Bản lên tiếng bênh vực các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án Hội Anh em Dân chủ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Bản lên tiếng bênh vực các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án Hội Anh em Dân chủ


các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án Hội Anh em Dân chủ. Ảnh: Trần Nhật Phong
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm

Vào ngày 5/4/2018 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án Hội Anh Em Dân Chủ theo bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, truy tố các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, căn cứ Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999.

Đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến một tổ chức xã hội dân sự hoạt động ôn hòa và bất bạo động, nhưng bị cáo buộc thực hiện hành động “lật đổ chính quyền nhân dân”. Chắc chắn phiên tòa sẽ trình diễn một vở kịch hài hước bởi đã được dàn dựng cẩn thận về kịch bản, diễn biến và kết quả. Tất nhiên bản án sẽ được tuyên ở phiên tòa như thế cũng hoàn toàn vô giá trị.

Dù vậy, trong tinh thần đồng hành kề vai sát cánh với các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án này, đồng thời để biểu lộ thái độ phản kháng đối với phiên tòa lố bịch sắp diễn ra, chúng tôi – các tổ chức và cá nhân cùng ký tên dưới đây – đồng lòng lên tiếng bênh vực các bị cáo trong vụ án Hội Anh Em Dân Chủ như sau:

Xét vì:

Thứ nhất, bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là sự sao chép sơ sài và nghèo nàn bản Kết Luận Điều Tra số 22/ANĐT-P5 ngày 12/12/2017 của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an. Điều đó cho thấy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chẳng những không thực hiện đầy đủ vai trò giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, mà còn là một cánh tay nối dài thụ động và lười nhác của Cơ quan An ninh Điều tra.

Thứ hai, đây là một vụ án chính trị thuần túy nhằm xét xử các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà, thể hiện qua nội dung và số hiệu (có ghi chữ “CTr”) của bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017. Đó hoàn toàn không phải là một vụ án hình sự thông thường đối với những người vi phạm pháp luật thông thường. Bản chất chính trị của vụ án mặc nhiên tố cáo sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền công dân của nhà cầm quyền Việt Nam.

Thứ ba, Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999, mà bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 viện dẫn để truy tố các bị cáo ra trước tòa, đã bị thay thế bởi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017). Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 do đó đã không còn tồn tại và đã bị thay thế bởi Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Việc áp dụng hồi tố một điều luật cũ như vậy đã vi phạm nghiêm trọng Nguyên tắc Bất Hồi Tố của pháp luật hình sự trên toàn thế giới, bất kể Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 sai trái của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về việc thi hành Bộ Luật Hình Sự 2015 cho phép.

Thứ tư, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp 2013, Bộ Luật Hình Sự 1999 và Bộ Luật Hình Sự 2015, hoàn toàn không quy định và diễn giải cụ thể thế nào là “chính quyền nhân dân” và tính hợp hiến, hợp pháp của nó ra sao. Một khái niệm tổng quát, mơ hồ và thiếu căn cứ pháp lý như vậy không thể và chưa bao giờ là một thực thể chính trị hoặc là một định chế pháp lý chính danh có thể dùng để cáo buộc bất kỳ ai có hành động chống lại hoặc lật đổ nó. Trong khi đó, quyền con người và quyền công dân là những quyền mà Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế mà nhà nước CHXHCN Việt Nam tham gia đều ghi nhận cụ thể và tuyên bố bảo vệ. Do vậy, không thể nhân danh “chính quyền nhân dân” để vi phạm quyền con người và quyền công dân.

Thứ năm, hoạt động được mô tả trong bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 là những điều mà một người dân bình thường được quyền thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của mình với tư cách là một công dân và một con người theo Hiến pháp 2013 của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, không thể dựa vào sự mô tả đầy kỳ thị, ác ý và lệch lạc về các hành động đó để bỏ tù và tuyên án những công dân đang thực thi quyền con người và quyền công dân một cách bình thường.

Thứ sáu, các “chứng cứ” nêu trong bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 chỉ là sự suy diễn đơn thuần nhằm mục đích gán ghép tội trạng cho các nhà hoạt động xã hội dân sự, chứ không dựa trên cơ sở pháp lý và chuẩn mực pháp lý, dù sơ đẳng nhất, để chứng minh hành vi của các bị cáo có vi phạm pháp luật hay không một cách thuyết phục. Do đó, những ai đã tạo dựng nên các chứng cứ như vậy cũng cần phải hiện diện tại phiên tòa để trả lời chất vấn của các luật sư và bị cáo về cách thu thập chứng cứ và nội dung chứng cứ.

Thứ bảy, trong quá trình điều tra vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm thời hạn tạm giam luật định theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và, do đó, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của hai nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà. Những cán bộ điều tra vi phạm pháp luật như thế cần phải hiện diện tại phiên tòa để trả lời chất vấn của các luật sư và bị cáo về toàn bộ quá trình điều tra vụ án.

Thứ tám, quyền tìm kiếm và nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức khác có thể được xem là quyền thiết yếu để duy trì các hoạt động nhân quyền một cách bên vững. Các tổ chức xã hội dân sự nói chung, hoạt động trên nguyên tắc “phi lợi nhuận” và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ bên ngoài. Vì vậy, hạn chế và ngăn cấm nhận tài trợ là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội. Nhiều Nhận định của các cơ quan giám sát nhân quyền quốc tế đã ủng hộ mạnh mẽ quyền tiếp cận tài trợ của các tổ chức xã hội dân sự. Do đó, không thể quy tội cho Hội Anh Em Dân Chủ trong việc nhận tài trợ từ bên ngoài.

Yêu cầu

Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi yêu cầu Tòa án Hà Nội phải xem xét đình chỉ vụ án Hội Anh Em Dân Chủ và trả tự cho ngay tại phiên tòa cho các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà. Điều mà chúng tôi, trong tư cách là công dân Việt Nam, cần và đòi hỏi ở một tòa án của nhà nước của dân, do dân và vì dân là sự bảo vệ CÔNG LÝ và tôn trọng QUYỀN CÔNG DÂN.

Lập vào ngày 2 tháng 4 năm 2018

1- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Phan Văn Lợi.

2- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Kỹ sư Đỗ Nam Hải, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

3- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải, Linh mục Nguyễn Công Bình

***

Kính mời Quý Tổ chức chính trị, xã hội và Quý Cá nhân tham gia. Quý Tổ chức xin ghi tên người đại diện. Quý Cá nhân xin ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, tỉnh thành (nếu ở trong nước), quốc gia (nếu ở nước ngoài).

Vì tình thế cấp bách, chúng tôi sẽ khóa sổ vào 12g trưa ngày thứ 4, mồng 4 tháng 4 (giờ Việt Nam). Xin gởi chữ ký về địa chỉ email: phanvanloi@fvpoc.org.

Xin chân thành cảm ơn.

Tổ chức khởi xướng: Hội Cựu Tù nhân Lương tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad