Đại sứ Kritenbrink: Mỹ ủng hộ nỗ lực trùng tu nghĩa trang Biên Hòa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Đại sứ Kritenbrink: Mỹ ủng hộ nỗ lực trùng tu nghĩa trang Biên Hòa


Nghĩa trang Biên Hoà

Sáng hội Việt Mỹ hay còn gọi là VAF ngày 5/5/18 tổ chức Diễn đàn Houston, tại thành phố Houston, bang Texas, để báo cáo những thành quả và khó khăn trong việc cải tạo, trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hòa, cũng như trong việc tìm kiếm và cải táng hài cốt của binh sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong các trại tù cải tạo của Cộng sản.

Tham dự sự kiện này có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink,cùng Tùy viên Quân sự Mỹ, ông Tôn Thất Tuấn.

Kể từ năm 2007, Sáng hội Việt Mỹ VAF đã tiến hành tìm kiếm, cải táng hài cốt binh lính Việt Nam Cộng hòa, trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hoà vốn bị bỏ hoang trong một thời gian dài sau năm 1975.

Tính nay, nhờ sự đóng góp tài chính của cộng đồng người Việt ở Mỹ và sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn 10.000 ngôi mộ đã được trùng tu, cùng hàng trăm bộ hài cốt tử sĩ Việt Nam Cộng hòa được qui tập.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink, trong bài phát biểu về tình hình quan hệ hai nước Việt-Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của VAF trong dự án đầy tính nhân văn này.

“Tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng về những tiến bộ đã đạt được trong việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, nhờ vào những nỗ lực của Sáng hội Việt Mỹ. Sự năng nổ của những tổ chức như VAF trong việc tiến hành những trao đổi mang tính xây dựng với phía Việt Nam nhằm cải tạo nghĩa trang Biên Hòa, và xử lí những vấn đề di sản chiến tranh khác là rất truyền cảm hứng. Đó là việc cần phải làm, cho dù không hề đơn giản và dễ dàng,ông Kritenbrink nói.

Theo lời đại sứ Kritenbrink, hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam không có bất kì thoả thuận nào liên quan đến nghĩa trang quân đội Biên Hoà, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luôn ủng hộ những nỗ lực của VAF cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong vấn đề này.

Trước đó, hôm 29/03/2018, đại sứ Kritenbrink cùng Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, bà Mary Tarnowka, đã đến viếng và thắp hương tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Đại sứ Kritenbrink chia sẻ trên trang fanpage của ông rằng: “Trong quá trình chúng ta hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh và như một phần của quá trình hàn gắn, chúng ta bày tỏ sự tôn trọng đối với tất cả những người đã hy sinh thân mình, bất kể họ đứng ở bên nào.”

Nghĩa trang Biên Hòa kể từ sau năm 1975 luôn là một vấn đề nhạy cảm với chính quyền Việt Nam. Đã có những tố cáo và chỉ trích rằng phần lớn diện tích nghĩa trang rơi vào tình trạng hoang tàn, xuống cấp kéo dài vì sự thiếu thiện chí của phía Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đạc Thành, sáng lập viên Sáng hội VAF cho biết dự án trùng tu nghĩa trang Biên Hòa cũng như cải táng hài cốt tù cải tạo hiện nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía chính quyền Việt Nam:

“Chính phủ Việt Nam không thể tự nhiên đi tu bổ nghĩa trang, hoặc tìm kiếm hài cốt của anh em quân lực Việt Nam Cộng hòa, bởi vì của họ họ còn chưa làm xong, rồi họ trả lời làm sao với bên người quân nhân của họ, nhưng nếu chúng ta không lên tiếng thì chính phủ Việt Nam làm sao giúp được. Nếu không có sự giúp đỡ ủng hộ của bên phía chính phủ Việt Nam thì không thể nào mười ngàn ngôi mộ được trùng tu một cách nhanh như thế.

Ngoài những khó khăn khách quan và chủ quan, ông Thành còn cho biết dự án nhân đạo của VAF còn gặp một số chỉ trích từ phía cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhiều người lên tiếng nghi ngờ mục đích của hội, đồng thời phản đối việc hội hợp tác với chính quyền Việt Nam.

“Đây là việc làm nhân đạo, nhưng mà có những người đã đưa vào vấn đề chính trị,ông Thành nói.

Hiện tại, VAF đang phối hợp với chính quyền địa phương của Việt Nam tiến hành xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sá bên trong nghĩa trang, và trong thời gian tới dự kiến mở rộng chương trình tìm kiếm hài cốt tử sĩ.

“Chúng tôi sẽ đưa vấn đề tìm hài cốt của những người mất tích trong chiến tranh Việt Nam, bất kể người đó là ai, bởi vì sự đau khổ của người Việt Nam không có cái đau khổ nào là khác đau khổ nào cả. Nước mắt của người vợ Việt Nam, Bắc hay Nam đều là nước mắt của sự đau khổ. Hi vọng rằng trong tương lai, chính phủ Mỹ, chính phủ Việt Nam và chúng tôi sẽ có một hành động tương xứng để đem tất cả hài cốt của những người không may mắn chết trong chiến tranh về với gia đình, sáng lập viên Sáng hội VAF chia sẻ.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad