-nga-20130321205206159.htm

[11] Tham khảo các tin tức đăng trên:
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thu-tuong-duc-chau-au-phai-tu-nam-lay-so-phan-minh-20170529094732816.htm
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/thu-tuong-merkel-anh-va-khong-con-la-dong-minh-tin-cay-cua-au-chau/

[12] Tìm xem trên Viet-Studies – http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiTamQuyet.html

[13] Thật ra so sánh như thế cũng chỉ để tự sướng. Trong 30 năm công nghiệp hóa của Hàn Quốc, tăng trưởng GDP thường là 2 con số. Trung Quóc cũng có thập niên GDP tăng trưởng 2 con số.

[14] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Hàn Quốc –     CHDCND Triều Tiên …và Việt Nam?” 12-02-2018 http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_HanQuocTrieuTienVietNam.html

[15] Tại hội nghị Trung ương 6 khóa XI Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn ngào xin lỗi dân, xin lỗi đảng về tình trạng tham nhũng và những tệ nạn đã xảy ra!

[16] Hàng ngày trên mạng có nhiều tin tức, bài viết rất tinh vi nhằm mục đích chia rẽ và kích thich nội loạn. Chỉ có nâng cao hiểu biết của dân và thực hiện công khai minh bạch là cách hiệu nghiệm nhất vô hiệu hóa những hành động thù nghịch này đối với đất nước.


[17] Chỉ người Việt – cách gọi hỗn láo của bè lũ Polpot.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad