Hãy giải cứu sông Nhuệ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Hãy giải cứu sông Nhuệ


Một góc dòng sông Nhuệ tại Hà Nội.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Điểm bắt đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc, lnước vào từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sông dài khoảng 76 km. Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ v.v.. Đoạn từ Cầu Bươu trở xuống Hà Nam chảy qua nhiều làng nghề truyền thống lâu đời gồm các làng chuyên làm tương, miến, bánh đa như Cự Đà, Khúc Thủy, Phú Diễn.

Theo người dân tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, ngày xưa nước sông Nhuệ trong xanh, họ có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ hơn hai mươi năm trở lại đây, nước sông trở nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thôi.

Ông Chi - ông Từ Đền Quảng Minh cho biết:

"Ngày xưa, cách đây khoảng chừng độ ba chục năm, chúng tôi vẫn tắm, giặt, tất cả mọi thứ sinh hoạt toàn ở bên sông hết, dùng nước sông này cả. Thế nhưng mà ba chục năm trở lại đây, thì không thể nào, đến rửa chân, rửa tay còn không dám rửa, bởi vì nước ô nhiễm ở nội thành đổ về rất là bẩn. Ngay như năm 76 mà tôi về phục viên, gánh nước sông này về, để lắng độ 2 tiếng, lắng trong xuống thế là ăn, ăn uống thoải mái."

Ông Tạ Xuân Trúc cũng nói: "Ngày xưa nước sông đây rất sạch, chúng tôi ra tắm rửa, giặt rũ đủ. Nếu bí không có nước ăn, thì gánh về đổ vào bể, cho nó trong để ăn. Nhưng bây giờ thì bẩn không chịu được rồi. Không làm gì được, cá cũng chết, người không làm gì được. Rau cỏ mọc lên không ăn được, ăn độc lắm."

Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trên dòng Sông Nhuệ được người dân cho là do nước thải từ nội thành Hà Nội qua hệ thống thoát nước và sông Tô Lịch đổ vào, bên cạnh đó là những cơ sở sản xuất nhựa và giặt là xung quanh dòng sông phát thải trực tiếp ra môi trường, như ở ngay đầu làng Quảng Minh. Một người dân tên Vân trình bày:

"Khi mà xưởng giặt là người ta đến lúc xả ra, thì nước rất là đen, rất là bẩn. Mà cụ thể là cái ống xả ra nó không phải nằm ở trên khơi, mà nằm ở đáy sông này. Cho nên là rất ảnh hưởng. Những buổi chiều mà gió đưa xuống là dân làng rất là sợ mùi của nhựa, mùi của các thứ. Ngay khu đầu làng, ai lên cũng có thể thấy."

Còn một phần khác xuất phát từ chính ý thức của người dân hai bên sông đã vứt rác thải sinh hoạt và nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ ra sông.

Ông Chi nêu rõ: "Đấy! Bác cứ xem đây này! Dân nhà mình, tất nhiên một phần cũng do dân nữa. Đấy, rá rưởi cứ đổ hết ra vệ sông. Cho nên, ý là sạch mình, nhưng bẩn người, ý thức của dân cũng là kém. Nhưng mà ngược lại, chủ yếu nhất là nước phế thả của thành phố Hà Nội đổ ra rất là bẩn."

Tuy sông Nhuệ ô nhiễm nhiều năm nay, nhưng nguồn nước trên con sông này vẫn được bơm vào đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bởi không có nguồn nước khác thay thế.

Ông Tạ Xuân Trúc nói về điều này: "Cấy lúa thì đành phải chấp nhận thôi! Chứ nếu mà nước sạch thì bảo đảm hơn. Nước này nó bẩn thì đành phải chấp nhận. Người nông dân đi cấy không có ủng thì ngứa hết cả chân tay. Thế nên phải có ủng chân ủng tay, người ta mới cấy bảo đảm."

Nguồn nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản, nguồn nước ngầm, môi trường không khí dẫn đến tình trạng sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Điều này cũng được ông Chi xác nhận:

"Đến bây giờ, bệnh ung thư với làng này là rất nhiều. Hầu như là 10 người qua đời, thì 9 người mắc bệnh ung thư là chết. Thế còn các cụ già không bệnh tật gì mà già chết thì ít lắm, chủ yếu là bệnh ung thư, vì nó (nguồn nước) nhiễm asen rất là nhiều. Nếu nói nguồn nước mà đưa ra xét nghiệm, thì thực ra mà nói, (nồng) độ asen phải nói là gấp hàng bao nhiêu lần so với yêu cầu thực tế."

Một phụ nữ địa phương tên Hòa nêu ra thực tế: "Mỗi một khi nhà cô mà mở cửa này ra - chuyên môn là đóng cửa sổ, nếu mà mở ra thì không thể nào chịu được. Suốt từ hồi cách đây chục năm, dòng sông này ô nhiễm quá. Nguyên cái làng này, không phải nói các cụ già chết đã đành, nhưng bây giờ trẻ cũng bị ung thư rất nhiều, mà cứ toàn bị họng, ho, phổi, não cũng nhiều. Cứ đi viện nào thì bị trả về."

Cho đến nay, người dân trong lưu vực sông Nhuệ chưa bao giờ được thực hiện khảo sát tổng thể về vấn đề sức khỏe do tác động của ô nhiễm môi trường, nên không hề có bất cứ phương án phòng chống tác hại và chăm sóc y tế tại cơ sở được đưa ra. Người dân chỉ còn biết tự hạn chế sử dụng nguồn nông sản được làm ra tại địa phương và tránh tiếp xúc với nước ô nhiễm.

Phía chính quyền thành phố Hà Nội và cấp huyện có bàn đến vấn đề ô nhiễm các con sông trên địa bàn và cũng từng đưa vào nghị quyết với một số biện pháp làm sạch môi trường tại khu dân cư, như tuyên truyền giáo dục người dân không vứt rác thải xuống sông, xây dựng các tuyến bờ kè và nạo vét một số đoạn sông.

Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa phải là cơ bản để giải cứu dòng sông chết này. Người dân sinh sống ở hai bên bờ sông vẫn mong mỏi chờ đợi một giải pháp triệt để và thực sự hiệu quả từ các cấp trung ương đến địa phương.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad