“Nhân dân nào, lãnh tụ ấy” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

“Nhân dân nào, lãnh tụ ấy”


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bắt tay với Nguyễn Phú Trọng (trái), Tổng thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi tuyên bố chung tại Cung điện Elysee ở Paris vào ngày 27 tháng 3 năm 2018. / Photo: Gettyimages

Cuộc thăm viếng chính thức Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và năm năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam đã xong. Viện Élysée đã ra một tuyên bố chung ngày 29/03/2018.

Tổng thống Macron là một vị nguyên thủ quốc gia do dân bầu, đại diện cho 65 triệu dân Pháp. Ông Nguyễn phú Trọng chỉ là Tổng bí thư của một đảng chính trị, nhưng vì gần 100 triệu dân Việt vì lý do này hay lý do khác, không phủ nhận được là ông Trọng nắm hết quyền lực cai trị Việt Nam trong tay, nên muốn bàn chuyện về quan hệ ngoại giao và quan hệ chiến lược giữa hai nước Pháp-Việt, thì tổng thống Pháp Macron gặp gỡ và bàn tính, ký kết với ông Trọng, là điều bình thường.

Dù có đau và nhục cách mấy thì cũng không chối bỏ được là “Nhân dân nào, lãnh tụ ấy” hay đúng ra “Dân trí nào, lãnh tụ ấy”. Ông Nguyễn phú Trọng lấy quyền nào để đại diện gần 100 triệu dân Việt là vấn đề của người Việt, không phải là vấn đề của người Pháp và tổng thống của họ.

Các Toà Đại sứ quốc tế tại Việt Nam muốn liên lạc với người dân Việt

Các Toà Đại sứ quốc tế thường tự giới thiệu là được thành lập nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, dựa trên những giá trị, lợi ích và thách thức chung… Và trong thời buổi internet, họ tìm cách trao đổi tin tức trực tiếp với người dân qua những công cụ mạng xã hội như Facebook, Twitter

Tuyên bố chung Pháp-Việt ngày 29/03/2018 cũng đã được Toà Đại sứ Pháp tại Hà Nội cho dịch qua tiếng Việt và đăng tải trên facebook sáng sớm ngày 30/03. Chỉ tiếc cho tới nay không thấy có sự chú ý nào của người Việt và cũng chẳng ai lên tiếng phê bình hay góp ý.

Cũng như ròng rã gần 3 tháng nay, Toà Đại sứ Đức cho đăng trên facebook những đề tài như quyền con người, bảo đảm tự do, nhà nước pháp quyền, an toàn pháp lý, tính độc lập của toà án, tự chủ đại học, chương trình và các bộ chuyên trách chống tham nhũng… cũng chẳng thấy được người Việt hưởng ứng tham dự, bàn cãi, học hỏi.

Tuyên bố chung Pháp-Việt ngày 29/03/2018

Sau những đưa đón, chào hỏi theo nghi thức ngoại giao đưa tới những suy đoán miên man của mọi phía, bản tuyên bố chung là kết quả chính thức và rõ rệt của cuộc gặp gỡ giữa TT Macron và ông Trọng, viết trên giấy trắng mực đen để tồn tại và mọi người có thể dựa vào đó để kiểm soát những việc làm của đôi bên.

Bản tuyên bố gồm 29 điều không hoàn toàn độc lập với nhau, mà bị ràng buộc bởi Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc như được nhắc tới trong điều 2, ngay sau phần định rõ tính chính danh của bản tuyên bố.

Điều 2: Hai bên tái khẳng định vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế cũng như thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững. Hai bên tái khẳng định coi trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

– Hai bên nhất trí theo đuổi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác trên tinh thần cùng có lợi. 

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết, vì sự phát triển của mỗi nước.

– Việt Nam và Pháp nhắc lại sự coi trọng các mục tiêu và nguyên tắc mà các cơ quan của Liên Hợp Quốc theo đuổi, trong đó có tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra bản tuyên bố còn lần lượt nêu lên ảnh hưởng quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, quan hệ giữa ASEAN và Liên minh Châu Âu EU, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982… trước khi nhắc đến những hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Đề tài nóng bỏng Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt nam và EU dĩ nhiên được đem ra thảo luận, nhưng chỉ có một con đường để xúc tiến, là tuân thủ Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA): Nền pháp trị và Quyền con người là tiền đề cho mọi hợp tác trong các lãnh vực khác.

Trong diễn văn chào mừng ông Nguyễn phú Trọng, TT Macron đã tỏ ý muốn giúp đỡ nhà cầm quyền VN xây dựng một ‘Nhà nước pháp quyền”, một cơ cấu mà tổng thống cho rằng rất thiết yếu để có một quốc gia vững mạnh.

“Vous avez, ces dernières années, conduit des réformes extrêmement importantes pour poursuivre justement l’achèvement de l’Etat de droit, les structures institutionnelles indispensables à votre pays. Je souhaite que la France puisse vous aider dans ce chemin.”

Hiểu bối cảnh quốc tế

Ông Nguyễn phú Trọng chắc chắn biết rõ Trung quốc đã nắm Việt Nam trong tay như thế nào và đang từ từ xiết cho ngộp thở, nên cũng không thể đóng cửa chỉ “chơi” với họ. Nhưng ông cần phải xuất ngọai thăm các nước Âu châu tân tiến nhiều hơn nữa để mở rộng tầm nhìn. Cái vốn liếng Max-Lenin của ông khiến ông khẳng định “nhà nước ta không tam quyền phân lập” nhưng khi muốn giao thiệp với những nước dân chủ có tam quyền phân lập thì dù muốn dù không ông cũng phải tôn trọng luật chơi. Ngày nào ông hiểu rằng không một tổng thống Cộng Hoà Pháp nào có thể hành xử ngược lại với câu mở đầu của Hiến Pháp: Nhân dân Pháp trịnh trọng tuyên bố sự gắn bó của mình với các Quyền con người… (Le peuple français proclame solennellement son attachement aux Droits de l’homme …) thì ông sẽ không phải loay hoay với những tính toán thấp bé, đã chẳng đi tới đâu mà còn quay lại đập vỡ mặt ông như vụ đi thuê báo đăng bài viết của mình để quảng cáo.

Hợp tác trên tinh thần cùng có lợi
Mọi hợp tác chỉ có thể tối ưu và lâu dài nếu đôi bên cùng có lợi.

Cách đặt vấn đề với TT Macron của ba tổ chức Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hội Nhân quyền Pháp quốc, là một cách tiêu biểu:

Thưa Tổng Thống,

Chúng tôi không chối bỏ điều quan trọng cho việc phát triển mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, miễn sao mối quan hệ này không gây thiệt hại đến hồn linh của Tổ quốc Nhân quyền và phúc lợi của nhân dân Việt Nam. Tổng Thổng không thể nào mở rộng vòng tay đón kẻ độc tài Nguyễn Phú Trọng khi chưa đặt nặng uy thế của Tổng Thống để hướng dẫn Việt Nam biết tôn trọng nhân quyền và bảo đảm thực thi các quyền cơ bản như chính Việt Nam đã cam kết với Cộng đồng quốc tế.

Thật cấp bách cho nước Pháp yêu sách mạnh mẽ và quyết liệt để Việt Nam thực hiện những nghĩa vụ quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, khởi đầu bằng việc trả tự do tức khắc cho các tù nhân vì lương thức, chấm dứt các cuộc sách nhiễu, bạo hành công an và mọi hình thức hăm doạ khác đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự, hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như chấm dứt đàn áp tôn giáo. Theo kỳ hạn, Việt Nam phải huỷ bỏ hàng loạt điều luật chống-nhân-quyền. Nếu Tổng Thống chẳng yêu sách gì cả, sẽ là niềm thất vọng vô biên cho toàn thể xã hội dân sự Việt Nam.


Bài này xin kết thúc bằng lời kêu gọi chính chúng ta, những người Việt Nam, phải tối thiểu làm một dấu hiệu chứng tỏ cho quốc tế biết là dân Việt rất lưu tâm đến các quyền Dân sự và Chính trị như đã ghi rõ trong bản Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, ICCPR) của Liên Hiệp Quốc. Ngày 5/4/2018 xin mời hãy buộc một dải ruy băng vàng.


© Thục Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad