Ông Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ bản thân ‘rất thanh thản’, một phần vì được sống trong một đất nước đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới. Mặt khác, ông cũng đề cập đến sự trăn trở, day dứt vì ‘trong khả năng có hạn, tôi đã không làm được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa cho dân, cho nước’. Đối với những hạn chế, yếu kém, ông nhấn mạnh đó chính là liên đới đến ‘trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ’.
Sở dĩ phải nhắc lại người đứng đầu Chính phủ một thời, vì thời gian gần đây, ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu hiện diện lại trên báo chí – gần nhất là trong Hội nghị cán bộ TP HCM quán triệt Kết luận số 21 và thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Thứ hai, ông Nguyễn Tấn Dũng là người được nhắc khéo léo qua lời của ông Nguyễn Công Khế (nguyên TBT báo Thanh Niên), người kể lại lời than vãn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là: 30 tỷ đô để lại bị phá hết.
30 tỷ đô và chữ 'nếu'
Lời than vãn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có lẽ là sự trăn trở và tiếc nuối về người kế nhiệm - người từng được kỳ vọng đẩy mạnh sự cải cách, nhưng kết quả thì ngược lại.
Nhưng nếu ông Khải 'tiếc nuối' một, thì người dân lại tiếc nuối 10, bởi họ đã trải qua 10 năm kinh hoàng của sự bộc phát đầy sự yếu kém về mặt điều hành, chỉ đạo kinh tế; làm vụt mất những cơ hội trăm năm có một của quốc gia.
Một số phản hồi trong trang cá nhân của ông Nguyễn Công Khế cho rằng, người được ông Phan Văn Khải lựa chọn là Phó Thủ tướng Vũ Khoan chứ không phải là ông Dũng, và họ cũng bày tỏ rằng: đà hội nhập, phát triển, sanh vai với bạn bè thế giới có khi đã khác nếu như ông Vũ Khoan làm Thủ tướng – ít nhất, ông Vũ Khoan là người hiểu về sự vận động kinh tế và nắm bắt các cơ hội kinh tế trong vai trò đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.
Vấn đề là không có chữ ‘nếu’, thành ra người tử tế sau khi đưa kinh tế nước nhà tăng trưởng đi xuống (từ 8.5% xuống còn 3.1% chỉ sau 1 năm cầm quyền (2008-2009); người đã thay vì loại bỏ 122 giấy phép ‘hành dân’ mà dưới thời ông Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ ra thì lại bỏ mặc nó và làm phát sinh thêm hàng ngàn giấy phép con (7.000 giấy phép con); người đã không nghiêm khắc nên các quan địa phương tung hoành nạn con ông cháu cha, cài cắm người vào các bộ máy/ cơ quan nhà nước.
Và giả như nếu ‘được làm nhiều hơn nữa’, thì chắc Việt Nam tiếp tục kéo dài khoảng cách tụt hậu so với các nước,…
Hối tiếc và trách nhiệm chính trị
Hối tiếc là trạng thái cảm xúc cá nhân thì có liên quan gì đến trách nhiệm chính trị? Thực ra, trong đời sống hệ chính trị đặc trưng Việt Nam, cần lắm nhiều những ‘hối tiếc’ mang tính nhìn nhận những gì làm được và chưa làm được, để tự ‘thẹn’ với lòng hơn là ‘trách nhiệm chính trị’ - với sự đổ lỗi cho tập thể.
Ví như ông Phan Văn Khải, nếu ông bày tỏ sự hối tiếc, thì chắc hẳn đó là sự hối tiếc không đấu tranh đến cùng để đưa người mà ông chọn lên ghế Thủ tướng. Bởi khi đó, di sản và xu hướng được kế thừa sẽ không bị phá nát trong 10 năm tiếp theo.
Nhưng vì mô hình của Việt Nam là 'cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo', nên thành ra, dù một người nhìn ra được người kế nhiệm không xứng tầm, nhưng 9 người còn lại không nhìn ra, thì cái 'tầm nhìn' sẽ bị vô hiệu hóa. Từ đây, cũng dẫn đến cái gọi là 'trách nhiệm chính trị' - điều mà ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi được phóng viên hỏi về sự 'day dứt' liên quan đến công vụ trong thời kỳ còn nắm quyền Thủ tướng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được số đông Bộ Chính trị chọn vào ghế Thủ tướng, và khi ông làm sai, thì ông cũng chỉ là người phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà Bộ Chính trị đề ra, do đó – cái trách nhiệm chính trị mà ông Nguyễn Tấn Dũng nêu trên, vừa mang tính chối bỏ trách nhiệm, vừa thể hiện tính hiện thực của nền chính trị nước nhà ‘cha chung không ai khóc’. Đây là lý do vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng mãi mãi đứng bên ngoài vòng pháp luật, còn những người dưới quyền ông phải chịu cảnh tù tội. Và đây cũng là lý do vì sao, ông Phan Văn Khải mới nhấn mạnh, thời ông ấy – ‘làm được cỡ 70%’ cơ ông Võ Văn Kiệt là ‘giỏi rồi’.
Hối tiếc nếu trong một thể chế thượng tôn pháp luật thì nằm dưới bậc trách nhiệm, nhưng ở Việt Nam, hối tiếc lại cao hơn trách nhiệm - vì nó có thể đánh giá nhân cách. Trong khi trách nhiệm chính trị đơn thuần chỉ là lối đá luân phiên quả bóng trách nhiệm.
Và hội nghị cơ chế đặc thù TP.HCM, có lẽ cần sự hiện diện của những người tự nhận mình ‘không tử tế’ vì đã tiêu sài một cách hoang phí 30 tỷ đô la ngân sách. Những người còn đau xót trước thực trạng phát triển của quốc gia hơn là ‘thanh thản, hạnh phúc’ với sự tô vẽ viễn cảnh một quốc gia đang trên ‘đà hội nhập’ (mặc dù nó không phải như vậy). Có vậy, mới có đủ tâm và tầm đóng góp và hình thành cơ chế đặc thù cho sự phát triển một thành phố, một khu vực, và cao hơn là cho một quốc gia.
Ánh Liên
VNTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét